TTBD - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mang lại nguồn sống mới cho cả dân tộc Việt Nam - một dân tộc đang quằn quại đau khổ dưới ba tầng áp bức, bóc lột của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật và triều đình phong kiến. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính thức định danh trên bản đồ thế giới. Sau khi thành lập, nhà nước ta rơi vào tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc” với muôn vàn khó khăn. Thế nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là vị chủ tịch vĩ đại Hồ Chí Minh cùng nhân dân ta đoàn kết vượt qua gian khó mang lại giá trị nhân văn cho mai sau. Qua đó chúng ta có thể vận dụng tư tưởng nhân văn của cách mạng Tháng 8 vào xây dựng tỉnh Bình Dương đặc biệt sau trận đại dịch Covid-19.
1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc Cách mạng triệt để và mang tính nhân văn sâu sắc
Chính tinh thần yêu nước quật khởi của nhân dân ta, cộng với sự lãnh đạo khéo léo, tài tình của một Đảng Cộng sản dù chỉ mới 15 tuổi đời, đã nhanh chóng chớp thời cơ nghìn năm có một, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước. Nhân dân Việt Nam từ địa vị nô lệ, lần đầu tiên trong lịch sử vươn lên làm chủ nước nhà. Từ đó, “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà cả giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[1].
![](/ImageUpload/image/Nam%202022%20-%20Hoat%20dong%20co%20so/Tinh%20Doan/1982022_PT_1%20(1).jpg)
Biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 trước cửa Phủ Khâm sai, Hà Nội
Đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân đói khổ, lầm than, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau đổi tên là Nguyễn Ái Quốc), với hành trang là hai bàn tay trắng và một lòng yêu nước mãnh liệt, đã ra đi tìm đường cứu nước. Quá trình lao động, học hỏi, tìm kiếm, khảo sát, bằng thực tế đấu tranh và hoạt động trong phong trào quần chúng ở Pari, năm 1920, Người đã tìm gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường giải phóng cho nước nhà, con đường có thể mang lại cơm áo, hạnh phúc cho đồng bào bị đọa đày, đau khổ. Theo ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, sau khi nghiên cứu kỹ tình hình cách mạng trong nước và quốc tế, Người đã quyết định thống nhất ba tổ chức đảng gồm Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn thành tổ chức Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930).
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam qua vượt mọi khó khăn, gian khổ; tích cực chuẩn bị về mọi mặt, xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu, từng bước xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Qua các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939,…toàn Đảng và Nhân dân ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đấu tranh, quyết tâm nếm mật nằm gai chờ thời cơ đến thực hiện tổng khởi nghĩa.
Hay tin Nhật đầu hàng đồng minh, quần chúng Nhân dân vô cùng phấn khởi. Ngọn lửa quật khởi trong lòng dân tộc bùng lên khắp nơi. Những cuộc míttinh, biểu tình, biểu dương lực lượng do Việt Minh tổ chức có hàng vạn người tham gia. Các tầng lớp trung gian cũng ngả về phía cách mạng. Binh sĩ và cảnh sát cũng tỏ thái độ ủng hộ Việt Minh. Quân đội Nhật và chính quyền tay sai của chúng hoang mang cực độ. Tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện để cả dân tộc vùng dậy không chờ đợi quân Đồng minh, chỉ cần sự thống nhất ý chí và kiên quyết hành động của toàn dân đem sức ta mà giải phóng cho ta. Cơ hội ngàn năm có một đã xuất hiện.
Ngay sau đại hội Quốc dân, Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên!”[2]
Ngày 23 tháng 8, hàng chục vạn nhân dân Huế biểu tình thị uy và tràn đi chiếm các công sở. Cuộc khởi nghĩa thành công ở Huế đã lật đổ được dinh lũy cuối cùng của chính phủ tay sai thân Nhật, lật nhào cả kinh đô của chế độ phong kiến triều Nguyễn. Ngày 30 tháng 8 năm 1945, tại cuộc mít tinh có hàng vạn người tham dự ở Ngọ môn (Huế), vua Bảo Đại đã đọc chiếu thoái vị, nộp ấn kiếm cho phái đoàn đại diện của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Sáng ngày 2 tháng 9 năm 1945, trước hàng chục vạn đồng bào tập trung ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, cuộc khởi nghĩa đã thành công vang dội trong cả nước. Nó đã đánh đổ nền thống trị của ngoại bang gần một thế kỷ, lật nhào ngai vàng phong kiến hơn một nghìn năm thống trị. Đỉnh cao cuộc cách mạng ấy là sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, lập ra bộ máy chính quyền của dân, do dân và vì dân, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã thật sự là một cuộc cách mạng triệt để.
Không những vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám còn là cuộc cách mạng mang đậm chất nhân văn sâu sắc. Đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng người nô lệ ra khỏi xiềng xích của thực dân, phong kiến. Cuộc cách mạng đã đưa người dân Việt Nam từ địa vị là nô lệ lên địa vị của người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Đảng đã khéo léo dùng nghệ thuật binh vận mà giác ngộ được tinh thần yêu nước của những người con lầm đường lạc lối bị địch dụ dỗ lôi kéo như binh lính, cảnh sát, nhân viên các sở ngành của chính phủ tay sai, giúp họ quay trở về, cùng với dân tộc quyết tâm giành lại độc lập tự do cho nước nhà, hạnh phúc cho cả dân tộc. Nhờ vậy, quân và dân ta giành chính quyền trên cả nước trong một thời gian nhanh nhất và ít có đổ máu.
Tính nhân văn của Đảng ta thể hiện xuyên suốt cho đến khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã tiến hành những hoạt động tích cực chăm lo cho đời sống của nhân dân như: Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để cứu đói; mở chiến dịch chống nạn mù chữ; tổ chức tổng tuyển cử với hình thức phổ thông đầu phiếu trên cả nước, soạn thảo Hiến pháp; xóa bỏ các loại thuế thân, thuế chợ, thuế đò…; ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương, giáo. Những hành động ấy minh chứng rõ ràng cho một nhà nước dân chủ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết và càng minh chứng rõ hơn cuộc Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc.
Cách mạng Tháng Tám thành công là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám đã đập tan xiềng xích nô lệ, lật đổ ngai vàng phong kiến giải phóng cho cả dân tộc Việt Nam, đưa dân tộc ta từ chỗ là những người nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước, tự quyết định vận mệnh của nước mình. Cách mạng Tháng Tám, không chỉ đem lại độc lập tự do cho nước nhà mà còn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, góp phần lớn lao vào sự nghiệp giải trừ chủ nghĩa thực dân, phát xít và công cuộc giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thật sự là cuộc cách mạng triệt để và mang tính nhân văn sâu sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945
2. Từ tư tưởng nhân văn của cách mạng tháng 8 năm 1945 đến vận dụng khôi phục và xây dựng tỉnh Bình Dương sau đại dịch covid- 19
Kể từ khi trận đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, cả hệ thống chính trị và nhân dân Bình Dương kiên cường phòng, chống dịch. Nhờ vậy mà đến nay tỉnh nhà cơ bản đã khống chế được dịch bệnh. Dù cho trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến "điểm nóng" Bình Dương gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cũng là lúc thể hiện sự chung sức của toàn Đảng, toàn Dân để đánh thắng đại dịch, chuẩn bị cho giai đoạn ổn định sản xuất trở lại. Toàn tỉnh đang nỗ lực lập lại cuộc sống bình thường; các khu công nghiệp, nhà máy từng bước đi vào hoạt động để khôi phục tối đa sản xuất; mọi người, mọi nhà đang ra sức phục hồi, xây dựng kinh tế xã hội sau dịch bệnh.
BTV Tỉnh Đoàn Bình Dương Trao tặng 500 giường bằng giấy lắp ráp hỗ trợ các khu cách ly trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Nhờ vào tư tưởng nhân văn mà toàn dân Bình Dương đã đồng lòng vượt qua trận dịch kinh hoàng, ở đó thực tiễn đã kiểm chứng, tất cả vì sự yên bình trở lại, quyết không bỏ ai lại phía sau. Trước tình thế cấp bách, số ca nhiễm tăng cao hơn 1000 ca/ ngày, số ca tử vong cao, trang thiết bị y tế không đáp ứng đủ thì không còn phân biệt địa phương, vùng miền, giới tính, độ tuổi, công việc… mà ai ai cũng đồng lòng xung trận vào vùng đỏ, không ngại nguy hiểm, khó khăn của mình để góp sức đầy lùi dịch bệnh.
Song song với tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân toàn tỉnh, đó cò là sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh nhà, sự phối hợp thực hiện của các sở ban ngành, toàn lực lượng, chung tay chống dịch. Một trong những yếu tố hàng đầu luôn được tỉnh Bình Dương quan tâm là chăm lo cho công nhân, người lao động để họ yên tâm ở lại, vượt qua giai đoạn khó khăn để cùng nhau khôi phục sản xuất. Hỗ trợ thực phẩm, tiền phòng trọ, tiêm vắc xin cho công nhân là những chính sách nhân văn được chủ động triển khai tại Bình Dương.
Điển hình nhất là những chính sách dành riêng cho công nhân lao động- một trong những lực lượng dân số đông nhất ở Bình Dương. Ngoài các chính sách hỗ trợ chung theo quy định của Chính phủ, tỉnh Bình Dương còn quyết định hỗ trợ một phần tiền phòng trọ và tiền lương thực, thực phẩm cho hàng trăm ngàn lao động khó khăn. Thủ tục nhận được đơn giản hóa, tới trao trực tiếp tại các khu phòng trọ. Đối với người dân tại một số phường có nhiều ca mắc COVID-19 phải phong tỏa (4 phường tại thành phố Thuận An và 7 phường tại thị xã Tân Uyên), tỉnh còn quyết định cung cấp miễn phí đồ ăn cho người dân với số tiền lên tới 540 tỉ đồng.. Dù diễn biến dịch trong địa bàn tỉnh phức tạp, nhưng nhiều huyện, thị xã đã hạn chế được dịch và đáp ứng tiêu chí của "vùng xanh" như Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bàu Bàng. Các khu vực này đã lên kế hoạch để dần tổ chức sản xuất trở lại. Với các khu vực khác, bên cạnh việc nỗ lực dập dịch, tỉnh cũng đã có sự chuẩn bị để hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động sớm tổ chức sản xuất trở lại khi hết dịch, trở lại trạng thái "bình thường mới" để khôi phục kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.
Đại dịch Covid-19 đã kiểm định lại tinh thần đoàn kết, tình người được thể hiện rõ nhất như thế nào, ở hoàn cảnh mà cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung sức, đồng lòng vượt qua. Mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, dịch bệnh cũ vẫn chưa đẩy lùi triệt để và dịch bệnh mới xuất hiện, kinh tế xã hội cũng từng bước phục hồi. Tuy nhiên, đó đã là một thành quả khả quan, đáng tự hào của Đất và Người Bình Dương.
Thiết nghĩ, lịch sử đã kiểm chúng dù cho chiến tranh máu lửa, muôn vàng khó khăn nhưng Đảng ta vẫn tài tình lãnh đạo toàn dân chiến đấu đến cùng vì độc lập, tự do và hạnh phúc nhân dân, vì mục đích dân giàu, nước mạnh thì khi hòa bình lập lại, cho dù bất kì khó khăn nào, thử thách nào, gian nguy nào chỉ cần sự đoàn kết, giữ được tính nhân văn, nhân ái, yêu thương nhau, vì con người, để bao dung, vị tha để tạo nên sự đồng lòng, đồng thuận mang đến một sức mạnh to lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ tỉnh nhà trong thời gian tới.
Phát huy tinh thần quật khởi và tính nhân văn cao cả của Cách mạng tháng Tám năm 1945, hiện nay, tỉnh Bình Dương đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng thành phố thông minh trong tương lai. Mỗi công dân Bình Dương cần phải giữ vững bản lĩnh, phát huy truyền thống yêu nước bất khuất, hào hùng của dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc và thời đại, nhất định toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà sẽ vững bước khắc phục những khó khăn hạn chế, khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng thương hiệu tỉnh Bình Dương “Giàu đẹp- Năng động- Hiện đại”, người Bình Dương “Văn minh- Tiến bộ- Thân thiện- và Hiếu khách”!
Tác giả: Võ Văn Ninh Giang - Võ Huỳnh Như Thuyên Trường Chính trị Bình Dương (PT)
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.159.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 3, tr.554.