6/15/2018 12:00:00 AM GMT+7

[Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Bình Dương] ĐẢNG BỘ THỦ DẦU MỘT LÃNH ĐẠO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)

Chương Một NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (9-1945 ĐẾN 12-1946)

I. XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN, MẶT TRẬN, ĐOÀN THỂ, XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CHUẨN BỊ CUỘC KHÁNG CHIẾN


Hòa nhịp với cuộc Tổng khởi nghĩa tại thành phố Sài Gòn, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Thủ Dầu Một diễn ra nhanh gọn và kịp thời cơ trong ngày 25-08-1945.


Bộ máy chính quyền do phátxít Nhật dựng ra ở địa phương từ ngày 9-3-1945 hoàn toàn sụp đổ. Lần đầu tiên sau hơn 80 năm làm nô lệ cho Pháp – Nhật, nhân dân Thủ Dầu Một cùng nhân dân cả nước đứng lên làm chủ vận mệnh mình.


Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công, cuộc mít tinh mừng độc lập tại quảng trường trước công sở Phú Cường được tổ chức trọng thể. Ủy ban nhân dân tỉnh được thành lập, gồm nhiều thành phần: Nhân sĩ yêu nước, trí thức tiến bộ, công nhân, đảng viên Cộng sản; danh sách Ủy ban lâm thời được công bố gồm có:


- Chủ tịch: Trần Công Vị (bác sĩ).


- Phó Chủ tịch: Nguyễn Minh Chương (Cử nhân Luật khoa)(1).


- Ủy viên Tuyên truyền, Tổ chức: Văn Công Khai (Bí thư Tỉnh ủy lâm thời).


- Ủy viên Quân sự: Kiều Đắc Thắng (Đảng viên).


- Ủy viên phụ trách cao su: Nguyễn Văn Trung (Đảng viên cộng sản).


Trụ sở đóng tại dinh Tỉnh trưởng cũ.


Với khí thế cách mạng sôi nổi, chỉ sau một thời gian ngắn, chính quyền cách mạng các cấp được xây dựng, củng cố: những người có uy tín trong huyện, xã… được cử làm chủ tịch, các ủy viên khác là những người có tư tưởng tiến bộ… cùng với lực lượng tự vệ địa phương giữ gìn trật tự, an ninh, quản lý mọi mặt của địa phương và ứng phó với mọi tình huống(1).


Trong những ngày đầu xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, tình hình cả nước cũng như trong Tỉnh đứng trước những khó khăn lớn.


Ở miền Bắc hai chục vạn quân Tưởng Giới Thạch tràn vào với danh nghĩa quân Đồng Minh để giải giới quân Nhật, bọn Việt gian phản động: Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) sống lưu vong ở nước ngoài bám gót chân đế quốc kéo về cùng bọn địa chủ, cường hào, bọn phản động đội lốt tôn giáo định lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới được thành lập.


Ở miền Nam quân Anh, Ấn kéo vào hà hơi, giúp cho thực dân Pháp trở lại cướp nước ta lần thứ hai.


Vận mệnh của đất nước ta đang đứng trước nguy cơ, thử thách vô cùng nghiêm trọng.
Nằm trong bối cảnh chung của Nam Bộ, nhân dân Thủ Dầu Một tuy tinh thần có phấn khởi đã thoát khỏi xiềng xích nô lệ, được hưởng không khí độc lập tự do, nhưng lúc này cũng gặp nhiều khó khăn, do hậu quả chính sách vơ vét của thực dân Pháp, phátxít Nhật, sản xuất nông nghiệp lụn bại, kinh tế các mặt cạn kiệt, đời sống nhân dân lao động khổ cực mọi bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu dầu thắp sáng, không có thuốc trị bệnh…; ở các vùng nông thôn ruộng bỏ hoang, các đồn điền cao su, xí nghiệp, công nhân lao động thất nghiệp.


Chính quyền nhân dân mới thành lập chưa quen quản lý, còn bỡ ngỡ trước nhiều vấn đề của xã hội đặt ra quá rộng lớn, lại phải tích cực đối phó với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.
Trong những ngày cách mạng còn non trẻ đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra chỉ thị: “Kháng chiến kiến quốc”, chỉ thị đã chỉ rõ: “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”; đồng thời Đảng cũng đề ra nhiệm vụ cấp bách trước mắt cho toàn quân, toàn dân là: “phải củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”(1) .


Thực hiện chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương, Đảng bộ Thủ Dầu Một tập trung giải quyết các nhiệm vụ trước mắt và cấp bách là cứu đói và xóa nạn mù chữ. Ủy ban nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một đã nhanh chóng ban hành một số chính sách để ổn định đời sống nhân dân.


- Xóa bỏ thuế thân.


- Giảm tô thuế 25% để khuyến khích nông dân sản xuất.


- Tịch thu ruộng của tư bản thực dân, địa chủ, ác ôn, của chủ đồn điền để cấp cho nông dân canh tác.


- Phát triển phong trào truyền bá Quốc ngữ từ trước năm 1945 thành phong trào xóa mù chữ trong tỉnh.


- Phát động phong trào quyên góp gạo, thóc giúp đỡ người đang khó khăn, đặc biệt là đội ngũ công nhân.


Ở các đồn điền cao su, các Ủy ban tự quản vừa thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân, đồng thời vận động khuyến khích công nhân phát hoang, mở rẫy, trồng cây lương thực, hoa màu, khắc phục nạn thiếu đói.


Sau một thời gian thực hiện chủ trương trên, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh bước đầu ổn định. Các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng chủ trương của chính quyền cách mạng để sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”, phục hồi đời sống, tham gia các phong trào cách mạng, nhất là lực lượng thanh niên, học sinh hăng hái tham gia vào các đơn vị Cộng hòa vệ binh, Quốc gia tự vệ cuộc và du kích, canh gác bảo vệ xóm làng.


Những ngày đầu tháng 9, Tỉnh ủy chỉ đạo và phát động phong trào, “Người biết chữ dạy chữ cho người không biết chữ”, “Người biết nhiều dạy cho người biết ít”. Trong một thời gian ngắn, phong trào phát triển rất nhanh, các lớp học bổ túc, lớp bình dân được tổ chức từ tỉnh đến huyện, xã, thôn xóm. Phòng trào đã lôi cuốn từ các em thiếu nhi, chị em phụ nữ, đến các cụ già; từ anh chị em công nhân, thợ thủ công, tiểu thương đến bà con nông dân hăng hái đi học với tinh thần “đi học là yêu nước”. Mặc dù thiếu thốn nhiều thứ từ giấy, bút cho đến bảng, phấn… nhưng nhân dân đã khắc phục, vượt khó khăn để học.


Cuộc vận động “Chống giặc dốt, xóa mù chữ” đã góp phần mở mang dân trí. Ngoài ý nghĩa về giáo dục văn hóa nó còn là thắng lợi về chính trị, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia quản lý Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của mình, nhân dân càng tin yêu chế độ mới.


Cùng với cuộc vận động “Chống giặc dốt”, phong trào xây dựng đời sống mới cũng được đẩy mạnh, nhằm xây dựng nếp sống lành mạnh, chống các tệ nạn uống rượu say sưa, hút thuốc phiện, cờ bạc, trộm cướp, đĩ điếm…, hướng nhân dân nhất là thanh niên tham gia vào phong trào luyện tập quân sự, phong trào bình dân học vụ, phong trào ca hát những bài ca cách mạng, nhằm tạo ra một sinh khí và niềm tin đối với cách mạng.


Công tác vận động các tầng lớp tri thức, tư sản, tôn giáo, dân tộc được Đảng bộ các cấp quan tâm vận động thuyết phục họ ủng hộ cách mạng, thực hiện chủ trương của Chính phủ. Có thể nói tinh thần và nhiệt tình ủng hộ cách mạng của các tầng lớp nhân dân rất cao.


Đi đôi với các hoạt động trên, Đảng bộ Thủ Dầu Một chú trọng công tác xây dựng và củng cố chính quyền tỉnh, huyện và đoàn thể ngày càng vững mạnh.


Sau khi Ủy ban Cách mạng Lâm thời từ tỉnh, huyện, cơ sở được thành lập, thực hiện chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước, các nhân sĩ tiến bộ, Ủy ban Cách mạng Lâm thời các cấp đổi thành Ủy ban Hành chánh kháng chiến. Các ban ngành, đoàn thể được củng cố gồm:


Tỉnh bộ Việt Minh: Do Nguyễn Đức Nhàn làm chủ nhiệm.


Đoàn Thanh niên Tiền phong do Trịnh Kim Ảnh làm thủ lĩnh.


Đoàn thể phụ nữ do bà Cao Thị Lình làm chủ tịch.


Tổ chức công đoàn: do Vũ Văn Hiển (Đảng ủy) làm thư ký triển khai công tác ở các nhà máy và đồn điền cao su.


Ngay sau đó, Tổng bộ Việt Minh nhanh chóng thành lập ở tỉnh và các xã làm chỗ dựa cho chính quyền nhân dân. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ cũng được tổ chức ở nhiều xã trong tỉnh.


Nhận thức rõ quan điểm “Giành chính quyền đã khó, giữ vững chính quyền lại càng khó hơn” nên việc xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang trong các cấp, công cụ bảo vệ chính quyền được tiến hành hết sức cấp bách.


Về lực lượng vũ trang: ở tỉnh đã có lực lượng tự vệ và Cộng hòa vệ binh, cảnh sát hình thành từ trước và trong Cách mạng Tháng Tám có thêm đại đội xung phong Đề Thám và lực lượng dân quân cách mạng do Kiều Đắc Thắng, làm chỉ huy trưởng(1).


Ở huyện: mỗi huyện có một tiểu đội bảo vệ cơ quan chính quyền với nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an, chống bọn phản động trên địa bàn huyện. Sau đó phát triển từ 1 trung đội đến 1 đại đội. Lực lượng này với nhiều tên gọi khác nhau ở từng địa phương như bộ đội Bến Cát, bộ đội Bắc Hải, bộ đội Cao su, bộ đội Thiểu số (gồm thanh niên, đồng bào dân tộc trang bị dáo mác, cùng với tên tẩm thuốc độc).


Ở các làng, xã: trên cơ sở lực lượng Thanh niên Tiền Phong trước Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng xã tổ chức lại thành các đội tự vệ, làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền ở cơ sở, tuần tra canh gác, giữ gìn trật tự trị an ở mỗi làng, xã.


Ở các đồn điền cao su, Ban quản trị các đồn điền cùng với chính quyền cách mạng xã, các đội Thanh niên Tiền phong làm nhiệm vụ “cảm tử” đã thu hút hàng ngàn thanh niên, tích cực trong các làng cao su tham gia. Họ được trang bị giáo mác, búa, xẻng, tầm vông vạt nhọn. Ngoài ra có đồn điền còn trang bị thêm được vũ khí lấy được của Pháp, Nhật như đồn điền Dầu Tiếng có 5 khẩu mút Tây, mút Anh và 7 khẩu súng do Nhật để lại.


Lực lượng công an (Quốc gia tự vệ Cuộc) do Nguyễn Văn Đối làm giám đốc. Năm 1946, Quốc gia tự vệ Cuộc được thống nhất đổi tên là Công an do đồng chí Hồ Văn Nâu được cử làm Trưởng ty, đồng chí Mai Trí Luân làm Phó trưởng ty.


Về trang bị hầu hết là vũ khí thô sơ, dao mác, tầm vông vạt nhọn. Còn súng ống, đạn dược, từng đơn vị phải tự lực giải quyết bằng cách tổ chức bí mật lấy súng từ một kho vũ khí của Nhật, hoặc tổ chức mua bằng tiền, đổi lương thực, thực phẩm hoặc phục kích uy hiếp lính Nhật, tước vũ khí, hoặc mưu trí lấy súng của Nhật…(1).


Hình ảnh những đội tự vệ, những đội Thanh niên Tiền phong ở các cơ sở, những anh bộ đội địa phương thật đẹp đẽ, tự hào. Họ là hiện thân của lực lượng vũ trang cách mạng của địa phương trong một đất nước độc lập. Họ ngày đêm canh gác bảo vệ giữ gìn an ninh trật tự, xóm làng, vừa tập luyện quân sự như tập đội ngũ, tập võ, bắn ná, đấu gươm…


Như vậy, trong điều kiện vừa giành được chính quyền đã phải đối phó ngay với nhiều kẻ thù cùng một lúc, những người cách mạng ở địa phương đã cùng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể giải quyết thành công nhiều nhiệm vụ cấp bách như thành lập hệ thống chính quyền và đoàn thể cách mạng, hình thành các đơn vị vũ trang, chống lại âm mưu của một số phần tử phản động thân Pháp, bảo đảm an toàn cho nhân dân… Đó là những nhân tố quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một chủ động bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

(còn tiếp kỳ sau…)

 

Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Bình Dương, Phần 2 (1945-1954)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Về đầu trang