4/29/2020 12:00:00 AM GMT+7

Chuyện về một tuổi 20 đã gửi lại chiến trường

TTBD - Việt Nam của tôi đã có vô vàn những tuổi 20 như thế, những tuổi 20 của một thời lửa đạn hào hùng và lãng mạn…chưa xa. Thuở ấy họ trẻ lắm, yêu đời lắm và rắn rỏi kiên cường đến kỳ lạ. Những tuổi trẻ đã viết lên một thời hào hùng của Tổ quốc. Ký ức! Đầy tự hào, nhiều nỗi niềm còn nuối tiếc dở dang bởi đó là những tháng năm “Tuổi 20 gửi lại chiến trường”.

 “Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn

Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa”
Việt Nam của tôi đã có vô vàn những tuổi 20 như thế, những tuổi 20 của một thời lửa đạn hào hùng và lãng mạn…chưa xa. Thuở ấy họ trẻ lắm, yêu đời lắm và rắn rỏi kiên cường đến kỳ lạ. Những tuổi trẻ đã viết lên một thời hào hùng của Tổ quốc. Ký ức! Đầy tự hào, nhiều nỗi niềm còn nuối tiếc dở dang bởi đó là những tháng năm “Tuổi 20 gửi lại chiến trường”.
 
 
Một vài kỷ vật chiến trường của ông Trần Trung Thanh
 
Mỗi lần vào Thuận An thăm các con, người cựu chiến binh già lại kể những câu chuyện về thời mình tham gia giải phóng Tân Uyên, Sóng Thần. Thuở ấy đôi mươi quyết tâm giải phóng vùng đất này cũng chưa ai đủ tưởng tượng xa để nghĩ con cháu mình sẽ lập nghiệp, sinh sống nơi đây. Người lính già đi qua cuộc chiến không chỉ gửi lại tuổi trẻ mà còn để lại một phần thân thể ở nơi nào đó trên Tổ quốc thiêng liêng. Cuộc đời không còn quá nhiều điều để đọng lại trong ký ức già cỗi, nhưng những cựu binh như ông dù chỉ còn nhớ thoáng qua mập mờ thì những tuổi 20 ấy vẫn trở thành một phần linh hồn của dân tộc.
Năm 1970 khi vào quân ngũ ông thuộc Trung đoàn 52, Sư 338, huấn luyện tại huyện Yên Định - Thanh Hóa. Sau khoảng 3 tháng huấn luyện tân binh cả đơn vị được lệnh cấp trên kéo cờ vào Nam chiến đấu. Cũng trong đêm chuẩn bị hành quân, nửa đêm ông cùng một số đồng đội được cấp trên gặp riêng và giao nhiệm vụ mới, không vào Nam trong đợt này mà được chuyển về một đơn vị khác, học một thời gian ngắn ở trường hạ sỹ quan, chuyển về Sư đoàn 320b - Đại đoàn Đồng Bằng, tham gia công tác tuyển quân và huấn luyện tân binh để tăng cường cho chiến trường miền Nam trong thời khắc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt nhất. Sau một số khóa huấn luyện chủ yếu là con em Ninh Bình, Hải Phòng, Hải Hưng, Thái Bình…Năm 1972, Trần Trung Thanh được lệnh cùng với các đơn vị vào Nam chiến đấu. Điểm dừng chân là bờ Bắc sông Bến Hải, đó là những tháng ngày Quảng Trị mùa hè đỏ lửa giành giật từng tấc đất với quân thù.Trong mùa hè hoa lửa ấy, đơn vị C1.D7.E64.F320b của Trần Trung Thanh được giao nhiệm vụ tác chiến vòng ngoài Thành Cổ, chủ yếu là địa bàn huyện Triệu Phong - Quảng Trị. Trong ký ức đôi mươi của người cựu chiến binh, các địa bàn Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ, Ái Tử mà ông chiến đấu đều vô cùng ác liệt. đơn vị của ông khoảng 165 anh em, chủ yếu là thanh niên chưa vợ, lý tưởng sáng ngời, để bảo vệ Thành Cổ - Quảng Trị năm ấy, sau khi được lệnh rút ra chỉ còn lại chưa đầy 30 tay súng với thương tật, với vết hằn chiến tranh…nhưng Quảng Trị đã đứng vững nhờ những người lính như ông. Sau Hiệp định Pari, đơn vị của ông được lệnh lui ra vòng ngoài tĩnh hơn chuẩn bị cho chiến dịch lớn tiếp theo.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 1 đánh mũi từ phía Bắc. Những người lính của Sư 320b - Đại đoàn Đồng bằng tham gia đánh chiếm đến từng chốt cuối cùng của Sài Gòn, yểm trợ và ngắm nhìn khoảnh khắc thiêng liêng khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Ông vẫn nhớ những bước chân hành quân không mỏi thọc sâu qua đường 9 Nam Lào, sang đất Lào, hành quân từ Gia Lai xuống trong khi cùng lúc Quân đoàn 2 đánh chiếm Buôn Mê Thuột. Điểm dừng chân là Đồng Nai. Sau khi vượt sông Đồng Nai, đơn vị của ông được lệnh tác chiến đánh tại Nam Tân Uyên (Bình Dương ngày nay). Sau một ngày đêm được lệnh mặt trận xuất kích tăng, pháo yểm trợ đã giải phóng Tân Uyên mặc dù thương vong lớn. Thừa thắng, đơn vị xông tới với tốc độ hành quân nhanh, trên đường, 2 xe tăng của đồng đội đã bị dính mìn tăng nổ tung, tất cả đồng đội trên xe hi sinh. Những người lính như ông trong khoảnh khắc ấy gào thét, đau đớn…anh em nhòe cay trong nước mắt, cào bới xác xe, mấy chục anh em của ông trên xe hi sinh mà giờ chỉ gom được một rổ vụn thi hài đồng đội. Đồng đội của ông đã đi đến sát ngày chiến thắng. Xương máu hòa vào Tổ quốc không phải là cụm từ hoa mĩ sâu xa, mà trần trụi đau thương và mất mát. Tinh thần các ông đã phơi phới khi Phước Long thắng lợi, khi ấy, Ngụy không còn khả năng giành giật lại, Mỹ không có động thái viện trợ giúp đỡ thêm là mỗi người lính như ông đã sung sướng hơn mở cờ, lý tưởng sắp hoàn, ngày chiến thắng gần đến. Đồng đội của ông đang tiến trên con đường chiến thắng, để trở về, để hít thở hòa bình…và trong gang tấc họ nằm lại không nguyên vẹn trước mắt ông. Đơn vị tiếp tục tiến qua giải phóng khu vực Sóng Thần, bàn giao lại cho bộ đội địa phương và tiến thẳng về Sài Gòn.
Sài Gòn những ngày chiến thắng ngập tràn cảm xúc, gần như sự kháng cự của địch rất yếu ớt nên khi tiếp quản thành phố hầu như  còn nguyên vẹn. Khi xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, ông cùng đồng đội yểm trợ vòng ngoài, lá cờ cách mạng tung bay, nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tất cả lính các ông đều có cảm giác mãnh liệt đến lạ. Vừa cười vừa ôm nhau khóc nức nở. Sài gòn ngộp thở bởi biển người ăn mừng, rợp trời cờ bay ngày chiến thắng. Phố phường thấp thoáng số ít lính giải phóng mà dân chúng ai cũng muốn bắt tay, ôm hôn, ăn mừng.
 
 
Ông Trần Trung Thanh thăm quan khu du lịch Đại Nam - Bình Dương
 
Hành trang trở về với đất quê ngày hòa bình chỉ có một vài kỷ vật chiến trường của đồng đội, danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ Đảng trao năm 1972 và lá thư duy nhất nhận được của người yêu nơi chiến hào để hứa hẹn chuyện đời. Nhiều người lính như ông ra khỏi cuộc chiến chỉ bằng chiến thắng chứ không mang theo một mảnh giấy tờ. Với các ông đó là những thứ quý giá nhất của tuổi đôi mươi. Còn nhớ giữa chiến hào, nhận được thư hậu phương là tài sản chung, tài sản lớn. Anh em truyền tay nhau đọc phải nâng niu, nhẹ nhàng không lấm lem nhòe chữ. Cảm giác nghe tiếng yêu thương qua trang thư ngày ấy mãnh liệt và có sức động viên vô cùng, mang lại quyết tâm và hãnh diện cho các chàng trai, vì mình có người chờ đợi ở quê nhà, thứ tình yêu chỉ có ở chiến trường mới cảm nhận được.
Sau này khi làm chế độ đền ơn đáp nghĩa, ông gặp rất nhiều khó khăn trong giấy tờ, bao nhiêu năm đồng đội thất lạc, người mất người còn không thể xác minh, và danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ Đảng trao là bằng chứng duy nhất ông gửi lại tuổi đôi mươi nơi chiến trường. Địa phương đã phải cố gắng hết sức, kể cả việc giám định thương tật chiến tranh dù bao năm vết thương cũng đã mờ nhòa. Sức khỏe, tuổi trẻ đã gửi lại miền ký ức mà ở cái tuổi cựu binh ông cũng không còn nhớ hết. Lần đầu nhận trợ cấp chế độ cho thương binh 4/4, ông đã khóc, không phải vì khoản tiền trợ cấp mà vì Tổ quốc đã không quên tuổi trẻ của ông. Có lẽ những người lính như ông đã không sợ chiến đấu hi sinh nhưng lại rất sợ bị lãng quên giữa cuộc đời! Và những cuộc đời như ông đã theo suốt chiều dài đất nước mấy mươi năm qua, viết lên những bài ca của người chiến thắng, những người đã đặt nét vẽ sắc xuân hồng tươi cho đất nước hôm nay.
Hòa bình, phục viên trở về quê hương là những năm tháng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vết thương chiến tranh chưa lành, nhiều vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa còn chưa được làm rõ, những hạn chế trong mô hình chủ nghĩa xã hội thời kỳ đầu xây dựng đã bộc lộ nhiều hơn. Đất nước bắt đầu rơi vào khủng hoảng, người lính Trần Trung Thanh cũng bắt đầu cuộc sống gia đình đầy khó khăn. Những ngày tháng triền miên trong đói kém, thiếu thốn lương thực, chạy gạo ăn từng bữa len qua sự ngăn cản của cơ chế. Rồi Đảng đổi mới, cuộc đời người cựu binh cũng được thay da đổi thịt. Người lính trận mạc năm xưa nay được đi khắp các vùng miền, đi khắp các con đường có cả những nơi bước chân hành quân tuổi trẻ đã đi qua để buôn bán hàng hóa. Các con trưởng thành, cái đói cái nghèo đã lùi xa vĩnh viễn nhưng đâu đó trong ánh mắt người cựu binh vẫn còn nhiều hoài niệm. Hoài niệm một thời đôi mươi khi những dòng sông còn mang màu mận chín của nỗi đau chiến tranh, hoài niệm một thuở thanh niên nhiệt huyết giờ đã lùi xa vào quá khứ. Đồng đội cũng dần về gặp nhau hết ở bên kia thế giới, nơi có những trận đánh, nơi có những nỗi kinh hoàng của chiến tranh và nơi ấy có những tuổi trẻ bất tử. Chặng đời ông đi qua đã thấy, đã nghe, đã trở mình trong khung trời đầy gió của đất nước qua những gam màu tối sáng.
Nghĩ về tuổi trẻ, mãn nguyện! Chặng đường ấy chưa xa nhưng những đổi thay đến ngỡ ngàng. Bù lại cả tuổi thanh xuân đã gửi lại chiến trường, người cựu binh đã có cả một cuộc đời chất chứa kỷ niệm buồn vui, thiêng liêng. Những tuổi trẻ, những kỷ niệm chưa bao giờ cũ dù trong cuộc sống đầy hối hả hôm nay.
Tác giả bài viết: Lê Thị Hiệp

Giảng viên khoa Xây dựng Đảng – Trường Chính Trị tỉnh Bình Dương (MH)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 55644483
Hôm nay: 9768
Đang online: 33
Về đầu trang