3/2/2016 12:00:00 AM GMT+7

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

(ĐCSVN) – Ngày 28/1, tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết:

 

 

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Ảnh: ĐCSVN

 

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII

*

 

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

__________________________

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII
_________

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 20-01-2016 đến ngày 28-01-2016, tại Thủ đô Hà Nội, sau khi thảo luận các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương khoá XI trình,

QUYẾT NGHỊ

I- Tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 - 2015) và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 nêu trong Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI trình Đại hội :

1- Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới

Năm năm qua (2011 - 2015), bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi chậm; khủng hoảng chính trị ở nhiều nơi, nhiều nước; cạnh tranh về nhiều mặt ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực; diễn biến phức tạp trên Biển Đông,... đã tác động bất lợi đến nước ta. Trong nước, ngay từ đầu nhiệm kỳ, cùng với những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, những hạn chế, khiếm khuyết vốn có của nền kinh tế, những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý và những vấn đề mới phát sinh đã làm cho lạm phát tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng và đời sống nhân dân. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề. Nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội ngày càng cao. Đồng thời, chúng ta phải dành nhiều nguồn lực để bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền đất nước trước những diễn biến mới, phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và đạt được những thành quả quan trọng.

Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện, bước đầu đạt kết quả tích cực. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội, y tế có bước phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hoà bình, ổn định. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được. Nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội, y tế chậm được khắc phục. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chậm.

Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm bài học đúc kết từ thực tiễn đã tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

2- Mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu quan trọng và nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm 2016 - 2020

Năm năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á đã trở thành một cộng đồng, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng; đồng thời, đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông còn diễn ra gay gắt.

Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Nước ta sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ "diễn biến hoà bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,...

Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu và nhiệm vụ sau :

Mục tiêu tổng quát :

Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hoà bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Các chỉ tiêu quan trọng :

- Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38 - 40%.

- Về xã hội : Đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm.

- Về môi trường : Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý; tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Các nhiệm vụ trọng tâm :

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, trên cơ sở quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực đã nêu trong Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế - xã hội, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm sau :

(1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

(2) Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

(3) Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

(4) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

(5) Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

(6) Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.

II- Thông qua Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI trình Đại hội XII.

Giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tiếp thu ý kiến của Đại hội, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới.

III- Thông qua Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khoá XI; đồng ý không sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng hiện hành.

Giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII hướng dẫn, quy định cụ thể và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thi hành nghiêm, thống nhất Điều lệ trong toàn Đảng.

IV- Thông qua Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện toàn diện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

V- Thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII gồm 200 đồng chí, trong đó 180 đồng chí Uỷ viên Trung ương chính thức, 20 đồng chí Uỷ viên Trung ương dự khuyết.

VI- Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII và các cấp uỷ, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hoá và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối và những chủ trương nêu trong các văn kiện Đại hội XII.

Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54496102
Hôm nay: 30395
Đang online: 48
Về đầu trang