6/9/2023 12:00:00 AM GMT+7

Nhật ký chuyến hải trình số 17 - KN-290

Có lẽ ai mang trong người dòng máu Lạc Hồng cũng rất mong muốn được một lần đến thăm quần đào Trường Sa và nhà giàn DK1 - nơi khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam.

 

 

 

Đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương tham gia Hành trình Sinh viên với Biển đảo Tổ quốc


Khi nhận được thông báo chính thức là đại biểu tham gia Hành trình Sinh viên với Biển đảo Tổ quốc do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm của chương trình, tôi vô cùng bồi hồi, xúc động với cảm giác vui sướng khó tả vì giấc mơ bấy lâu nay bây giờ đã trở thành hiện thực, được tham gia cùng Đoàn công tác số 17, đoàn công tác cuối cùng của năm 2023 đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ ngày 29/5 đến ngày 05/6/2023. Đoàn của của chúng tôi có 200 thành viên bao gồm các bạn sinh viên ưu tú đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng với các anh, chị lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và các bạn văn, nghệ sĩ, trí thức trẻ. Tuy nhiên, để được tham gia chuyến đi thì phải vượt qua đợt Test Covid-19, vì thời điểm này dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trở lại. Các thành viên trong đoàn tự bảo nhau, từ giờ cho đến lúc đi phải giữ gìn, tránh tiếp xúc những nơi đông người và đặc biệt phải đeo khẩu trang, đồng thời phải luyện tập thể lực để có sức khỏe tốt, tránh không bị say sóng.


Để có thêm kinh nghiệm đi biển dài ngày và đặc biệt là chống say sóng, tôi đã chủ động hỏi các anh, chị, bạn bè đã đi Trường Sa, ngoài ra trưởng đoàn cũng đã truyền đạt lại những yêu cầu của Bộ tư lệnh quân chủng Hải Quân phải chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết cho cá nhân, đặc biệt là phải có thuốc chống say sóng.


Lần này, Đoàn công tác số 17 được lệnh xuất phát từ TP. HCM (Cảng Lữ Đoàn 125) chứ không phải từ Cam Ranh, Khánh Hòa như các đoàn khác, do vậy cũng rất thuận tiện cho các đại biểu sinh viên Bình Dương của chúng tôi vì khoảng cách từ tỉnh nhà đến với TP. Hồ Chí Minh chỉ vỏn vẹn gần 30 km.


Đúng 9h30, ngày 28/5/2023 chúng tôi đã có mặt tại Trụ sở của Bộ Tư lệnh Hải Quân phía Nam ở số 1A Tôn Đức Thắng để kiểm tra test Covid-19 và họp đoàn, phổ biến nội quy chuyến đi và sau đó di chuyển đến Nhà khách 7A (Ngô Văn Năm) phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM để nhận phòng, nghỉ ngơi chuyển bị cho chuyến hải trình dài ngày trên biển.


Một đồng chí cán bộ chiến sỹ thuộc đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải Quân cho biết, để chuẩn bị cho chuyến đi này, Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo lực lượng quân y kiểm tra sức khỏe toàn diện cho toàn đoàn, trong đó đặc biệt quan tâm đến kiểm tra Covid-19, những ai mà bị dương tính với Covid-19 sẽ không được đi, rất may toàn đoàn Bình Dương chúng tôi không ai bị dương tính với Covid-19. Tất cả đều hồ hởi lên đường. Theo lịch trình 06h30 xe sẽ đón đoàn tới cảng Lữ đoàn 125 vùng 2 Hải quân để lên tàu ra đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.


 

Đoàn công tác số 17 của chúng tôi đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, do Đại tá Lê Hồng Quang, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Hải quân làm trưởng đoàn


Tham gia đoàn công tác có anh Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cùng các đoàn đại biểu thuộc các bộ, ngành Trung ương và 200 bạn sinh viên đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt có 02 đại biểu làm đại sứ của chuyến đi vô cùng thân thiện với các bạn trẻ chúng tôi đó là Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà và Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 Đoàn Thiên Ân. Chuyến công tác số 17 đặc biệt hơn bao giờ hết bởi theo lời của Lê Hải Bình, đây là chuyến tàu lịch sử, lần đầu tiên có chuyến tàu chở gần 200 đại biểu sinh viên ưu tú đi thăm Trường Sa, Nhà giàn DK.


Trước khi lên tàu KN-290, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân bắt đầu hải trình vào ngày 29/5, đoàn đã dâng hương tại Đài tưởng niệm và đền thờ các anh hùng, liệt sĩ "Đoàn tàu Không số" trong khuôn viên Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân. Tại đây, chúng tôi được nghe diễn văn tưởng niệm công ơn các anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc. Những chiến công vẻ vang của các anh và cả sự hy sinh anh dũng của các anh, những tấm lòng quả cảm, quyết đưa bằng được lương thực, vụ khí, thuốc men, nhân lực chi viện cho chiến trường miền Nam đã khiến chúng tôi rưng rưng nước mắt. Thực sự không có gì đong, đếm được sự quả cảm, anh dũng, hy sinh của các anh. Và chúng tôi cầu mong các anh linh liệt sỹ “Đoàn tàu không số” phù hộ độ trì cho đoàn công tác số 17 có chuyến hải trình thuận lợi, bình an.


Sau đó đoàn di chuyển xuống tàu KN-290 để nhận phòng, ổn định nơi nghỉ ngơi, 08h00 tàu rời bến. Khi xuống đến tàu, nhiều người trong đoàn có nói, chúng ta rất may được đi trên tàu KN-290, vì chiếc tàu này hiện đại, có sức cản lướt sóng tốt nên người đi đỡ bị say sóng, phòng ngủ rất sạch sẽ cũng làm cho chúng tôi cảm giác yên tâm cho chuyến hải trình 7 ngày, 6 đêm phía trước.


Để mọi người gắn kết hơn với nhau và có thời gian giao lưu học hỏi, Đoàn công tác số 17 đã chia 200 đại biểu thành 9 Trung đội và đặc cho mỗi Trung đội những cái tên hết sức gần gũi, thiêng liêng, gắn chặt với một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam như: Trung đội Sinh Tồn, Trung đội Cô Lin, Trung đội Đá Đông C, Trung đội An Bang, Trung đội Nam Yết, Trung đội Sơn Ca, Trung đội Trường Sa, Trung đội DK1/2 để tổ chức nhiều hoạt động cấp trung đội trên tàu như: thăm, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng; Tặng quà, động viên thân nhân, gia đình cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đảo; Tặng quà, cờ, ngư cụ cho ngư dân bám biển; hỗ trợ địa phương phát triển du lịch, kinh tế;... cùng nhiều hoạt động ý nghĩa, mang đậm chất sinh viên tại huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Trong đó, đáng chú ý, ban tổ chức phát động phong trào thi đua với nhiều hoạt động gắn với các tiêu chí của phong trào “Sinh viên 5 tốt” như: Cuộc thi tìm hiểu về quyền và biển đảo Việt Nam; Triển lãm “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc”; Tổ chức giải chạy “Vì Trường Sa thân yêu”; Chương trình “Hành trình bài ca sinh viên”; Các hoạt động an sinh xã hội; tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin và nhà giàn DK1, 2; tổ chức phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của tàu nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng và kiến thức về chủ quyền biển đảo.

 

 

Đặc biệt đoàn đại biểu Bình Dương chúng tôi đã mang theo 100kg măng cụt đặc sản của tỉnh Bình Dương đến với tận tay các lực lượng và người dân trên đảo, tổ chức gặp gỡ, tặng quà và thăm hỏi 20 cán bộ, chiến sĩ là người Bình Dương và đã từng công tác, sinh sống, làm việc tại tỉnh trong thời gian qua đã tình nguyện đến với nơi đảo xa để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của tổ quốc.


Những hoạt động sôi nổi này giúp chúng tôi bớt nỗi nhớ nhà và tăng cường sự gắn kết giữa những con người trẻ đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó tiêu biểu phải kể đến là cuộc thi thiết kế mô hình Triển lãm “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” do Trung ương Hội Sinh viên phát động tổ chức trên tàu, Trung đội Nam Yết của chúng tôi đã vinh dự được giải Nhì toàn đoàn với mô hình “Chuyến tàu khát vọng” từ vật liệu tái chế là những vỏ chai nhựa không còn dùng của đoàn tàu; Chương trình “Hành trình bài ca sinh viên” với sự hào hứng mang đậm chất sinh viên do các bạn sinh viên tự dàn dựng để phục vụ chiến sĩ trên tàu và cán bộ, chiến sĩ tại các đảo,…


Sau 44 tiếng lênh đênh trên biển trước khi đến đảo đầu tiên trong chuyến hành trình từ đất liền, được thưởng thức 2 đêm trăng thanh gió mát, mặt biển phẳng lặng như mặt hồ Tây, ngồi đu đưa trên boong, trước cabin tàu giao lưu cùng các bạn sinh viên trong cả nước, tôi thấy mình như đang ngồi du thuyền trên Biển Đông. Khoảng thời gian này, khi đã quen với sóng biển, anh em chúng tôi đã bảo nhau phụ giúp tổ bếp khi biết được nhân lực nhà bếp chỉ có hơn bạn là chiến sỹ tại các lữ đoàn được huy động để phục vụ đoàn đại biểu 200 người với 4 bữa ăn/ngày cùng với các bạn sinh viên đoàn thành phố Hồ Chí Minh đang say sưa tập luyện các tiết mục văn nghệ để phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ và người dân tại các điểm đảo. Và cuối cùng đoàn tàu chúng tôi bắt đầu đặt chân đến điểm đảo đầu tiên, đó là đảo Song Tử Tây. Tuy nhiên, buổi sáng đầu tiên đến với đảo là một buổi sáng đầy tiếc nuối của 200 con người, áo phao đã mặc, lời ca đã sẵn sàng nhưng vì điều kiện thời tiết không cho phép nên cả đoàn đành phải ngậm ngùi gửi những phần quà đến với cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo qua đại diện của các đồng chí Trưởng đoàn. Nhựng giọt nước mắt tiếc nuốc đã rơi trên đôi má của các bạn sinh viên khi mà chưa từng 01 lần đặt chân đến nơi đảo xa, nhưng mọi người cũng đã an ủi, động viên nhau cố gắng để tiếp tục hành trình đến với những điểm đảo khác với hy vọng thời tiết sẽ thuận lợi hơn.

 

Rời Song Tử Tây thân thương, cả đoàn may mắn đến và được đặt chân lên các đảo Sinh Tồn, Đá Tây A. Nhìn từ boong tàu, đảo Sinh Tồn, Đá Tây A ngày nay đã đẹp hơn bao giờ hết, có cây xanh bao phủ, có trường học, nhà dân, nhà văn hóa khang trang và cột mốc chủ quyền thiêng liêng đứng sừng sững giữa muôn trùng sóng biển. Khoảng thời gian để đưa các thành viên đoàn lên thăm đảo trên 2 cano thay phiên nhau từ 6 giờ đến 7 giờ sáng. Đón tôi là các chiến sỹ trẻ, rắn rỏi, yêu cầu: “Toàn đoàn mặc áo phao vào hết” và cứ như thế các canô lướt băng băng trên những ngọn sóng để cấp vào các cầu tàu của đảo. Ngay khi bước chân lên đảo, tôi vô cùng xúc động: “Đó là nước ngọt cho sinh hoạt, điện thắp sáng, rau xanh hoặc thậm chí là bóng râm để giảm bớt sự gay gắt của nắng cũng trở thành xa xỉ. Và hơn tất cả là sự thiếu vắng tình cảm gia đình khiến ánh mắt của những chiến sĩ hải quân cứ đau đáu ngóng trông. Biển trời mênh mông thế này nỗi cô đơn chắc cũng dài rộng hơn đôi lần”..., nhưng điều làm tôi cảm thấy may mắn là được gặp các bạn chiến sĩ trẻ là người Bình Dương đang làm nhiệm vụ tại đảo, sự hồn nhiên, vô tư và tự tin của các em giúp tôi cảm thấy đảo nay đã khác xưa, đã đầy đủ và ấm áp tình người hơn bao giờ hết, vừa mân mê suy nghĩa, tôi nhìn qua thấy 02 thành viên của đoàn Bình Dương và các bạn chiến sĩ trẻ nước mắt 02 bên cứ rưng rưng vì ra đến đảo mà gặp được những người con của quê hương đất Thủ anh hùng thì quả thật hiếm lắm. Tôi và các thành viên đoàn sinh viên Bình Dương vui mừng khó tả, vội lau đi nước mắt và động viên các em cố gắng vững tay súng thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của Tổ quốc, trước khi chào tạm biệt các em, đoàn chúng tôi cũng không quên gửi những món quà lưu niệm hết sức ý nghĩa từ tỉnh nhà cho các em để tiếp thêm động lực cho các em yên tâm công tác tại nơi đầu sóng, ngọn gió. Và điều đặc biệt có lẻ là bản thân tôi cũng đã được các bạn chiến sĩ Bình Dương tặng lưu niệm 01 chậu cây Tra đang ươm mầm với bao niềm gửi gắm cho đất liền “Trường Sa đẹp lắm, Quân và dân Trường Sa đậm nghĩa tình và không thiếu bất kỳ thứ gì, tình thường của đất liền dành cho Trường Sa ngày nay càng đong đầy”, ngay mai đây khi cây Tra mà tôi trồng lớn lên thì nó cũng sẽ minh chứng cho sự phát triển lớn mạnh của nơi tuyến đầu tổ quốc.


Tạm biệt Sinh Tồn, Đá Tây A, đoàn tàu sinh viên cứ thế lướt sóng đưa chúng tôi đến với vùng đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Tại đây, đã diễn ra lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Tất cả thành viên đoàn đều có mặt trong màu áo trắng của sinh viên Việt Nam. Ngay khi diễn văn tưởng niệm vừa cất lên, bầu trời bỗng nổi gió mạnh. Theo quan sát của mọi người và nhà báo Phan Linh (phóng viên Báo Nhân Dân) đã mô tả: Từ chân trời trong xanh, đột ngột cuộn lên những đám mây đen. Trên boong tàu, từng hạt mưa lớn rơi xuống ngày một nhanh. Chia sẻ với chúng tôi, thành viên thủy thủ đoàn trên tàu cho biết chưa từng gặp mưa lớn đến thế tại những buổi lễ tương tự. Nhiều đại biểu bật khóc thành tiếng. Không ít người thì thầm: "Các Anh thác thiêng, mong linh hồn các Anh được yên nghỉ". Tất cả thành viên đoàn Hành trình cầu mong anh linh các liệt sĩ được yên nghỉ, tiếp thêm cho dân tộc ta, quân đội ta sức mạnh, ý chí và nghị lực vượt mọi khó khăn, vươn tới những thành công mới, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tất cả thành viên đoàn Hành trình cầu mong anh linh các liệt sĩ được yên nghỉ, tiếp thêm cho dân tộc ta, quân đội ta sức mạnh, ý chí và nghị lực vượt mọi khó khăn, vươn tới những thành công mới, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cầm trong tay những cánh hạc giấy và hoa cúc được chuẩn bị ngay trong Hành trình, các đại biểu lặng lẽ đi theo đội tiêu binh đến sát mạn tàu, chuẩn bị nghi lễ thả vòng hoa, lễ vật xuống biển. Mưa ngày càng nặng hạt tới mức trắng xóa cả chân trời. Sóng lớn cũng nổi lên khiến nghi lễ thả lễ vật, hương hoa bị gián đoạn trong vài phút. Các đại biểu ướt sũng vì nước mưa lạnh, nhưng trên má lại lăn dài những giọt nước mắt nóng hổi. Những bông cúc và hạc giấy lần lượt được thả xuống biển trong niềm tiếc thương vô hạn, mang theo sự cảm phục, lòng biết ơn của tất cả đại biểu đoàn Hành trình. Tổ quốc mãi ghi ơn các Anh. Với lý tưởng cao đẹp “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, các Anh đã sống và chiến đấu dũng cảm, bất khuất, trở thành những tượng đài bất tử, tấm gương lớn để thế hệ trẻ noi theo.


Đi khỏi Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, điểm đảo cuối cùng đưa chúng tôi đến đảo Trường Sa lớn. Cảm nhận lớn nhất trong tôi là buổi lễ chào cờ với phần duyệt binh của quân và dân huyện đảo Trường Sa thật uy nghiêm, dâng hương lễ chùa Trường Sa, tưởng niệm đền thờ bác Hồ, các anh hùng liệt sỹ và đặc biệt các thành viên đoàn được vào thăm các hộ dân, mua quà lưu niệm do chính người dân làm là những con ốc được khắc hình ảnh quê hương và được thấy các cháu bé tuổi mẫu giáo, cấp 1 tập võ, múa quyền, hứa hẹn sau này nối nghiệp của cha ông giữ đất giữ đảo…. Nơi đây, giữa bốn bề là biển cả, cột mốc chủ quyền Việt Nam uy nghi đứng giữa đảo, đội ngũ chỉnh tề, Quốc ca vang lên, lòng tôi xốn xang, bồi hồi và vô cùng xúc động như mình được con tàu lịch sử đưa về ký ức tuổi thơ với lễ chào cờ của ngày đầu tiên đi học. Vượt qua ký ức đẹp đẽ ấy là sự cảm nhận, thấu hiểu về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc... Rồi quan sát qua hàng bên là những đồng chí trong đoàn hành trình, là những chiến sĩ hải quân dãi dầu sóng biển. Họ kiên cường, dũng mãnh và thật sự oai phong. Họ chính là những hàng phi lao chắn gió, chắn sóng và bảo vệ bình yên cho tấc đất quê hương. Đêm ở điểm đảo cuối trong hành trình có lẽ là đêm để lại nhiều kỷ niệm nhất trong lòng mỗi thành viên của đoàn tàu KN-290, bởi lẽ đây là đêm đầu tiên Chương trình “Hành trình bài ca sinh viên” chào mừng Đại hội Hội Sinh viên các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2027, khởi đầu chuỗi hoạt động nghệ thuật sinh viên từ tháng 6 đến tháng 12 trên toàn quốc. Đêm 2/6, chương trình giao lưu văn nghệ kết thúc trong tình cảm quyến luyến không rời giữa quân dân huyện đảo Trường Sa và các đại biểu. Nhiều bạn sinh viên đã không kìm được cảm xúc, ôm lấy các chiến sĩ, chia tay trong nước mắt và hẹn ngày hội ngộ trên những chuyến hành trình ý nghĩa tiếp theo. Tôi vô cùng xúc động và có thêm niềm tin khi nghe anh Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu “Tôi mong muốn rằng, bằng tri thức, sức trẻ, nhiệt huyết của mình, các đồng chí hãy tiếp tục những hành trình, những công trình phần việc ý nghĩa để biển đảo của ta ngày thêm vững chắc, phát triển ….và Tự hào vì những cán bộ, chiến sĩ của chúng ta luôn vững vàng, kiên trung, dũng cảm, sẵn sàng vượt qua phong ba, bão tố, gian khổ nơi đầu sóng, ngọn gió. Tự hào vì Tổ quốc Việt Nam chúng ta có những người con ưu tú, kiên cường và bất khuất đang hằng ngày, hằng giờ chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Trong niềm tự hào lớn lao đó, còn có sự tự hào nho nhỏ về sự nhiệt huyết của các đại biểu trên hành trình này”.


Ngày 3/6, cũng là cuối cùng trong chuyến hành trình, cả đoàn đã trải qua những hoạt động vô cùng ý nghĩa trên tàu với các phần gala, giao lưu văn nghệ trước và nhận huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” lấp lánh trên ngực áo khi đến Nhà Giàn DK1.


 

Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa


Và chúng tôi cũng đã đến được với vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc với 02 nhà giàn DK đứng sừng sững giữa muôn trùng sóng biển. Trong niềm hân hoan, bồi hồi khó tả để được đến, được đặt những bước chân lên nhà giàn, được gặp các chiến sĩ ở nhà giàn, đây là điểm khó nhất trong chuyến hải trình, thì loa phóng thanh phát lớn: “Toàn tàu chú ý, toàn tàu chú ý: Do thời tiết biến đổi khó lường, sóng biển mạnh, toàn tàu không thể cặp neo để lên thăm Nhà giàn DK1”. Ngay sau khi loa vừa dứt, 200 đại biểu của hành trình đã ôm lấy nhau bật khóc, mở đầu tại Song Tử Tây và kết thúc tại Nhà Giàn đều không được 01 lần đặt chân lên đảo và nhà giàn. Đó là buổi sáng đầy tiếc nuối nhưng tự hào tại nhà giàn DK1, áo phao đã mặc, lời ca đã sẵn sàng nhưng vì điều kiện thời tiết không cho phép nên cả đoàn đành phải ngậm ngùi gửi những lời ca, tiếng hát, điệu múa tới cho các chiến sĩ từ boong tàu thông qua bộ đàm và loa phát thanh. Đành chịu vậy! Khoảnh khắc đó trôi qua và thay vào đó là lời ca, tiếng cười, những câu chuyện kể qua tín hiệu của hệ thống loa truyền thanh của ca sĩ quốc dân của đoàn tàu Ngô Lan Hương… Mọi người thấy vui hơn, lạc quan hơn, tinh thần khí thế hơn và những lời động viên ân cần, thăm hỏi nhiều hơn. Tình quân - dân như quấn lại với nhau y như trên Nhà giàn DK1 có sự hiện diện của chúng tôi từ lúc nào vậy.


Những ngày cuối của chuyến đi, khi tàu vào đến mũi nghinh phong của tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu để đến với luồng sông Lòng Tàu (TP. Hồ Chí Minh), tôi chợt nghĩ rằng: “Rồi những đại biểu trên chuyến tàu KN-290 sẽ quay lại cuộc sống bình thường. Ai cũng sẽ nhớ về chuyến đi đặc biệt này. Tôi tin, tất cả chúng ta đều ý thức được một điều: Những yên bình, tiện nghi mà ta đang thụ hưởng, có mồ hôi, nước mắt và cả máu của nhiều người, trong đó có những chiến sĩ Trường Sa. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa, Hoàng Sa tuy xa mà gần, biển đảo như là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam. Rời Trường Sa với biết bao nỗi nhớ, nhưng chúng tôi tin chắc rằng 200 bạn sinh viên tham gia chuyến hải trình lần này sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn trong học tập và rèn luyện để thực hiện khát vọng dựng xây đất nước phồn vinh, hùng cường và lan tỏa đến bạn bè, người thân và gia đình khát vọng hòa bình, cống hiến dựng xây quê hương, đất nước dù chưa một lần được đến với Trường Sa".


Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội, Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao, Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng, Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông và hơn hết là Hãy sống cho xứng đáng với sự hy sinh thầm lặng mà ông cha ta đã không tiếc máu xương cho Tổ quốc này!”. Tuổi trẻ và sinh viên Bình Dương xin chúc tất cả các anh bộ đội cụ Hồ đã và đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa luôn vững tay súng bảo vệ toàn vẹn vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúc anh luôn có một sức khỏe tốt để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà quân đội và nhân dân giao phó.

 


Trước khi kết thúc trang nhật ký này, tôi xin mượn lời thơ của anh Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Đoàn tàu KN-290 số 17 để gửi gắm và nhắn nhủ đến các bạn trẻ tỉnh nhà với tựa đề
Không đề giữa biển khơi”:


“Đó là con tàu rộn rã tiếng cười
Chuyến tàu của những trái tim đầy lửa
Cũng có những người như tôi không còn trẻ nữa
Làm nền cho đám nhóc mà thôi
Nên ngày đầu tiên xưng hô cứ rối bời
Hết chú đến anh và đau hơn là bác
Thôi thì cứ vui đi vì đầu không còn tóc
Chú dốc cả trái tim để cháy với các em
Song Tử Tây sóng dữ không thể lên
Mấy đứa nhỏ, thương ghê, cứ nghẹn ngào tấm tức
Chờ đến Sinh Tồn cả làng mình náo nức
Ôi buổi giao lưu giữa nắng, gió và mưa
Tàu qua Cô Lin em đã sẵn sàng chưa?
Để nhớ về một thời bi tráng
Nhớ những ngày tháng Ba lòng biển sôi máu nóng
Nhớ những người bằng tuổi em đã đi mãi không về
Đến Trường Sa đất Tổ quốc xanh rì
Ta dốc hết sức mình cho vài giờ quý giá
Em cháy lên trong khúc ca rộn rã
Chú trầm ngâm trong làn khói, tiếng kinh cầu
Vầng trăng rằm soi bàng bạc Đảo và Tàu
Nghe “Trường Sa vì đất liền” mà lòng em thổn thức
Niềm đau chia tay chợt hiện lên rất thực
Mảnh đất mới quen mà không nỡ rời xa
Rồi em ngóng nhà giàn - Tổ quốc giữa khơi xa
Mấy chiếc cột mong manh giữa ngàn trùng sóng vỗ
Khóc người ra đi qua mấy lần bão đổ
Em muốn gặp anh mà sóng dữ vô cùng
Em đã mặc áo phao, lời ca đã sẵn sàng
Đành nhìn nhau mà biển trời cách biệt
Một cuộc giao lưu như chưa hề có thật
Em gửi tình thương vào điệu múa, anh thấy không?
Chòng chành làm em không thể múa đẹp hơn
Nhưng là trọn niềm tin gửi về anh đó
Anh có nghe em gửi vào trong gió
Tiếng ca em nghẹn khóc chẳng tròn lời
Ôi bài song ca được hát giữa xa khơi
Qua bộ đàm tiếng trong tiếng mất
Nghe được 1 lời thôi mà cả tàu náo nức
Tiếng cười râm ran xen giọt nước mắt lau nhanh
Em về đây, xin tạm biệt các anh
Tạm biệt những chàng trai sẽ không bao giờ rõ mặt
Em chỉ nhớ tiếng anh, người trai đất Việt
Tim em mang theo bóng cờ mãi vẫy theo
Ôi nỗi nhớ nặng thêm mỗi lần tàu nhổ neo
Em ước trở lại ngày con tàu xuất phát
Em sẽ sống trọn từng giờ từng phút
Bởi mỗi nhịp sóng qua là khoảnh khắc cuộc đời
Mai xa rồi, sẽ nhớ mãi em ơi
Đừng để trôi đi trong bão giông cuộc sống
Xin đừng quên phút dạt dào bầu máu nóng
Lời hứa trong tim mình giữa sóng gió biển Đông
Những ngày hè, năm ấy, em nhớ không?
Có con tàu ra khơi mang trái tim tuổi trẻ
Có những người mới quen mà thân thương đến thế
Có những cuộc chia tay mà se thắt tim mình
Bài ca sinh viên ta hát suốt hải trình
Bài ca trăm trái tim cùng chung nhịp đập
Bài ca tình người sống với nhau rất thật
Bài ca trăng chao nghiêng theo nhịp sóng dưới thân tàu
Em à….
Biết bao giờ mới ngồi lại cùng nhau
Để cùng sống lại những ngày rất cháy
Đã sống thật với nhau và bỏ đi hết thảy
Những ganh đua trần trụi của cuộc đời
Ở đây ta chỉ có đất nước thôi
Có những ngày sống rộn ràng nao nức
Cùng hát ca, nghĩ suy, khóc cười thổn thức
Rồi mai lên bờ mỗi người một nơi
Chẳng biết bao giờ mới đủ cả em ơi
Để kể cho nhau những ngọt bùi cay đắng
Giữ trọn trong tim những ngày vừa sống
Để vượt qua bao gian khó của cuộc đời
Chúc các em vươn tới bầu trời
Từ những ngày bên nhau vô cùng quý giá
Còn lúc nào thấy đời chông chênh quá
Hãy tìm về miền ký ức miên man
Có đảo xanh, sóng bạc, cát vàng
Có tia nắng, hạt mưa giữa biển Đông mùa hạ
Dẫu có đi xa đến bao miền đất lạ
Vẫn nhớ bóng con tàu, vượt sóng, hướng ra khơi!


Trên Chuyến tàu Sinh viên lần đầu tiên trong lịch sử…
KN290, tháng 6/2023


Đại biểu chuyến tàu KN290
Nguyễn Minh Sơn
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương
(PT)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 52161427
Hôm nay: 6620
Đang online: 91
Về đầu trang