2/15/2018 12:00:00 AM GMT+7

[Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Bình Dương] PHẦN MỞ ĐẦU BÌNH DƯƠNG -VÙNG ĐẤT CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG

(Tiếp theo)

 

Qua những biến thiên của lịch sử, vùng đất Bình Dương ngày nay đã nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau trong thời kỳ chiến tranh, nhằm đáp ứng việc chỉ đạo chiến lược từng giai đoạn lịch sử. Vùng đất Thủ Dầu Một – Bình Dương nhiều lần sáp nhập, tách ra với những tên gọi khác nhau, nhưng vẫn là một chiến trường thống nhất trên hướng chiến lược quan trọng ở phía bắc Sài Gòn.

Dưới triều nhà Nguyễn, vùng đất Bình Dương thuộc tổng Bình An, tỉnh Biên Hòa. Đến thời Gia Long, tổng Bình An được nâng lên thành huyện Bình An, có hai tổng là An Thủy và Phước Chánh, bao gồm các vùng đất: Bến Cát, Dầu Tiếng, Hớn Quản, Bình Long, Lộc Ninh, Lái Thiêu và một phần đất của huyện Ngãi An (Thủ Đức ngày nay); huyện lỵ đặt tại Phú Cường.

Đến năm thứ hai đời vua Minh Mạng, huyện Bình An phân ra làm 4 tổng, gồm: Bình Chánh Thượng, Bình Chánh Hạ, Bình Chánh Trung và Bình Chánh Tây. Đời vua Minh Mạng thứ 18, lại trích tổng An Thủy và Bình Chánh Hạ đặt thành huyện Ngãi An (huyện Thủ Đức ngày nay). Còn lại 3 tổng cùng có tên là Bình Chánh thì đổi thành Bình Chánh, Bình Điền và Bình Thổ. Tổng Thủ An Lợi vẫn giữ như cũ và lấy thêm 10 sách man (10 làng của người thiểu số) gộp vào lập ra 2 tổng là: Cửu An và Quảng Lợi (1)

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: “Từ năm 1808 đến năm 1837, huyện Bình An chia làm 10 tổng là: Bình Chánh, Bình Điền, Bình Thiện, Bình Thổ, Bình Hưng, An Bình, An Điền, An Thành, An Thổ, An Thủy. Từ năm 1837 về sau, 4 tổng bắt đầu từ chữ An được tách ra thành lập huyện Ngãi An”(2)

Tổng Bình Điền nêu trên là một tổng mới của huyện Bình An. Tổng mới này lập ra để thay thế tổng Bình Chánh Trung, trước đó có địa bàn gần như toàn bộ vị trí của thị xã Thủ Dầu Một hiện nay.

Sau khi chiếm  được Nam Kỳ, thực dân Pháp cải tổ các đơn vị hành chính cho phù hợp với chế độ thuộc địa. “Ngày 5-1-1876, đô đốc Đuyperê (Duperré), tổng lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam kỳ, ra nghị định phân chia toàn bộ Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn (Circonscription administrative) là: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc (Bassac). Mỗi khu vực hành chính lớn lại được chia nhỏ thành nhiều tiểu khu hành chính (Arrondissement administratif). Trong đó, khu vực Sài Gòn gồm 5 tiểu khu: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Gia Định (ngoại vi Sài Gòn)” (1). Đến ngày 20-12-1899, đổi tiểu khu (Arrondissment) thành tỉnh (Province), tiểu khu Thủ Dầu Một lúc đó thành tỉnh Thủ Dầu Một.

Tỉnh Thủ Dầu Một trong thời gian này có 12 tổng và 8 làng của người Việt ở xen kẽ trong các tổng của người dân tộc ít người. Có 6 tổng hoàn toàn của người Việt: Bình Chánh, Bình Điền, Bình Thiện, Bình Thổ, Bình Hưng, Bình Thạnh Thượng (khu vực Dầu Tiếng). Còn 6 tổng khác đa số là dân tộc ít người: Cửu An, Lộc Ninh, Minh Ngãi (An Lộc), Phước Lễ, Quảng Lợi, Thạnh An và 8 làng của người Việt nằm xen kẽ trong các tổng người dân tộc ít người là Mỹ Thạnh, Tân Khai, Tân Lập, Tân Quan, Tân Phú, Tân Thanh, Thanh Phú, Thanh Sơn. Tổ chức hành chính này tồn tại cho đến khi quân Pháp chịu thua ở Việt Nam phải ký hiệp định Giơnevơ năm 1954. Đến khi Mỹ-ngụy thay chân Pháp, theo sắc lệnh số 143/NV ngày 22-10-1956, chính quyền Sài Gòn chia Thủ Dầu Một ra thành hai tỉnh Bình Dương, Bình Long và một số xã nhập vào tỉnh Phước Long. Năm 1959, địch cắt một phần đất của tỉnh Biên Hòa và Bình Dương thành lập tỉnh Phước Thành, nhưng đến năm 1965, chúng giải thể tỉnh này.Về phía cách mạng, từ năm 1945-1975 địa giới hành chính của Thủ Dầu Một (Bình Dương) có những lần thay đổi như sau:

- Tháng 5-1951, do yêu cầu thống nhất chỉ đạo chiến trường, tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên.

- Tháng 1-1955, Xứ ủy Nam Bộ quyết định tách tỉnh Thủ Biên thành hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Thủ Dầu Một lúc đó gồm các huyện: Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát, Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh và các đồn điền cao su: Dầu Tiếng, Quản Lợi, Lộc Ninh với tổng số 65 xã và hơn 30 làng công nhân cao su

- Tháng 9 năm 1960, Xứ ủy Nam Bộ quyết định nhập Thủ Dầu Một và Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên lần thứ hai.

- Tháng 6-1961, Xứ ủy lại tách Thủ Biên thành 2 tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa và thành lập thêm 3 tỉnh mới: Phước Thành, Bình Long, Phước Long theo địa bàn hành chính của ngụy quyền Sài Gòn. Tỉnh Thủ Dầu Một bấy giờ gồm các huyện: Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát, Dầu Tiếng.

- Tháng 10-1967, Trung ương Cục bố trí lại chiến trường, thành lập 5 phân khu thành 5 mũi tiến công vào Sài Gòn và Phân khu 6 nội đô Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Thủ Dầu Một lúc bấy giờ thuộc phân khu 5 gồm các huyện: Tân Uyên, Phú Giáo, quận 5 (Bù Cháp, Lý Lịch), Châu Thành, Lái Thiêu, Bắc Thủ Đức, Dĩ An và thị xã Thủ Dầu Một. (Bến Cát và Dầu Tiếng thuộc phân khu I).

- Tháng 5-1971, Phân khu 5 giải thể rồi thành lập phân khu Thủ Biên. Thực hiện chỉ thị 08/CT ngày 30-8-1972 của Thường vụ Trung ương cục, Khu ủy miền Đông được thành lập lại, giải thể các phân khu, thành lập lại các tỉnh. Tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập vào tháng 10-1972.

- Tháng 10-1973, Trung ương Cục quyết định tách các huyện: Tân Uyên, Phú Giáo, quận 5 của Thủ Dầu Một (gồm 2 xã Bù Cháp và Lý Lịch); các xã phía nam và đông nam của Phước Long; Định Quán, Độc Lập của Biên Hòa để thành lập tỉnh căn cứ Tân Phú. Đến cuối năm 1974, Phú Giáo và Tân Uyên lại trả về Thủ Dầu Một. Như vậy, đến đầu năm 1975, tỉnh Thủ Dầu Một gồm các huyện thị: Bến Cát (nam, bắc Bến Cát), Lái Thiêu, Châu Thành, Tân Uyên, Dĩ An, Phú Giáo, Dầu Tiếng và thị xã Thủ Dầu Một.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, do yêu cầu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội-chính trị-quốc phòng ... ngày 02-7-1976, Quốc Hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập các tỉnh Thủ Dầu Một, Bình Phước và 4 xã An Bình, Bình An, Đông Hòa, Tân Đông Hiệp (thuộc huyện Thủ Đức) thành tỉnh Sông Bé, chia thành 8 huyện (Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long, Bù Đăng, Đồng Phú, Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An) và thị xã (Thủ Dầu Một) gồm 141 xã. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Thủ Dầu Một. Đến ngày 06-11-1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương như hiện nay.

Là địa bàn chuyển tiếp từ cao nguyên, đại bộ phận là địa hình trung bình với những cánh rừng bạt ngàn kéo dài từ bắc xuống nam, có nhiều đường giao thông quan trọng, là vị trí án ngữ sát nách Sài Gòn, là bàn đạp tiến công vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ-ngụy từ hướng bắc; với tính chất của địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng đó, Bình Dương là một trong những chiến trường ác liệt nhất trong 21 năm đánh Mỹ.

 

 

 

Trong thời kỳ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, cả Pháp và Mỹ, lúc nào cũng tập trung trên địa bàn Bình Dương một lực lượng quân sự lớn với những đơn vị thiện chiến, sử dụng nhiều biện pháp chiến lược, thủ đọan quân sự tàn bạo cùng những âm mưu thâm độc về chính trị và kinh tế... Bình Dương là nơi Mỹ dùng B.52 ném bom rải thảm đầu tiên trên chiến trường miền Nam và Đông Dương; là nơi quân Mỹ mở cuộc hành quân chiến đấu đầu tiên khi đặt chân lên đất miền Nam; là một trong những nơi bị chất độc hóa học và bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề nhất; là một trong những nơi chúng tiến hành “bình định” khốc liệt nhất ...

 

 

Tất cả sự dồn sức về mọi mặt của kẻ thù chứng tỏ Bình Dương thực sự là một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng đối với sự sống còn của chúng. Điều này cũng lý giải vì sao cả Pháp và Mỹ trong quá trình xâm lược vùng đất này đều tổ chức bộ máy chính quyền của chúng như một tổ chức quân sự, đứng đầu tổ chức đó là sĩ quan quân đội.

 

Ngay sau khi đánh chiếm Thủ Dầu Một, quân Pháp đã nhận thấy vị trí quan trọng của vùng đất này đối với Sài Gòn và chúng đã xây dựng những đồn binh ở khu vực Phú Cường, tiếp sau đó lập ra một thành lính tập (thành Săng Đá) để huấn luyện cho binh lính... Một đại úy Pháp có chân trong đội quân đánh chiếm đồn Bình An trên ngọn đồi Phú Cường (năm 1861), đã nhận định: Đồn này về mặt quân sự phải bảo vệ được toàn bộ sườn phải của tỉnh Gia Định, kiểm soát thương lưu sông Sài Gòn và với vị trí tiền tiêu có thể cấu thành một đầu cầu thực sự để quan sát Biên Hòa và toàn bộ các huyện của tỉnh này. Về mặt kinh tế, ở đây có chợ Phú Cường là nơi buôn bán sầm  uất, nhiều xe cộ, ghe thuyền quy tụ về đây mua bán, trao đổi hàng hóa. Đặc biệt chợ Thủ Dầu Một (Chợ Phú Cường) là một trong những chợ lớn nhất về buôn bán gỗ.

 

 

Như vậy, hai yếu tố cơ bản là lợi thế về địa bàn chiến lược và có cơ sở kinh tế, đã thúc đẩy thực dân Pháp xây dựng vùng đất này thành một vùng đất quân sự nhằm thực hiện những mưu đồ xâm lược lâu dài của chúng. Nhằm gấp rút thực hiện những ý đồ đó, ngay sau khi chiếm đóng vùng đất này, chúng đã xây dựng một số công trình như: nạo vét cảng, xây dựng 3 chiếc cầu cập bến lớn, một nhà tù lớn, một tòa án, nhiều trại lính, phục hồi, mở rộng khu chợ, v.v...

 

 

Từ việc đánh giá đúng đắn vị trí chiến lược một địa bàn, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả ta và địch đã có sự nỗ lực cao độ, Bình Dương trở thành một trong những nơi đối đầu quyết liệt nhất giữa bạo lực cách mạng và bạo lực phản cách mạng trên chiến trường miền Nam. Suốt hai thời kỳ kháng chiến, những địa danh: chiến khu Đ, chiến khu Thuận An Hòa, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Nam Bến Cát, v.v., đã trở thành những vùng đất kiên cường, gan góc, gây cho địch nhiều nỗi kinh hoàng.

 

 

Quá trình tạo dựng, phát triển vùng đất Bình Dương hiện nay, đã trải qua biết bao thế hệ nối tiếp nhau đổ mồ hôi và xương máu khai phá, bảo vệ vùng đất thân yêu của mình. Suốt quá trình lịch sử, vùng đất và con người Bình Dương đã quyện vào nhau, tác động lẫn nhau cùng tồn tại và phát triển.

 

 

Vùng đất Bình Dương ngày nay, thuở xa xưa là một vùng đất hoang vu, núi rừng rậm rạp. Qua các di chỉ khảo cổ được khai quật tại Vườn Dũ, Gò Đá, Cù Lao Rùa, Dốc Chùa (Tân Uyên), các nhà khảo cổ đã phát hiện từ thời kỳ đồ đá mới đến thời kỳ đồ đồng, vùng đất Bình Dương ngày nay đã từng là địa bàn sinh tụ của tộc người Anhđônêdiên cổ đại – tổ tiên của người Stiêng, Châu Ro, Châu Mạ, Mơ nông ngày nay. Từ đó, các nhóm dân tộc bản địa: Stiêng, Mơ Nông, Châu Ro, Châu Mạ ... từng bước được hình thành, quy tụ khai phá đất đai và sinh sống ở đây. Đến đầu thế kỷ XVII, trên vùng đất trù phú này dần dần xuất hiện thêm những lớp cư dân mới. Đó là những di dân người Việt từ các tỉnh phía Bắc thuộc tầng lớp nông dân và thợ thủ công nghèo khổ không chịu nổi sự áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến hà khắc, buộc phải vào đây tìm đường sinh sống. Ngoài tầng lớp nông dân, còn có những người mắc tội “nghịch mạng với triều đình” bị lưu đày đến đây, có những người trốn tránh quân dịch, binh lính, đào giải ngũ ... cũng lần lượt vào đây sinh sống. Đặc biệt, trong thời kỳ tình hình cuộc chiến tranh diễn ra khốc liệt giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, mâu thuẫn giữa địa chủ phong kiến và nông dân ngày càng trở nên gay gắt thì tiến trình di cư của người Việt vào phương Nam, trong đó có Bình Dương diễn ra thường xuyên và với số lượng lớn hơn.

 

 

Trong quá trình di dân vào Đàng Trong, ngoài người Việt còn có người Hoa. Người Hoa di cư vào Đàng Trong bao gồm nhiều đợt và mỗi đợt ở vào những giai đoạn lịch sử khác nhau với những điều kiện xã hội khác nhau. Trong những giai đoạn ấy, đáng chú ý là giai đoạn từ năm 1678-1685, khi cuộc kháng chiến “Kháng Thanh phục Minh” ở Đài Loan tan vỡ (1683) thì các di thần nhà Minh kéo nhau ra đi đến Đàng Trong định cư lâu dài với khoảng 3000 binh lính của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch. Từ năm 1685 trở đi, khi cuộc chiến tranh kéo dài hơn 40 năm giữa hai họ Trịnh, Nguyễn đã chấm dứt với thế cân bằng; tình hình chính trị - xã hội đã tương đối ổn định, nền ngoại thương đang trên đà phát triển rất cao; cả một vùng lãnh thổ trải dài từ Thuận-Quảng đến Cà Mau rất cần nguồn lao động của con người đến từ mọi nơi. Cũng trong giai đoạn lịch sử này, người Hoa được phép vượt biển đi các nước buôn bán. Vì vậy, đông đảo người Hoa đã đến định cư ở Đàng Trong (trong đó có vùng đất Bình Dương) trong giai đoạn này. Điều đáng lưu ý là, thành phần di dân của người Hoa giai đoạn này bao gồm cả thương gia, trí thức nho giáo, các nhà sư ... Mặt khác, đại đa số họ đến Đàng Trong bằng đường biển, điều đó có nghĩa là trong số họ đa số là những cư dân ở các vùng duyên hải phía Nam Trung Quốc. Như vậy, họ là những người có hiểu biết về biển, giỏi về giao thương trên biển, về kỹ thuật đóng thuyền, có kinh nghiệm trong việc giao lưu tiếp xúc ... Đó là những điều kiện quan trọng để phát huy, tạo dựng một cuộc sống trên vùng đất mới. Một đợt di dân quan trọng khác của người Hoa vào miền Nam và Thủ Dầu Một đã diễn ra sau Hòa ước Thiên Tân (1885) được ký kết giữa Pháp và triều đình Mãn Thanh. Đông đảo người Hoa đang sống ở Thủ Dầu Một là con cháu của những di dân trong đợt này.

 

 

Tiến trình nhập cư của người Việt diễn ra liên tục suốt thế kỷ thứ XVII. Để chính thức hóa một tình hình thực tế về dân cư và hành chính, mùa xuân năm Mậu Dần (1698), Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất phương Nam, xác lập cương thổ, xây dựng thiết chế hành chính lập Phủ Gia định gồm hai huyện Phước Long với dinh Trấn Biên (gồm toàn bộ miền Đông Nam Bộ ngày nay) và huyện Tân Bình với dinh Phiên Trấn (gồm Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An ... ngày nay). Đây là đơn vị hành chính được xác lập đầu tiên trên vùng đất mới khai khẩn của người Việt ở Phương Nam. Từ đó, vùng đất mới dần dần sinh sôi và phát triển sôi động. Cư dân ngày càng đông, đất hoang ngày càng bị đẩy lùi, nhường chỗ cho xóm làng, ruộng đồng trù phú, phố chợ sầm uất nhộn nhịp. Trên đất Bình Dương thời đó, những tên đất, tên làng đã sớm xuất hiện với dáng vóc riêng biệt. Lái Thiêu, chợ Búng, chợ Phú Cường, chợ Tân Ba (Đồng Ván), chợ Tân Uyên (Đồng Sứ), chợ Thị Tính, chợ Dầu Giếng (Dầu Tiếng) ... là biểu hiện của sức sống mạnh mẽ và sinh động trong quá trình sản xuất và trao đổi hàng hóa trên vùng đất mới Bình Dương.

 

 

Đến thế kỷ XIX, cư dân người Việt ở vùng phía nam lên khai hoang, cư trú ở phía bắc ngày càng nhiều. Sự giao lưu về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các dân tộc (cả những người dân tộc thiểu số) càng được đẩy mạnh.

 

 

Sau khi Quang Trung mất, triều Tây Sơn tan rã, một bộ phận quân Tây Sơn lánh đến vùng đất thuộc địa bàn Bình Dương hiện nay cùng cộng đồng cư dân tại chỗ làm ăn, sinh sống. Từ đó, tinh thần chiến đấu bất khuất và anh hùng của Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn được gieo mầm và sinh sôi mạnh mẽ trên mãnh đất này. Võ Tây Sơn – một phái võ nổi tiếng ở nước ta cũng từ đó ngày càng được truyền bá rộng rãi trong vùng.

 

 

Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, chúng tiến hành khai thác vùng đất đỏ màu mỡ ở miền Đông Nam Bộ để trồng cao su. Phần lớn nông dân từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung theo lời dụ dỗ của bọn tư bản Pháp đã ký hợp đồng dài hạn làm cu ly cho chủ đồn điền trên vùng đất này. Dần dần những làng người Việt ngày thêm đông đúc ở những vùng mà trước đó còn là nơi hoang vắng. Từ đó, sự giao lưu, tiếp xúc giữa người Việt và đồng bào các dân tộc Stiêng, Châu Ro, Châu Mạ ... đã trở thành thường xuyên trong mối quan hệ gần gũi, cảm thông của những người lao động nghèo khổ. Ngoài số dân công tra (contrat) làm trong các đồn điền cao su ở phía bắc của tỉnh, tại phía nam, thực dân Pháp cũng xây dựng đềpô xe lửa tại Dĩ An. Số công nhân làm trong đềpô, phần lớn là người thuộc các xã xung quanh nhà máy. Cho nên, sự chia xẻ tình cảm và khó khăn giữa những người công nhân sống trong sự kìm kẹp hà khắc của bọn chủ và những người nông dân ở ngoài vừa là quan hệ làng xóm, vừa là quan hệ ruột thịt, đồng cảnh.

 

 

Trên vùng đất miền Đông Nam Bộ nói chung cũng như ở Bình Dương, dưới thời Mỹ-ngụy, việc bố trí dân cư được chúng coi là vấn đề chiến lược, nhằm tạo một cơ sở chính trị hạ tầng, làm hành lang bao vây các căn cứ kháng chiến của ta. Âm mưu đó của địch được thể hiện qua việc lừa phỉnh đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở miền Bắc rời bỏ quê hương đến định cư ở những vùng xung yếu theo ý đồ quân sự của chúng. Đại bộ phận đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở miền Bắc là người lao động, đến khi nhận ra âm mưu, thủ đoạn của địch, họ vẫn làm người dân lương thiện thờ chúa, ủng hộ kháng chiến.

 

 

Trên đây là những nét cơ bản về quá trình hình thành cộng đồng dân cư từ thời kỳ vùng đất Bình Dương bắt đầu được khai phá đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta kết thúc thắng lợi.

 (còn tiếp kỳ sau…)

 

Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Bình Dương, Phần 1 (1930-1945)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Về đầu trang