4/15/2018 12:00:00 AM GMT+7

[Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Bình Dương] PHẦN II ĐẢNG BỘ TỈNH THỦ DẦU MỘT THÀNH LẬP VÀ LÃNH ĐẠO CUỘC ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930-1945)

Chương Một: CHI BỘ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN RA ĐỜI VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG Ở THỦ DẦU MỘT TRƯỚC KHI THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ (1930-1935)

I. TÌNH HÌNH THỦ DẦU MỘT TRƯỚC KHI THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ

 

Sau khi thực dân Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, ngày 29-2-1861 quân Pháp đánh chiếm Thủ Dầu Một. Cuối năm 1861, thực dân Pháp bắt đầu thiết lập bộ máy cai trị của chúng và sau đó tiếp tục mở rộng phạm vi chiếm đóng lên phía bắc Thủ Dầu Một như Bù Đốp, Hớn Quản, Bà Rá, v.v… là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc Stiêng, Khơ me, M’nông, Châu Ro, Mạ, Tà Mun … Nhưng mãi đến năm 1892, chúng mới thiết lập được bộ máy cai trị ở quận Chơn Thành (sau đổi thành quận Hớn Quản) gồm 6 tổng và 50 buôn làng. Năm 1898, chúng lập ra một số đồn bót ở các vùng Bù Đốp, Chơn Thành, Bà Rá…


Từ năm 1899 trở đi, chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân đàn áp bắt dân đưa đi làm lao dịch. Chúng thực hiện biện pháp dùng vũ lực kết hợp lừa mị để cướp đất, xua đuổi đồng bào phải rời buôn làng, nương rẩy đi sâu vào chốn rừng thiêng nước độc. Thâm hiểm hơn, chúng gây chia rẽ giữa những cộng đồng bộ lạc, giữa các dân tộc thiểu số với người Việt. Chúng xóa bỏ chế độ tù trưởng và dựng lên lớp tay sai thuộc tầng lớp có uy quyền nhất ở các làng, tổng. Những việc làm đó của thực dân Pháp nhằm vào nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu quan trọng nhất của giặc là lập ra các đồn điền cao su kết hợp với khai thác gỗ… theo chính sách khai thác thuộc địa và xây dựng căn cứ chiến lược Tây Nguyên.


Năm 1905, bọn tư bản Pháp bắt đầu lập ra các đồn điền cao su ở An Lộc, Xa Trạch. Đến năm 1916, đã có hàng loạt công ty cao su ra đời trên đất Thủ Dầu Một. Sự mất mát quyền lợi thiết thân hàng ngày cùng nhiều đau khổ do giặc Pháp gây ra đã tạo nên mối hận thù sâu sắc trong đồng bào các dân tộc. Cũng từ đó, đã bùng phát lên những cuộc đấu tranh của đồng bào chống lại kẻ thù xâm lược ngay trên mảnh đất của mình đang sinh sống.


Trong chính sách khai phá thuộc địa của thực dân Pháp, đối với nông nghiệp, chúng chọn những vùng đất tốt, màu mỡ để trồng trọt sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu như cao su, cà phê, mía làm đường, cây đay… Thủ Dầu Một là một trong những nơi ở Nam Kỳ được tư bản Pháp chú ý tới việc khai thác vùng đất đai màu mỡ này.


Theo tài liệu của Tettông (Teston) và Pơxerông (M.Percheron) thì cho đến năm 1931 ở Thủ Dầu Một đã khai thác được diện tích cây trồng như sau: Cao su 35.000 ha; dừa 810 ha; mía 750 ha; đậu phộng 400 ha; thuốc lá 200ha; bắp 17 ha.
Với những điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai và sự bóc lột nhân công rẻ mạt, thực dân Pháp đã tìm mọi cách nhằm khai thác về cho chúng những lợi nhuận cao nhất. Chính sách khai thác thuộc địa tàn bạo của bọn thực dân cướp nước đã châm ngòi cho những cuộc đấu tranh ngày càng quyết liệt của dân tộc Việt nam nói chung và Thủ Dầu Một nói riêng.
Trong những năm đầu của thế kỷ XX, ngoài những hoạt động vũ trang chống Pháp diễn ra trên khắp các địa bàn ở Thủ Dầu Một, các tổ chức yêu nước cũng hoạt động rất tích cực như Thiên Địa hội, Hội Danh dự, Hội kín Nguyễn An Ninh.


Thiên Địa hội là một tổ chức chống pháp của nông dân Nam Kỳ trong những năm đầu của thế kỷ XX. Hội đã thu hút đông đảo nông dân và các tầng lớp lao động khác bao gồm những người căm thù sâu sắc bọn cướp nước và bọn cường hào ở làng xã.


Ở Thủ Dầu Một, cơ sở của Hội được lập ra tại nhiều xã trong các Quận. Nhiều cơ sở của Hội tổ chức luyện tập võ nghệ và cùng nhau thề nguyện đánh Tây. Tiêu biểu cho sự hoạt động của tổ chức này là khoảng cuối tháng 2-1916, hàng trăm hội viên ở Lái Thiêu mang theo gậy tầm vông, giáo mác tụ họp tại đình Tân Thới cùng nhau thề nguyện đánh Pháp, rồi kéo đi Sài Gòn định cứu “hoàng đế” Phan Xích Long (tức Phan Phát Sanh) đang bị giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Đoàn người vừa rời khỏi chợ Lái Thiêu thì bị quân lính đến bao vây, bắt đi một số người và bắt giải tán.


Cùng với Thiên Địa hội thời kỳ này ở Thủ Dầu Một còn có hoạt động của Hội Danh dự. Những người sáng lập ra Hội này là cụ Phan Đình Viện (Tú Cúc, nhà chí sĩ yêu nước quê ở Hà Tỉnh đã từng tham gia phong trào Duy Tân năm 1911 bị giặc Pháp và tay sai cấm hoạt động, lánh mình vào Nam đến Thủ Dầu Một); và cụ phó bản Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh cụ Hồ Chí Minh - một vị khoa bảng có lòng yêu nước, chống Pháp, đã đi nhiều nơi rồi đến chùa Hội Khánh cùng hoạt động với Hòa thượng Từ Văn). Ngoài ra, Hội còn có tám người khác cùng tham gia. Bằng những hoạt động bình thường như xem mạch bốc thuốc trị bệnh, làm thầy địa lý, dạy chữ Nho, v.v., tiếp xúc với dân hàng ngày các cụ đã giáo dục đạo lý ở đời là phải ăn ở hiền lành, có đức độ, không tham lam trộm cướp, không theo bọn lang sói hại dân, phản nước, nên theo gương oanh liệt chống ngoại xâm của tổ tiên ta...


Tuy Hội Danh Dự sau đó bị giải tán, nhưng những lời nói và việc làm của các cụ trực tiếp hay gián tiếp đã để lại cho dân chúng địa phương những ấn tượng tốt đẹp, ảnh hưởng sâu sắc đến lòng yêu nước của họ.


Sau những hoạt động của Thiên Địa hội và Hội Danh dự, phong trào yêu nước, chống Pháp của nhân dân Thủ Dầu Một vẫn tiếp tục phát triển. Trên cơ sở phát triển của phong trào yêu nước ở Thủ Dầu Một cũng như ở thành phố Sài Gòn và một số tỉnh lân cận, một tổ chức yêu nước khác lại ra đời, đó là Hội kín Yêu nước của Nguyễn An Ninh.


Tại Thủ Dầu Một, cơ sở của Hội được lập ra đầu tiên ở quận Lái Thiêu có khoảng 10 thanh niên như : Nguyễn Văn Tiết, Nguyễn Văn Lộng, Hồ Văn Cống, Đinh Văn Sáng,v.v… Về sau, Hội tăng lên hàng chục hội viên. Thành viên của hội bao gồm những người là thợ mộc, thợ lò chén, thợ lò đường, học sinh, thầy giáo, thầy ký ở thị xã Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, v.v… Trong số đó có nhiều người là con em của các hội viên Thiên Địa hội trước kia.


Hội Kín Yêu nước được lập ra ở Thủ Dầu Một với mục đích “Tìm cách giải phóng giống nòi” theo lời kêu gọi của nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh đã từng nêu trên diễn đàn và báo chí công khai. Các hội viên thường giúp đỡ nhau về tiền gạo và thăm hỏi nhau khi gặp tang ma hoặc tai nạn, khuyên răn nhau trọng đức và khinh rẻ kẻ gian nịnh Tây tà. Các hội viên là thầy giáo, thầy ký, học sinh thường tập hợp thành các nhóm đọc sách báo tiến bộ, trong đó có các báo “Chuông Rè” (La cloche fêléc) và An Nam (L’Annam)… Từ khi Nguyễn An Ninh bị giặc Pháp bắt giam ở Sài Gòn (1929), hoạt động của Hội kín ở Thủ Dầu Một chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của nhóm đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng như: Lê Trọng Khôi, Nguyễn Chí Diễu… Ngoài ra, quần chúng ở Lái Thiêu còn được tiếp nhận sự tuyên truyền cách mạng của các đảng viên An Nam Cộng sản Đảng từ Sài Gòn lên.


Từ năm 1925 trở đi, do chịu ảnh hưởng của nhiều sự kiện chính trị lớn trong nước, phong trào yêu nước và đấu tranh ở Thủ Dầu Một có những sự chuyển biến mới. Công nhân ở các đồn điền cao su Đa Kia, Lộc Ninh, Hớn Quản, Dầu Tiếng, Phước Hòa… đã nhiều lần bãi công, biểu tình đưa kiến nghị lên chủ đồn điền. Nhất là từ năm 1929 đến năm 1930, những cuộc đấu tranh sôi nổi dưới sự tổ chức chỉ đạo của Chi bộ Cộng sản ở đồn điền cao su Phú Riềng (Biên Hòa) và đềpô xe lửa Dĩ An (Gia Định) đã tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước ở Thủ Dầu Một.


Tuy nhiên, các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Thủ Dầu Một trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX chưa thể giành được thắng lợi cơ bản vì chưa có đường lối cách mạng đúng đắn. Song phong trào vẫn đứng vẫn và phát triển được nhờ có chủ nghĩa yêu nước Việt nam và bản chất cách mạng của giai cấp công nhân. Đến cuối năm 1929 đầu năm 1930, phong trào yêu nước cùng với những nhận thức về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Thủ Dầu Một đã trở thành mảnh đất tốt cho sự nẩy mầm những hạt giống cách mạng sau này.

 

II. CHI BỘ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN RA ĐỜI VÀ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở THỦ DẦU MỘT TỪ 1930 ĐẾN 1935

 

Giữa lúc dân tộc Việt Nam đang chìm trong đêm dài nô lệ, khủng hoảng về con đường cứu nước thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, với lòng yêu nước thương dân tha thiết đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường cứu nước – con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đồng chí đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và nhân dân ở nước ta. Năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) tiếp xúc với những người Việt Nam yêu nước lập ra Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam nhằm đào tạo cán bộ, tổ chức tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và quần chúng nhân dân trong nước.


Từ năm 1928-1929, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đề ra chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên của mình vào các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy… từ đó phong trào công nhân, phong trào cách mạng trong nước có những bước phát triển mới. Nhiều tổ chức cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được hình thành giữ vai trò tổ chức tuyên truyền, lãnh đạo phong trào cách mạng ở các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền. Nhờ sự tuyên truyền, giáo dục của Hội cộng với sự tôi luyện trong phong trào đấu tranh cách mạng, nhiều nơi đã xuất hiện những nhân tố điển hình báo hiệu sự hình thành tổ chức mới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phong trào cách mạng trong nước.


Phong trào cách mạng nước ta những năm 1928-1929 có nhiều hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ. Phong trào bãi công của công nhân liên tiếp nổ ra, các cuộc đấu tranh có liên hệ chặt chẽ với nhau và phát triển rộng khắp, có tính chất toàn quốc. Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân cũng diễn ra sôi nổi chống lại bọn cường hào cướp đoạt ruộng đất, đòi giảm sưu thuế, học sinh bãi khóa, tiểu thương, tiểu chủ chống thuế …


Từ cuối năm 1929 đầu năm 1930, ở nước ta lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản Đảng (6-1929), An Nam cộng Đảng (9-1929) và Đông Dương cộng sản Liên đoàn (1-1930). Ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở ba miền đất nước đã ảnh hưởng trực tiếp tới những người tiên tiến trong tổ chức thanh niên, mở ra một cao trào thành lập các chi bộ cộng sản ở các tỉnh.


Sau một thời gian tuyên truyền, giác ngộ xây dựng cơ sở, tháng 10-1929 tại đồn điền cao su Phú Riềng (Biên Hòa) đã thành lập chi bộ cộng sản do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (Nguyễn Văn Vĩnh) làm bí thư. Đến tháng 1-1930, chi bộ dự bị đặc biệt được thành lập tại đềpô xe lửa Dĩ An thuộc tỉnh Gia Định, gồm 2 đảng viên do đồng chí Nguyễn Đức Thiệu làm bí thư. Hai chi bộ cộng sản được thành lập ở địa bàn giáp ranh, hai đầu phía bắc và phía nam của Thủ Dầu Một (Phú Riềng và Dĩ An) vào cuối năm 1929, đầu năm 1930 đã tác đ
ộng, ảnh hưởng trực tiếp đến phòng trào cách mạng ở Thủ Dầu Một.


Vùng đất Bình Nhâm, Lái Thiêu là một trong những nơi của Tỉnh Thủ Dầu Một sớm có phong trào yêu nước chống Pháp sôi nổi và tham gia các tổ chức yêu nước như Thiên Địa hội (1913-1916), Hội kín Nguyễn An Ninh (1926-1929)… Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1929 đến đầu năm 1930, một nhóm thanh niên yêu nước xã Bình Nhâm được tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng của Đảng thông qua sự tuyên truyền giáo dục của hai nhóm đảng viên cộng sản thuộc Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gồm hai đồng chí Lê Trọng Mân (Khôi), Nguyễn Đình Kiên và An Nam Cộng sản Đảng ở Tỉnh Gia Định và Sài Gòn.


Sau khi hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) đồng chí Lê Trọng Mân, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Gia Định, cử một số đồng chí quê ở Hóc Môn, Gia Định đến hoạt động ở xã Bình Nhâm và vùng Lái Thiêu. Số đảng viên này đã móc nối cùng nhóm quần chúng trong Hội kín vận động nhân dân đấu tranh. Từ tháng 3 đến tháng 8-1930, nhân dân vùng Lái Thiêu đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh lớn do Tỉnh ủy Gia Định chỉ đạo. Những đảng viên đang hoạt động ở đây đã tìm hểu kỹ tình hình quần chúng trong “Hội kín Nguyễn An Ninh” và chọn số anh em tích cực giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong đấu tranh, chuẩn bị xây dựng tổ chức Đảng. Suốt quá trình đấu tranh đã xuất hiện một số quần chúng ưu tú, họ lần lượt được kết nạp vào Đảng.


Tháng 8-1930, chi bộ cộng sản xã Bình Nhâm được thành lập. Lớp đảng viên đầu tiên của chi bộ Bình Nhâm gồm các đồng chí:


- Đồng chí Ba Phèn (thầy thuốc Ba Phèn): Bí thư chi bộ
- Hồ Văn Cống (Hai Cống)
- Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết)
- Nguyễn Văn Lộng (Tự Chùa)
- Đinh Văn Sáng (Tám Sáng)


Sau khi thành lập, chi bộ Bình Nhâm tiến hành tổ chức Nông Hội đỏ ở một số xã và Hội tương tế ở các lò chén, lò đường, trại mộc… thu hút đông đảo quần chúng lao động tham gia. Đây là lực lượng sẵn sàng tham gia các cuộc đấu tranh.


Dưới sự lãnh đạ
o của chi bộ, trong những tháng cuối năm 1930, bốn lần nhân dân ở đây tổ chức, mít tinh, biểu tình, đưa đơn kiến nghị lên ban hội tề xã, số lượng quần chúng tham gia đấu tranh không chỉ bó hẹp trong 4 xã mà còn mở rộng ra các xã Thuận Giao, Tân Khánh… Đáng chú ý nhất là cuộc mít tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga và ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra vào tháng 11-1930.


Nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, với niềm tin vào Liên Xô vĩ đại qua sự tuyên truyền giáo dục của Đảng, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng về kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, nhân dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức rải truyền đơn hoặc mít tinh kỷ niệm.


Ở xã Bình Nhâm, chi bộ Đảng đã vận động được khoảng 200 người đến dự mít tinh tại miễu Cây Đào, xã Thuận Giao, quận Lái Thiêu vào ban đêm. Nhiều thợ lò chén, lò đường, thợ mộc và nông dân nhiều xã dùng mưu kế lọt qua mắt địch đến đây. Trong cuộc mít tinh, đồng chí Nguyễn Văn Tiết, vốn là thầy giáo làng từng được đọc sách báo tiếng Pháp viết về Lênin và cách mạng Nga năm 1917 và được nghe các đồng chí khác nói chuyện, đã thay mặt chi bộ nói về mục đích, ý nghĩa thắng lợi của cách mạng Nga 1917 cho bà con nghe. Đồng chí còn tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi nhân dân hăng hái đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ.


Cuộc mít tinh tiến hành sôi nổi và nhanh chóng. Những người dự mít tinh vô cùng phấn khởi khi được nghe ở Liên Xô, công, nông trí thức đã hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của quý tộc địa chủ và tư bản, làm chủ đất nước mình. Qua cuộc mít tinh này đồng bào bày tỏ lòng thành kính đối với Liên Xô anh hùng và Lênin vĩ đại.


Ngày hôm sau, hương cả Xị, tay chân đắc lực của thực dân Pháp dẫn quân lính và mật thám đến khủng bố bắt được đồng chí Nguyễn Văn Tiết và một số người đã tham gia cuộc mít tinh.


Cũng nhân dịp kỷ niệm ngày lễ này, ở một số nơi lân cận như đềpô xe lửa Dĩ An tuy không có sự chỉ đạo của đảng viên cộng sản, một số cốt cán công hội vẫn tự động rải truyền đơn “ủng hộ chính quyền Liên bang Xôviết”. Tại thị trấn Uyên Hưng, quận Tân Uyên một số quần chúng cũng tiến hành rải truyền đơn, treo cờ Đảng ở chợ, do các đồng chí ở quận Củ Chi (Gia Định) đến hướng dẫn.


Đứng trước sự phát triển mạnh của phong trào đấu tranh của nhân dân nói chung, của công nhân nói riêng trên phạm vi cả nước cũng như trong nội tỉnh Thủ Dầu Một, trong các năm 1929-1930, thực dân Pháp ra sức đối phó bằng cách tăng cường bắt bớ và khủng bố đẫm máu. Tháng 5-1931, đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư của Đảng và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương lần lượt sa vào tay giặc. Từ năm 1932 đến tháng 5-1935, Xứ ủy Nam Kỳ 4 lần bị tổn thất nặng nề.


Thực dân Pháp tưởng rằng với chính sách khủng bố đẫm máu, chúng có thể tiêu diệt được Đảng Cộng sản và dập tắt được phong trào cách mạng. Nhưng chúng đã lầm. Từ năm 1932, phong trào cách mạng bắt đầu được phục hồi trên phạm vi cả nước.


Ở Thủ Dầu Một, mở đầu cho sự phục hồi phong trào là cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng vào cuối năm 1932. Nguyên nhân làm nổ ra cuộc đấu tranh là chủ sở lấy cớ giá cao su bị hạ trên thị trường thế giới, ra lệnh giảm tiền lương của công nhân. So với mức lương cũ ghi trong bản giao kèo thì mức lương mới bị giảm bớt 10 xu/ngày, đàn ông chỉ còn lãnh 30 xu/ngày, đàn bà thì 20 xu/ngày.


Trước tình hình ấy, một số công nhân tiên tiến trước đây đã từng đứng ra làm đại biểu trong các cuộc đấu tranh, liền đi vận động công nhân chống lại chủ trương của chủ. Kết quả là vào khoảng 22 giờ ngày 15-12-1932, 1.000 nam nữ công nhân các làng kéo đến bao vây văn phòng chánh chủ sở Dầu Tiếng.


Đại biểu công nhân gặp chủ sở đưa yêu sách: không được hạ lương, không được đánh đập, cúp phạt, v.v… Bọn chủ ngoan cố làm ngơ không giải quyết và chuẩn bị đối phó.


Ban lãnh đạo đấu tranh quyết định cương quyết tiến công địch, đưa ra chủ trương kéo lên thưa kiện với viên quan thanh tra của tỉnh và Sài Gòn. Ý kiến này được công nhân đồng tình.


Sáng ngày 16, công nhân tiến hành bãi công và cử ra khoảng 100 người lên tỉnh đấu tranh. Đoàn biểu tình tay không, đã tìm đường vượt qua được thị trấn Dầu Tiếng và đồn cảnh sát, nhưng trên đường về chợ Bến Cát thì bị địch bố trí sẵn chặn lại ở đoạn vắng người. Hàng trăm lính khố xanh và cảnh sát nổ súng vào đoàn biểu tình, làm chết 3 công nhân, làm bị thương nặng 7 người, nhiều người bị thương nhẹ và bị bắt.


Công nhân đưa xác chết lên quận để buộc nhà cầm quyền Pháp bồi thường nhân mạng… Dọc đường đi, họ kêu gọi đồng bào ủng hộ và có thêm người tham gia đấu tranh. Khi đó lính tiếp viện đến bao vây buộc giải tán, nhưng ta cứ tiến.
Chỉ huy địch nhượng bộ, yêu cầu mọi người trở lại đồn điền, chủ sẽ giải quyết các yêu sách và bồi thường nhân mạng…


Nắm bắt được sự kiện anh dũng này, Thành ủy Sài Gòn cử đồng chí Vă
n Công Khai đến đồn điền cao su Dầu Tiếng để gây dựng cơ sở quần chúng và tiến tới lập chi bộ Đảng.


Sau thời gian công tác, đồng chí Văn Công Khai đã tổ chức được một nhóm công nhân mật: Đinh Công Toàn, Đặng Dân… làm nồng cốt cho việc lập Hội ái hữu, lập Đội tự vệ và chuẩn bị đối phó với chủ.


Tiếp đó khi ĐờLaPhông (De la Fond) dựa vào cớ giá cao su và giá gạo trên thị trường thế giới hạ, nên tuyên bố giảm lương 10 ngàn công nhân ở đồn điền Dầu Tiếng. Cụ thể mỗi người mất 10 xu/ngày lại còn đưa ra những lời thách thức công nhân.


Tháng 2-1933, có đến 2000 nam nữ công nhân tham gia đình công chống lại sự tuyên bố của chủ công ty, đã làm cho nhà máy chế biến mủ ngừng hoạt động và giảm số người đi cạo mủ.


Chủ sở cấu kết với quận trưởng điều động hàng trăm lính đến bắt công nhân. Đội tự vệ xông vào giành giật lại từng người. Cuộc xô xát diễn ra nhưng không bị đổ máu. Sau đó chủ đồn điền chịu phát lương đúng kỳ, phát gạo đủ 800 gram/ngày và không cúp phạt lương.


Những sự kiện bãi công ở Dầu Tiếng, Lái Thiêu cùng với phong trào công, nông ở Nam Kỳ và cả nước đã gây dư luận xôn xao đến nước Pháp. Tổng Bí thư Đảng cộng sản Pháp Môrít Đôrê (Maurice Thorez) tại kỳ họp ngày 14-3-1933, đã kết án: Nước Pháp tư bản chủ nghĩa không hề mang lại cho nhân dân Đông Dương hòa bình, an ninh và thịnh vượng...


Cũng trong năm 1932, hưởng ứng cuộc vận động đấu tranh của Tỉnh ủy Gia Định, ngày 18-4-1932, hàng trăm đồng bào ở các làng Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh, Tân Thới, Hưng Định, Thuận Giao cùng nhau đến gặp ban hội tề và chủ lò gốm. Đại diện nông dân đưa yêu cầu: giảm thuế thân từ 5 đồng xuống 4,5 đồng, hoãn đi làm xâu ở núi Bà Rá (Tỉnh Biên Hòa), vì đang bận làm ruộng, vườn. Đại diện thợ thủ công đưa kiến nghị lên chủ: tăng lương cho thợ đàn ông từ 15 xu/ngày lên 18 xu/ngày, đàn bà từ 12 xu/ngày lên 15 xu/ngày. Cùng lúc đó, ở quận Hóc Môn có đến 1.400 nông dân biểu tình mang theo khẩu hiệu: chống thuế, chống khủng bố của đế quốc. Chủ tỉnh Gia Định đưa mấy trung đội đến đàn áp làm 4 người chết, 3 người bị thương, 40 người bị bắt.


Đầu năm 1933, đồng chí Ba Phèn, Bí thư chi bộ Bình Nhâm được cấp ủy điều đi nhận công tác ở nơi khác. Đồng chí Đinh Văn Sáng được cử làm bí thư thay thế. Nhân dịp này đổi tên chi bộ thành chi bộ Lái Thiêu cho phù hợp với thực tế, vì khi đó ngoài số đảng viên cũ quê ở Bình Nhâm còn có thêm các đảng viên mới quê ở các làng Tân Khánh, An Sơn, An Thạnh … mới được kết nạp.


Công tác trước mắt của chi bộ Lái Thiêu là đẩy mạnh việc thành lập các Hội Ái hữu, Hội vạn cấy, Hội nhà vàng (đám tang) ở các làng trong quận. Kết quả bước đầu đã có nhiều cơ sở của Hội ở lò gốm, lò đường, lò chai, trại mộc, trại sơn mài được thành lập. Có nơi số hội viên từ 20-40 người. Có những cán bộ tích cực như Phan Kim Anh, Nguyễn Trung Hạnh, Năm Nữa ở trại mộc Tân Thới và Phú Long.


Năm 1935, các chủ lò gốm đồng loạt thực hiện hạ mức tiền công trả cho người làm thuê, từ 1 đồng xuống còn 80 xu/18 váng. Thợ giỏi nhất 15 đồng/tháng xuống còn 10 đồng/tháng. Nữ làm nặng nhọc 5 xu/ngày xuống còn 2 xu/ngày.


Nắm bắt được tình trạng trên, chi bộ Lái Thiêu sau những bước công tác điều tra, nghiên cứu, tuyên truyền, đã tổ chức công nhân đấu tranh với qui mô lớn nhất so với trước đây.


Cuộc tổng bãi công từ 27-09 đến 02-10-1935 đã có gần 1 vạn người trong 30 cơ sở tham gia.


Ban đại diện công nhân từng cơ sở đến gặp chủ đưa kiến nghị: phải trả lương đúng số tiền đã giao khoán cho thợ nam, nữ, trẻ em, cho người Việt và người Hoa.


Chủ tư sản đưa ra nhiều lý lẽ để không chấp nhận yêu sách, để dọa đuổi những ai đấu tranh, dụ dỗ thợ trở lại làm việc sẽ được hậu đãi…


Tổ chức công nhân đã dùng các biện pháp tích cực phản đối mạnh với chủ: viết đơn tố cáo lên nhà cầm quyền làng; viết yêu sách dán nhiều nơi có người qua lại và tại chỗ sản xuất, bố trí tự vệ ngầm bảo vệ nhau khi bị địch vây bắt; viết đơn ký tên tập thể đồng gửi lên quận trưởng, tỉnh trưởng, đòi nhà cầm quyền đến tận cơ sở sản xuất để kiểm tra chủ lò gốm cướp giật quyền lợi sống của công nhân.


Ngày 02-10-1935, đoàn thanh tra lao động tỉnh đến xem xét vài lò gốm… Họ tỏ thái độ bảo vệ quyền lợi chủ lò, không giải quyết đơn kiện cáo của công nhân.


Anh chị em công nhân có mặt tại chỗ tỏ thái độ kịch liệt phản đối nhà cầm quyền. Đại diện thợ thầy đứng ra đấu lý với quan thanh tra, với chủ. Sau cùng, chủ lò chấp nhận sẽ không hạ mức lương công nhân, vẫn giữ ở mức lương đã ký hợp đồng.


Về ý nghĩa thắng lợi cuộc tổng bãi công ngành gốm Lái Thiêu được tờ báo La Dépêche có nhận xét: “…Đây là lần thứ nhất mà cuộc bãi công quan trọng như thế này đã xảy ra. Đó là dấu hiệu của thời buổi. E rằng nhiều chức nghiệp khác sẽ noi gương của công nhân lò gốm”


Cùng với những cuộc đấu tranh đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, công nhân đồn điền cao su Lộc Ninh cũng nổ ra đấu tranh quyết liệt. Tháng 5-1935, giữa lúc đời sống của phu cao su đang hết sức khổ cực, thì tên chủ Công ty cao su CESO tuyên bố hạ lương của công nhân từ 40 xu xuống còn 30 xu/ngày, trong khi vẫn phải đi làm 10 – 11 giờ/ngày.


Tin này làm cho anh chị em công nhân ở các đồn điền thuộc công ty hết sức căm uất vì quyền lợi thiết thân hàng ngày của họ bị xâm phạm trắng trợn. Ở đồn điền Lộc Ninh, các công nhân tiên tiến đứng ra thành lập ban đại diện và tổ chức một cuộc biểu tình gồm 500 người phản đối chủ hạ lương, đòi được hưởng tiền lương như cũ, v.v…


Bọn tư bản và nhà cầm quyền Pháp cho quân lính bắt đi 15 người, đánh đập rất dã man hòng uy hiếp tinh thần anh em công nhân. Nhưng anh em công nhân vẫn bền gan, không nản chí, vẫn tiếp tục bãi công và đưa yêu sách mới đòi thả những người bị bắt.


Phối hợp với cuộc đấu tranh phản đối hạ lương, số anh em mãn hạn giao kèo cũng phát đơn đòi trả về quê quán cũ, kiên quyết không chịu tái đăng.


Bọn chủ lúc đầu dùng thủ đoạn khuyên giải anh em ở lại làm thêm, đến khi không có kết quả, chúng buộc phải chấp nhận cho 13 người được hồi hương, song lại nói là họ bị trục xuất vì hoạt động Hội kín. Trong những năm 1934-1935, trên cả nước đã nổ ra 60 cuộc đấu tranh lớn của công nông, trong đó có các cuộc đấu tranh ở Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Lái Thiêu của Thủ Dầu Một. Cơ quan mật thám Đông Dương thú nhận rằng: Hoạt động của đại biểu công nhân là trung tâm thu hút mọi hoạt động chính trị ở Sài Gòn-Chợ Lớn và vùng ngoại ô. Họ đã trở thành cố vấn chính thức của giai cấp cần lao.


Cuộc đấu tranh của công nhân lò gốm Lái Thiêu nổ ra cùng thời gian với cuộc tổng bãi công ở Sài Gòn – Chợ Lớn với nhiều cuộc đấu tranh lớn ở các ngành thợ xẻ gỗ, công nhân xây dựng và công nhân các Tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre.
Nhìn chung, trong khoảng thời gian từ năm 1932-1935 những cuộc đấu tranh diễn ra trên địa bàn Thủ Dầu Một, xét về mặt tính chất và quy mô cho thấy sự nhận thức về chính trị, về phương pháp và tổ chức đấu tranh của quần chúng công nông được nâng lên rất cao. Đó là kết quả tổ chức chặt chẽ của cơ sở Đảng ở địa phương, là sự tuyên truyền, hướng dẫn tích cực của Tỉnh ủy Gia Định. Ngoài ra, đảng viên và một số quần chúng ở Thủ Dầu Một trong thời kỳ này còn được tiếp thu những kinh nghiệm đấu tranh thông qua các tờ báo cách mạng lưu hành bí mật như tờ Lao Động của Tỉnh ủy Gia Định, tờ Giải phóng của Ban Chấp Ủy miền Đông Nam Kỳ, tờ La Lutte… Từ khi ra đời, tổ chức cơ sở Đảng ở Thủ Dầu Một đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, hoạt động có hiệu quả trên nhiều mặt, xây dựng được cơ sở Đảng vững chắc, phát triển thêm Đảng viên mới để chuẩn bị điều kiện lập thêm chi bộ, xây dựng được các tổ chức quần chúng bí mật, bán công khai, đưa quần chúng công nông ra đấu tranh giành lợi ích thiết thân hàng ngày, phối hợp chặt chẽ với phong trào chung.


Sự hoạt động của những đảng viên cộng sản ở Thủ Dầu Một cùng với phong trào đấu tranh sôi nổi trong thời kỳ 1930-1935 khẳng định nhân dân Thủ Dầu Một trong hoàn cảnh nào cũng một lòng đi theo ngọn cờ cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, đó còn là điều kiện, là nhân tố làm tiền đề về tổ chức để Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ra đời.

(còn tiếp kỳ sau…)

 

Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Bình Dương, Phần 2 (1930-1945)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49274992
Hôm nay: 15080
Đang online: 88
Về đầu trang