12/23/2020 12:00:00 AM GMT+7

Việt Nam hoàn thành tốt trách nhiệm tại Hội đồng Bảo an năm 2020

Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức một cuộc thảo luận giữa ASEAN và Liên hợp quốc trong đó có sự tham gia của Tổng Thư ký ASEAN.

 

(Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Việt Nam đã hoàn thành tốt các cam kết, hoàn thành tốt trách nhiệm tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2 năm trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an.

Đây là khẳng định của Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc trong cuộc phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc.

Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để thực hiện một cách tối ưu lợi ích của đất nước tại diễn đàn toàn cầu; bảo vệ được lợi ích an ninh, sự phát triển của đất nước, nâng cao được vị thế và uy tín của Việt Nam và theo Đại sứ, đây cũng là nhận định chung của 193 nước thành viên Liên hợp quốc.

Cùng với các nước khác trong nhóm E10 (các nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an), Việt Nam đã luôn cố gắng làm cầu nối để giúp cho nhóm P5 (các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an), vốn chia rẽ từ lâu, có thể hiểu nhau hơn và giảm thiểu những bế tắc, đình trệ, kém hiệu quả tại Hội đồng Bảo an do sự bất đồng giữa những nước này.

Đại sứ chia sẻ rằng công việc của Hội đồng Bảo an luôn có nhiều thách thức, bao gồm thách thức đã tồn tại từ lâu như 68 hồ sơ liên quan tới các cuộc xung đột, tới những việc chưa giải quyết được trong suốt 75 năm qua kể từ khi Liên hợp quốc thành lập và cả những thách thức mới chưa từng có đối với hệ thống đa phương- đó là đại dịch COVID-19.

Đại sứ nhấn mạnh: "Những thách thức này xuất hiện đúng vào thời điểm hợp tác quốc tế đa phương để đối phó với những thách thức chung không được như mong muốn; một trong những điểm cần nhất là sự đoàn kết trong Hội đồng Bảo an lại không được như kỳ vọng, nhất là giữa các nước thường trực P5."

Tuy nhiên, Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước khác trong E10 tăng cường đoàn kết trong nội bộ nhóm, đoàn kết giữa E10 và P5, đồng thời đoàn kết trong các nước P5 và E10 với nhau.

Những nỗ lực của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong việc làm cầu nối thông qua chia sẻ thông tin, cố gắng kết nối, thúc đẩy hành động chung cũng như thông qua ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề, bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, Việt Nam đã rất chủ động, tích cực có nhiều hoạt động đẩy mạnh vai trò và tiếng nói của ASEAN cũng như của E10 trong năm 2020, năm dấu ấn đặc biệt khi có 2 nước thành viên ASEAN cùng có mặt trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Việt Nam và Indonesia.

Với sáng kiến của Việt Nam, 2 nước đã có gần 20 bài phát biểu chung xuyên suốt năm 2020 về nhiều vấn đề quan trọng, kể cả những vấn đề khó tìm được "mẫu số chung."

Đại sứ nhấn mạnh một điểm nổi bật là hồi tháng 1/2020, trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức một cuộc thảo luận giữa ASEAN và Liên hợp quốc, trong đó có sự tham gia của Tổng Thư ký ASEAN để báo cáo về nhiều nội dung hoạt động.

Đại sứ chia sẻ thêm rằng bên ngoài Hội đồng Bảo an, lần đầu tiên, Việt Nam, với vai trò Chủ tịch ASEAN, đã cùng các nước khác trong ASEAN, trình Đại hội đồng Liên hợp quốc một nghị quyết về hợp tác ASEAN và Liên hợp quốc với số nước đồng bảo trợ lớn nhất từ trước tới nay: 110 nước.

Trong năm 2021, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều vấn đề của E10 và ASEAN. Đối với E10, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức khu vực và với Liên hợp quốc, đề cao vai trò của các tổ chức khu vực, các tổ chức tiểu khu vực trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.

Đối với ASEAN, trong năm tới, Việt Nam là nước ASEAN duy nhất còn lại trong Hội đồng Bảo an, do đó Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao vai trò, hình ảnh của ASEAN trong Hội đồng Bảo an, đặc biệt trong những lĩnh vực như gìn giữ hòa bình. Việt Nam sẽ phát huy vai trò của ASEAN trong nỗ lực chung về ngăn ngừa xung đột và kiến tạo sau hòa bình.

Dự báo về năm 2021 sắp tới, Đại sứ Đặng Đình Quý hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ được kiềm chế.

Đại sứ khẳng định dù tình hình thế nào, Việt Nam đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối mặt bởi những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với các cuộc xung đột cũng như các vấn đề xã hội sẽ vẫn tiếp diễn, thậm chí phức tạp hơn và khó giải quyết hơn.

Ngoài ra, theo Đại sứ, trong năm tới các nước lớn sẽ có sự điều chỉnh chính sách, theo đó sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi các nước trong Hội đồng Bảo an phải xử lý các vấn đề một cách kịp thời, đúng lúc, đúng mức đối với từng vấn đề.

Một điều quan trọng nữa đối với Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, là phải tăng cường đoàn kết trong Hội đồng Bảo an, đưa ra cách thức bảo vệ lợi ích tối ưu của đất nước, nâng cao uy tín và hình ảnh của Việt Nam không chỉ trong Hội đồng Bảo an mà còn trong cộng đồng tất cả 193 nước, qua đó nâng uy tín và vị thế của Việt Nam lên một tầm mới sau khi kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tháng 4/2021, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng trong nhiệm kỳ.

Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng đây sẽ là một thách thức không nhỏ bởi Việt Nam muốn có được một kết quả vượt qua chính mình, theo đó thành công hơn tháng Chủ tịch đầu tiên hồi tháng 1/2020./.
 

Theo TTXVN (NC)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54855953
Hôm nay: 13929
Đang online: 26
Về đầu trang