TTBD - Công tác tại Công ty CPCS Phước Hòa từ năm 2009 đến nay, với niềm đam mê sáng tạo, Anh Lê Quốc Duy – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty CPCS Phước Hòa đã có nhiều đề tài, sáng kiến, cải tiến được công nhận, gắn liền với thực tiễn sản xuất giúp giảm bớt thời gian, công sức lao động và đem lợi ích kinh tế cho công ty.
Đề tài “Giải pháp tiết kiệm chi phí xử lý bao chứa bùn thải tại các hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp vệ sinh, tận thu tái sử dụng bao chứa bùn nhằm giải thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường” là một trong những Sáng kiến mà anh tâm đắc, mang tính ứng dụng cao, giúp anh đạt Giải Nhì tại Cuộc thi “Sáng kiến Mô hình Phòng chống rác thải nhựa” Tỉnh Bình Dương lần thứ I năm 2024 do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Dương phối hợp với trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary (Thuận An) tổ chức vừa qua.
Tốt nghiệp thạc sỹ Quản lý Tài nguyên & Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Sau khi ra trường, anh về làm việc tại Công ty CPCS Phước Hòa. Trước đó, trong số các đề tài được công nhận, đề tài “Xây dựng quy trình ủ bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải thành phân bón hữu cơ vi sinh” đã giúp anh và đồng nghiệp giành giải nhì “Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013 – 2015” và giải thưởng “Sáng tạo trẻ” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức năm 2015.
Anh Lê Quốc Duy – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty CPCS Phước Hòa đạt Giải Nhì tại Cuộc thi “Sáng kiến Mô hình Phòng chống rác thải nhựa” Tỉnh Bình Dương lần thứ I năm 2024
Quá trình áp dụng sáng kiến vào thực tiễn lao động sản xuất tại đơn vị
Sau thời gian phụ trách Nhà máy ủ bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải thành phân bón hữu cơ vi sinh được hiện thực hoá từ đề tài trên, anh tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, Sáng kiến Mô hình Phòng chống rác thải nhựa. Qua đó, đề tài “Tiết kiệm chi phí xử lý bao chứa bùn thải tại các hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp vệ sinh, tận thu tái sử dụng bao chứa bùn nhằm giải thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường” đã ra đời. Các bao bùn sau khi được vận chuyển, tập kết về bãi tiếp nhận sẽ được công nhân dùng kéo cắt miệng bao ra để lấy bùn bên trong, các bao chứa còn dính bùn sẽ được thu gom về vị trí bên trên của hồ chứa bùn tại Xưởng phân, sau đó công nhân sẽ dùng nước sạch trong hồ chứa bùn để vệ sinh, rửa sạch từng bao còn dính bùn, các bao sau khi được vệ sinh, rửa sạch sẽ được tái sử dụng, dùng để chứa tiếp bùn sau khi ép tại các hệ thống xử lý nước thải của Công ty. Như vậy mỗi năm Công ty đã hạn chế, tái sử dụng và giảm thiểu lượng chất thải nhựa phát sinh ra môi trường bên ngoài hơn 150 tấn. Sáng kiến này của anh đã được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cấp Sáng kiến cấp Ngành cao su.
CTV Phương Trang (KD)
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.