(Tiếp theo)
Trong lịch sử phát triển xã hội, Bình Dương là vùng đất chủ yếu người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Nông dân chiếm trên 80% dân số. Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, sống trên vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, công việc khai phá, trồng trọt của người dân Bình Dương được tiến hành tương đối thuận lợi. Qua quá trình lao động, ở Bình Dương tuy có sự phân hóa xã hội nhưng không đáng kể. Thành phần bần nông và trung nông nhỏ chiếm đa số; tầng lớp trên ở nông thôn chủ yếu là phú nông và một số rất ít địa chủ từ nơi khác đến, nhưng họ thường bị bọn tư bản thực dân, đế quốc chèn ép.
Vùng đất Bình Dương là nơi hội tụ cư dân từ bốn phương trong cả nước. Họ đều xuất thân từ những người lao động nghèo khổ cùng cảnh ngộ bị vua quan phong kiến, thực dân áp bức, bóc lột nên họ rất dễ hòa hợp trong cộng đồng, cùng đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau chống chọi với thiên nhiên, chống chọi với kẻ thù của dân tộc để bảo vệ những thành quả lao động, bảo vệ phẩm giá con người.
Là sản phẩm trực tiếp của chính sách khai thác thuộc địa của tư bản Pháp, công nhân cao su và công nhân xe lửa bị đối xử, bóc lột hết sức nặng nề. Xuất thân từ tầng lớp nông dân lao động bị bần cùng hóa, trở thành công nhân các đồn điền cao su hay đềpô xe lửa, song họ vẫn có quan hệ chặt chẽ với nông dân. Đó là cơ sở thuận lợi để thiết lập khối liên minh vững chắc với giai cấp nông dân. Trong suốt quá trình đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, cùng với nông dân và các tầng lớp lao động khác, công nhân Bình Dương, tiêu biểu là công nhân cao su, là lực lượng quan trọng góp sức vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Một trong những đặc điểm quan trọng ở Bình Dương là suốt quá trình kháng chiến, đội ngũ trí thức trong tỉnh tương đối đông đảo. Tuy đội ngũ trí thức này được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tuyệt đại đa số họ đều có chung một lý tưởng cao cả là đi theo cách mạng phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Đội ngũ này rất nhạy bén trước những đổi thay của thời cuộc và có những đóng góp rất quan trọng cho kháng chiến ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, có những người được Đảng, nhân dân tín nhiệm trao cho những trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và chính quyền trong tỉnh ...
Về tín ngưỡng, cũng như một số tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân người Việt ở Bình Dương phần đông được hình thành trên cơ sở các tập tục truyền thống của làng xã miền Trung và miền Bắc Việt Nam, mà trực tiếp là mô hình thôn làng Thuận - Quảng được các nhóm lưu dân người Việt mang theo vào vùng đất mới.
Cơ cấu tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội của cư dân ở Bình Dương là một tập hợp rất phong phú và nhiều vẻ về dạng thức được biểu hiện cụ thể như: lễ hội đình, lễ hội miếu, lễ hội võ, lễ hội tổ nghề, lễ hội chùa Phật, lễ hội thờ mẫu… của đồng bào miền Bắc, lễ hội của người Hoa ...
Các dạng thức lễ hội, có nguồn gốc xuất phát từ các nhóm cư dân vùng ngoài đến quy tụ, sinh cơ lập nghiệp ở Bình Dương. Trong đó, có đông đảo các nhóm lưu dân mang theo vào vùng đất này nền văn hóa truyền thống làng xã và thiết chế văn hóa làng xã được định hình ngay trong quá trình khai hoang, lập làng xây dựng quê hương mới. Ngoài những đợt thực dân Pháp tuyển mộ dân từ miền Bắc vào làm công tra trong các đồn điền cao su ở Thủ Dầu Một, đến năm 1954, lại có thêm dòng người do chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm lừa gạt cưỡng bức từ Bắc vào Nam, tạo nên cộng đồng cư dân gốc ở miền Bắc càng đông đảo hơn. Do đó, trong cộng đồng dân cư ở Bình Dương, tuy cùng thuộc dạng thức tín ngưỡng – lễ hội của người Việt, song mức độ phổ biến có phần rộng hẹp khác nhau, đối tượng thờ tự cũng như các triết lý và tâm lý tín ngưỡng cùng nghi thức lễ hội rất đa dạng và phong phú.
Ở Bình Dương, hàng năm mỗi đình làng có nhiều ngày lễ như lễ Tiết tứ thời có ngày đưa thần (25-12), rước thần (30-12), Nguyên đán (ngày 1 tháng Giêng), Đoan ngọ (5-5), Khai sơn (7-7) ... các lễ Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên mang tính chất tôn giáo. Các ngày lễ mang tính dân gian như lễ cúng miếu, cầu an tống phong. Nhưng quan trọng nhất là lễ Kỳ yên theo tập tục xưa được phân ra hai kỳ lễ: lễ Hạ điền và lễ Thượng điền.
Lễ Hạ điền được tổ chức vào đầu mùa mưa và thường ba năm mới có lệ lấy ngày hạ điền làm ngày lễ Kỳ yên. Lễ Thượng điền tổ chức vào cuối mùa mưa, gọi là Thượng điền chạp miễu. Nhưng ở Bình Dương thường không tổ chức lễ Thượng điền vào những ngày cuối năm, mà lại theo điển lễ “thu tế”, tổ chức lễ cầu bông (còn gọi là cầu hoa, kỳ huê) vào khoảng giữa tháng 8. Nói chung, các đình trong tỉnh Bình Dương mỗi năm đều có một lễ lớn và một lễ phụ.
Lễ Kỳ yên có nghĩa là cầu an, có nơi gọi là vía Thành hoàng, Vía ông. Có nơi chọn tháng giêng, tháng hai, giữ nghĩa “xuân kỳ”, nghĩa là mùa xuân làm lễ cầu thần. Hoặc tháng 8, tháng 9, giữ nghĩa “thu báo”, tức là mùa thu làm lễ báo đáp sau khi gặt hái xong xuôi. Hoặc dùng 3 tháng mùa đông, giữ nghĩa trọn năm đã thành công nên tế “chương” tế “lạp” tạ ơn thần (gọi là chạp miễu). Như vậy, lễ Kỳ yên, hay lễ cầu bông đều nhằm mục đích cầu “phong điều vũ thuận” mùa màng bội thu, quốc thái dân an, làng xóm yên vui, dân giàu nước mạnh.
Người Hoa ở Bình Dương thường có các tổ chức hội, đoàn nhằm mục đích đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, bảo đảm đời sống luôn ổn định. Do vậy, các lễ hội của họ có múa cù, múa hẫu, nhiều màu sắc rộn ràng, giữ được những bản sắc căn bản, không lẫn với dân tộc nào ở địa phương. Thông thường người Hoa thờ Phật và thờ tổ tiên, đồng thời còn lập ra các miếu thờ ông Bổn, các đền miếu thờ Quan thánh Đế Quân, các đền đình thờ các vị siêu nhiên có nguồn gốc của đạo Lão và đạo Phật, các cung miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Trong các dạng thức tín ngưỡng lễ hội đã nói trên chỉ thu hút một vài thành phần trong cộng đồng người Hoa tại Bình Dương. Duy chỉ có việc tôn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu là nữ thần được tất cả cộng đồng người Hoa đều tôn thờ.
Cũng như phần đông các tỉnh Nam Bộ, ở Bình Dương có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Đạo Phật được truyền vào Bình Dương khoảng cuối thế kỷ XVI, khi những lớp cư dân đầu tiên từ phía Bắc đến định cư ở vùng đất này. Từ đó, đạo Phật phát triển rộng ra toàn tỉnh. Hầu hết những người theo đạo Phật đều có lòng yêu nước, tham gia kháng chiến, ủng hộ cách mạng.
Đạo Thiên chúa vào Bình Dương khoảng đầu thế kỷ XVII, khi các nhà truyền giáo phương Tây theo thương nhân ngoại quốc đến vùng đất này. Khi thực dân Pháp hoàn tất việc tổ chức bộ máy cai trị trong cả nước, thì đạo Thiên Chúa phát triển tương đối nhanh. Từ năm 1954, hàng chục nghìn giáo dân từ các tỉnh miền Bắc bị địch dụ dỗ đưa vào định cư ở những vùng xung yếu ở Bình Dương với những âm mưu thâm độc. Tuyệt đại bộ phận đồng bào theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành tại chỗ và từ miền Bắc di cư vào đều là những người lao động, mang truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam, một lòng kính chúa, yêu nước, sống phúc âm trong lòng dân tộc, không sa vào mưu đồ, cạm bẩy của kẻ thù để chống lại Tổ Quốc.
Đạo Cao Đài ra đời ở Nam Bộ từ năm 1926, được truyền vào Bình Dương với hai hệ phái là Tòa Thánh Tây Ninh và Chơn Ly Mỹ Tho. Trong hai cuộc kháng chiến, do một số tên phản động lũng đoạn nên một số bộ phận tín đồ bị lôi kéo, ngộ nhận, chống phá cách mạng.
Tuy nhiên, nhờ có chính sách đại đoàn kết và tự do tín ngưỡng của Đảng bộ tỉnh, đã đoàn kết được đông đảo đồng bào theo đạo Cao Đài tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, kẻ thù luôn tìm mọi cách lợi dụng, chia rẽ dân tộc, tôn giáo nhằm chống lại cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Nhưng với chính sách đại đoàn kết dân tộc và tự do tín ngưỡng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyệt đại bộ phận tín đồ các tôn giáo trong tỉnh đều đứng về phía cách mạng, cùng toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Nét độc đáo về dân cư ở Bình Dương là sự quy tụ cư dân từ bốn phương trong cả nước cùng với các dân tộc bản địa. Trong quá trình xây dựng cuộc sống, biết bao thế hệ đã cùng nhau vun đắp, bảo vệ mảnh đất này. Có thể nói, đây là hình ảnh thu nhỏ những tính chất, sắc thái của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Đại bộ phận cư dân Bình Dương, bất kể xuất phát từ đâu tới đều là người lao động nghèo khổ, cùng cảnh ngộ, bị vua quan phong kiến, thực dân áp bức, bóc lột. Trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, nhu cầu tồn tại, làm chủ thiên nhiên và đấu tranh chống ngoại xâm đã gắn bó họ thành một khối có tinh thần yêu thương đùm bọc và nhất trí cao. Trên cơ sở lưu giữ phần cốt lõi tính cách dân tộc, quá trình đấu tranh để tồn tại và phát triển trong điều kiện lịch sử mới đã góp phần định hình tính cách riêng của người dân ở đây. Đó là tinh thần yêu quê hương, đất nước thiết tha; là ý chí bất khuất, khẳng khái và năng động trước mọi ngáng trở của hoàn cảnh; là tinh thần chiến đấu táo bạo, kiên cường; là phẩm chất tự lực tự cường, cần cù lao động; là tinh thần tương thân tương ái, thủy chung, trọng nghĩa khinh tài, không sợ gian khổ hy sinh, chung sức chung lòng chống kẻ thù xâm lược; đặc biệt là không bản vị, cục bộ, địa phương chủ nghĩa.
Điểm đặc sắc trong truyền thống văn hóa ở Thủ Dầu Một-Bình Dương là có nhiều nghề thủ công mỹ nghệ lâu đời được lưu truyền qua nhiều thế hệ với đội ngũ thợ lành nghề. Trong đó, có những nghề nổi tiếng và lâu đời nhất là nghề mộc, điêu khắc, gốm sứ, sơn mài. Ngoài ra, còn các ngành nghề khác như nghề đục đẽo đá, nghề làm guốc, đan lát mây tre, hội hoa, kiến trúc, nghề làm đồ nữ trang (kim hoàn), vẽ tranh trên kính...
Do cuộc chiến tranh kéo dài và ác liệt, phần lớn các tác phẩm nghệ thuật ở Bình Dương bị phá hủy, nhưng rải rác đó đây vẫn còn sót lại một vài tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Chính do ở Thủ Dầu Một – Bình Dương có nhiều nghề nổi tiếng và một đội ngũ thợ thủ công khá đông đảo, cho nên ngay từ năm 1901, thực dân Pháp đã mở tại đây một trường Bá Nghệ sớm nhất và lớn nhất ở Nam Kỳ thời bấy giờ. Trường Bá Nghệ chuyên dạy về điêu khắc, chạm trổ gỗ để có điều kiện phát triển các sản phẩm hàng hóa về sơn mài và đồ gia dụng trang trí nội thất dùng xuất khẩu thu lợi nhuận. Được đào tạo tại trường và trong suốt quá trình thực hành công việc, ở Bình Dương đã có một đội ngũ thợ có tay nghề cao và một số nghệ nhân có tiếng trong nghề sơn mài, điêu khắc và chạm trỗ gỗ.
Gốm sứ là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời ở tỉnh Bình Dương. Lịch sử hình thành và phát triển ngành gốm sứ ở tỉnh nhà chưa có tài liệu thành văn nào nói đến xuất sứ của nó. Song, tại những điểm khai quật một số di chỉ khảo cổ ở huyện Tân Uyên, đặc biệt là di chỉ Dốc Chùa thuộc xã Tân Mỹ, các nhà khảo cổ đã thu được nhiều loại di vật gồm: gốm sứ, đồ đồng thau, các công cụ đồng dùng để sản xuất nông nghiệp, săn bắn ... Sản phẩm đã thu được tại di chỉ này gồm dọi xe chỉ, đồ dùng các loại. Sau khi nghiên cứu, khảo nghiệm các loại di vật, các nhà khảo cổ đã dự đoán rằng, di chỉ Dốc Chùa là một trong những trung tâm văn minh xưa ở lưu vực sông Đồng Nai. Dốc Chùa là địa điểm cư trú lâu dài của cư dân thời đại Đồng thau. Dốc Chùa đã bước vào thời kỳ văn minh cách ngày nay khoảng 2500 năm đến 3000 năm, tương đương với thời kỳ phát triển cao của nền văn minh Đông Sơn thời các vua Hùng. Gốm sứ tại di chỉ Dốc Chùa – Tân Uyên do con người bản địa thời tiền sử đã tạo ra cách nay nhiều thế kỷ. Những gốm sứ này có hình dáng đẹp đẽ, chắc bền do được nung ở nhiệt độ khá cao.
Cũng tại vùng đất Thủ Dầu Một, Biên Hòa, trước khi có những lò gốm của người Hoa xuất hiện, nghề gốm của người Việt đã được hình thành từ rất sớm, mà Tân Vạn là trung tâm của sự phát triển đó.
Về sau, vào khoảng nửa sau thế kỷ XVIII, cùng với các đoàn thuyền buôn, một số người Hoa đầu tiên vốn là thợ thủ công gốm sứ đã đến vùng đất Cây Mai thuộc Sài Gòn mở nghề làm gốm. Nhưng do chất đất ở đây không hợp với nghề làm gốm, vì vậy gốm Cây Mai của người Hoa từ Sài Gòn đã chuyển lên vùng Lái Thiêu ngày nay để lập nghiệp. Bằng kinh nghiệm trong nghề, họ đã phát hiện chất đất ở đây có thể dùng làm đồ sành sứ và từ đó họ bắt đầu xây dựng một vài hầm lò rãi rác vài nơi. Dần dần làm ăn phát đạt, họ tiếp tục phát triển rộng hệ thống hầm lò ra các vùng lân cận thuộc An Thạnh, Hưng Định, Chánh Nghĩa, Tân Phước Khánh ngày nay ...
Tương tự như ở gốm sứ, nghề làm sơn mài ở tỉnh Bình Dương, là một trong những nghề cổ truyền đã hình thành cách nay vài trăm năm, đây là một ngành có giá trị cao về lợi ích kinh tế.
Sơn son thếp vàng vốn là nghề truyền thống của người Việt Nam. Thời Phú Cường còn là lỵ sở của huyện Bình An, ở đây có những nghệ nhân chuyên sơn các tượng Phật, các bức tượng, hoành phi, câu đối. Ngày nay còn rất ít được giữ lại trong các đền, chùa cổ. Đó là kỹ thuật sơn son thếp vàng cổ truyền của người Việt Nam từ miền Trung đưa vào. Từ khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời, nhóm giáo viên của trường đã sáng tạo ra kỹ thuật cách tân sơn bóng có mài, từ đó hình thành sơn mài Việt Nam. Bình Dương thời đó có một số thanh niên đi học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, đã tiếp thu được kỹ thuật sơn mài và trở về phổ biến tại địa phương. Vốn là vùng đất có nhiều gỗ quý – nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc phát triển nghề sơn mài cộng với nghề điêu khắc gỗ nổi tiếng từ trước – Tất cả các yếu tố đó đã giúp cho Bình Dương có một nghề sơn mài truyền thống phát triển mạnh. Trong đó, Tương Bình Hiệp vốn từ lâu đã nổi tiếng là trung tâm sơn mài của đất Bình Dương.
Dưới chế độ Pháp thuộc, nhân dân ta sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp, mọi sinh hoạt mang tính chất văn hóa dân tộc đều bị chúng bóp nghẹt. Đời sống của nhân dân vô vàn khó khăn, vật chất thiếu thốn khổ cực, nền âm nhạc chỉ dành cho những người giàu có, tầng lớp trung lưu trở lên. Nhạc cụ chủ yếu là các cây đàn kìm, đàn bầu, đàn nhị, sáo, bộ gõ, nhạc cụ mới chỉ có thêm viôlông dùng để đệm hoặc hòa tấu. Phương tiện truyền thanh hầu như không có gì, nên việc giao lưu và phát triển gặp nhiều khó khăn. Thời gian này, việc hoạt động âm nhạc là tự phát ở một số người, số nhóm yêu thích và có tâm huyết. Nhạc dân tộc thời kỳ này chỉ phổ biến ở các dịp cúng đình, chùa, miếu, các dịp tết, giỗ, cưới xin và ma chay. Việc cải biến, chỉnh lý và nâng cao hầu như không có gì đáng kể. Thời kỳ này có sự ra đời và trưởng thành nhanh chóng của ngành ca nhạc cải lương. Một số nghệ nhân có tiếng của Bình Dương lúc đó là ông Chín Hòa, Tám Quốc chơi được nhiều loại đàn và hướng dẫn cho một số người thuộc thế hệ sau này. Ngoài ra còn nhiều nghệ nhân rất giỏi về đàn kìm, đàn tranh, đàn ghi ta phím lõm. Một số địa phương có phong trào âm nhạc khá sôi nổi của tỉnh lúc đó là thị xã, Bến Thế, Lái Thiêu ...
Bên cạnh truyền thống lao động sáng tạo với một nền văn hóa truyền thống sinh động, nhân dân Bình Dương còn có truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm.
Sau nhiều năm chuẩn bị, ngày 27-6-1858, thực dân Pháp nổ súng tiến công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Trước sự đánh trả mạnh mẽ của nhân dân ta, chúng bèn kéo vào Nam Kỳ và đánh thành Gia Định ngày 17-2-1859. Sau khi đánh lấy đồn Kỳ Hòa (25-2-1861) và chiếm xong toàn tỉnh Gia Định (28-2-1861), Pháp huy động một lực lượng bao gồm cả bộ binh và tàu chiến do tên trung tướng Sacne (Charner) chỉ huy, theo sông Sài Gòn tiến công vào huyện Bình An, gây nhiều tội ác với nhân dân.
Trái ngược với thái độ đầu hàng của đám quan lại chủ hòa, nhân dân Thủ Dầu Một – Bình Dương đã dấy lên phong trào đấu tranh chống Pháp rất sôi nổi. Trong cuộc đấu tranh này, trong số quan lại địa phương đã hình thành phái chủ chiến tại chỗ như Đổng lý Văn Đức Đại, Phó đề đốc quân thứ Lê Quang Tiến ở Bình An, Bố chính Thân Văn Nhiếp ở Tân Uyên. Nhiều thanh niên, trai tráng ở vùng Lái Thiêu, Tân Uyên ... gia nhập đội quân của Lê Quang Tiến, Thân Văn Nhiếp chống giặc. Đông đảo nhân dân trong tỉnh đã ủng hộ lương thực, thực phẩm nuôi quân đánh giặc và thực hiện vườn không, nhà trống... Trong những ngày kháng chiến đầu tiên, quân dân ta đã quấy phá địch ở khu vực Bình An, gây cho chúng mất ăn mất ngủ. Sau khi giặc Pháp lần lượt đánh chiếm ra nhiều nơi, lực lượng ta rút lui vào rừng và vùng nông thôn lân cận tiếp tục cuộc kháng chiến.
Ngày 31-7-1861, 1.500 nghĩa quân từ căn cứ trong rừng vượt qua sông rạch và làng xóm tiến về Đồng Ván thuộc làng Tân Ba, đánh bọn lính Pháp đang làm cầu và kho ở làng An Thành. Nghĩa quân làm chủ được nhiều ngày và kiểm soát được cả đường sông và đường bộ ở đây. Quân Pháp bị đẩy vào thế thủ, chỉ giữ được một số ít đất và dân quanh các đồn bót mới được dựng lên.
Tháng 10-1861, quân dân Bình An ba lần bao vây, tiến công đồn Phú Cường, An Thạnh, Hưng Định gây thiệt hại cho địch. Ngày 23-11-1861, quân Pháp và tay sai đánh vào vùng Bình Chuẩn, Tân Khánh – nơi nghĩa quân trú đóng, đã bị nghĩa quân đánh trả quyết liệt. Ngày 15-12-1861, 1.000 nghĩa quân phối hợp với 500 quân triều đình tấn công lần thứ hai vào thủ phủ Bình An. Ngày 16-12-1861, quân thủy và quân bộ của giặc kéo đến trước thành Biên Hòa, trong lúc quân triều đình mỗi nơi chạy trốn một hướng thì nghĩa quân Tân Uyên và Biên Hòa vẫn kiên quyết đánh địch.
Với một đội quân xâm lược nhà nghề được trang bị đầy đủ vũ khí các loại, thực dân Pháp đã chiếm được vùng đất Bình An, Tân Uyên và cả Biên Hòa. Nhưng phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân vẫn không ngừng tiếp diễn. Năm 1870, khi nghĩa quân của Trương Quyền và nhà sư Pô Cum Pô từ Tây Ninh tấn công vào các đồn nhỏ của Pháp ở ven sông Thị Tính (nay thuộc huyện Bến Cát), Bình An và Tân Uyên, nhân dân nhiều làng ở đây đã hưởng ứng mạnh mẽ. Đồng bào đã ủng hộ lương thực, quà bánh, heo gà và dẫn đường cho nghĩa quân. Nhiều thanh niên đã tham gia vào hàng ngũ kháng chiến....
Hoàn thành việc xâm chiếm và đặt ách thống trị trên đất Nam kỳ, thực dân Pháp lập đại lý hành chính và các đồn binh khắp nơi trong tỉnh, bao gồm cả vùng các dân tộc ít người như Hớn Quản, Bù Đốp ... Từ năm 1905, bọn tư bản Pháp bắt đầu lập ra các đồn điền ở An Lộc, Xa Trạch. Đến năm 1916, đã có hàng loạt công ty cao su ra đời trên đất Thủ Dầu Một.
Quá trình hình thành và phát triển các đồn điền cao su của thực dân Pháp gắn liền với việc cướp đoạt đất đai, nương rẫy của đồng bào các dân tộc và sự bóc lột sức lao động hết sức nặng nề đối với công nhân. Áp bức, bóc lột càng nặng thì sự vùng dậy đấu tranh càng quyết liệt.
Lúc đầu, chính các tù trưởng bộ lạc là những người khởi xướng các cuộc đấu tranh chống Pháp lẻ tẻ. Năm 1908, đồng bào các dân tộc Stiêng, Châu Ro, Châu Mạ, Tà Mun, Mơ Nông ở Lộc Ninh dưới sự lãnh đạo của ông Điểu Dố (người Stiêng) đã nổi dậy đánh đuổi quân Pháp xâm chiếm buôn rẫy, tiêu diệt nhiều quân địch.
Từ năm 1912 trở đi, ông Nơ Trang Lơng lãnh đạo các dân tộc ở Tây Nguyên và Đông Nam Kỳ đứng lên chống Pháp trên một địa bàn rộng lớn. Dưới sự lãnh đạo của Nơ Trang Lơng, từ năm 1912-1914 là thời kỳ oanh liệt và hào hùng của các cuộc khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung cũng như đồng bào ở Lộc Ninh, Hớn Quản của Thủ Dầu Một – Bình Dương nói riêng. Đứng đầu các cuộc khởi nghĩa ấy là những người được dân làng gọi là “tướng lĩnh” như các ông R’Đing, ông R’Ong ... đội quân của họ thường có từ 150-170 người, có lúc đến 400, 500 người gồm cả dân làng. Họ chặn đánh địch nhiều lần và đã từng thắng trận ở Bumêra. Họ đánh đồn Bu Ndum nhằm ngăn toán quân của tên công sứ Cơrachiê (Kratíe) đi đàn áp khởi nghĩa. Tuy phải chịu nhiều hy sinh, tổn thất nhưng nghĩa quân đã từng lập nhiều chiến công vẻ vang, có trận diệt tới 50 tên địch, thu được nhiều súng đạn.
Năm 1914, đồng bào các dân tộc Châu Ro, Stiêng vẫn tiếp tục cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của ông Điểu Dố. Ông Điểu Dố lập căn cứ tại núi Gió Quản Lợi, chỉ huy nghĩa quân đánh các bót ở Hớn Quản, Bù Đốp và hoạt động ở nhiều nơi khác. Đến năm 1918, trong cuộc chiến đấu ở vùng ngã ba Nhà Mát xã Long Nguyên, ông đã bị giặc Pháp bắn chết. Phong trào đấu tranh vũ trang nổi dậy chống Pháp của đồng bào các dân tộc Thủ Dầu Một – Bình Dương không lúc nào ngừng. Thủ lĩnh này bị giặc Pháp bắt hoặc bị chết lại có thủ lĩnh khác lên thay, lớp nghĩa quân này tan vỡ lại có lớp nghĩa quân mới thay thế, tiếp tục cuộc chiến đấu.
Giữa lúc phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp của đồng bào các dân tộc phía Bắc tỉnh đang diễn ra sôi động, thì ở phía Nam những cuộc đấu tranh của thợ thủ công các lò gốm ở Lái Thiêu, Tân Uyên, Bến Cát ... cũng làm cho bọn thực dân lo ngại. Cũng như ở các tỉnh Nam Kỳ, trong thời gian này tại Thủ Dầu Một, nhiều cuộc đấu tranh nổ ra dưới hình thức thành lập các hội kín yêu nước như Thiên Địa hội, hội Danh dự, Hội kín Nguyễn An Ninh.
Từ khi thực dân Pháp đánh chiếm Thủ Dầu Một, nhất là thời kỳ chúng thiết lập xong bộ máy cai trị và tiến hành bóc lột, đàn áp nhân dân, thì cũng là lúc phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh diễn ra ngày càng sôi nổi, quyết liệt bằng nhiều hình thức khác nhau. Từ vùng núi phía bắc xa xôi hùng vĩ đến vùng đất phía nam bốn mùa hoa trái và những cánh đồng lúa bát ngát của tỉnh – tất cả đều nhằm vào kẻ thù xâm lược, kiên quyết đánh đuổi chúng để bảo vệ quê hương, làng xóm thân yêu của mình. Trong một bối cảnh của cuộc chiến đấu không cân sức và chưa có đường lối lãnh đạo, chưa mục tiêu đấu tranh đúng đắn, nên phong trào đấu tranh của nhân dân ta không giành được thắng lợi như mong muốn. Từ những năm 1928 đến đầu năm 1930, phong trào đấu tranh cách mạng của cả nước cũng như ở Thủ Dầu Một ngày càng phát triển cao. Cũng vào thời điểm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3-2-1930 đã đáp ứng được những nguyện vọng bức thiết của phong trào cách mạng cả nước. Cũng từ đây, phong trào cách mạng ở Thủ Dầu Một đã có Đảng lãnh đao, dẫn dắt phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương đi đúng hướng và giành được những thắng lợi quyết định trong suốt quá trình tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
(còn tiếp kỳ sau…)
Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Bình Dương, Phần 1 (1930-1945)