5/1/2022 12:00:00 AM GMT+7

Bài học về giá trị của Ngày Quốc tế lao động trong công tác phòng chống dịch COVID_19 tại tỉnh Bình Dương

TTBD - Chủ nghĩa Mác đã khẳng định chân lý lao động sáng tạo ra con người. Chỉ có qua lao động, con người ta mới trưởng thành, phát triển về thể lực, về tinh thần, ý chí, về tâm hồn... Ca dao, tục ngữ và thơ ca Việt Nam cũng nói tuyệt hay về vai trò của lao động, chỉ có lao động mới tạo ra của cải vật chất. Nhờ có lao động con người mới không sa vào thói xấu, vì “nhàn cư vi bất thiện”. Nhờ có lao động con người ta mới mở rộng quan hệ xã hội, vì lao động là cầu nối người với người, người với các phương tiện lao động... Qua lao động con người ta mới nhận ra chân giá trị của chính mình, mới thấy mình đáng tự hào hay phải thay đổi, thấy mình tự tin hay còn nhỏ bé... Như vậy, lao động sẽ giúp con người cân bằng tâm sinh lý chính cá nhân mình.

Nhân dân ta vốn có truyền thống cần cù lao động nên từ nghìn xưa đã đề cao bàn tay lao động. Chính sức cần lao này, không phải chỉ làm ra những sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống hàng ngày cho mọi người mà còn chinh phục và cải tạo thiên nhiên, làm nên biết bao biến đổi to lớn đối với đất nước và xã hội. Nói lên điều này, trong bài thơ “Bài ca vỡ đất” nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết:


“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”


Hai câu thơ trên là một nhận xét có giá trị như một chân lí đã được thực tiễn cách mạng của dân tộc ta chứng minh. “Bàn tay ta”, “sức người” tượng trưng cho lao động; “sỏi đá” tượng trưng cho những gì không giá trị, là những khó khăn, thách thức; “cơm” là thành quả lao động. Đó là chân lý: Chỉ có nhờ lao động mới có thể biến cái vô giá trị thành cái có giá trị, biến cái tưởng là bỏ đi trở thành hữu dụng...


Chúng ta thường nghe câu “lao động là vinh quang”. Các lý thuyết về lao động đều khẳng định vai trò vô cùng to lớn của lao động đối với sự phát triển của loài người nói chung cũng như sự tiến bộ, trưởng thành của từng cá nhân nói riêng. Lao động là điều kiện cơ bản về sự tồn tại của con người; nhờ lao động, con người đã tách khỏi giới động vật, có thể chế ngự tự nhiên và bắt nó phục vụ lợi ích của mình; quá trình đó, con người biết chế tạo công cụ lao động, có thể phát huy khả năng và kiến thức của mình ngày càng cao để đạt năng suất lao động cao hơn. Tất cả những điều đó đã quyết định sự phát triển, tiến bộ của loài người và của xã hội. Trong xã hội văn minh, các cá nhân thường thể hiện lao động sáng tạo, có kỷ luật, mang tính tự do, tự giác, tức là, mỗi người lao động là để cho mình, cho tập thể, cho toàn xã hội. Mỗi người có nhận thức đúng đắn về lao động thì sẽ làm việc với chất lượng và hiệu quả cao hơn, có ích nhiều hơn.


Câu chuyện sau đây nói về thái độ lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể xem là một bài học quý cho tất cả chúng ta, nhất là đảng viên, cán bộ công chức. Hồi còn ở ATK Việt Bắc, đội bảo vệ của Bác vẫn đào hầm sâu trong núi để đề phòng giặc. Một số anh em chưa quen nên làm việc có phần lúng túng, Bác đến và làm động tác mẫu từng động tác... Đến lúc bàn về tăng gia sản xuất, các anh em lại tranh luận mãi là nên trồng loại rau quả gì. Bác hỏi: “Các chú đều là nông dân phải không?”. “Dạ, chúng cháu đều là nông dân”. Bác giải thích: “Vì các chú mỗi người một quê khác nhau, thời tiết mỗi vùng một khác, kinh nghiệm trồng trọt cũng khác nên tranh cãi là bình thường. Song phải chú ý tới người xưa đã dạy ta rằng: Bao giờ đom đóm bay ra/Cành xoan chân chó trồng cà mới nên...”.


Chúng ta đều biết Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về lao động. Thời thanh niên, khi tìm đường cứu nước, Bác đã làm rất nhiều công việc chân tay nặng nhọc, không chỉ để kiếm sống mà còn để trải nghiệm, học tập, thâm nhập thực tế. Khi thâm nhập sâu vào các hoạt động cách mạng, Người trở thành một trí thức đúng nghĩa nhưng vẫn luôn lao động chân tay và không nề hà bất cứ việc gì. Khi trở thành người đứng đầu Đảng và Chính phủ, Người vẫn không rời các hoạt động chân tay, luôn xem đó là điều mình đương nhiên phải làm chứ không đợi người khác làm hoặc chờ được phục vụ. Câu chuyện hay hình ảnh Bác chẻ củi, tự mang vác hành lý, tự phục vụ các bữa ăn… luôn để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với tất cả mọi người về một vị lãnh tụ giản dị, gần dân, quý trọng sức lao động…


Câu chuyện trên nhắc nhở chúng ta rằng, khi làm việc gì phải tìm hiểu kỹ về việc ấy để làm thực sự có hiệu quả. Trong các công việc, đương nhiên kinh nghiệm là rất quan trọng nhưng cũng phải lĩnh hội các kiến thức mới chứ không được chỉ viện lấy kinh nghiệm và vận dụng một cách máy móc. Đồng thời, phải luôn xem xét các phương diện, khía cạnh khác nhau của công việc đó để bảo đảm rằng nó thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, hoàn cảnh. Và điều quan trọng nữa là mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng ra sức thi đua lao động sáng tạo, luôn học hỏi, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, xây dựng phương pháp làm việc khoa học, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.


Một yêu cầu hết sức quan trọng trong nhận thức về lao động là không được phân biệt lao động tay chân với lao động trí óc. Mỗi loại lao động đều có ý nghĩa và vai trò riêng đối với đời sống xã hội; dù xã hội có sự phân công từng cá nhân làm các công việc khác nhau nhưng nếu ai làm tốt công việc của mình, có đóng góp cho xã hội, cho đất nước thì đều rất quý, chứ không phải “lao động trí óc là lao động bậc cao, của nhóm tinh hoa, còn lao động chân tay là của giới bình dân, của nhóm ít học” như có người ngộ nhận.


Trong đợt dịch Covid-19 giai đoạn vừa qua tại Bình Dương, dường như không còn phân biệt đâu là hình ảnh cán bộ lãnh đạo, đâu là người lao động, vì tất cả đều chung tay để hỗ trợ, chăm lo và giúp đỡ cho người dân vượt qua giai đoạn khó khăn lúc đai dịch, nhiều cán bộ lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã xắn tay vào làm bất cứ công việc gì miễn có lợi cho người dân, góp phần chống dịch hiệu quả. Khi cần, vẫn có nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp vẫn xắn tay vào khuân vác hàng hóa, sắp xếp việc vận chuyển; hay bí thư, chủ tịch phường vẫn tham gia đi chợ giúp dân, mang nhu yếu phẩm đến khu phong tỏa…; nhiều lãnh đạo địa phương, đơn vị mặc quần áo cũ, đi dép lê, với khẩu trang, kính chắn giọt bắn, luôn bám sát địa bàn để sẵn sàng xắn tay vào làm bất cứ việc gì cần… Gần như không còn hình ảnh “cán bộ bàn giấy” mà các cán bộ đều đồng thời làm cả công việc tay chân lẫn trí óc, vừa làm lãnh đạo vừa là “cu li” mang vác… Trong công tác phòng chống dịch lần này, có lẽ đây là dịp rất tốt để các cán bộ, đảng viên thể hiện tinh thần lăn xả trong công việc, không phân biệt lao động chân tay hay trí óc và luôn sát dân, nhất là những người yếu thế.


Thực tiễn đã kiểm nghiệm, khi tỉnh nhà trải qua đại dịch CoVid kinh hoàng, dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động và ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tuy nhiên các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương đã không ngừng nỗ lực, bám sát sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tỉnh ủy Bình Dương. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, dồn toàn lực để chăm lo, hỗ trợ người lao động với nhiều cách làm sáng tạo, có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhiều cách làm hay, mô hình tốt đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội và được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo đoàn viên công đoàn, người lao động .


Khi Đại dịch bùng phát với diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến công nhân, người lao động. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ; việc làm, đời sống, thu nhập, an toàn, sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Trước tình hình đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương đã có những giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực để góp phần hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định dần cuộc sống

 


Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và đoàn đại biểu quốc hội tỉnh thăm và tặng quà cho lực lượng tình nguyện viên công đoàn tham gia phòng, chống dịch.
(Nguồn: LĐLĐ Bình Dương)


Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm từ các địa phương, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ NLĐ thông qua các cấp công đoàn tỉnh; huy động nguồn lực chủ yếu là cán bộ công đoàn chuyên trách và lực lượng tình nguyện viên để phân loại hàng hóa, nhu yếu phẩm, kịp thời chuyển đến các địa phương vùng đỏ. Thời điểm khó khăn đó chúng ta luôn bắt gặp những hình ảnh đẹp về sự đoàn kết, sẻ chia và hỗ trợ nhau hết sức, hết mình, bất chấp những khó khăn, nguy hiểm kể cả tính mạng để cùng nhau vượt qua sự khốc liệt của dịch bệnh, trong hoàn cảnh đó không còn phân biệt cán bộ, dân thường mà là hình ảnh chung tay, chung sức cùng nhau lao động miệt mài để khắc phục những khó khăn lúc dịch bệnh hoành hành.

 



LĐLĐ tỉnh Bình Dương hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ để chăm lo bữa ăn cho người lao động.( nguồn LĐLĐ Bình Dương)


Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã trở lại trạng thái bình thường mới,Những chính sách mới kịp thời được xem xét và ban hành để kịp thời khôi phục kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là người lao động. Trong quá trình khôi phục và phát triển này vai trò của công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về giá trị của lao động, của sự đoàn kết, chung tay đồng lòng càng được thể hiện rõ nhất. Chính nhờ lao động, sự vượt khó, kiên trì và ý chí vươn lên không ngại khó, ngại khổ đã giúp tỉnh nhà dần vượt qua sự hiểm nguy của dịch bệnh, từng bước trở lại trạng thái phát triển bình thường mới, đời sống nhân dân được tốt hơn, an toàn hơn. Có được tinh thần lao động hăng say đó, mỗi người công dân đang sống, làm việc tại tỉnh nhà sẽ góp một phần công sức, sự sáng tạo và tâm huyết của mình để chung tay xây dựng tỉnh Bình Dương ngay càng phát triển, xứng đáng là một tỉnh văn minh, hiện đại và đậm tính nhân văn cao cả.

 

Tác giả: Võ Huỳnh Như Thuyên - CLB Lý luân trẻ tỉnh Bình Dương

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 55645089
Hôm nay: 117
Đang online: 163
Về đầu trang