TTBD - 76 mùa thu đã đi qua, nhưng nhân dân ta luôn ghi nhớ giá trị lịch sử vĩ đại của mùa thu tháng 8 năm 1945 năm ấy. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đánh dấu một bước ngoặc lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có thành công của việc nhận thức và tranh thủ thời cơ của Đảng ta. Điều đó đã được đúc rút, vận dụng sáng tạo, trở thành nghệ thuật đặc sắc trong đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Thời cơ là thời điểm lịch sử thuận lợi nhất, có đủ điều kiện nhất để tiến hành một hành động tạo kết quả theo ý đồ của mình. Trong chiến tranh, để giành thắng lợi, điều căn bản là hình thành sức mạnh quyết định cả về thế và lực ở thời điểm quyết định. Ngay từ năm 1939, do nhận thức rõ tình hình thế giới và trong nước, đánh giá mặt mạnh, yếu của địch và sự tất yếu phải nổ ra cuộc cách mạng dân tộc trong thời kỳ này, Đảng đã trực tiếp chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền cả về đường lối, căn cứ địa và lực lượng cách mạng, tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ kịp thời và chính xác.
1. Những yếu tố tác động đến nhận thức của Đảng ta về thời cơ và chỉ đạo tranh thủ thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
- Về bối cảnh thế giới.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ vào tháng 9-1939. Từ cuối năm 1944 đầu năm 1945 tình hình thế giới có nhiều biến đổi. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc với những thắng lợi liên tiếp của quân đội Liên Xô và Đồng minh cùng các lực lượng dân chủ, hòa bình và tiến bộ trên thế giới. Trên chiến trường châu Á-Thái Bình Dương, quân đội phát xít Nhật bị bao vây, uy hiếp từ bốn phía.
- Về tình hình Việt Nam và Đông Dương.
Tháng 9/1940, quân đội Nhật Bản từ Trung Quốc tiến vào Lạng Sơn xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng đầu hàng. “Sự kiện đó chúng tỏ từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp” . Với Hiệp ước “Phòng thủ chung” ngày 08/12/1941, thực dân Pháp và phát xít Nhật cấu kết với nhau áp bức, bóc lột nhân dân Đông Dương, nhân dân ta lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”.
Đầu năm 1945, cục diện chiến tranh thế giới thứ hai có nhiều biến chuyển, cho nên quân Pháp tại Đông Dương một mặt tiếp tục quỵ lỵ quân Nhật, mặt khác ráo riết hoạt động chuẩn bị đón thời cơ khôi phục những quyền lợi đã mất. Đứng trước tình thế nguy khốn đó, phát xít Nhật đã tiến hành đảo chính hất cẳng Pháp để độc chiếm Đông Dương vào đêm ngày 9/3/1945.
2. Đảng ta nhận thức và tranh thủ thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Với sự phân tích chính xác, khoa học mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, Đảng ta đã dự báo cuộc đảo chính này và vạch ra những kế hoạch hành động khi tình hình có sự chuyển biến mau lẹ. Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp vào đêm 9/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương họp hội nghị mở rộng tại Từ Sơn, Bắc Ninh, phân tích tình hình và quyết định phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa. Tinh thần ấy được thể hiện trong Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Chỉ thị nhấn mạnh: cuộc đảo chính đã tạo ra ở Đông Dương “một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc”, tuy nhiên, “những điều kiện khởi nghĩa chưa thực chín muồi” vì quân Pháp tan rã, song Nhật chưa đến mức hoang mang cực độ, các tầng lớp trung gian chưa ngả hẳn về phía cách mạng, đội quân tiên phong chưa sẵn sàng.
Nhận định ấy thể hiện tính toàn diện, khách quan, không lấy ý chí chủ quan mà suy xét, nhận rõ những điều kiện chưa chín muồi. Trên cơ sở đó, Đảng ta nhanh chóng quyết định phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Rõ ràng là cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương đã tạo ra một hoàn cảnh mới để từ đó Đảng ta triệt để khai thác những thuận lợi mà hoàn cảnh lịch sử mang lại để tiến tới tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Giữa lúc cao trào kháng Nhật cứu nước của nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ thì một sự kiện quan trọng diễn ra: phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vào ngày 14/8/1945 không điều kiện, hàng ngũ chỉ huy của Nhật ở Đông Dương chia rẻ đến cực điểm, quân lính Nhật hoang mang, mất tinh thần; bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ, loay hoay tìm chủ mới. Cho nên đó là cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập, thời cơ cho cách mạng chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Nếu không có sự nhận định đúng và chớp thời cơ nhanh chóng của Đảng, thời cơ đó sẽ trôi qua, cách mạng khó thắng lợi. Thời cơ sẽ biến mất khi quân Đồng minh vào nước ta để tước vũ khí phát xít Nhật. Với bản chất thực dân đế quốc, chúng có thể dựng ra một chính quyền tay sai trái với ý chí và nguyện vọng của dân tộc Việt Nam. Đế quốc Pháp đang lăm le khôi phục địa vị thống trị cũ ở Đông Dương. Bọn phản động trong nước cũng đang tìm cách thay thầy đổi chủ.
Do đó, trách nhiệm lịch sử của Đảng ta là lãnh đạo toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền khi quân Pháp chưa kịp trở tay, trước khi quân Anh, Mỹ và quân Quốc dân Đảng Trung Hoa vào Đông Dương thực hiện những mưu đồ riêng của chúng. Vì vậy, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (8-1945) quyết định phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Hội nghị chỉ rõ: “Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi việc đều phải nhằm vào ba nguyên tắc:
a) Tập trung – Tập trung lực lượng vào những việc chính.
b) Thống nhất – thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy.
c) Kịp thời – kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội.
Ngày 16/8/1945, Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ”.
![](/ImageUpload/image/B%C3%A0i%20vi%E1%BA%BFt%20B%C3%A1c%20H%E1%BB%93/1982021_TL_1%20(1).jpg)
Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Ảnh: TTXVN
Với ý chí dù hy sinh tới đâu, dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập, toàn dân từ Bắc đến Nam đã đứng lên xóa bỏ bộ máy chính quyền của Nhật, giành lấy chính quyền về tay nhân dân từ thành thị đến nông thôn. Nhờ có sự chuẩn bị lực lượng chu đáo, lại nổ ra đúng thời cơ, Cách mạng Tháng Tám đã giành thắng lợi. Đó là một điển hình thành công về nghệ thuật tạo thời cơ, dự đoán thời cơ, chớp lấy thời cơ phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng ta.
3. Từ bài học của Đảng ta nhận thức và tranh thủ thời cơ trong Cách mạng Thàng Tám năm 1945 đến chiến lược cấp bách phòng chống Covid 19 hiện nay.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, với sự xuất hiện của biến chủng mới rất nguy hiểm, đang bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong cao tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại khu vực Đông Nam Á. Tại nước ta, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường. Đặc biệt, dịch bệnh đã lan rộng, ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với số người bị nhiễm rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống Nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo tình hình thực tế hiện nay, trong bối cảnh nguồn cung ứng vắc xin còn hạn chế, chưa thể đạt miễn dịch cộng đồng, chưa có thuốc điều trị Covid 19 đặc hiệu. Phòng chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân trong giai đoạn hiện nay. Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Đây là những chiến lược thần tốc, cấp bách và phải tận dụng tất cả các cơ hội để phòng dịch, dập dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, ổn định kinh tế, giữ vững an toàn, trật tự xã hội, chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để đảm bảo lợi ích lâu dài, nếu nhân nhượng, chậm trễ sẽ gây ra hậu quả khôn lường do dịch bệnh mang đến.
![](/ImageUpload/image/B%C3%A0i%20vi%E1%BA%BFt%20B%C3%A1c%20H%E1%BB%93/1982021_TL_1%20(2).jpg)
TP Thuận An, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 21-6.
Thực tế cho thấy nếu áp dụng đúng các Chỉ thị được quy định sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân, nhất là đời sống và an sinh xã hội, công tác tuyên truyền vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định lúc này cón rất nhiều nan giải, đòi hỏi chính mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức, đồng tình và chung tay với nhà nước, chính phủ trong công tác phòng chống dịch.
Về áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19, căn cứ Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn…Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh. Bám sát thực tiễn với tinh thần “hiệu quả trên hết” phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng, hoàn thiện, điều chỉnh ngay bảo đảm sát với diễn biến tình hình theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch đi qua; cấp trên phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.
Các địa phương căn cứ vào các quy định chung của Trung ương, chủ động ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng chống dịch, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời giữa các ngành, các địa phương. UBND các cấp kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình cụ thể tại địa bàn và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp. Tất cả các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.
Mỗi địa phương phải căn cứ tình hình và yêu cầu phòng chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; thực hiện biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý. Xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền, tập trung xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay; phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Tập trung tối đa, phát huy sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, dồn sức, dồn lực để đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, giúp toàn dân trở lại trạng thái đời sống bình thường vào thời gian sớm nhất.
Căn cứ vào tình hình hết sức phức tạp của dịch bệnh hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và một số tỉnh đã linh hoạt kéo dài thêm việc áp dụng Chỉ thị 16 để có thể dồn sức dập dịch, tiêm chủng toàn dân và thực hiện có hiệu quà các giải pháp phòng chống dịch mà Chính phủ đề ra. Thiết nghĩ, dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ngay lúc này, hoàn cảnh lịch sử cụ thể hết sức cấp bách, nếu không tận dụng mọi cơ hội, thời gian còn có được, để tiến hành chống dịch nhanh chóng thì hậu quả khôn lường, trầm trọng sẽ khó tránh khỏi, đây không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, của Chính phủ, của Nhà nước mà là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam trong việc nghiêm túc thực hiện đúng Chỉ thị, phối hợp, chung sức, chung lòng, vững tin để tạo nên một thành trì vững chắc chống lại dịch bệnh đang rất nguy hiểm.
76 năm đã trôi qua, nhưng Cách mạng Tháng Tám với sức mạnh trường tồn của mình vẫn tiếp tục tác động mạnh mẽ vào công cuộc đổi mới của chúng ta hiện nay, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm rất cần thiết được vận dụng trong tình hình dịch bệnh bùng phát như hiện nay. Và một trong những bài học vô cùng quý giá mà Cách mạng Tháng Tám để lại đó là trong mọi hoàn cảnh phải phát huy tính chủ động, sáng tạo của Đảng và quần chúng nhân dân, kịp thời nắm bắt thời cơ để từ đó đưa ra chiến lược, sách lược đúng đắn trên cơ sở nắm vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mang lại đời sống ấm no, bình an, hạnh phúc cho nhân dân.
Võ Huỳnh Như Thuyên - CLB Lý luân trẻ (TL)