7/14/2021 12:00:00 AM GMT+7

Nữ Anh hùng Đoàn Thị Liên: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai”

TTBD - Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống thanh niên xung phong (15/7/1950-15/7/2021), Tuổi trẻ Bình Dương kính gửi bạn đọc câu chuyện về Tấm gương anh dũng Đoàn Thị Liên - nữ Thanh niên xung phong kiên cường, bất khuất cùng câu nói bất hủ “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai”.

Ngày 20-4-1965, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam giao cho Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Miền Nam thành lập lực lượng thanh niên xung phong giải phóng Miền Nam để phục vụ các đơn vị chủ lực quân giải phóng Miền Nam trong các trận chiến đấu chống giặc Mỹ - Ngụy. Lúc đầu chỉ có một đội thanh niên xung phong với 108 cán bộ, đội viên. Hai năm sau đã có 10 đội, phát triển thành Tổng đội thanh niên xung phong giải phóng Miền Nam, với quân số tới 15.000 đội viên, làm nhiệm vụ vận chuyển đạn dược, lương thực và tải thương trước và sau mỗi trận đánh, phục vụ cho các sự đoàn quân giải phóng Miền Nam: Sư đoàn 9, Sư đoàn 7, Sư đoàn 5.


Hàng ngàn nam nữ thanh niên ở khu miền Đông, miền Trung, miền Tây Nam bộ, có em chỉ mới 16, 17 tuổi đã hăng hái thoát ly gia đình gia nhập Đội thanh niên xung phong giải phóng miền Nam. Số nữ đội viên đông nhất, chiếm tới 2/3 quân số của Tổng đội thanh niên xung phong. Ở tỉnh Thủ Dầu Một cũng có hàng trăm thanh niên gia nhập Đội thanh niên xung phong. Ngày 1-12-1965, Đội Thanh niên xung phong gồm 120 người của tỉnh Thủ Dầu Một đã làm lễ ra mắt tại căn cứ xã Kiến An (nay là An Lập) để gia nhập Tổng đội thanh niên xung phong giải phóng Miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Tàu (Tư Nha) Phó Bí thư Tỉnh Đoàn làm chính trị viên, đồng chí Đặng Văn Nô (Tư Luận) làm đội trưởng. Đội thanh niên xung phong Thủ Dầu Một được đặt tên là Đội thanh niên xung phong Phú Lợi căm thù (tức đội 112) trong đó có cô Đoàn Thị Liên.


Đoàn Thị Liên, sinh năm 1944, quê ở xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát. Cái tên Liên là tên lúc đi thoát ly làm cách mạng, chớ ở nhà bà con lối xóm cứ quen gọi là “con Bảy Lũng”. Nhà nghèo, ngay từ nhỏ Liên đã đi cạo mủ ở sở cao su Nhà Đỏ. Năm 1964, Liên được vào Đoàn và đội du kích xã. Do nhanh nhẹn, tháo vát, tích cực công tác, Liên được chi bộ xã giao nhiệm vụ làm xã đội phó.

 

 

Đoàn Thị Liên (giữa) cùng đồng đội Thanh niên xung phong Đại đội 112 (Nguồn: Sưu tầm)


Năm 1965, Đội thanh niên xung phong giải phóng Miền Nam được thành lập. Liên hăng hái thoát ly gia đình xin gia nhập Đội, công tác ở đại đội Thanh niên xung phong Phú Lợi căm thù, Liên đội 7 thuộc Tổng đội thanh niên xung phong Miền Nam phục vụ cho Sư đoàn 9 quân giải phóng Miền Nam. (Liên đội là tên gọi một cấp của Đội thanh niên xung phong giải phóng Miền Nam, quân số khoảng 1 tiểu đoàn) Đoàn Thị Liên được cử là tiểu đội trưởng, một tiểu đội toàn là gái cả.


Là một cán bộ chỉ huy, Đoàn Thị Liên luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn. Tính tình Liên dịu dàng, vui vẻ, hết lòng thương yêu đồng đội, thương yêu thương binh. Có lần đang hành quân, một chị trong tiểu đội vừa đi, vừa lên cơn sốt rét, lại là lúc phải qua lội suối. Sợ bạn đang sốt mà phải dầm nước, nên Liên đã cõng bạn lội qua suối. Tải thương phải đi đường xa, mệt nhọc, có khi phải vượt qua bom đạn địch mới đến được trạm cứu chữa. Vậy mà vốn tính vui, thích ca hát, nên đến chỗ nghỉ là Liên lại hát cho các anh thương binh nghe, góp phần làm dịu cơn đau đớn của các anh.


Hơn một năm gia nhập thanh niên xung phong, đơn vị của Đoàn Thị Liên ngoài việc vận tải đạn, tải lương thực chuẩn bị cho các trận đánh, còn tham gia phục vụ 12 trận chiến đấu ngay tại trận địa cho Sư đoàn 9 chiến đấu với quân chủ lực Mỹ - Ngụy. Nhiều lần Liên cùng đồng đội xông ra trận chiến còn đang diễn ra để cõng thương binh về trạm xá xa hàng mấy chục cây số để điều trị. Đến trạm chưa kịp nghỉ, Liên đã lao vào nấu nước, nấu cháo, pha sữa, lau rửa cho anh em thương binh. Có lần đơn vị của Liên đi công tác bị địch phục kích, Liên đã dũng cảm chiến đấu tiêu diệt địch và Liên được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” hay “Dũng sĩ diệt Ngụy”. Những hành động của Liên đã động viên toàn đội khắc phục vô vàn khó khăn, ác liệt, nhất là những khó khăn đối với người con gái, để hoàn thành nhiệm vụ. Trận đánh nào có Liên tham gia, thì Liên đều len lỏi giữa bom đạn, động viên chị em tìm kiếm hết thương binh với lời động viên: “Còn thương binh, thanh niên xung phong chưa rời trận địa!”.


Ngày 10-7-1966, trong một trận chiến đấu của một đơn vị sư đoàn 9 quân giải phóng với một trung đoàn chủ lực Mỹ - ngụy ở Cầu Cần Lê, đội của Liên đã ra gần trận tuyến để phục vụ chiến đấu. Trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt, ta diệt nhiều Mỹ – Ngụy. Nhưng ỷ vào ưu thế phi pháo, địch bắn phá vào tuyến sau. Bỗng những loạt pháo của địch bắn trúng vào đội hình của Liên, một số đội viên bị thương, mấy anh thương binh chưa kịp băng bó hy sinh. Giữa đạn khói mịt mù, Liên chạy đi chạy lại động viên chị em đưa thương binh xuống hầm trú ẩn, nhường hầm cho thương binh. Nhìn thấy anh em thương binh bê bết máu, Liên xúc động nói với những đội viên của mình: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai!”. Như được động viên, chị em nhường hầm đưa thương binh xuống hầm trú ẩn. Bỗng một loạt pháo rít trên đầu, Liên chỉ kịp đè lên một anh thương binh, lấy thân mình che chở cho anh. Khói tan, chị em chạy lại thì Liên đã hy sinh. Nước mắt của cả tiểu đội nữ thanh niên xung phong và của anh thương binh được cứu sống tiếc thương mãi người đội viên thanh niên xung phong của đất Thủ đã anh dũng hy sinh giữa tuổi 22!


Hành động anh hùng của Đoàn Thị Liên đã được Tổng đội Thanh niên xung phong giải phóng Miền Nam phát động trong toàn thể đội viên học tập và làm theo khẩu hiệu mà Liên đã nói: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai!”. Đoàn Thị Liên hy sinh ngày 10-7-1966, thì ngày 15-7-1966, nhạc sĩ Hoàng Sơn trong đoàn văn công Sư đoàn 9 đã xúc động sáng tác bài hát GƯƠNG CHỊ SOI SÁNG NGÀN NĂM, trong đó có câu: “Lòng bồi hồi tôi cất lên lời ca ngợi về quê hương Bình Dương anh hùng. Đoàn Thị Liên chị còn sống mãi...” Bài hát ca ngợi Đoàn Thị Liên đã vang lên theo bước chân hành quân của Sư đoàn 9 và Đội thanh niên xung phong Phú Lợi căm thù suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ - Ngụy.


Những câu nói: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn!” - của người anh hùng cao xạ pháo Nguyễn Viết Xuân với đồng đội khi mình đang bị thương nặng, hay câu nói “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” của anh hùng Lê Mã Lương giữa tuổi 17 khi tham gia chiến đấu ở Khe Sanh đã cổ vũ hàng vạn thanh niên hăng hái lên đường chống Mỹ, cứu nước, thì câu nói của cổ đội viên Thanh niên xung phong đất Thủ càng nói lên ý chí quyết tâm của thế hệ trẻ Việt Nam sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, để “Không có gì quý hơn độc lập tự do” như lời kêu gọi của Bác Hồ.


Năm 1968, đồng chí Sáu Bình thay mặt Tỉnh Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Thủ Dầu Một đã mang tấm Huân chương “Chiến công giải phóng hạng nhất” của Ủy ban Trung ương mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam tặng cho Đoàn Thị Liên về trao lại cho gia đình ở Chánh Lưu trong niềm thương tiếc và tự hào của gia đình và bà con lối xóm.
Hẳn những bà mẹ có con gởi ở nhà trẻ Đoàn Thị Liên và hẳn nhân dân thị xã Thủ Dầu Một hôm nay lại biết rõ thêm về lai lịch tên một con đường - đường Đoàn Thị Liên, được đặt trong phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một.

 

 

Tượng đài Anh hùng liệt sỹ Đoàn Thị Liên tại Bình Dương (Nguồn: Sưu tầm)


Đoàn Thị Liên không còn nữa! Nhưng tên tuổi của cô vẫn lưu lại ngàn thu trên quê hương đất Thủ.


Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày hoàn toàn giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc 30 tháng 4 năm 2000, Chủ tịch nước đã ký sắc lệnh truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho Đoàn Thị Liên.


Thật là một vinh dự chẳng những cho lực lượng thanh niên xung phong giải phóng Miền Nam, mà còn là niềm vinh dự và tự hào cho thanh niên đất Thủ về người con gái anh hùng Đoàn Thị Liên, của xã anh hùng Chánh Phú Hòa của huyện anh hùng Bến Cát.

 

Tác giả: Trần Khắc Minh (Nguyên Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Sông Bé)


Nguồn: Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương giai đoạn 1930-1975 (KD)
 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49313695
Hôm nay: 9204
Đang online: 109
Về đầu trang