Chương Hai
ĐẢNG BỘ TỈNH THỦ DẦU MỘT THÀNH LẬP VÀ LÃNH ĐẠO KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1936-1945)
I. TỈNH ỦY THỦ DẦU MỘT ĐƯỢC THÀNH LẬP, LÃNH ĐẠO THẮNG LỢI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG THỜI KỲ 1936-1939
Từ cuối năm 1935 trở đi, trên địa bàn Tỉnh Thủ Dầu Một, ngoài chi bộ Bình Nhâm ra đời từ năm 1930, một loạt chi bộ mới lần lượt hình thành như chi bộ ở các làng An Thạnh, An Sơn, Tân Khánh… với khoảng 20 đảng viên.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng tháng 3-1935 về công tác phát triển Đảng, đồng thời nhằm đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tháng 2-1936, Xứ ủy Nam kỳ đã chỉ định Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một gồm 5 đồng chí: Trương Văn Nhâm, Nguyễn Thị Bảy là 2 cán bộ tăng cường của Xứ ủy và ba cán bộ của địa phương, trong đó có đồng chí Hồ Văn Cống… Đồng chí Trương Văn Nhâm, Xứ ủy viên kiêm bí thư Tỉnh ủy.
Trong phiên họp đầu tiên của Tỉnh ủy tổ chức tại nhà ông Sáu Dài ở ấp Thạnh Lộc, Làng An Thạnh, quận Lái Thiêu (nay là xã An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) có đại diện của Xứ ủy: đồng chí Lê Thị Thinh (Lê Thị Hưởng, Hai Hưởng) đại diện Liên Tỉnh ủy miền Đông: đồng chí Trương Văn Bang. Hội nghị đề ra các công tác cấp bách trước mắt là ổn định tổ chức chi bộ, tổ chức và vận động quần chúng đấu tranh.
Việc thành lập Tỉnh ủy (lâm thời) vào mùa Xuân năm 1936 đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Thủ Dầu Một. Từ đây, tỉnh đã có quan đầu não để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh.
Tỉnh ủy (lâm thời) ra đời giữa lúc tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh có những chuyển biến mới so với trước.
Trên thế giới, những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1929-1933 và tình trạng kinh tế tiêu điều ở các nước đế quốc đã làm cho những mâu thuẫn xã hội ở các nước đó càng thêm sâu sắc. Phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống chế độ tư bản tiếp tục lên cao. Để đối phó với phong trào cách mạng của dân chúng, bọn tư bản lũng đoạn ở một số nước đế quốc thủ tiêu các quyền tự do dân chủ và thi hành chính sách độc tài phát xít. Bọn phát xít Đức-Ý-Nhật liên kết thành phe “trục” có lực lượng quân sự mạnh. Chúng ráo riết chuẩn bị chiến tranh để chia lại thị trường thế giới và xâm lược Liên Xô hòng xóa bỏ thành trì cách mạng thế giới.
Trước tình hình ấy, Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản họp tại Mátcơva tháng 7-1935, đã chỉ rõ mục tiêu trước mắt của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới lúc này chưa phải là đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh phát xít xâm lược, giành dân chủ và bảo vệ hòa bình. Đảng Cộng sản các nước phải thống nhất lực lượng cách mạng, lập mặt trận nhân dân rộng rãi bao gồm các đảng phái yêu nước, dân chủ và tiến bộ, các tầng lớp nhân dân để thống nhất hành động chống kẻ thù chủ yếu trước mắt là chủ nghĩa phát xít.
Sau khi có Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, trên thế giới, phong trào đấu tranh chống phát xít dâng lên mạnh mẽ. Đặc biệt là ở Pháp, Mặt trận bình dân Pháp mà Đảng Cộng sản Pháp là nòng cốt giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4-1936 và một chính phủ Mặt trận bình dân cầm quyền có Đảng Cộng sản Pháp tham gia (6-1936) ra đời. Chính phủ này thi hành một số quyền lợi cho quần chúng lao động trong nước và ở các thuộc địa. Diễn biến mới này ở Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Trong khi đó, ở nước ta do hậu quả của khủng hoảng kinh tế và chính sách đàn áp về chính trị, vơ vét về kinh tế của chính quyền thuộc địa, các tầng lớp nhân dân kể cả giai cấp tư sản dân tộc, những địa chủ nhỏ và vừa, đều mong muốn có những sự đổi mới có tính chất dân chủ.
Đứng trước tình hình ấy, nhận rõ những đòi hỏi bức xúc của giai đoạn cách mạng mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã mở Hội nghị Trung ương lần thứ nhất ngày 26-7-1936 tại Thượng Hải (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Hội nghị đã chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương trong thời kỳ này là phải đứng trong Mặt trận dân chủ và hòa bình thế giới chống chủ nghĩa pháp xít và chống chiến tranh phát xít xâm lược. Hội nghị quyết định tạm thời không nêu khẩu hiệu “đánh đổ đế quốc Pháp” và “tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”, chủ trương lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương (về sau đổi là Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương), tập hợp mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ, đấu tranh chống kẻ thù chủ yếu trước mắt là bọn phát xít và bọn phản động thuộc địa Pháp, giành tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, chống phát xít xâm lược và bảo vệ hòa bình thế giới. Về hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh, Trung ương Đảng chủ trương triệt để lợi dụng những khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để tuyên truyền, tổ chức quần chúng, đồng thời cũng cố và phát triển tổ chức bí mật của Đảng, kết hợp những hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp với những hoạt động bí mật để phát triển tổ chức Đảng và tổ chức Mặt trận dân chủ, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng.
Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mở ra cho cách mạng Đông Dương một thời kỳ phát triển mới. Xứ ủy Nam Kỳ lúc bấy giờ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư đã tiếp thu Nghị quyết tháng 7-1936 và các nghị quyết tiếp theo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng triển khai cho các Tỉnh ủy thực hiện.
Ở Thủ Dâu Một, nghị quyết tháng 7-1936 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình cách mạng lúc bấy giờ. Ở đây, khủng hoảng kinh tế và chính sách đàn áp, vơ vét của chính quyền thuộc địa cũng đẩy nhân dân lao động vào cuộc sống lầm than.
Nông dân vùng Thủ Dầu Một cũng rất điêu đứng vì giá lúa hạ: giá 1 giạ lúc bị sụt ¼ so với mùa trước, nhưng lại phải nộp gấp đôi số lúa tô cho chủ điền và các thứ thuế thân, thuế ruộng đất cho nhà chức trách.
Nhìn chung, các tầng lớp nhân dân bị tướt đoạt trắng trợn các quyền dân sinh, dân chủ đang sôi sục tinh thần đấu tranh vì lợi ích sống còn của mình.
Đứng trước tình hình ấy và chấp hành các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Xứ ủy, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một bắt đầu thực hiện chủ trương chuyển hình thức tổ chức không hợp pháp sang hình thức tổ chức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp, nhằm tập hợp và hướng dẫn đông đảo quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, thông qua đó giáo dục phát triển đội ngũ cách mạng như Công hội, Nông hội, Ủy ban hành động và nhất là lập thêm chi bộ Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trong năm 1936, đã nổ ra mấy chục cuộc đấu tranh với hàng ngàn lượt công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, thầy giáo, công chức... tham gia do các tổ chức công hội và nông hội tuyên truyền vận động. Trong đó, các cuộc đấu tranh dưới đây có tầm quan trọng hàng đầu:
1. Cuộc đấu tranh ra vào mùa xuân của nông dân trồng thuốc lá các làng: Tân Khánh, Tân Hòa, Bình Chuẩn, thuộc quận Châu Thành (nay thuộc một phần đất của huyện Tân Uyên và Thuận An) do đồng chí Hồ Văn Cống và chi bộ Tân Khánh lãnh đạo. Họ đã cùng nông dân hai tỉnh Gia Định, Chợ Lớn đấu tranh chống lại những thể lệ khắc nghiệt của chủ hãng thuốc lá tư bản ở Sài Gòn.
2. Các cuộc bãi công và đưa đơn kiến nghị của công nhân Dĩ An vào ngày Quốc tế lao động (1-5).
3. Cuộc đấu tranh của công nhân cao su các đồn điền Quản Lợi chống đánh đập hồi tháng 8.
4. Cuộc làm reo, đưa đơn đòi về quê quán vì đã mãn hạn giao kèo của 182 thợ cạo mủ ở cao su Dầu Tiếng nổ ra vào mùa thu.
Tiếp theo sau các cuộc đấu tranh này, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thủ Dầu Một nô nức tham gia vào cuộc vận động tổ chức Đông Dương đại hội nhằm mục đích đòi Chính quyền phải thi hành những cải cách dân chủ và cải thiện đời sống cho dân chúng.
Cuộc vận động được mở đầu bằng việc ông Nguyễn An Ninh, một nhà trí thức yêu nước, được sự động viên của Đảng ta, đã cho đăng trên tờ báo “Tranh đấu” (La lutte) lời hiệu triệu cổ động cho việc thành lập Ủy ban Trù bị để tiến tới triệu tập Đông Dương Đại hội (8-1936). Tiếp theo là việc ra đời của Ủy ban Trù bị tại một cuộc hội nghị lớn ở Sài Gòn ngày 13-8-1936 với 403 đại biểu tham gia, phần lớn là đại biểu của nhân dân lao động.
Tuy Ủy ban Trù bị có nhiều đại biểu là tư sản, nhưng với đường lối chính trị đúng đắn và thông qua những người có tư tưởng tiến bộ, Đảng ta vẫn lãnh đạo được tổ chức đó. Mặt khác, không hạn chế sự hoạt động của mình ở Ủy ban Trù bị đại hội, Đảng đã phát động đông đảo quần chúng bên dưới, chủ yếu là công nhân và nông dân, thành lập các Ủy ban Hành động ở khắp nơi trong nước.
Vào những tháng cuối năm 1936, các ủy ban hành động lần lượt ra đời trên địa bàn Thủ Dầu Một. Nổi bật nhất là ở thị xã Thủ Dầu Một, Ủy ban Hành động ở đây có sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng và các nhóm đảng viên.
Danh sách Ủy ban Hành động ở làng Uyên Hưng và thị trấn Tân Uyên được công bố sớm nhất vào ngày 19-8-1936 (1). Sau đó các Ủy ban Hành động khác lần lượt ra đời ở các làng Mỹ Lộc, Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ Quới (nay thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Thủ Dầu Một).
Ủy ban Hành động thị xã Thủ Dầu Một (2) công bố danh sách công khai trong những ngày 20, 30 tháng Tám. Còn Ủy ban Hành động các làng các quận Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát và đồn điền cao su Dầu Tiếng không công bố danh sách.
Thành phần tham gia các Ủy ban Hành động bao gồm nông dân, công nhân, thợ thủ công các lò đường, lò chén, thợ mộc, thợ hớt tóc, thợ may, tiểu thương, tiểu chủ, thầy giáo… Họ phần lớn là những người trước đây từng tham gia các tổ chức Công hội, Nông hội, Hội Ái hữu, Hội tương tế… Cũng có những người chưa vào các tổ chức yêu nước lần nào.
Trụ sở làm việc của các Ủy ban Hành động thường đặt ở nhà dân với nhiều tên gọi khác nhau: Ban trị sự Hành động, Ban Lâm thời, Ủy ban Hành động. Đây là tổ chức cơ sở của Mặt Trận Dân chủ Đông Dương. Các tổ chức cơ sở này có liên lạc với tổ chức Mặt trận cấp Xứ đóng tại Sài Gòn.
Cách sinh hoạt thông thường là hội họp, cao hơn là từng đoàn hoặc nhóm hội viên viết đơn “dân nguyện” đưa lên nhà cầm quyền xin bỏ các thứ thuế hiện hành như thuế thân, thuế nhà ngói, thuế thổ cư, thuế lò heo, thuế lò đường, thuế thợ hớt tóc… đòi không đấu giá đất công điền, bỏ quản thúc người tình nghi, thả tù chính trị, cho tự do hội họp, cho xuất dương, v.v…
Cũng như ở các tỉnh, hoạt động của hầu hết các Ủy ban hành động ở Thủ Dầu Một có sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng biểu hiện dưới hai hình thức bí mật và bán công khai, thông qua hoạt động của các đảng viên. Tại Dầu Tiếng có hai đồng chí Văn Công Khai, Nguyễn Văn Chiểu làm cán bộ Ban Tuyên truyền của Mặt trận Dân chủ ở cơ sở. Vùng Tân Uyên có đồng chí Trương Văn Bang, hai quận Châu Thành, Lái thiêu có các đồng chí Hồ Văn Cống và Trương Văn Nhâm… trong Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo.
Ban Trị sự hành động tỉnh Thủ Dầu Một đã phát ra một tờ truyền đơn với nội dung như sau:
“Hỡi anh chị em trong các giới ở Thủ Dầu Một!
Hãy giác ngộ vì quần chúng lao khổ, đồng thanh nắm tay nhau phấn đấu với hoàn cảnh!…
Hỡi anh chị em, hãy cương quyết khảng khái, chớ sợ sệt nản lòng!
Phải biết có cải cách được sau này là do cuộc công tác hiệp nhất của ta chớ không phải do giọng ăn mày của bọn lầu cao cửa rộng.
Hỡi ai là người có chút tình yêu thương nòi giống bị lao khổ! Hãy tự đưa mình ra giúp cho quần chúng đang đói khát lầm than!
Truyền đơn cũng chỉ ra cho mọi người thấy những việc cần làm:
“Lập Ủy ban Hành động, ủng hộ Đông Dương Đại hội, thảo nguyện vọng và cử đại biểu trực tiếp với Ủy ban điều tra bên Pháp sắp qua…”
Đứng trước sự lớn mạnh nhanh chóng của phong trào, bọn cầm quyền Pháp tỏ ra rất sợ hãi. Trong một cuộc họp của Nghị viện Pháp, Mutê (Moutet) – Bộ trưởng thuộc địa đã nói như sau: “Nền tảng tổ chức xã hội ở Đông Dương là làng xóm với Ban Hội tề. Thình lình các chức việc làng thấy mọc lên 600 Ủy ban Hành động nên họ khủng khiếp.
Ta phải nhìn nhận rằng chính phủ đã sợ hãi” (1)
Trong khi đó, bọn thực dân phản động Pháp ở Đông Dương dùng mọi thủ đoạn để đối phó. Ngay từ đầu, chúng đã cho mật thám trà trộn vào phá hoại cuộc họp thành lập Ủy ban trù bị ngày 13-8-1936 ở Sài Gòn. Rivoan, Thống đốc Nam Kỳ thông qua cho các chủ tỉnh, chủ quận một loại mẫu báo cáo in sẵn với 8 mục: ngày thành lập Ủy ban Hành động, tên họ, tiểu sử, hạnh kiểm, thành phần xã hội những người tham gia, số lượng truyền đơn đã rải… Ngày 15-9, Mutê (Moutet) gửi cho Toàn quyền Đông Dương một bức điện, yêu cầu tên này “Ngăn chặn những sự bạo động hoặc xúi giục bạo động, phải dùng nhiều biện pháp mà luật pháp đã đề ra để giữ gìn trật tự”. Ngày 18-9, Toàn quyền Đông Dương ra lệnh cấm chỉ các Ủy ban Hành động hoạt động.
Đi đôi với hành động đối phó của thực dân Pháp, bọn Tờ rốt kít do Phan Văn Hùm (2) cầm đầu cũng ra sức phá hoại phong trào Đông Dương Đại hội. Chúng tung ra luận điệu là chỉ nên lập “Mặt trận vô sản” chống Pháp, đối lập với chủ trương thành lập “Mặt Trận Dân chủ” của Đảng ta nhằm chia rẽ phong trào yêu nước.
Ở Thủ Dầu Một, tên chủ tỉnh Larivierơ (La Rivière), đã tích cực thực hiện mệnh lệnh của Toàn quyền Đông Dương. Hắn gửi báo cáo lên văn phòng Thống đốc Nam Kỳ hứa “sẽ giải tán hết các Ủy ban Hành động trong tỉnh” (3)
Sự đánh phá của địch đã gây ra hậu quả là các thành viên Ban trị sự và nhiều hội viên của các Ủy ban Hành động bị bắt, số còn lại cũng bị địch kiểm soát gắt gao. Tuy vậy, tổ chức này vẫn tiếp tục hoạt động cho đến cuối năm 1936.
Cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước, phong trào chuẩn bị cho Đông Dương Đại hội ở Thủ Dầu Một đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Qua phong trào, lần đầu tiên, các cán bộ đảng viên tiến hành có kết quả công tác tổ chức và hướng dẫn quần chúng đấu tranh hợp pháp tại nhiều làng và các thị trấn, thị xã… trong khi vẫn tiếp tục duy trì các tổ chức bí mật như Công hội, Nông hội cùng với các hoạt động nửa hợp pháp và bất hợp pháp. Nhiều cuộc đấu tranh thực hiện được yêu sách thiết thực, gây được phong trào “dân nguyện” mà thực chất là chiến dịch tố cáo tội ác của bọn phản động Pháp đòi tự do, cơm áo và hòa bình. Tất cả những điều đó đã làm cho ảnh hưởng của Đảng tăng lên nhanh chóng ở các quận phía nam và phía bắc. Nhưng kết quả quan trọng nhất là qua phong trào, các tổ chức Đảng ở cơ sở được củng cố và phát triển mạnh.
Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác phát triển đảng viên mới ở các quận phía nam như Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát… Kết quả là quận Châu Thành, (nay là thị xã Thủ Dầu Một) có thêm một chi bộ mới – chi bộ lò chén làng Phú Cường, gồm 5 đảng viên, trong đó có 2 nữ và một người Việt gốc Hoa; các chi bộ cũ ở Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh, Tân Khánh… đều kết nạp thêm một số đảng viên mới. Tại đồn điền cao su Dầu Tiếng, cuối 1936, thành lập chi bộ gồm 3 đảng viên cũ là Nguyễn Văn Tiết, Văn Công Khai(1), Nguyễn Văn Chiểu (công nhân sửa chữa xe hơi của xưởng) và một đảng viên mới là Đinh Công Toàn (thợ cạo mủ – dân công tra). Cũng trong thời gian này, chi bộ Đề pô xe Dĩ An cũng được tái lập.
Với những kết quả như trên, đến cuối năm 1936, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã lớn mạnh, trưởng thành nhiều so với trước. Toàn Đảng bộ khi đó có hơn 30 đảng viên hoạt động, chủ yếu ở các quận Lái Thiêu, Châu Thành. Trong Đảng bộ, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên rất được coi trọng. Ngoài việc vẫn duy trì hình thức hội họp bí mật, Đảng bộ còn có thêm hình thức sinh hoạt khác là tìm đọc các báo chí cách mạng (tờ Giải phóng của Xứ ủy Nam Kỳ, tờ Dân quyền xuất bản công khai ở Sài Gòn…) và các báo chí tiến bộ (tờ Đuốc Nhà Nam, tờ Tranh đấu …). Cuộc vận động dân chủ do Đảng bộ lãnh đạo giành được những thắng lợi bước đầu. Nhà cầm quyền Pháp buộc phải thực hiện một số cải cách trên lĩnh vực kinh tế – xã hội. Tại Thủ Dầu Một, các chủ sở cao su Dầu Tiếng, Thuận Lợi… đã làm thêm nhà y tế, mở nhiều cửa hàng bán thực phẩm và hàng tạp hóa; giảm bớt đánh đập, công bố giờ làm việc không quá 10 giờ/ngày, nữ công nhân nghỉ đẻ được hưởng lương… Ban hội tề ác bá các làng bớt hống hách, ức hiếp nhân dân. Có nơi, chúng mời Ban trị sự hành động đứng ra hòa giải các vụ tranh chấp của bà con trong xóm làng như ở An Thạnh, Tân Thới thuộc quận Lái Thiêu.
Những thắng lợi giành được qua cuộc vận động dân chủ nói trên càng tăng thêm uy tín của Đảng bộ. Cộng thêm vào đó, một số đảng viên trong số 1000 tù chính trị ở Côn Đảo được chính phủ Mặt trận bình dân Pháp “ân xá” trở về tỉnh tiếp tục hoạt động, đã tăng thêm sức mạnh của Đảng bộ.
(còn tiếp kỳ sau…)
Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Bình Dương, Phần 2 (1930-1945)