TTBD - Quảng Trị “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 là một túi bom, mỗi mét vuông đất mà chiến sỹ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu. Hàng ngàn chiến sỹ đã hi sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều. Xương máu, linh hồn và tên các anh đã hóa thân thành hình hài đất nước. Có hàng ngàn hàng vạn câu chuyện chưa kể, những lời yêu thương dở dang, lý tưởng chưa thành đã vĩnh viễn ở lại lòng đất Quảng Trị năm 1972, và ở nơi linh thiêng đó: “Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật”.
Trong Hành trình “Tuổi trẻ Bình Dương nhớ lời Di chúc theo chân Bác” năm 2019, Tuổi trẻ Bình Dương đã thành kính dâng hoa, dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị
Để lấy lại tinh thần cho quân đội Việt Nam Cộng hòa và gây sức ép cho ta tại hội nghị Pari, địch dốc toàn bộ lực lượng, mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị mà mục tiêu số 1 là chiếm lại tòa Thành Cổ. Mỹ đặt mục tiêu bằng mọi giá phải cắm cờ trên Thành Cổ trước ngày 13/7/1972, tức trước khi Hội nghị 4 bên chính thức khai mạc tại Pari để thảo luận các vấn đề về Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Đây là một cuộc hành quân phản công cực kỳ tàn bạo mà kẻ thù không từ một hành động tội ác nào. Theo ước tính của phòng Quân lực, số bom đạn chúng rải xuống mặt trận Thành Cổ khoảng 328 ngàn tấn bom, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hirôsima (Nhật Bản) năm 1945…Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu địch chỉ đánh một tòa Thành Cổ, rộng chưa đầy 3km vuông, mà khiến đối phương phải huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy.
Để giữ bảo vệ được Thành cổ có biết bao người con ưu tú của Việt Nam đã anh dũng hy sinh nằm lại nơi đây. Với tinh thần “Tất cả vì Quảng Trị thân yêu”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Bộ đội còn, Quảng Trị còn” [1].Trận quyết tử tại Thành cổ Quảng Trị kéo dài tận 81 ngày đêm khói lửa, nằm ngoài dự đoán nhanh chóng 2 tuần của Mỹ - Ngụy. Phản kích chiến dịch mang tính hủy diệt đó, Thành Cổ Quảng Trị đã viết nên trang sử vô cùng oanh liệt, hào hùng bằng cuộc chiến đấu gian khổ, hiểm nguy và quả cảm qua 81 ngày đêm mùa hè rực lửa, rung chuyển cả nước, thu hút ánh nhìn e ngại từ toàn cầu. Cuộc chiến ở đây diễn ra như một huyền thoại từ ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972. Bằng tính kỷ luật tuyệt vời của người lính, ý chí ngoan cường và sự hi sinh vô bờ bến, các chiến sỹ đã kiên quyết giữ vững trận địa trong suốt 81 ngày đêm. Đó là 81 ngày đêm lịch sử đầy hi sinh mà mãi mãi bất tử. Yếu tố con người đã chiến thắng và đập tan mọi tính toán quân sự, ngoại giao của kẻ thù. Đồng chí Lê Duẩn đã tôn vinh: “Chúng ta đã chịu đựng không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”[2]
Ở Thành cổ Quảng Trị, mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật:
Vào ngày thứ 77 trong chiến dịch 81 ngày đêm, chiến sỹ Lê Văn Huỳnh, người con của xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, Thái Bình, trước khi xuất kích đưa hàng qua sông Thạch Hãn đã viết vội một bức thư, chứa bao dự cảm về tương lai và nơi liệt sỹ yên nghỉ trước trận đánh cuối cùng của mình. Bức thư mang một sự bình tĩnh đến lạ lùng của người lính khi đối diện với hi sinh. Bức thư có đoạn nói rằng:
“Toàn thể gia đình kính thương…con viết mấy dòng cuối cùng trước khi đi “nghiên cứu bí mật lòng đất”. Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”
“Em yêu thương!...Anh rất muốn được sống mãi bên em, song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em chỉ mong em khỏe yêu đời…Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào Thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ Thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về “Nhan Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy sẽ tìm thấy ghi dòng chữ đục trên mảng tôn. Thôi nhé, đấy là có điều kiện, còn không thì em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi…”[3]
Lá thư anh viết đã ở lại cùng hành trang người lính trong trận đánh đêm ấy. Đồng đội trao lại kỷ vật cho chị Đặng Thị Xơ – vợ anh. Nhòe trong nước mắt ôm kỷ vật của chồng, chị Xơ- 6 ngày làm vợ và đằng đẵng 30 năm tìm nơi chồng yên nghỉ theo lời anh chỉ dẫn trong thư nơi anh được chôn cất nếu hi sinh. Những người lính như chồng chị, trước khi vượt sông, họ chuẩn bị sẵn sàng cho buổi lễ truy điệu chính mình: gửi thư, đục tên trên bảng tôn để đồng đội chôn cất…sẵn sàng và ung dung đi vào cõi chết vì nhiệm vụ với Đảng, với cách mạng. Lá thư được chị Đặng Thị Xơ coi như kỷ vật thiêng liêng. Mãi đến khi tìm được mộ anh, người ta mới biết được câu chuyện về lá thư này. Chỉ khác một điều duy nhất trong tiên đoán của anh, ngôi mộ anh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước, ngay sát cạnh thôn Nhan Biều 1. Tất cả mọi lý giải hôm nay chỉ có thể là phỏng đoán từ linh hồn của lá thư thiêng, ngay cả việc tìm thấy hài cốt anh cũng là một cơ duyên như được hẹn trước. 30 năm đằng đẵng, chị Xơ tìm chồng khắp các vùng đất quanh trận địa, cuộc sống đổi thay, địa danh đổi khác manh mối chỉ là những lời anh dự đoán nơi mình sẽ được đồng đội chôn cất. Nhưng như một lời hẹn ước linh thiêng đi qua chiến tranh, chị tin anh còn nguyên vẹn đâu đây chứ không phải hòa vào đất vào nước, chị tin anh vẫn đợi chị đến đón về quê hương. Năm 2002, được sự giúp đỡ của đồng đội anh, chị tìm về lần nữa và xác định khu mộ có thể lạc giữa bãi sắn mênh mông trên nền đất cũ của bà Nguyễn Thị Ngân thôn Thượng Phước hiện được con trai bà canh tác…Tưởng rằng vô vọng nhưng như một cơ duyên ước hẹn, chị tìm được anh vẹn nguyên cùng hành trang người lính tuổi trẻ với dòng tên đục trên mảnh tôn như anh dặn dò. Chị tìm được anh trong nước mắt mãn nguyện của duyên chồng vợ và lá thư thiêng tiên tri của anh là kỷ vật sống động cho một thời tuổi trẻ hào hùng, những người lính như anh đã trọn vẹn cuộc đời cho Tổ quốc.
Có biết bao người phụ nữ đã chờ đợi tin của những người thương yêu ngã xuống ở Quảng Trị như chị Xơ. Khoảng cuối năm 2000, khi nghiệm thu công trình đường ống nước Thành Cổ, có một đoạn cao hơn thiết kế 30cm, cần sửa đổi. Khi đào sâu xuống họ bắt gặp bốn bộ hài cốt liệt sỹ với những kỷ vật còn vẹn nguyên. Trong đó có di vật của liệt sỹ Lê Binh Chủng, Chính trị viên phó, tiểu đoàn K3 Tam Đảo. Tìm theo nội dung trong bức thư của đồng chí đã dẫn đến một cuộc đoàn viên muộn màng trong nước mắt mãn nguyện, minh oan cho thân phận một người vợ, người con liệt sỹ. Trong chiến tranh, anh Lê Binh Chủng và chị Lê Thị Biển Khơi đã yêu nhau. Chưa kịp làm lễ cưới, chưa kịp báo tin cho gia đình thì anh nhận lệnh vượt Vỹ tuyến 17 vào Quảng Trị. Lá thư cuối cùng chị Biển Khơi viết cho anh đề ngày 15/5/1972, báo tin họ có con. Anh dự định kết thúc chiến dịch sẽ về thăm con và thưa chuyện gia đình nhưng anh đã ở lại Thành Cổ mãi mãi. Chị Biển Khơi cùng con bắt đầu những tháng ngày vất vả của việc “không chồng mà có con” trong thời lửa đạn. 30 năm sau, lá thư từ lòng đất đã minh oan tất cả sự thật. Một cuộc tìm về nguồn cội từ lời chỉ dẫn trong lá thư gửi từ lòng đất, một cuộc đoàn viên muộn màng khi ông bà nội ôm đứa cháu trai 30 tuổi mà cứ ngỡ như ôm con trai mình thuở nào…Những dòng thư, những trang nhật ký tưởng chừng như lặng câm nhưng lại viết lên cả một thời hoa lửa dữ dội. Vậy là cho đến phút cuối cùng trước khi ra đi, cái mà người lính chiu chắt lại cho cuộc đời không chỉ là niềm tin, là lý tưởng mà còn là những hạnh phúc, thanh thản cho những người thương yêu đang sống ở trên đời.
![](/ImageUpload/image/Nam%202020%20-%20Hoat%20dong%20co%20so/CO%20QUAN%20TINH%20DOAN/02052020_1%20(5).jpg)
(“Về nguồn” - Bên sông Thạch Hãn- Ảnh minh họa)
Đó là những câu chuyện nghẹ ngào chiếm một phần những cuộc đời ở lại Thành cổ mà đoàn Trường Chính trị Bình Dương chúng tôi nghe khi ghé thăm, dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị. Thời gian có thể xóa mờ, lãng quên nhiều điều quá khứ, nhưng mỗi tấc đất ở Thành Cổ vẫn còn kể mãi những câu chuyện xưa kia. Chiến tranh không chỉ đau thương trên xương thịt người lính mà còn đau đáu nhớ thương qua ánh nhìn chờ mong của những người phụ nữ. Thuở đó, họ đôi mươi, họ xuân sắc và họ đi qua cuộc chiến với mất mát của chính một nửa linh hồn mình. Biết bao người chồng, người cha, những người thương mến của họ đã ở lại nơi Thành Cổ, máu xương lẫn vào đất, vào sông, hóa thành cây cỏ, thành phù sa bờ bãi…và mãi mãi viết tiếp những câu chuyện chưa từng quên bao giờ!
…Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào
(Trích ‘Tấc đất Thành Cổ’- Phạm Đình Lân)
==========================
[1] Tỉnh ủy Quảng Trị - Bộ Quốc phòng, 40 năm giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ (1972 – 2012), Nxb Chính Trị Quốc gia, 2012, tr 786, 787
[2]Trích bài viết của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Bảo tàng Thành Cổ
[3] Tỉnh ủy Quảng Trị - Bộ Quốc phòng, 40 năm giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ (1972 – 2012), Nxb Chính Trị Quốc gia, 2012, tr 495,496
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tỉnh ủy Quảng Trị - Bộ Quốc phòng, 40 năm giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ (1972 – 2012), Nxb Chính trị Quốc gia, 2012
2. Vũ Dương Ninh, Lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam 1940 – 2010. Nxb Chính trị Quốc gia, 2014
3. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975, Tập VII – Thắng lợi quyết định năm 1972. Nxb Chính trị Quốc gia, 2013
Lê Thị Hiệp
Giảng viên khoa: Xây dựng Đảng, trường Chính trị Bình Dương (MH)