8/2/2021 12:00:00 AM GMT+7

Từ “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 1946” của Hồ Chí Minh đến Lời kêu gọi toàn dân đồng lòng phòng, chống đại dịch Covid 19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

1. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 1946”- Hịch cứu nước bất tử của Hồ Chí minh Sau cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền - Tháng Tám năm 1945, ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên cáo với đồng bào cả nước và nhân dân thế giới: Nước Việt Nam đã giành được tự do, độc lập sau hơn 80 năm kiên cường chiến đấu chống ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Đây là một mốc son chói lọi, một sự kiện lịch sử vĩ đại nhất thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam.

Tại Hà Nội, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực cao độ để xây dựng, củng cố chính quyền mới, lãnh đạo Nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất nhằm cứu đói, mở các lớp bình dân học vụ để chống lại nạn mù chữ cho phần lớn đồng bào.


Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng biết cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp không thể tránh khỏi, cho nên đã lãnh đạo đất nước tích cực, chủ động chuẩn bị mọi mặt để bước vào kháng chiến. Bên cạnh đó là những hoạt động ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo, linh hoạt để đuổi đội quân ô hợp của Tưởng Giới Thạch về nước, ký với thực dân Pháp một loạt hiệp định, tạm ước để gìn giữ hòa bình, hoặc chí ít nhân nhượng đến mức cuối cùng nhằm kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chắc chắn sẽ xảy ra.


Mở đầu, Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Đây là cuộc chiến tranh giữ nước; đồng thời tố cáo tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do thực dân Pháp gây ra - kẻ xâm lược.


Thông qua Lời kêu gọi, Người khẳng định quyết tâm kháng chiến bảo vệ nền độc lập của nhân dân ta. Lời kêu gọi viết: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!” Đây chính là sự xuất phát điểm của truyền thống anh dũng bất khuất của dân tộc, khát vọng độc lập của nhân dân Việt Nam, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ”. Do vậy, Hồ Chí Minh kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”.


Cùng với kêu gọi toàn thể nhân dân tham gia kháng chiến, Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Trong giờ phút cam go, Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh với lực lượng vũ trang thể hiện tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đây chính là quan điểm rõ nhất của Hồ Chí Minh cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong cuộc kháng chiến chống một kẻ thù xâm lược mạnh hơn mình trên tất cả các mặt.


Đồng thời khẳng định tính tất yếu của thắng lợi cuối cùng chắc chắn thuộc về dân tộc Việt Nam. Kết thúc Lời kêu gọi, Hồ Chí Minh khẳng định một niềm tin tất thắng: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta". Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.

 



Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Tác phẩm Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến khẳng định khát vọng hòa bình, ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong dòng chảy liên tục của lịch sử dựng nước và giữ nước, mong muốn hòa bình để dựng xây đất nước là khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam. Khát vọng hòa bình của nhân dân ta sẽ không bao giờ có được khi kẻ thù có dã tâm xâm lược nước ta. Cho nên, Người khẳng định rõ ý chí, quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong bảo vệ nền độc lập, tự do - thành quả của Cách mạng Tháng Tám vừa giành được: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lời khẳng định đó là sự kết tinh của truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; là sự tiếp nối ý chí và quyết tâm “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” đã được Người khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập.


Có thể khẳng định, đây là lời hịch cứu nước, có tác dụng cổ vũ, thôi thúc và động viên toàn dân nhất tề đứng lên đánh giặc. Để huy động sức mạnh, tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Lời hiệu triệu của Người là tiếng gọi thiêng liêng của non sông, đất nước, thôi thúc cả dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới.


2. Từ lời “Hịch cứu nước” của Bác đến Lời kêu gọi toàn dân đồng lòng phòng, chống đại dịch Covid 19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

 


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)


Hiện tình hình dịch bệnh đã và đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền nam, thực trạng rất nguy hiểm bởi sự lây lan diện rộng trên phạm vi rộng, tốc độ lây nhiễm theo cấp số nhân sự hủy diệt của nó không thể lường trước được. Đối với nước ta, cuộc chiến chống dịch Covid đã bước sang giai đoạn thứ khóc khăn mới, giai đoạn có ý nghĩa quyết định. Để chiến thắng hoàn toàn đại dịch Covid-19, đòi hỏi nhân dân phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước, trong đó cần chú trọng phát huy hơn nữa sức mạnh chính trị-tinh thần, nhân tố ưu trội của đất nước chúng ta. Ưu thế đó không chỉ được thực tiễn chống dịch vừa qua kiểm nghiệm mà nó đã được khẳng định là một giá trị truyền thống nổi bật, góp phần bảo đảm cho dân tộc ta trường tồn, phát triển qua những biến thiên thăng trầm của lịch sử.


Những tháng ngày oai hùng của lịch sử năm đó, với lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, hàng triệu con người Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, toàn dân không kể già trẻ, trai, gái, không phân biệt vùng miền, tôn giáo… vì họ là những con người Việt Nam yêu nước, tinh thần dân tộc bất diệt trong mỗi người dân, để không ngại hy sinh cả xương máu cho độc lập tự do cho non sông. Sức mạnh của sự đồng lòng, đoàn kết đã tạo nên Thế trận lòng dân vô cùng vững chắc để đánh đuổi kẻ thù, mang lại hòa bình cho nhân dân.


Thực tiễn hôm nay, trong cuộc chiến chông đại dịch này, tuy không có khói lửa của súng đạn, sự khốc liệt của chiến tranh, nhưng sự hiểm nguy của nó ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng triệu con người, mang tính chất toàn cầu, đe dọa đến nhân dân ta, vấn đề chống dịch là một vấn đề cấp thiết, vô cùng khó khăn, nan giải.


Để quyết tâm thực hiện lời kêu gọi cả nước đồng lòng chống dịch của Tổng Bí Thư, nhân dân ta phải đoàn kết phát huy sức mạnh chính trị- tinh thần dân tộc, đáp ứng yêu cầu chiến thắng hoàn toàn đại dịch Covid-19, toàn dân ta phải quan tâm đồng bộ đến các yếu tố chi phối, tác động đến phát huy sức mạnh nhân tố chính trị- tinh thần như sự quyết tâm chính trị cao; sự phù hợp của các quyết sách về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thực hiện quyết tâm đồng loạt để đối phó với dịch bệnh… Trước hết, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong phòng, chống dịch bệnh. Khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng, mỗi người dân thực sự là một "chiến sĩ trên mặt trận chống dịch” để tăng cường, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc. Đồng thời tiếp tục kiên định chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước “chống dịch như chống giặc”, với mục tiêu cao nhất là con người, vì tính mạng của mỗi người dân. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình diễn biến cụ thể của dịch bệnh, các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, các cấp bộ, ngành kịp thời có chủ trương, biện pháp linh hoạt, khoa học, hiệu quả để xử lý dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, nhất là về sức khỏe và tính mạng con người. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội. Qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hiệu quả của Đảng, Nhà nước để tăng cường, củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận, ủng hộ ngày càng cao của nhân dân đối với “cuộc chiến chống dịch”.


Trong cuộc chiến chống dịch này cấp bách này, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư với mong muốn toàn dân ta quyết tâm đồng lòng hợp sức cùng Nhà nước chống dịch bằng những giải pháp và ý thức trách nhiệm được phát huy cao nhất trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Ngoài thực nghiêm những chính sách mang tính vĩ mô của Nhà nước để kịp thời đối phó trong tình hình dịch bệnh phức tạp thì vẫn cố gắng thực hiện những chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, duy trì lực lượng lao động, đảm bảo sức khỏe cho người lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo đời sống người lao động, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giảm nghèo, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất... nhất là những địa phương khi đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn”.


Tuyên truyền, vận động mỗi người dân lúc này đều phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống dịch. Ý thức trách nhiệm trong tuân thủ tuyệt đối những biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường, an lành để vui sống và làm việc.Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân chúng ta là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh. Mọi người cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, có những biện pháp bảo vệ phù hợp, kịp thời. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện tuyệt đối nghiêm túc thông điệp 5K, với mục đích để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng trước đại dịch COVID-19.


Mỗi người dân và gia đình cần gương mẫu tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Không vi phạm các quy định về phòng, chống dịch tại nơi cư trú. Đó chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn từ đại dịch. Đây sẽ là những “chốt chặn” quan trọng nhất để cùng với lực lượng tuyến đầu thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta.Trong diễn biến khó lường của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đang hoành hành, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Như thế, mỗi người dân chúng ta không thể thờ ơ trước những nỗ lực, trước những vất vả hi sinh của các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chúng ta cần phải có ứng xử văn minh, trách nhiệm trong tất cả mọi mặt của “đời sống thời chiến” của cuộc chiến với kẻ thù chung mang tên COVID-19. Đó chính là việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng, sẵn sàng chia sẻ và cảm thông với hoàn cảnh còn khó khăn của đất nước, địa phương... Thay vì đòi hỏi, phán xét, chê bai, chống đối... mỗi cá nhân với việc làm phù hợp khả năng điều kiện của mình hãy chung tay cùng Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Từ việc đơn giản nhất ai cũng có thể làm là tự nâng cao ý thức phòng, chống dịch, hợp tác, chung tay hỗ trợ với chính quyền và các lực lượng chức năng, tham gia các hoạt động thiện nguyện,... Những hành động cụ thể, những hành xử văn minh, tuân thủ quy định phòng, chống dịch, tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ, đùm bọc chính là thể hiện lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của bản thân đối với đất nước.


Đáp lại kỳ vọng, niềm tin của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự đoàn kết, chung lòng của toàn dân, cùng quyết tâm tạo nên một thành trì vĩ đại chống lại dịch bệnh, mỗi người dân Việt Nam ta hãy coi đại dịch COVID-19 như một cuộc chiến, chúng ta là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch. Ý thức trách nhiệm, niềm tin, sự bình tĩnh... của mỗi người sẽ là “vũ khí” hữu hiệu nhất để đi tới chiến thắng đại dịch, tin vào một ngày không xa, đất nước chiến thắng đại dịch, nhân dân ta lại được sống trong yên bình, ấm no hạnh phúc.

Tác giả: Võ Huỳnh Như Thuyên - CLB Lý luận trẻ


Tài liệu tham khảo:


1. Các nội dung được trích của tác phẩm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã được in trong Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, trang 480, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995


2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 158-159.


3. Toàn văn “Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 55644872
Hôm nay: 10157
Đang online: 91
Về đầu trang