TTBD - Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân Thủ Dầu Một - Bình Phước kể từ khi ta nổ tiếng súng tiến công giải phóng Dầu Tiếng (ngày 10 3/1975) đến ngày toàn thắng 30/4/1975 diễn ra đúng 52 ngày đêm quân và dân hai tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Phước đã đánh 174 trận lớn, nhỏ, diệt 166 tên địch, làm tan rã hàng vạn nguỵ quân, ngụy quyền, đánh chiếm toàn bộ các căn cứ quân sự, đập tan bộ máy ngụy quyền từ tỉnh đến huyện, xã, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt đó, đoàn viên, thanh niên Thủ Dầu Một đã nêu cao tinh thần, lý tưởng cách mạng, hăng hái tham gia chiến đấu, phát huy cao độ sức mạnh của tuổi trẻ góp phần cùng tỉnh nhà và cả nước làm nên kỳ tích anh hùng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Ở Thủ Dầu Một, những năm đầu 1975, quân dân Bến Cát liên tục đánh địch mở rộng vùng giải phóng (khu vực Bưng Còng, Rạch Bắp, Kiến An, Kiến Điền,…) tạo thế liên hoàn bao vây địch ở quận lỵ Dầu Tiếng và Bến Cát. Khu vực Bắc và Tây Bắc thị xã Thủ Dầu Một, vùng giải phóng được mở rộng nối liền với chiến khu D - căn cứ của toàn miền. Tân Uyên kiên cường, bẻ gãy nhiều cuộc càng lớn, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ. Ở các vùng tranh chấp yếu như Lái Thiêu, Dĩ An, Nam Châu Thành,… ta đẩy mạnh hoạt động đột nhập vào các ấp chiến lược, tổ chức vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở quần chúng kết hợp việc diệt tề, trừ gian, giải tán phòng vệ dân sự,… Song song với tiến công vũ trang, Tỉnh ủy chỉ đạo cho các địa phương phát động nhân dân đấu tranh chính trị, binh vận nhằm mở rộng và củng cố địa bàn.
Tháng 3/1975, bước vào đợt II của chiến dịch mùa khô, quân dân Thủ Dầu Một lại liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn. Trong khi quân dân Tây Nguyên vừa giải phóng Buôn Ma Thuột thì ngày 13/3/1975, quận Dầu Tiếng được giải phóng hoàn toàn, chặt đứt một khâu quan trọng trên hướng phòng thủ Bắc Sài Gòn của quân Ngụy. Bên cạnh đó, ở Tân Uyên, Lái Thiêu, Châu Thành, Dĩ An, Bến Cát, thị xã Thủ Dầu Một đấu tranh quân sự, chính trị liên tục diễn ra, giành thắng lợi hòa chung với những chiến công giòn giã của quân và dân cả nước. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được thành lập, các Quân đoàn chủ lực được lệnh hành quân thần tốc, vừa đi, vừa đánh để tiến về chiến trường Sài Gòn – Gia Định. Các địa phương trên toàn miền có nhiệm vụ đánh địch tạo bàn đạp thuận lợi cho các binh đoàn cơ động tiếng về chiến trường trọng điểm, vừa phát động quần chúng nổi dậy, tự giải phóng địa phương mình phối hợp với chiến trường chung.
Ở Thủ Dầu Một, quân dân Lái Thiêu, Châu Thành, Dĩ An, Tân Uyên, thị xã tiếp tục tăng cường tiến công vũ trang bao vây địch. Đồng thời, phát động quần chúng nổi dậy, đấu tranh mạnh mẽ bằng các mũi chính trị binh vận. Lúc này, tinh thần binh sĩ suy sụp nghiêm trọng, chỉ trong hơn một tuần lễ đầu tháng 4/1975, toàn tỉnh có gần 300 lính đào ngủ, nhiều toán phòng vệ dân sự tự động giải tán.
Từ ngày 14 đến ngày 16/4/1975, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một mở Hội nghị cán bộ chủ chốt để phổ biến tình tình hình, nhiệm vụ của quân dân toàn tỉnh trong chiến dịch tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh, phối hợp với chiến trường Sài Gòn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh “Đây là thời cơ ngàn năm có một để phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh nhà, cùng toàn miền Nam giành lấy chính quyền về tay nhân dân”. Công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương và đầy khí thế. Hàng trăm cán bộ cốt cán được tổ chức thành 11 Đoàn công tác, chuẩn bị sẵn sàng tiến về nội ô thị xã, thị trấn để cùng với cấp ủy tại chỗ vận động quần chúng nổi dậy, phối hợp với lực lượng vũ trang giải phóng địa phương.
Nhằm tăng cường sức mạnh của quả đấm quân sự, bên cạnh Tiểu đoàn Phú Lợi 1 và Tiểu đoàn Phú Lợi 2, Tỉnh ủy chủ trương rút thanh niên từ các cơ quan, đơn vị ở địa phương thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi 3. Ngoài ra, còn có 04 Đại đội binh chủng hợp thành từ các lực lượng vũ trang địa phương. Mỗi Huyện có 01 Đại đội địa phương, các xã đều có lực lượng dân quân du kích. Bên cạnh đó, các Huyện tiếp tục động viên đoàn viên, thanh niên lấy thêm tân binh, bổ sung quân số cho bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Về lực lượng chính trị, nhờ sự tăng cường lực lượng từ các vùng căn cứ, vùng giải phóng cho ra các địa phương theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, hầu hết các xã đều có chi bộ, chi đoàn và các tổ chức quần chúng nòng cốt. Về vật chất, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và dân công hỏa tuyến mà phần lớn là thanh niên, liên tục ngày đêm vận chuyển hơn 40 tấn vũ khí, đạn dược và 80 tấn lương thực ra tuyến trước để kịp thời phục vụ chiến trường.
Trong không khí khởi nghĩa hết sức khẩn trương, Tuổi trẻ Thủ Dầu Một cùng quân dân toàn tỉnh trong các đơn vị lực lượng vũ trang, các cơ quan Dân - Chính - Đảng, các tổ chức đoàn thể, quần chúng đều tích cực chuẩn bị lực lượng và tư thế sẵn sàng bước vào chiến dịch. Lực lượng đoàn viên, thanh niên trong các thị xã, thị trấn cũng được giao nhiều trọng trách. Ngày 26/4/1975, 02 đồng chí Nguyễn Minh Giao và Mười Nhung (thuộc chi đoàn K5 - thị xã Thủ Dầu Một), được tổ chức chỉ thị ra vùng căn cứ Rạch Móc, xã Trung An, huyện Củ Chi để truyền đạt chủ trương giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ của Chi đoàn lúc bấy giờ là vận động thanh niên tham gia nổi dậy khởi nghĩa, khi quân giải phóng tiến vào thị xã, tham gia chiếm các trụ sở của ngụy quyền và bảo vệ tài sản tiếp quản được.
Ngày 26/4/1975, các Đoàn cán bộ và lực lượng vũ trang ta bắt đầu ra quân, ồ ạt tiến về các mục tiêu trong nội ô của thị xã. Ngay trong đêm, ta giải phóng xã Bình Mỹ (tuyến phòng thủ Bắc Thị xã), mở đường cho các cánh quân của Quân đoàn I tiến về Sài Gòn. Những ngày sau đó, các địa phương trong toàn tỉnh đều đẩy mạnh tiến công quân sự kết hợp chặt chẽ với mũi nổi dậy của quần chúng, bức rút, bức hàng rào nhiều đồn bót, phá rã bộ máy tề xã, ấp lần lượt giải phóng các xã, huyện. Đêm 27/4/1975, khu Tam Giác Sắt (An Điền, An Tây, Phú An) của Bến Cát được hoàn toàn giải phóng. Đêm 28/4/1975, giải phóng xã Phú Chánh (Châu Thành). Đêm 29/4/1975, giải phóng thị trấn Tân Uyên và các xã trong toàn huyện. Sáng 30/4/1975, ta tiến công tiểu khu Phú Lợi. Đến 09 giờ sáng, ngày 30/4/1975, quân ta làm chủ trận địa, Tỉnh trưởng Ngụy Nguyễn Văn Của xin bàn giao chính quyền cho lực lượng cách mạng. Trong khi đó, ở nội ô thị xã, các tổ chức quần chúng công, nông, thanh, phụ làm nòng cốt phát động quần chúng nổi dậy, kết hợp binh vận và tiến công vũ trang bức rút, bức hàng thêm hàng loạt đồn bót của địch. Đến 10 giờ sáng 30/4/1975, ta làm chủ nội ô thị xã. Đúng 10 giờ 30, đồng chí Mười Nhung (Đoàn viên chi đoàn K5) và đồng chí Một (nữ thanh niên cốt cán) nhanh chóng tiến vào chợ Thủ, cắm cờ mặt trận lên nóc nhà việc Phú Cường. Trong khi đó, các đồng chí Minh Giao, Sơn, Ninh Quốc Bình, Ngô Công Minh cùng một số thanh niên cốt cán tiến về Thành công binh, tham gia với cánh quân phía Tây (đã có mặt từ trước) chiếm giữ thành. Đến 11 giờ, các đồng chí Giao, Bình, Minh được đồng chí Nguyễn Minh Hoàng (Phó Bí thư Tỉnh đoàn nhiệm kỳ I), giao nhiệm vụ tiến chiếm Ty Thanh niên. Tại đây, các đồng chí đã treo cờ, thu gom tài liệu, biến nơi đây thành trụ sở của Tỉnh đoàn, nơi tập hợp lực lượng thanh niên hăng hái, có lý tưởng cách mạng đến nhận nhiệm vụ, góp phần xây dựng, bảo vệ và củng cố chính quyền nhân dân vừa mới giành lại được. Lực lượng thanh niên được huy động làm các nhiệm vụ giữ gìn trật tự giao thông, sơn xóa các khẩu hiệu và cờ Ngụy, dọn dẹp vệ sinh,… thu hút nhiều đồng bào, quần chúng nhân dân tham gia cùng. Mấy ngày sau đó, cơ quan Tỉnh đoàn từ căn cứ trong chiến khu, cũng tiến về thị xã, thực hiện công tác lãnh đạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
* *
*
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi. Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất. Thắng lợi vĩ đại đó là kết quả của hơn 20 năm đấu tranh anh dũng với biết bao hy sinh, mất mát của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, trong đó có nhân dân Thủ Dầu Một trước kia, nay là tỉnh Bình Dương. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một luôn chú trọng đặc biệt đến công tác vận động quần chúng, nhất là đối với lực lượng thanh niên. Từ những ngày đầu kháng chiến, Tỉnh ủy đã tổ chức xây dựng và củng cố cơ sở Đoàn và Thanh niên cốt cán ở khắp các vùng nông thôn, đô thị, đồn điền, nhà máy, trường học. Trên cơ sở đó, đoàn viên, thanh niên Thủ Dầu Một đã phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo, sức mạnh của tuổi trẻ vào cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc. Thanh niên là nguồn bổ sung lực lượng chủ yếu cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, cũng là một bộ phận quan trọng trong lực lượng dân quân du kích xã, ấp. Thanh niên là lực lượng nòng cốt trong phong trào du kích chiến tranh, xây dựng xã, ấp chiến đấu. Thanh niên nhất là chị, em nữ thanh niên luôn thể hiện vai trò xung kích trong các cuộc đấu tranh chính trị với địch. Từ tinh thần và khí thế đó, thanh thiếu niên Bình Dương đã xây dựng được những hình tượng đặc biệt trở thành nét riêng của tuổi trẻ Bình Dương đó là: Dũng sĩ diệt Mỹ tí hon - Hồ Văn Mên được Bác Hồ nhiều lần nhắc đến, là Đội biệt động K13 từng là nỗi lo sợ của binh lính địch, là Đội nữ pháo binh Bến Cát - đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang, là chi đoàn bí mật K5 trong học sinh trung học với nhiều hoạt động sôi nổi ngay trong lòng địch, là nữ thanh niên xung phong Đoàn Thị Liên - tấm gương sáng cho lực lượng thanh niên xung phong toàn miền thời kỳ chống Mỹ, là rất nhiều các anh hùng dũng sĩ diệt Mỹ, các anh hùng lực lượng vũ trang,…
Chiến tranh đã đi qua 45 năm, giờ đây thanh thiếu niên Việt Nam nói chung và thanh thiếu niên Bình Dương nói riêng được sống trong hòa bình, độc lập, dân chủ. Những giá trị thiêng liêng đó, là thành quả của quá trình đấu tranh gian khổ của bao thế hệ cha ông đi trước, là thành quả trực tiếp của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Càng yêu hòa bình chúng ta càng trân trọng và ghi nhớ những sự mất mát hy sinh của dân tộc, trong đó, có đóng góp to lớn của thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên Bình Dương nói riêng. Càng đổi mới, càng hội nhập, chúng ta không thể quên truyền thống. Những tấm gương yêu nước, hy sinh quên mình, cách tổ chức hoạt động phong phú của đoàn viên, thanh thiếu nhi Bình Dương qua các thời kỳ kháng chiến là bài học quý báu cho tuổi trẻ Bình Dương trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Ngày nay, thanh thiếu nhi Bình Dương đang tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, anh dung của cha anh, ra sức thi đua rèn đức, luyện tài, hăng hái, tích cực học tập, lao động, sản xuất, xung kích trên các lĩnh vực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, vận dụng sáng tạo, linh hoạt đóng góp vào quá trình xây dựng Bình Dương trở thành một địa phương năng động và phát triển về mọi mặt.
Đ/c Nguyễn Thanh Thảo - UV BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn Bình Dương (lược sử)
-------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Lịch sử Đảng bộ Sông Bé tập II (1954 – 1975).
2. Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương (1930 – 1975).