5/11/2021 12:00:00 AM GMT+7

Vị trí, vai trò của tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh và một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Đội

TTBD - "Với tôi, có quá trình 20 năm công tác trong tổ chức Đoàn, trong đó có 5 năm làm Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Sông Bé, bằng sự hiểu biết và trải nghiệm của mình tôi đã nhận thức sâu sắc rằng: Từ khi Đảng ta được thành lập, đặc biệt là từ khi Bác Hồ về nước và ở chiến khu lãnh đạo kháng chiến hay khi hòa bình thống nhất Tổ quốc, Đảng và Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng và luôn coi đây là nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt của Đảng, của dân tộc ta." , đó là những chia sẻ của Đồng chí Nguyễn Văn Thỏa - Nguyên UVBTV Trung ương Đoàn, Nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Sông Bé nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2021).

Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta:


“Vì lợi ích mười năm ta phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm ta phải trồng người”


Chúng ta càng thấy rõ Bác luôn quan tâm đến chiến lược phát triển con người, coi con người là nhân tố cốt lõi trong sự phát triển của đất nước để từ đó phải xây dựng dân tộc Việt Nam ta trở nên khỏe mạnh, cường tráng và là một dân tộc thông thái vì mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe... “Dân cường thì quốc thịnh", "Dân mạnh, nước giàu", "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", "Một dân tộc nghèo", "Phải trở thành dân tộc thông thái"
Từ yếu tố con người là trung tâm của sự phát triển đất nước, Bác chúng ta càng coi trọng vị trí, vai trò của các em thiếu niên, nhi đồng. Điều đó thể hiện lúc sinh thời, dù luôn bận bịu với việc nước, nhưng Bác Hồ vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến thế hệ măng non, bởi theo Bác, chính những thế hệ này sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Bác Hồ thường có thư gửi các cháu mỗi dịp khai trường, Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi. Lời lẽ trong thư luôn ân cần, trìu mến, chí tình. Những vần thơ của Bác Hồ dành cho thiếu nhi chứa đựng tình thương yêu sâu sắc. Người luôn nhắc đến trẻ em với một tình cảm trìu mến, nâng niu:


“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”...

 

Có thể nói suốt cuộc đời mình Bác đã dành tình cảm đặc biệt và hết lòng thương yêu, ân cần dạy bảo thiếu nhi. Trong thư gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945, Bác đã nói lên tầm quan trọng của các em: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Chính những tình thương bao la và sự kỳ vọng của mình dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng mà Bác đã đề ra 5 điều cho các cháu thực hiện:


“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”

  

 

Có thể nói năm lời dạy của Bác không phải chỉ để dành cho thiếu nhi học tập và làm theo mà chính Bác còn muốn nhắn nhủ đến trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, giáo dục toàn diện cho thiếu nhi ngay từ nhỏ, khi còn trên ghế nhà trường.


Ba tháng trước ngày đi xa, Bác Hồ của chúng ta vẫn luôn một tư tưởng, tình cảm coi trọng và yêu thương thiếu nhi Việt Nam, Người luôn mong muốn toàn hệ thống chính trị và xã hội phải cùng chăm lo, giáo dục cho thiếu nhi, người viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”. Đồng thời, trong Bản Di Chúc lịch sử của mình, Bác Hồ cũng đã hai lần nhắc đến các cháu nhi đồng, và Người đã dành muôn vàn tình thương yêu của mình cho các cháu nhi đồng Việt Nam và nhi đồng quốc tế. Tấm lòng của Bác Hồ đối với thiếu nhi Việt Nam ví như trời biển. Nỗi thương nhớ của Bác đối với các cháu không bao giờ vơi cạn. Cho đến ngày Bác phải đi xa, trong Di chúc của mình, Bác còn gửi gắm một nhiệm vụ rất cốt lõi dành cho Đảng, Nhà nước, nhân dân ta trong công tác thanh niên, thiếu niên, nhi đồng đó là: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết” và câu nói “cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng...” một lần nữa khẳng định tình yêu thương, sự nhìn nhận, đề cao vai trò của thiếu niên, nhi đồng cho sự nghiệp cách mạng và sự phát triển tương lai đất nước của Người. Từ tầm cao tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh nên trong cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong việc phát triển con người, Đảng ta càng xác định rõ phải xây dựng “Một xã hội, Xã hội chủ nghĩa: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển”

 

Ngày nay, cách mạng Việt Nam đã dần bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước. Và mới đây tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam, sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.....Mục tiêu đề ra cho chặng đường hơn 20 năm tới đó là khát vọng non sông, nhằm khơi dậy tiềm năng trí tuệ và sức sáng tạo của tất cả con người Việt Nam. Nó không chỉ dừng lại ở ý muốn, tình cảm đơn thuần mà đòi hỏi có sự thông minh, dũng cảm, sáng tạo, quyết liệt không ngừng nghỉ của các thế hệ con người Việt Nam để tạo ra một thời đại mới, thời đại phát triển văn minh, một dân tộc có thể trạng tốt, có trí tuệ, đạo đức, nhân cách tốt để đảm đương trọng trách trước lịch sử dân tộc là đưa đất nước ta sánh vai cùng với các cường quốc năm châu trên thế giới.
Thấm nhuần lời dạy của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, để nâng cao vị thế, vai trò, chất lượng công tác Đội và phong trào thiếu nhi, tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:


Một là, phải nâng tầm nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và tầm chiến lược của công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta cần phải có một nhận thức mới một cách đồng bộ, toàn diện về vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong hệ thống chính trị cũng như mối quan hệ với cộng đồng xã hội để cho công tác Đội và phong trào thiếu nhi sẽ luôn giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội.


Hai là, phải luôn thường xuyên bổ sung hoàn thiện, kịp thời hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng để cụ thể hóa, luật hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật cũng như làm tốt công tác vận động xã hội, huy động nguồn lực xã hội để mọi cấp, mọi ngành, mọi gia đình và mọi người đều quan tâm, cùng có trách nhiệm cùng hành động để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Đặc biệt mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội phải trở thành tấm gương sáng cho các em thiếu niên, nhi đồng noi theo.


Ba là, phải xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp thật vững mạnh và tổ chức Đoàn phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình là tổ chức được Đảng, Bác Hồ giao trọng trách trực tiếp dìu dắt, hướng dẫn Đội TNTP Hồ Chí Minh nghĩa là tổ chức Đoàn phải tham mưu cho Đảng, Chính quyền ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật trong công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và công tác xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh vững mạnh. Đồng thời, tổ chức Đoàn, Đội phải luôn thể hiện vai trò là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các em thiếu niên, nhi đồng. Hơn ai hết, Đoàn phải cử những cán bộ có trình độ, đạo đức, nhân cách tốt để dìu dắt, giúp đỡ các em. Nên nhớ rằng nơi nào mà tổ chức Đoàn yếu thì nơi đó công tác Đội và phong trào thiếu nhi sẽ yếu và không hoạt động, không hoàn thành đúng chức năng, nhiệm vụ là góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh.


Bốn là, phải nâng tầm vị trí, vai trò của Hội đồng Đội các cấp, phải xem đây là một thiết chế tổ chức nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa và cộng đồng trách nhiệm cùng với các ban, ngành, xã hội gánh vác trọng trách: Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Các thành viên Hội đồng Đội trước hết phải là những người có vị trí lãnh đạo ở từng cấp, các thành viên Hội đồng Đội phải là những người có tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực thực thi nhiệm vụ trong phạm vi, thẩm quyền được phân công. Hội đồng Đội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ nên ở mỗi cấp, Hội đồng Đội phải xây dựng được quy chế hoạt động, có sự phân công nhiệm vụ một cách rõ ràng. Chủ tịch Hội đồng Đội do Ban lãnh đạo Đoàn cùng cấp cử một trong những cán bộ có uy tín, trình độ, có kỹ năng liên kết, phối hợp hoạt động để xây dựng tổ chức Hội đồng phụ trách Đội vững mạnh, hoạt động hiệu quả, tránh cho được tình trạng Hội đồng hoạt động hình thức, “hữu danh vô thực”.


Năm là, để hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi hoạt động tích cực, phát huy hiệu quả trong tình hình hiện nay thì hoạt động Đội phải gắn liền với công tác chuyên môn, công tác dạy và học của ngành Giáo dục và Đào tạo, phải góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường; đồng thời, cần có sự kết hợp chặt chẽ với môi trường xã hội ngoài nhà trường vì đây chính là môi trường sống, một môi trường giúp các em hoàn thiện về đạo đức, nhân cách sống, hiểu biết sâu sắc hơn về kỹ năng hoạt động, kỹ năng sống và tồn tại với môi trường tự nhiên và xã hội. Có thể khẳng định hoạt động Đội tất yếu phải là hoạt động trong và ngoài nhà trường, giúp cho trẻ có thể học tập tốt và vui chơi, giải trí lành mạnh. Hoạt động Đội tốt sẽ làm cho chất lượng giáo dục và đào tạo tốt hơn, hoàn thiện hơn và nó sẽ là sự kết hợp hài hòa giữa học và hành một cách bài bản, chất lượng hơn.


Sáu là, khi đã khẳng định hoạt động Đội phải là hoạt động trong và ngoài nhà trường thì vai trò của thầy, cô giáo làm giáo viên Tổng phụ trách Đội phải luôn được đề cao. Cụ thể phải tuyển chọn, bố trí giáo viên làm Tổng phụ trách Đội có trình độ chuyên môn, có kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội và quan trọng phải là những giáo viên có đạo đức, nhân cách tốt, có vị trí, uy tín trong Ban lãnh đạo nhà trường. Đồng thời, cần phải khẳng định Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội là Giáo viên chính trị, đạo đức trong nhà trường. Do vị trí, vai trò quan trọng như vậy mà tôi đề nghị cần có những lớp đào tạo bài bản dành riêng cho Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, khi đó họ sẽ thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức mới và năng lực thực tiễn tham gia công tác Đội. Bên cạnh việc đề cao vị trí, vai trò của Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội thì chúng ta cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách để động viên, khuyến khích Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, có như vậy chúng xây dựng được đội ngũ phụ trách thiếu nhi đủ năng lực, nhiệt tình, tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ.


Bảy là, để công tác Đội hoạt động hiệu quả, chúng ta còn phải chú trọng đến việc tuyển chọn, đào tạo, thành lập Ban Chỉ huy Liên đội, Chi đội là những em đội viên có học lực từ khá, giỏi, có hạnh kiểm tốt, có kỹ năng điều hành các hoạt động Đội. Ban Chỉ huy Liên đội, Chi đội phải được đào tạo, được cử tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác của người Chỉ huy Liên Đội, Chi đội, đây là lực lượng nòng cốt và rất quan trọng của tổ chức Đội. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội có nhiệm vụ định hướng hoạt động, dìu dắt, hướng dẫn nhưng không làm thay để tạo cho các em đề cao tính tích cực, chủ động và tự quản trong các hoạt động.


Tám là, Hội đồng Đội Trung ương và Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu đề xuất các phong trào quy mô cấp toàn quốc, cấp tỉnh, thành phố có sức hấp dẫn, có tầm lan tỏa, ảnh hưởng toàn quốc hay mỗi địa phương phù hợp với nhu cầu, sở thích của các em để cổ vũ, động viên, thu hút các em thực hiện công tác đội một cách tự giác, trong đó chú trọng đến những chương trình, kế hoạch, phong trào, hoạt động có ý nghĩa nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đề cao ý nghĩa giáo dục, rèn luyện các em cả về đạo đức, nhân cách và thực hành, điển hình là vận động “Bạn giúp bạn đến trường”, phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Trần Quốc Toản”, hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” do Chính phủ phát động, chương trình hành động vì một “Đại dương xanh” do UNESCO thực hiện,… Đồng thời, phải đề xuất, phát động phong trào nhằm tạo ra môi trường để thu hút các em thiếu nhi tham gia đông đảo, tạo nên khí thế thi đua đồng loạt, sôi nổi, góp phần hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình để xây dựng đất nước, để gìn giữ hòa bình.


Chín là, Đảng, Nhà nước ta cần quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và vận động xã hội để để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các thiết chế văn hóa cần thiết cho thiếu nhi như: Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh, cấp huyện; điểm vui chơi cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư; các thiết chế vui chơi, tập luyện thể dục, thể thao cho học sinh trong trường học,…nhằm góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho thiếu nhi.


Có thể nói xây dựng Đội vững mạnh chính là góp phần xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trước một bước để Đoàn thật sự trở thành đội quân xung kích cách mạng, cánh tay đắc lực, đội hậu bị tin cậy của Đảng góp phần xây dựng Đảng ta, Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, đó là sự tiếp nối liên tục, chủ động, có ý thức trong cùng một hệ thống chính trị, có cùng một mục tiêu, lý tưởng cao đẹp.


Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy và chính quyền các cấp, mỗi cấp bộ Đoàn, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên chúng ta hãy dành sự quan tâm, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và yêu thương thiếu niên, nhi đồng thông qua những việc làm thiết thực. Luôn thấm nhuần lời dạy của Bác “Chăm sóc, giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ..”; “Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.
Cuối lời, tôi xin mượn câu nói sau đây để kết thúc cho bài viết của mình: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. 

 

Đồng chí Nguyễn Văn Thỏa -

Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn,

Nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Sông Bé,

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Sông Bé

 

 

CTV Minh Trí (t/h).

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54857544
Hôm nay: 15520
Đang online: 37
Về đầu trang