7/27/2021 12:00:00 AM GMT+7

Tri ân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 –Thanh niên Bình Dương thể hiện lòng biết ơn bằng những hành động thiết thực nhất

TTBD - Hòa bình lập lại 46 năm, khói lửa chiến tranh cũng đã lùi dân, nhưng những đau thương mất mát của cuộc chiến ấy để lại thì không gì bù đắp được. Hàng năm, cứ đến dịp 27/7, nhân dân cả nước lại tưởng nhớ về những người lính đã đã hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Chúng ta luôn trân trọng, biết ơn, tưởng nhớ những chiến sỹ đã khuất, đã bị thương trong cuộc chiến bằng lòng tri ân và sự kính trọng lớn lao.

 

Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi đánh đuổi quân Đông Hán

 

Tinh thần xả thân vì nước của đồng bào ta vốn đã tỏa sáng ngay từ thời Vua Hùng dựng nước, trải qua hàng nghìn năm đấu tranh giữ nước, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, thời Đinh, Lý, Trần, Lê,…, tinh thần ấy luôn được phát huy mạnh mẽ qua những cuộc đấu tranh bảo vệ bờ cõi trước giặc xâm lược phương Bắc. Những cuộc khởi nghĩa đánh tan hàng chục vạn quân giặc xâm lược "ỷ đông hiếp yếu", làm cho chúng hoảng sợ tháo chạy về nước rồi mà vẫn còn “tim đập chân run”, như trong “Bình Ngô đại cáo” đã từng tổng kết. Hay như đoàn quân của vua Quang Trung thần tốc và bách chiến bách thắng, đánh cho quân xâm lược nhà Thanh “không còn mảnh giáp” che thân; bại trận, bỏ chạy ngay từ khi chưa kịp hiểu vì sao, chỉ có thể khiếp đảm mà thốt lên rằng “tướng thì như trên trời rơi xuống, quân thì như từ dưới đất chui lên”. …Còn sức mạnh của những người lính trong thời đại Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống và lý tưởng của thời đại. Họ chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới, là một trong những hình tượng đẹp nhất của lịch sử dân tộc.


Trong cuộc chiến này, nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương, nhiều người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Rồi đã thành truyền thống, nhân dân ta đã dành tình yêu thương của mình, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, bệnh binh một cách tận tình chu đáo hàng chục năm nay. Ngày 27/7 là dịp nhân dân Việt Nam hướng về những chiến sĩ đã hy sinh, bày tỏ biết ơn và trân trọng những thương binh anh dũng trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong cuộc sống hôm nay. Đây cũng là dịp để chúng ta nhớ về những trang sử hào hùng của cha ông. Đó cũng là ngày mà cả đất nước hướng trái tim mình về những con người đã mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc, độc lập, tự do,… Cảm xúc khó diễn tả bằng từ ngữ, nó chỉ được cảm nhận thông qua tình cảm mà mỗi người cho đi và gửi gấm cho nhau. Ở đây có tình cảm và lòng biết ơn của những những con người ở lại, của thế hệ hôm nay gửi đến những con người đã hy sinh vì Tổ Quốc, vì độc lập tự do và vì tất những gì tốt đẹp nhất của ngày hôm nay.

 

 

Chiến thắng mùa xuân năm 1975 nước ta giành được độc lập, thống nhất đất nước


Những ngày mùa thu tháng Bảy, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho ngày hòa bình, độc lập và tri ân cho những người trở về sau bom đạn, khói lửa của chiến tranh, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ Quốc, cho nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ chúng tôi hôm nay và mai sau. Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những hậu quả và dư âm của nó còn sót lại vẫn rất lớn lao và khốc liệt, ghi dấu mãi mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam, ngày 27/7 lại đang đến gần, đó là ngày mà nhân dân cả nước đã giành riêng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hi sinh vì đất nước, vì độc lập tự do. Các anh ra đi vì những mục tiêu cao đẹp và ngã xuống hào hùng, bàn tay của giặc đã tàn phá dày xéo đất nước nhưng không bao giờ làm thay đổi được bản chất của con người Việt Nam. “Uống nước nhớ nguồn”, "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây ", “Đền ơn đáp nghĩa”… trân trọng lớp đi trước… đó là những đạo lí tốt đẹp của dân tộc và chúng ta có được hòa bình độc lập như ngày hôm nay chính là nhờ một phần lớn công lao của các thế hệ đi trước.


Nếu không có những sự hy sinh cao quý thì đã không có một đất nước giữ được niềm tự hào, hạnh phúc trọn vẹn như ngày hôm nay, nếu không có sự hy ấy thì đã không còn là một đất nước kiên trung, bất khuất. Mà sự thật đã cho con người Việt Nam xứng đáng với niềm tự hào rằng chúng ta là con người Việt Nam mang trong mình dòng máu “Con rồng cháu tiên”. Điều đó là bất diệt hôm nay và về sau, không một ai có quyền xâm phạm.


Để có được nền hòa bình hôm nay, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có cơm ăn, áo mặc, có được những nụ cười, ..... Tất cả những điều có được ấy là phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng xương bằng máu của các thế hệ cha ông đi trước. Trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc. Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Bác Hồ đã viết: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng", và Người giải thích: "Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại".

 

 

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì tổ quốc


74 mùa thu đi qua (27/7/1947-27/7/2021) là 74 mùa tri ân, ngày 27/7 trở thành ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên, không thể quên. Mặt khác, phải thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả thường xuyên, coi việc mình làm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh là làm thay những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc, vì mình, vì cả dân tộc Việt Nam.


Đất nước đã hòa bình, nhưng chiến tranh chưa hẳn đã lùi xa, hàng ngày hàng giờ các thế lực thù địch, phản động lưu vong vẫn nhăm nhe chia cắt đất nước, những loại tội phạm nguy hiểm vẫn chực chờ cơ hội, thiên tai lũ lụt vẫn hoành hành. Chính vì điều đó mà tuổi trẻ hôm nay cần phải không ngừng nổ lực hơn nửa để xứng đáng với những sự hy sinh cũng những điều tốt đẹp mà thế hệ trước đã dùng cả sinh mệnh quý giá của mình để bảo vệ và để lại cho thế hệ hôm nay. Thế hệ hôm nay không chỉ có điều kiện về mặt hòa bình, an ninh, kinh tế, vật chất mà còn có điều kiện để tiếp thu và học hỏi kiến thức. Cho nên dù trong hoàn cảnh nào đi nửa, trải qua bao nhiêu thời gian nửa thì cách giải quyết tốt nhất mọi việc vẫn là kiến thức và áp dựng kiến thức. Hãy là một thế hệ mà không chỉ đất nước tự hào mà phải khiến cho cả thế giới phải ngưỡng mộ. Có lẽ điều đó cũng đã được thể hiện phần nào qua cuộc chiến chống đại dịch lần này.
Trãi qua một thời gian khó khăn chống đại dịch Covid 19, có lẽ chúng ta sẽ càng thêm yêu thương thêm tự hào về một Việt Nam. Nhìn thấy cảnh tượng ngày hôm nay, chúng ta phải có niềm tin chiến thắng đẩy lùi dịch bệnh, bởi vì quay ngược lại chiều dài lịch sử, trải qua bao năm tháng chiến tranh khốc liệt, quân và dân ta còn không ngại hy sinh cả máu thịt, tín mạng của mình cho bình yên của non sông. Trong những trận chiến khốc liệt năm đó, nhân dân miền Bắc làm hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam thân yêu, có những tiểu đội xe không kính băng rừng Trường Sơn bon bon chạy vì miền nam phía trước…. Hôm nay khi miền Nam đứng trước cảnh hiểm nguy, mất mát do đại dịch, cả nước lại một lần nữa đứng lên cổ vũ, chi viện hết sức mình đến miềm Nam ruột thịt thân yêu. Nhìn những đoàn xe của các y bác sĩ, các trường đại học, các tình nguyện viên từng đoàn, từng đoàn tiến vào miền Nam với chuyến đi mang tên hướng đến “Miền Nam ruột thịt”, trong tim mỗi chúng ta như thắt lại dâng trào một cảm giác tự hào, trân quý và biết ơn vô cùng.

 

 

Đồng chí Trần Bảo Lâm - Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh Đoàn, Thắp hương tri ân đến các anh hùng đã ngã xuống tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh


Bên cạnh đó, trong những ngày giãn cách xã hội, thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, chúng ta chúng kiến bao hoàn cảnh khó khăn, và biết bao hành động đẹp lan tỏa “ Nhường cơm xẻ áo”, thế nào là “lá lành đùm lá ránh” và đặc biệt thế nào là “ đại đoàn kết” mà Bác Hồ đã từng nói trong những trận chiến tranh xưa. Đó là hình ảnh của những cụ già hái từng nắm rau xanh, là những đứa trẻ đem từng quả bí, quả bầu, là bao gạo mới thu hoạch còn chưa kịp bán đều được tập trung lên xe mang đến cho miền Nam. Tất cả như tái hiện lại một trận chiến khóc liệt nhưng tràn ngập những yêu thương, những điều tuyệt vời của một đất nước kiên cường.


Trên mặt trận chống dịch hôm nay, chúng ta ngoài lòng biết ơn sâu sắc đến các chiến sỹ đã hy sinh ngã xuống, với những người có công cách mạng, thiết nghĩ lòng biết ơn đó phải được thể hiện qua những hành động cụ thể, thiết thực nhất. Tình hình dịch bệnh hiểm nguy, kinh tế, an sinh xã hội đều ảnh hưởng, cuộc sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những gia đình chính sách, những người có công cách mạng, thương binh và cựu chiến binh, họ cần được sự hỗ trợ kịp thời, ân cần chu đáo động viên và giúp đỡ họ cùng vượt qua đại dịch, không bỏ lại bất kì ai ở phía sau.

 

 

Đồng chí Trần Thị Diễm Trinh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Thắp hương tri ân đến các anh hùng đã ngã xuống tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh


Thực hiện được điều này, thì lòng tri ân, biết ơn đối với những thế hệ cha ông đi trước sẽ được chứng minh, được mang giá trị ý nghĩa, thiết thực nhất, bởi vì khi họ ngã xuống, cái họ khao khát nhất vẫn là đất nước được giải phóng, nam bắc một nhà và người người ấm no, hạnh phúc. Thế hệ trẻ hôm nay đã và đang sống, được thụ hưởng điều kiện sống rất tốt đẹp, chúng ta vẫn luôn khắc ghi, trân trọng công ơn đó của họ. Tuy nhiên, phải xung kích hơn nữa, cố gắng hơn nữa, cống hiến hơn nữa, bản lĩnh nhiều hơn nữa để đóng một phần công sức của mình vào cuộc chiến hiểm nguy chống dịch Covid 19 hiện nay.


Chống dịch như chống giặc, khi đất nước chiến tranh chống kẻ thù, cho dù máu xương đổ xuống thì chiến sỹ ta, nhân dân ta cũng đồng lòng đoàn kết, kiên cường anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giành độc lập tự do cho quê hương, giờ đây trong tình hình thực tiễn dịch bệnh nguy cấp cấp này, chúng ta càng phải giữ gìn và phát huy tinh thần đó, vì chỉ có niềm tin, giữ vững một niềm tin chiến thắng thì chúng ta mới xông pha chiến đấu không lùi bước trước đại dịch. Tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, kịp thời ban hành những chỉ thị, hướng dẫn, quy định và những chiến lược cấp bách nhằm chống dịch, diệt dịch, thì chúng ta phải tuân thủ, nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh, tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện đúng quy định, những giải pháp được chính quyền đưa ra, đồng lòng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng quyết tâm dập dịch, có như vậy mới tạo ra một lá chắn thép, một thành trì vũng chắc để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, dần trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân trong thời gian tới.

 

Tác giả: Võ Huỳnh Như Thuyên (TL)  

Chi đoàn cơ sở Trường Chính trị tỉnh

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49236363
Hôm nay: 1412
Đang online: 33
Về đầu trang