4/8/2022 12:00:00 AM GMT+7

Vai trò của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

TTBD - Ngày 13/11/2018 đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là trường chính trị cấp tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.

 

1. Chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương


Về chức năng: Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.


Về nhiệm vụ: Trường chính trị cấp tỉnh có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); trưởng, phó phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh trên; cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức về một số lĩnh vực khác. Đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương. Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương; ngạch chuyên viên chính và tương đương. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu hội đồng nhân nhân cấp xã, cấp huyện. Bồi dưỡng các chương trình khác do cấp có thẩm quyền giao. Phối hợp với ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Tham gia tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở, tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, học tập. Đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng khác theo chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy. 


2. Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là gì?


Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Như vậy, Đảng ta ra đời và mọi hoạt động của Đảng trước hết dựa trên nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. “Chủ nghĩa” mà Đảng ta lấy làm “cốt” đó, theo Hồ Chí Minh chính là Chủ nghĩa Mác – Lênin.


Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, Đảng ta khẳng định lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng. Nội dung này được đưa vào các Văn kiện của Đảng từ Đại hội II đến Đại hội VI. Trong Điều lệ Đảng thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II và được sửa đổi bổ sung tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã nêu rõ: “Đảng lao động Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng”.


Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII - năm 1991, Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cương lĩnh đã bổ sung nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam,…Đảng lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động,…”


Như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.


3. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới


Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng Tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu”.


Về mục tiêu: Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII nêu rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.


Về nội dung:


Thứ nhất: Đấu tranh phản bác các luận điệu phủ nhận Chủ nghĩa Mác – Lênin


Trong thời gian qua các thế lực thù địch, phản động ra sức tấn công vào chủ nghĩa Mác – Lênin với ý đồ tuyên truyền phủ nhận Chủ nghĩa Mác – Lênin dưới nhiều chiêu bài, hình thức khác nhau. Chúng phủ nhận toàn bộ như: Chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với điều kiện lịch sử mới; hoặc chúng phủ nhận những nguyên lý, luận điểm, giá trị cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác – Lênin như: phủ nhận lý luận hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết giá trị thặng dư…Từ đó, các thế lực thù địch, phản động, một mặt tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, mặt khác nhằm phủ nhận bản chất bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản, khẳng định sự tồn tại vĩnh viễn của chủ nghĩa tư bản, cho rằng xã hội tư bản chủ nghĩa là đỉnh cao của sự phát triển của loài người, chống lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.


Tuy nhiên, cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin thể hiện rõ nhất ở phương pháp nghiên cứu dựa trên cơ sở phép biện chứng duy vật, là quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, là tìm ra nguồn gốc, quy luật khách quan của sự phát triển của lịch sử loài người và chỉ ra động lực, phương pháp để loài người, trước hết là giai cấp công nhân thế giới đấu tranh xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn – xã hội Cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là xã hội Xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là phải đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái, thù nghịch đó.


Thứ hai: Đấu tranh phản bác các luận điệu tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh


Hiện nay các thế lực thù địch sử dụng luận điệu tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh theo hai hướng


Một mặt, các thế lực thù địch phủ nhận nội dung, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng muốn triệt để làm mất đi niềm tin yêu, kính trọng và khâm phục đối với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh. Từ đó chúng kêu gọi Việt Nam nên có hệ tư tưởng mới không phải Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, chúng lại ra sức tuyên truyền, đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác - Lênin, đòi đưa Chủ nghĩa Mác - Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng ta.


Ngoài hai nội dung đấu tranh cơ bản trên, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta còn phải đấu tranh phản bác có hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, phủ định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ định giá trị lịch sử của dân tộc và những thành quả của cách mạng Việt Nam…của các thế lực thù địch, cơ hội đang thực hiện với thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt.


Thực tiễn những thành tựu mà cách mạng Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là thành tựu 35 năm đổi mới càng khẳng định chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.


4. Vai trò của Trường Chính trị cấp tỉnh trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


Với chức năng và nhiệm vụ đã nêu trên, Trường Chính trị cấp tỉnh là đơn vị thường xuyên thực hiện những hoạt động góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhất là từ khi Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết 35 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, nhiệm vụ này được thực hiện thông qua những nhiệm vụ chính sau:


Một là,  Đào tạo các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính và tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị


Thông qua chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính và các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị, đã góp phần trang bị những kiến thức cơ bản nhất về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập và các loại hình doanh nghiệp ở địa phương; giúp họ nhận thức đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, qua đó nâng cao bản lĩnh chính trị, tránh suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, trở thành lực lượng quan trọng, đấu tranh có hiệu quả để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, trường chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để môn học Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở nên dễ hiểu hơn, hấp dẫn hơn và ngày càng được người học quan tâm, yêu thích hơn.


Hai là, Thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học về Chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước


Các hoạt động nghiên cứu khoa học một mặt giúp cán bộ, giảng viên vừa nâng cao nhận thức lý luận vừa góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa thực tiễn của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phản bác sắc bén những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về nền tảng tư tưởng của Đảng.


Ngoài hai nhiệm vụ trên, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến cán bộ, viên chức, người lao động và học viên của Trường cũng được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức như: tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi, Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị, sinh hoạt chuyên đề tại các chi bộ và chi đoàn trường…Qua đó, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thấm dần, thấm sâu trong nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong nhà trường.


Đề thực hiện hiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị khoá XII đối với các Trường Chính trị cấp tỉnh cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá sau:


Một là, nâng cao trình độ, bản lĩnh cho đội ngũ giảng viên


Đội ngũ giảng viên trường Chính trị cấp tỉnh là những người thường xuyên, trực tiếp truyền đạt, vận dụng lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng đến các học viên thông qua bài giảng. Vì vậy, giảng viên phải là người có trình độ, hiểu biết, nắm chắc kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là những người phải có bản lĩnh chính trị vững vàng không chỉ để bản thân không bị suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” mà quan trọng hơn giảng viên là người trang bị đầy đủ kiến thức lý luận – “vũ khí” “tự vệ” và đấu tranh, là người truyền “lửa” cho học viên có đủ bản lĩnh, năng lực để đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.


Để nâng cao trình độ lý luận, ngoài việc nhà trường cử đi học các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thì ý thức tự giác thường xuyên học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của mỗi giảng viên là quyết định nhất. Nhà trường cũng cần quy định tiêu chí sản phẩm cụ thể cho từng giảng viên thể hiện kết quả học tập, nghiên cứu.


Hai là, Nâng cao trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và kỷ luật phát ngôn trong đội ngũ giảng viên


Để nâng cao trách nhiệm, chúng ta có thể ban hành các quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và kỷ luật phát ngôn trong đội ngũ giảng viên của trường. Việc quy định những nội dung này có thể đưa vào trong Quy chế hoạt động của trường, có thể xây dựng quy chế riêng cho giảng viên hoặc yêu cầu đưa vào quy chế hoạt động của các khoa.

 

Đây cũng là một trong những nội dung nhiệm vụ mà Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII đưa ra trong Kế hoạch số 14-KH/TW ngày 25 tháng 3 năm 2019 về thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị khoá XII.


Cùng với việc quy định trách nhiệm, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, học viên nói chung và giảng viên nói riêng; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh những hiện tượng, cá nhân vi phạm kỷ luật phát ngôn, tuyên truyền, phát tán những thông tin sai lệch mang tính xuyên tạc, có ý kích động theo những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta.


Ba là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cừu thực tế cho cán bộ, viên chức của trường.


Hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế là yêu cầu bặt buộc đối với giảng viên. Tuy nhiên, chúng ta cần thực hiện với nhiều hình thức, chủ thể tổ chức, thực hiện cần toàn diện hơn, thiết thực hơn, cụ thể là:


Tổ chức Hội thảo, toạ đàm khoa học: ngoài Hội thảo của Trường, của các khoa, phòng thì các chi bộ trong Đảng bộ trường và chi đoàn trường cũng cần tổ chức các hội thảo khoa học.


Đối tượng tham gia các hoạt động khoa học như Hội thảo, toạ đàm viết bài đăng trang thông tin điện tử của trường không chỉ các giảng viên mà cần khuyến khích sự tham gia của cán bộ các phòng, học viên các lớp của trường (có thể cá nhân học viên hoặc tập thể lớp)


Chủ đề hoạt động khoa học nên bám sát những nội dung mới trong các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chuyên đề học tập hằng năm về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,…


Tóm lại, để góp phần đưa Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”nhanh chóng đi vào cuộc sống và trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống chính trị tại địa phương là một nhiệm vụ quan trọng và cũng rất khó khăn đối với các Trường Chính trị cấp tỉnh trong thời gian tới. Vì vậy, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường, cần phải có sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm của cả tập thể cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động trong toàn trường để cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm được giao, đặc biệt là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.


Tác giả: ThS. Phan Văn Bằng - Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương


Tài liệu tham khảo


1.Ban Bí thư khoá XII, Kế hoạch số 14-KH/TW ngày 25 tháng 3 năm 2019 về thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khoá XII


2.Ban chấp hành Trung ương (2018), Quy định 09-QĐi/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


3.Bộ Chính trị khoá XII, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”


4.Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49294881
Hôm nay: 10910
Đang online: 80
Về đầu trang