11/10/2020 12:00:00 AM GMT+7

Hành trình tiếp nối truyền thống

Hành trình “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai” do Tỉnh đoàn tổ chức vừa diễn ra trong những ngày đầu tháng 11 đầy ý nghĩa. Hành trình là một dấu ấn trong cuộc đời của mỗi thanh thiếu nhi Bình Dương với niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc và lòng kính yêu Bác...

 

Đoàn đại biểu thanh thiếu nhi Bình Dương tổ chức lễ báo công dâng Bác tại đình Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang

 Nhớ Bác, học và làm theo Bác

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, muôn vàn kính yêu của dân tộc đã khắc sâu vào triệu triệu trái tim con người Việt Nam. Mỗi chúng ta luôn hướng về Bác với lòng tôn kính và là niềm tự hào của đất nước. Để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc và ghi nhớ công ơn của Người, đoàn thanh thiếu nhi Bình Dương đã đến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội, vinh dự báo công lên Người về những thành tích mà tuổi trẻ địa phương đã đạt được.

Từ miền Nam xa xôi, sau bao chờ đợi, những tâm hồn của tuổi trẻ Bình Dương theo từng đoàn người nghiêm trang xếp hàng vào lăng viếng Bác. Bước vào không gian Quảng trường Ba Đình, mọi người cảm nhận ngay không khí trang nghiêm nhưng thật dạt dào cảm xúc. Quảng trường Ba Đình Hà Nội gợi nhớ cho cả đoàn về sự kiện lịch sử vĩ đại khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…

Cả đoàn được hướng dẫn xếp hàng ngay ngắn hòa cùng dòng người vào lăng. Chúng tôi lặng lẽ vàthành kính chầm chậm đi qua chỗBác nằm. Được thấy Bác, dường như ai cũng muốn thời gian ngừng trôi để ngắm nhìn thật kỹ dáng ngủ yên bình của Bác; muốn không gian lắng đọng lại để những cảm xúc kính yêu Bác dâng trào. Nhịp chân khi xếp hàng chờ được vào viếng Bác càng nóng lòng bao nhiêu, thì khi đứng trước Người, ai nấy càng chậm rãi bấy nhiêu, muốn khoảnh khắc ấy dài hơn. ..

Nhà thơ Viễn Phương đã từng viết: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Bác như mặt trời - Người đã đem lại cuộc sống tự do cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi đêm dài nô lệ. Bồi hồi xúc động, anh Trần Quang Tuyên, giáo viên Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Dĩ An C (TP.Dĩ An), chia sẻ: “Được nhìn thấy Bác như được tiếp thêm sức mạnh, vững vàng hơn để phấn đấu làm tốt công việc. Tôi sẽnhớ mãi giây phút được nhìn thấy Bác, rất thiêng liêng. Nhớ Bác, tôi tự nhủ sẽtiếp tục cống hiến sức trẻ nhiều hơn nữa cho quê hương” .

Sau khi viếng lăng Bác, cả đoàn di chuyển vào Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, là nơi sống và làm việc lâu nhất của Người. Nơi đó vẫn còn hơi ấm của Người - vị cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người đã hy sinh cả cuộc đời mình vì nước, vì dân. Các di tích nhà 54, nhà sàn, đường xoài, ao cá, nhà 67, phòng làm việc của Bác… vẫn như hiện hữu bóng dáng và hơi ấm của Người. Khi chúng tôi thấy nơi Bác ở, từng dụng cụ sinh hoạt thường ngày mới cảm nhận được hết nếp sống vô cùng giản dị, tiết kiệm của Bác.

Hành trình tiếp nối truyền thống là để những người trẻ như chúng tôi tự soi xét lại mình, rèn luyện, vươn lên và học tập, làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Bác. Những giờ phút bên lăng Bác Hồ và ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trôi qua nhanh. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng để lại trong đoàn thanh thiếu nhi Bình Dương biết bao kỷ niệm. Với vai trò và trách nhiệm bảo vệ, xây dựng đất nước giàu mạnh, trong lòng mỗi người thanh thiếu nhi Bình Dương không khỏi quyến luyến, bùi ngùi: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt/ Mai về miền Nam nhớ Bác khôn nguôi” (Viễn Phương).

Những bài học lịch sử

Tại thủ đô Hà Nội, đoàn thanh thiếu nhi của tỉnh còn đến thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở quận Ba Đình. Những hiện vật lịch sử như máy bay, xe tăng thời chiến tranh tại bảo tàng đã lôi cuốn sự tìm hiểu của cả đoàn. Mọi người được giới thiệu đây là một bảo tàng duy nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam trưng bày các hiện vật khối lớn, các vũkhí, phương tiện chiến tranh của cả Việt Nam và đối phương ở ngoài trời. Bảo tàng lưu giữ và trưng bày khoảng 150.000 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự, phản ánh bối cảnh các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược từ thời các vua Hùng cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Chúng tôi như đang “theo dòng lịch sử” và cảm thấy tự hào về truyền thống đấu tranh hào hùng của các thế hệ cha ông đi trước. Trong đoàn thanh thiếu nhi của tỉnh, nhiều thanh niên, học sinh đã nhanh tay dùng giấy bút để ghi chép sự kiện lịch sử, chụp ảnh những chứng tích, hiện vật để làm kiến thức, hành trang cho cuộc đời. Em Huỳnh Thị Ái Thanh, học sinh trường THPT Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng), chia sẻ: “Đến tham quan bảo tàng, em cảm nhận được sự đau thương, mất mát của chiến tranh gây ra trên đất nước ta. Chúng em ấn tượng và tự hào về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc; vô cùng biết ơn các thế hệ cha ông đi trước và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc để hôm nay chúng em được sống trong hòa bình. Em sẽcốgắng học tập để trở thành công dân có ích cho xã hội, đóng góp chút công sức xây dựng quê hương, đất nước...”.

Rời thủ đô Hà Nội, hành trình của đoàn lại đến với tỉnh Tuyên Quang trong một buổi sớm mai. Cả đoàn tiếp tục dòng truyền thống lịch sử tại điểm đầu tiên là tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Công trình là biểu tượng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Về với Tuyên Quang, đoàn đã đến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đoàn thanh thiếu nhi Bình Dương thật vinh dự khi được đặt chân đến “Thủ đô kháng chiến”, được sống lại không khí hào hùng, được nghe những câu chuyện giản dị về Bác và những năm tháng gian khổ không thể nào quên của lịch sử cách mạng Việt Nam. Cả đoàn đến Khu di tích đình Tân Trào để báo công dâng Bác, dâng hương tưởng niệm. Người hướng dẫn viên khu di tích đã giúp chúng tôi biết được dưới mái đình này, ngày 16-8-1945 đã diễn ra họp Quốc dân Đại hội để quyết định tổng khởi nghĩa, đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định Quốc kỳ, Quốc ca và cử ra một Chính phủ lâm thời… Chiến khu cách mạng Tân Trào có vị trí đắc địa về mặt quân sự, tháng 8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn nơi đây để xây dựng Thủ đô khu giải phóng. Thủ đô khu giải phóng đã đóng vai trò to lớn vào thành công của Cách mạng Tháng Tám, là trung tâm chỉ đạo tổng khởi nghĩa và giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc.

Ở Tân Trào còn có lán Nà Nưa - nơi Bác Hồ kính yêu đã sống và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Theo chân hướng dẫn viên khu di tích, cả đoàn tiếp tục đến di tích gốc cây đa Tân Trào, làng Tân Lập và được biết dưới tán cây đa, chiều ngày 16-8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số1 và hạ lệnh xuất quân tiến về giải phóng Hà Nội… Tân Trào là trung tâm của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mỗi địa danh, mỗi di tích ở đây đều có ý nghĩa lịch sử quan trọng và nay đã trở thành “địa chỉ đỏ” để nuôi dưỡng tinh thần cách mạng cho thanh thiếu nhi.

Em Nguyễn Đặng Thùy Trang, học sinh trường THCS Trần Đại Nghĩa (TP.Thuận), bày tỏ: “Đến Tân Trào, được tìm hiểu các di tích là niềm vinh dự của em. Vì nơi đây đã diễn ra những khởi đầu của kháng chiến - mốc son lịch sử cách mạng Việt Nam. Em rất tự hào về những chiến công và sẽkhắc ghi công ơn của thế hệ cha ông đi trước, càng thêm kính yêu Bác và yêu quê hương, đất nước Việt Nam”...

Nguồn: BDO (MH)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54857138
Hôm nay: 15114
Đang online: 110
Về đầu trang