8/2/2021 12:00:00 AM GMT+7

Phát huy sức mạnh của Đại đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến chống Covid ở tỉnh Bình Dương hiện nay

TTBD - Đất nước Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước, đấu tranh giữ nước, suốt chiều dài lịch sử oai hùng đó, nhân dân ta luôn phải đối mặt với không ít nỗi đau mất mát để giành được nền độc lập tự do như ngày nay. Hòa bình lập lại, Đất nước thống nhất, bắc nam sum họp một nhà. Dưới dự lãnh đạo tài tình của Đảng, toàn dân đồng lòng, chung tay bảo vệ và xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Tuy nhiên, đất nước chúng ta một lần nữa phải gồng mình chống lại trận đại dịch đe dọa tính mạng hàng triệu người, đã và đang bùng lên trên toàn cầu, đó là đại dịch Covid-19. Trận chiến lần này tuy không có khói lửa, súng đạn nhưng lại hiểm nguy và vô cùng khắc nghiệt, khó khăn, thử thách đồi với mỗi con người Việt Nam chúng ta, nhưng khi đặt vào hoàn cảnh nguy cấp cũng là lúc phát huy tối đa những truyền thống cao quý, đáng tự hào của dân ta trước toàn thế giới, đó chính là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức, trách nhiệm và đặc biệt là tinh thần yêu nước không gì ngăn cản được.

Đứng trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra rất phức tạp, thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng, nhà nước, toàn dân đã quyết tâm “Đoàn kết” thực hiện nghiêm túc chỉ thị của chính phủ nhằm chung tay, góp sức đẩy lùi đại dịch. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang là một trong những địa phương có tình trạng dịch bệnh bùng phát nặng nề nhất, để khắc phục mọi khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, toàn hệ thống chính trị tỉnh nhà đang vào cuộc xung trận trên mặt trận chống Covid 19 đầy gay go, chính lúc hiểm nguy cấp bách này, cần phải phát huy tối đa sức mạnh của cả dân tộc, sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân để có sự đồng lòng, tạo nên một sức mạnh to lớn vốn có từ nhân dân mà bất kỳ khó khăn nào cũng vượt qua được.


1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.


Theo chủ tịch Hồ Chí Minh: Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề mang tính chiến lược sống còn, bảo đảm thành công của cách mạng. “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[1]. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh, thời kỳ nào mà nhân dân ta đoàn kết "trên dưới một lòng" thì hưng thịnh, còn ở thời kỳ nào mà lòng dân ly tán, chia rẽ thì cũng là lúc thù trong, giặc ngoài xâm lấn, dân tộc có nguy cơ mất nước. Hồ Chí Minh nhận thấy, các cuộc đấu tranh cứu nước của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX bị thất bại nguyên nhân cội nguồn là cả nước đã không đoàn kết được thành một khối thống nhất.


Người cho rằng muốn đưa cách mạng đến thành công phải có lực lượng cách mạng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng thành công xã hội mới; muốn có lực lượng cách mạng mạnh phải thực hiện đại đoàn kết dân tộc, quy tụ mọi lực lượng cách mạng thành một khối vững chắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[2]. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”[3]


Ở mỗi thời kỳ cách mạng, chính sách và phương pháp tập hợp lực lượng cần phải điều chỉnh để phù hợp với các nhóm đối tượng cho phù hợp, song đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc luôn được Người xác định là chiến lược sống còn, là yêu cầu khách quan của cách mạng, là chân lý của thời đại. Người dạy rằng, “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”[4]. Đó chính là con đường đưa dân ta tới độc lập, tự do. Nhờ đoàn kết tạo nên sức mạnh, là nhân tố then chốt bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng. Hồ Chí Minh khắng định: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết -Thành công, thành công, đại thành công. Người chỉ rõ đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề sống còn quyết định sự thành công của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và nhất quán trong đường lối cách mạng của Đảng ta ở mọi thời kỳ cách mạng.


Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, dù đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn do chiến tranh kéo dài nhưng tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam hơn lúc nào hết lại hừng hực trong mỗi người dân với quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn to đẹp hơn” như Bác Hồ từng mong muốn. Và tinh thần đoàn kết dân tộc còn được phát huy mạnh mẽ trong việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, và đại hội các cấp. Tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đã lựa chọn những đại biểu tiêu biểu đủ đức, tài xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân.


2. Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến chống Covid- 19 ở tỉnh Bình Dương hiện nay.


Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang diễn biến rất phức tạp, kéo dài, số ca nhiễm tăng nhanh, y tế, an sinh xã hội gặp rất nhiều khó khăn, vất vả cho toàn hệ thống chính trị tỉnh nhà. Lúc thực tiễn cần chứng minh nhất thì tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sẻ chia “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” lại trỗi dậy trong mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân Bình Dương nói riêng.


Kể từ khi đại dịch covid -19 bùng phát giữa năm 2021, chưa bao giờ từ tinh thần “Đoàn kết” của dân tộc lại được nhắc đến nhiều như vậy và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam được phát huy bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Toàn dân ta chung tay, góp sức đối phó với một thứ giặc mới đang hằng ngày, hằng giờ đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng của người dân. Các tầng lớp nhân dân biểu hiện lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực, hiệu quả; nhiều nguồn lực trong xã hội được huy động cho công tác phòng chống dịch.


Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ cho địa phương, hình ảnh những đoàn xe nghĩa tình chi viện cho Bình Dương chắc hẳn ai cũng cảm thấy ấm lòng. Đã có hơn 500 các y bác sỹ, tình nguyện viên từ Đại học Y Hà Nội, Bắc Giang, Bình Phước, Lâm đồng, Hải Dương chi viện hỗ trợ Bình Dương với tinh thần “San sẻ yêu thương, cùng Bình Dương vượt qua đại dịch”. Cùng lúc đó, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa...


Trong những ngày qua, chúng ta đã thấy sự đồng lòng, quyết tâm của cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng trong cuộc chiến đấu chống đại dịch. Mọi tầng lớp nhân dân Bình Dương đồng tâm hiệp sức với chiến sĩ lực lượng vũ trang, lực lượng y tế từ y tá, bác sĩ, nhân viên; lực lượng thanh niên xung kích… đã ra quân đồng loạt, bất kể ngày đêm để truy vết, ngăn chặn sự lây lan; các lực lượng chính trị nòng cốt ở mọi ngành, mọi giới đã góp sức, góp tiền để tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân ở khu vực phong tỏa, hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ sự lây nhiễm cho lực lượng đang túc trực ở tâm dịch; những bếp lửa ấm tình đồng bào được duy trì để tiếp cơm nước cho chiến sĩ, dân, quân ở mặt trận phòng, chống dịch; cỗ máy ATM gạo lại khởi động để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn… Tất cả những nghĩa cử cao đẹp ấy được kết tinh từ truyền thống “Máu chảy ruột mềm”,“Thương người như thể thương thân”.


Đặc biệt với lực lượng Đoàn viên, Thanh niên tỉnh, chưa bao giờ họ đối mặt với khó khăn và thực hiện nhiệm vụ tình nguyện trong hoàn cảnh nguy hiểm, vất vả như hiện nay. Ngay từ khi phát hiện nhiễm Covid –19 đầu tiên tại Bình Dương, Ban thường vụ tỉnh Đoàn đã kịp thời chỉ đạo, lập các đội hình tham gia tình nguyện chống dịch, Tuổi trẻ Bình Dương thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, đặt nhiệm vụ chống dịch cùng với các cấp chính quyền và toàn xã hội phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.Với khẩu hiệu “Thanh niên Bình Dương - Kiên cường chống dịch”, bằng tình cảm, sự yêu thương và sẻ chia, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Dương đã tổ chức các đoàn công tác đến thăm và tặng các suất hỗ trợ cho các khu vực cách ly, phong tỏa trên địa bàn. Đoàn công tác đã đến thăm, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần các bạn đoàn viên, thanh niên, đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng quân sự, công an đang trực tiếp hỗ trợ các khu vực cách ly, phong tỏa phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Qua những hành động tình nguyện, xung kích đầy ý nghĩa đó Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân…Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn tỉnh, số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.


Nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa, ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19”. Lời hiệu triệu sâu sắc đã nhấn mạnh thông điệp về đoàn kết: “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Mỗi người dân lúc này là một chiến sĩ trên mọi mặt trận: thể lực, sức khỏe, tinh thần và công việc, trách nhiệm xã hội, ý thức xã hội... Chúng ta có những chiến sĩ áo xanh ngời sáng phẩm chất “bộ đội cụ Hồ”, chúng ta cũng có những y bác sỹ - chiến sĩ áo trắng đang căng mình ở tuyến đầu của trận chiến chống virus SARS-CoV-2... Chúng ta có những người dân bình dị mà cao quý với những nghĩa cử đẹp, hành vi đẹp, lời nói đẹp. Chúng ta chia sẻ cho nhau niềm yêu thương, sự cảm thông, nỗi lo lắng và tri thức, hiểu biết về dịch bệnh. Chúng ta ủng hộ, lan tỏa điều tốt và đấu tranh với những hành vi thiếu trung thực trong khai báo, thiếu trách nhiệm trong giao tế, tiếp xúc xã hội.


Đoàn kết được nhắc đến nhiều lần, không phải là mỹ từ để hô khẩu hiệu, mà đoàn kết là thực tế hiển hiện sinh động và là yêu cầu gắt gao của thời cuộc. Đoàn kết là sức mạnh. Vậy sức mạnh đoàn kết từ đâu ra? Người Việt hiểu sức mạnh của mình từ đâu đến, bởi vì chúng ta có truyền thống, có lịch sử, có văn hóa và văn hiến làm điểm tựa, chúng ta có sự bền bỉ, kiên tâm vượt qua nghịch cảnh. Dân tộc Việt Nam đã trải qua chiến tranh, chiến thắng nhân tai, địch họa, thiên tai, dịch bệnh... Bài học của lịch sử để lại và di truyền trong máu chúng ta là tính cố kết cộng đồng được nâng lên thành đoàn kết. Mỗi khi gặp khó khăn thì truyền thống yêu nước, nhân nghĩa lại được lan tỏa, bồi đắp. Tất nhiên, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đoàn kết phải được củng cố vững bền thêm ở những hình thái khác. Đó là ý thức công dân, là trách nhiệm xã hội, là kỷ luật, tự giác, là đồng lòng vì cái chung và cũng vì mối an nguy của riêng mỗi người. Mỗi người dân góp phần việc của mình, chia sẻ điều kiện của mình là đoàn kết. Rửa tay thường xuyên, tập thể dục, hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang, khai báo y tế trung thực, cập nhật thường xuyên thông tin, nhắc nhở người thân, gia đình biện pháp phòng dịch... là đoàn kết, là yêu nước.


Đoàn kết tại thời điểm này chính là cách thức mà người dân phải ý thức liên kết với nhau để chung sức, chung lòng đẩy lùi dịch bệnh. Những chuẩn mực xã hội đang được thiết lập, sự tôn trọng dành cho những cá nhân biết tôn trọng quy tắc, kỷ luật và biết cách bảo vệ bản thân, cũng như bảo vệ cộng đồng. Nghịch lý thay nhưng lại rất hợp lý, những thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong trận chiến này như “tự cách ly”,“giãn cách xã hội” ... đang là biểu hiện quan trọng của đoàn kết xã hội. Chỉ “ai chỗ nào ở yên chỗ đấy” cũng có thể là biểu hiện của chung tay, của đoàn kết, của thái độ dũng cảm, biết hy sinh và hành động văn minh, kỷ luật, trách nhiệm.


Nhớ đến câu chuyện của chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 4 năm 1959, khi Bác đến thăm các kỹ sư trẻ trường Đại học Nông Lâm Hà Nội, với chiếc đồng hồ quả quýt lấy ra từ túi áo, Bác Hồ nói, cái đồng hồ có nhiều bộ phận có chức năng làm việc riêng, nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Để tạo nên mối nối thật sự vững chắc thì mỗi người là một mắt xích phải thật sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng, phát huy khả năng, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc chiến còn lâu dài và phức tạp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý: “Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa”. Để vượt qua và chiến thắng, chỉ có thể đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận, mới có thể biến nguy thành cơ. Ta lại nhớ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.


Lời kết


Trong trận chiến chống đại dịch Covid 19 gian nguy này, hơn bao giờ hết tinh thần đại đoàn kết toàn dân cần được phát huy sức mạnh tối đa, bởi chỉ có phát huy sức mạnh của tinh thần ấy, sự đồng lòng ấy, cùng với quyết tâm và phương pháp chống đại dịch của Chính phủ, chúng ta tin tưởng rằng không có trở ngại nào không thể vượt qua, cuộc chiến đấu chống dịch covid -19 lần này cũng sẽ đạt kết quả cao; công cuộc phòng chống dịch sẽ đi vào chiều sâu, giải quyết được cái gốc của vấn đề: đó là tinh thần, ý thức, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong phòng chống dịch và “mỗi người dân đều được tiêm vắc-xin” như chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Chỉ cần chung tay quyết tâm thể hiện sự đồng lòng, đồng thuận của toàn dân, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch nguy hiểm này , trả lại cuộc sống bình yên vốn có cho nhân dân, chung tay khôi phục, xây dựng, phát triển tỉnh Bình Dương ngày càng giàu, đẹp, văn minh, con người Bình Dương thân thiện, giàu nghĩa, đậm tình.

 

Tác giả: Võ Huỳnh Như Thuyên - CLB Lý luận trẻ


Tài liệu tham khảo.


[1] Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 15, tr. 611.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 8, tr.276.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 12, tr.215
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập 3, tr 229

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49458705
Hôm nay: 7920
Đang online: 92
Về đầu trang