5/2/2020 12:00:00 AM GMT+7

Tuyến vận tải Tây Trường Sơn đi qua Lào trong kháng chiến chống Mỹ - biểu tượng bất diệt của tình đoàn kết đặc biệt

TTBD - Tuyến vận tải tây Trường Sơn đi qua Lào trong kháng chiến chống Mỹ - biểu tượng bất diệt của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam

 

 

 

  

Trong Hành trình “Tuổi trẻ Bình Dương nhớ lời Di chúc theo chân Bác” năm 2019, Tuổi trẻ Bình Dương đã thành kính dâng hoa, dâng hương, dâng nén tâm hương đến anh linh các Anh hùng liệt sĩ, trên từng phần mộ của các Anh hùng liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa Trang Liệt sĩ Trường Sơn
 
MỞ ĐẦU
Trong lịch sử thế giới, việc cho nước khác mượn lãnh thổ của mình là chuyện khó gặp, đặc biệt cho nước khác mượn đất của mình để làm chiến tranh lại càng hiếm thấy trong lịch sử. Nhưng trong sự nghiệp chung chống đế quốc Mỹ, sự liên minh đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào đã vượt qua ranh giới công việc riêng của mỗi quốc gia. Trong sự nghiệp cao cả ấy, đất nước bạn Lào đã tạo điều kiện cho chúng ta mở tuyến đường Tây Trường Sơn. Đường Tây Trường Sơn qua Lào là một trong những biểu hiện sâu đậm và mãi mãi trường tồn cùng thời gian của tình đoàn kết chiến đấu, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào Việt Nam. Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – Lào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chumaly Xayasone đã đánh giá:…Đường Hồ Chí Minh còn là biểu tượng tinh thần quốc tế cao cả và tình đồng chí, anh em của Việt Nam – Lào đã kề vai sát cánh đánh bại kẻ thù chung. Ở đó mồ hôi, nước mắt, máu và cuộc đời của các chiến sỹ quân đội Việt Nam và Lào đã quện lẫn để cho chiến thắng của cách mạng, giải phóng và thống nhất đất nước của chúng ta. Tình đoàn kết chiến đấu đó của 2 Đảng, 2 dân tộc đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong xây dựng tình hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam hiện nay về mối tình hữu nghị tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi, thật sự tin cậy, thủy chung gắn bó, giúp đỡ nhau toàn diện vì lợi ích chung của sự nghiệp cách mạng hai bên.
1. Hoàn cảnh chung đặc biệt dẫn đến quyết định “lật cánh” sang Tây Trường Sơn của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào.
Theo tài liệu của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, đường Hồ Chí Minh trên đất Lào dài khoảng hơn 20.000km, đi qua 7 tỉnh của Lào là Borikhamxay, Khammuan, Savanakhet, Champasak, Sekong, Salavan và Attapeu. Sở dĩ xây dựng con đường huyết mạch đặc biệt này là do bối cảnh chống kẻ thù chung của hai nước.
Sau năm 1954, Miền Nam Việt Nam tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Để chi viện cho chiến trường miền Nam ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 559, có nhiệm vụ tổ chức giao thông, vận chuyển hàng, quân đội, đưa đón cán bộ…vào chiến trường miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn. Trong khi đó, cách mạng Lào cũng chuyển sang giai đoạn đấu tranh quyết liệt chống Mỹ, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh vũ trang nên nhu cầu hậu cần ngày càng lớn. Từ những năm 1960 Đế quốc Mỹ bắt đầu điên cuồng tìm mọi cách ngăn chặn, hủy diệt con đường vận tải chiến lược Trường Sơn. Việc vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam trở nên vô cùng  khó khăn, nhiều đơn vị vận tải bị kẹt lại, không thể chi viện cho cách mạng miền Nam cũng như chiến trường Lào. Trước tình hình đó, trên cơ sở quan hệ truyền thống vốn có giữa hai dân tộc, yêu cầu khách quan cần gấp rút sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc Đảng Lao động Việt Nam đã thống nhất với Đảng Nhân dân Lào mở đường Tây Trường Sơn trên đất Lào là tuyến chi viện chiến lược và xây dựng căn cứ chiến lược cho các chiến trường Nam Đông Dương.
Như vậy trước yêu cầu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, yêu cầu tất yếu của Việt Nam và Lào là cùng hợp sức xây dựng căn cứ chiến lược Đông - Tây Trường Sơn thật vững chắc, làm điểm tựa cho các chiến trường Nam Đông Dương. Đây là một biểu hiện sinh động, cụ thể sức mạnh đoàn kết liên minh chiến đấu của cả hai nước Việt Nam - Lào. Trong chiến đấu gian khổ hy sinh, ta và bạn vẫn một lòng một dạ chung thuỷ, son sắt, giúp đỡ nhau, chi viện lẫn nhau vô điều kiện. Trước đây trong kháng chiến chống Pháp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn trong Hội nghị cán bộ Mặt trận liên minh nhân dân Việt Nam – Lào – Campuchia (9/1952): “Sự thật là chưa tìm ra chữ gì để thay thế chữ giúp, chứ thật ra không phải là giúp, mà là làm một nhiệm vụ quốc tế. Kháng chiến của Việt – Miên – Lào là chung của chúng ta. Việt Nam kháng chiến có thành công, thì Miên – Lào mới thắng lợi, và Miên – Lào kháng chiến có thắng lợi thì Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi. Việt – Miên – Lào như anh em ruột thit trong một nhà”[1], và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả đó càng được phát huy cao độ.
Trong mọi giai đoạn lịch sử, cách mạng của hai nước Việt – Lào có mối quan hệ chặt chẽ về điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế và chiến tranh cách mạng. Trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết và rút kinh nghiệm chiến đấu tại Lào ngày 21/9/1956, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã khẳng định: “Hai Đảng, hai dân tộc và hai quân đội chúng ta luôn gắn chặt với nhau. Cái đó không những đã thể hiện trong quá khứ, hiện tại mà trong tương lai cũng sẽ như thế. Đất nước Lào trong tương lai nhất định tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đến lúc đó các đồng chí vẫn là chuyên gia giúp Lào. Chúng ta cùng chung mục tiêu lý tưởng, cùng nhau chiến đấu hôm nay và cùng nhau xây dựng trong ngày mai”[2]. Xuất phát từ hoàn cảnh đặc biệt và nhận thức về tầm quan trọng của liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc nên đường Tây Trường Sơn đã ra đời bằng tình đoàn kết, bằng nỗ lực dựng xây, hi sinh, chiến đấu của bộ đội hai nước và nhân dân Lào dọc tuyến đường đi qua. Đó là con đường của khát vọng chiến thắng được xây dựng bằng bàn tay và khối óc của cả hai dân tộc. Năm 1971, trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ II của Đảng Nhân dân Lào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: “Hai dân tộc cùng chung chiến hào trong mối tình đoàn kết keo sơn chia sẻ ngọt bùi “hạt muối cắn đôi”, sống chết có nhau trong suốt 25 năm trường, từ những ngày cách mạng còn trứng nước cho đến khi có được cơ đồ to lớn ngày nay là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử thế giới.”[3]
Và kể từ khi xây dựng, đường Trường Sơn nhánh Tây đã phát huy vai trò huyết mạch xương sống trong liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Lào để chống lại mọi đòn phản công chiến lược của Mỹ nhằm chặt đứt liên minh này, góp phần quan trọng trong toàn thắng của cả hai dân tộc.
2. Cùng nhau xây dựng, chiến đấu bảo vệ tuyến đường Tây Trường Sơn
Tính đến ngày Việt Nam thống nhất, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6000 ngày đêm. Từ 1959 đến 1975, Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển gần 1.400.000  tấn hàng hóa, vũ khí, trong đó cho các chiến trường và cách mạng Lào, Campuchia hơn 538.000 tấn, 5.500.000m3 xăng dầu; Với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 17.000km. Mở 3.140 km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm, 3000km đường giao liên, gần 1300km đường thông tin tải ba, 14.000km đường thông tin hữu tuyến và thiết bị tiếp sức. Bảo đảm vận chuyển hàng trên sông có chiều dài 500km và 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu từ hậu phương miền Bắc qua Trường Sơn cho các chiến trường...Với tinh thần “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, bộ đội Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đã làm thất bại các kế hoạch ngăn chặn của không quân và bộ binh địch, vô hiệu hóa nhiều loại vũ khí hiện đại, các sáng chế khoa học của địch...*[4]
Bộ đội tình nguyện, đoàn chuyên gia, cố vấn Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Trường Sơn đã thường xuyên phối hợp với Quân khu Trung - Hạ Lào, Đảng bộ và chính quyền 7 tỉnh có đường Hồ Chí Minh xuyên qua, phối hợp mở đường Tây Trường Sơn và chiến đấu bảo vệ căn cứ chiến lược, tuyến đường chiến lược, tổ chức đánh địch tại chỗ giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện để tuyến đường chiến lược được mở rộng và phát triển. Sự gắn bó, giúp đỡ của quân và dân Lào với quân và dân Việt Nam trên dải đất Trường Sơn ngày càng được đậm nét. Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Đảng nhân dân Lào, ngày 22/3/1965 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã gửi bức điện mừng và khẳng định: “Quan hệ giữa hai Đảng chúng ta là quan hệ đoàn kết giữa những đảng Mác – Lênin, quan hệ chiến đấu trên hai mặt trận của một chiến trường chung và giúp đỡ lẫn nhau đánh bại một kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược. Đảng Lao động Việt Nam nguyện luôn luôn đứng bên cạnh Đảng nhân dân Lào chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”.[5]
Trên nhánh Tây Trường Sơn, những đơn vị bộ đội, dân công Việt Nam công tác, chiến đấu trên tuyến đường đều được chính quyền, nhân dân và bộ đội nước bạn giúp đỡ như anh em ruột thịt của mình. Đáp lại tấm lòng nhiệt huyết và chân thành của nhân dân và các bộ tộc Lào, các chiến sĩ, cán bộ Việt Nam chiến đấu, công tác trên tuyến đường Trường Sơn, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng tích cực cùng quân giải phóng Lào anh em chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, phát triển kinh tế địa phương, góp phần làm cho đời sống của nhân dân địa phương bớt khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ tích cực và sự hy sinh của nhân dân các bộ tộc Lào, với bản lĩnh, trí tuệ và lòng dũng cảm, đức hy sinh vì nghĩa lớn của quân và dân hai dân tộc Việt Nam - Lào, tuyến đường Trường Sơn được liên tục mở rộng, trở thành huyết mạch của các chiến trường Đông Dương...
Việc mở đường Trường Sơn trên đất Lào gây khó khăn cho Mỹ - Ngụy trọng việc chặt đứt chi viện cho chiến trường, chính vì vậy chúng càng điên cuồng đánh phá. Chấp nhận cho Việt Nam mở đường làm chiến tranh, nước bạn Lào cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận sự ác liệt của Mỹ - Ngụy, chấp nhận sự hi sinh không kể xiết, không tiếc xương máu vì người anh em Việt Nam. Tuyến đường mở tới đâu, dọc đó là bom Mỹ tàn phá, làng mạc bị tiêu hủy, rừng núi bị chất độc hóa học hủy diệt, nhưng sáng ngời lên tất cả là tình đoàn kết đặc biệt hiếm có trong lịch sử. Hàng chục nghìn gia đình, hàng chục vạn nhân dân các bộ tộc Lào đã không quản gian khổ, nghèo đói, hi sinh cả tài sản, cuộc đời cho con đường kháng chiến vĩ đại của Việt Nam – Lào. Con đường máu thịt đã tồn tại 16 năm trong chiến tranh ác liệt là 16 năm nhân dân các bộ tộc Lào gồng mình trong mưa bom, hai dân tộc vá từng hố bom, đánh từng trận càn để hàng hóa, thuốc men, cán bộ...vào được với chiến trường, đi đến ngày toàn thắng. Tất cả các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong của Việt Nam tham gia mở đường, chiến đấu trên tuyến Tây Trường Sơn đều nhận được sự cưu mang, giúp đỡ tận tình của nhân dân Lào cho đến hạt gạo cuối cùng với tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Mặc dù trên bộ, trên không đều bị địch oanh tạc dữ dội nhưng suốt những năm Tây Trường Sơn tồn tại, nhân dân Lào vẫn hăng hái đưa bộ đội, hàng hóa vào chiến trường để đi đến ngày toàn thắng của hai dân tộc. Năm 1969, ngay trong Điếu văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sầm Nưa của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản cũng đã nghẹn ngào hứa vĩnh biệt Người: “Để tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của đồng chí Hồ Chí Minh, toàn thể những người cộng sản Lào chúng ta hứa sẽ học tập tư tưởng, tinh thần cách mạng triệt để, đạo đức tác phong cách mạng cao quý của đồng chí Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ mãi đoàn kết với Đảng Lao động Việt Nam, thắt chặt mối quan hệ với cán bộ và bộ đội tình nguyện Việt Nam”[6].
Về phía Việt Nam, Đảng, quân đội và nhân dân Việt Nam trọn tình nghĩa thủy chung mang hết sức mình để giúp đỡ cách mạng Lào toàn diện, liên tục, vô tư. Các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam, các đoàn chuyên gia Việt Nam dù muôn vàn gian khổ hi sinh, dù măng rừng, nước suối, dù sốt rét rừng hành hạ vẫn luôn kề vai sát cánh cùng nhân dân Lào, cùng quân đội Lào chiến đấu và công tác. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác chuyên gia giúp Lào trong 10 năm 1964-1974, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã ghi nhớ công ơn của cán bộ chiến sỹ Việt Nam giúp Lào: “Mỗi tấc đất giải phóng của Lào hiện nay xanh tươi đều mang trong mình một phần xương máu của các chiến sỹ tình nguyện quân Việt Nam...Mỗi hạt gạo, mỗi hạt muối, mỗi tấm áo từ hậu phương miền Bắc Việt Nam gửi đến đất nước Lào chúng tối đều mang nặng tình nghĩa hậu phương Việt Nam anh em...Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong lòng nhân dân Lào. Sự nghiệp của các đồng chí Việt Nam giúp Lào ghi sâu trong lịch sử cách mạng của chúng tôi và mối tình đoàn kết Lào – Việt nhất định đời đời bền vững, không có gì phá vỡ nổi”[7]
KẾT LUẬN
Cùng chung kẻ thù, cùng chung mục tiêu chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng đất nước, giành độc lập, Việt Nam - Lào đều có trách nhiệm phối hợp, đoàn kết chi viện lẫn nhau, xây dựng các tuyến vận tải chi viện nối tiếp nhau, dựa vào nhau; tuyến sau tiếp sức cho tuyến trước. Trên tuyến lửa Tây Trường Sơn, hai Đảng, hai dân tộc, hai quân đội luôn là người chiến thắng bởi tình đoàn kết keo sơn, bởi sự hỗ trợ chiến đấu tuy hai mà như một, đúng như lời phát biểu của đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu trong buổi tiếp đoàn Đại biểu Mặt trận Lào yêu nước thăm Việt Nam năm 1972: “Mối tình hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đã vượt qua mọi thử thách và được tôi luyện trong cuộc chiến đấu chung chống đế quốc xâm lược. Mối tình đó là bất diệt, và đời đời bền vững như non sông đất nước chúng ta”[8]. Và, đường Trường Sơn nhánh Tây trên đất Lào chính là minh chứng sáng ngời, biểu tượng bất diệt của mối quan hệ keo sơn đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Mối tình keo sơn gắn bó trên tuyến lửa Tây Trường Sơn đã để lại những bài học kinh nghiệm quý giá trong xây dựng mối tình đoàn kết thủy chung Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam hiện nay trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, tinh thần quốc tế trong sáng, hợp tác cùng có lợi vì mục tiêu phát triển phồn vinh, giàu mạnh của hai nước.
========
[1] Đảng Nhân dân cách mạng Lào – Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr 237
[2] Đảng Nhân dân cách mạng Lào – Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007, tập III 1956-1975, Nxb Chính trị quốc gia, 2012, tr 21-22
[3] Đảng Nhân dân cách mạng Lào – Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007, tập III 1956-1975, Nxb Chính trị quốc gia, 2012, tr 282
[4] * Số liệu thống kê trích trong: Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, 2015, tr 568 – 569
[5] Đảng Nhân dân cách mạng Lào – Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007, tập III 1956-1975, Nxb Chính trị quốc gia, 2012, tr 103
[6] Đảng Nhân dân cách mạng Lào – Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007, tập III 1956-1975, Nxb Chính trị quốc gia, 2012, tr 201
[7] Đảng Nhân dân cách mạng Lào – Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007, tập III 1956-1975, Nxb Chính trị quốc gia, 2012, tr 343 - 347
[8] Đảng Nhân dân cách mạng Lào – Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007, tập III 1956-1975, Nxb Chính trị quốc gia, 2012, tr 299 Đảng Nhân dân cách mạng Lào – Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007, tập III 1956-1975, Nxb Chính trị quốc gia, 2012, tr 299
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (2015), Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia
2. Đảng Nhân dân cách mạng Lào – Đảng Cộng sản Việt Nam (2001),  Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007, Nxb Chính trị quốc gia
3. Đảng Nhân dân cách mạng Lào – Đảng Cộng sản Việt Nam (2012),  Văn kiện Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007, tập III 1956-1975, Nxb Chính trị quốc gia
 
Lê Thị Hiệp – Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

– Trường Chính trị Bình Dương (MH) 

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49290553
Hôm nay: 6582
Đang online: 97
Về đầu trang