10/8/2021 12:00:00 AM GMT+7

Tuổi trẻ Bình Dương hỗ trợ duy trì các Dự án, ý tưởng, mô hình khởi nghiệp về Bảo vệ môi trường năm 2021

Thời gian qua, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn đã tiến hành trao hỗ trợ duy trì các dự án, ý tưởng, mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu năm 2021 với tổng trị giá 18 triệu đồng cho 06 ý dự án, ý tưởng, mô hình; đồng thời chỉ đạo 100% các cơ sở Đoàn cùng nhân rộng, triển khai thực hiện các mô hình trên địa bàn tỉnh.

Thiết thực chào mừng 65 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956-15/10/2021). ​Nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên và quần chúng nhân dân; phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Vừa qua, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn đã tiến hành trao hỗ trợ duy trì các dự án, ý tưởng, mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu năm 2021 với tổng trị giá 18 triệu đồng cho 06 ý dự án, ý tưởng, mô hình; đồng thời chỉ đạo 100% các cơ sở Đoàn cùng nhân rộng, triển khai thực hiện các mô hình trên địa bàn tỉnh.


Xác định công tác vệ sinh môi trường có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị; những năm qua, Ban Thường vụ tỉnh Đoàn đã tích cực tuyên truyền, phối hợp và chỉ đạo các cấp bộ đoàn thành lập, nhân rộng và duy trì các mô hình đoàn thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, thu hút đông đảo cán bộ đoàn, hội viên nhiệt tình hưởng ứng.


 
1. Tên ý tưởng/dự án: “THIẾT KẾ PHỄU HỨNG TRÊN CÂY PHUN THUỐC ĐIỀU TRỊ NẤM HỒNG”
 

 

Trao hỗ trợ cho ý tưởng tại Đoàn Thanh niên Công ty Cao su Phước Hòa


1.1. Thời gian bắt đầu triển khai mô hình/Thời gian kết thúc/khả năng duy trì:
- Thời gian triển khai mô hình:  Từ tháng 12/2020 đến nay.
- Địa điểm: Tại NTCS Hưng Hòa – Công ty CPCS Phước Hoà


1.2. Kinh phí hằng năm/kinh phí thực hiện:
- Kinh phí thực hiện mô hình: 3 triệu đồng/cái.


1.3. Mục đích, ý nghĩa mô hình:  Hạn chế tối đa lượng thuốc rơi ra ngoài môi trường đất, góp phần hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, không làm ô nhiễm môi trường Đất, Nước xung quanh,…Phát huy hiệu quả vai trò xung kích, sáng tạo của ĐVTN trong việc để xuất mô hình, giải pháp thiết thực, hiệu quả, nâng cao hiệu quả làm việc cho người lao động.


1.4. Mô tả cách thức xây dựng mô hình (cách thức thực hiện)
- Tùy vào độ cao nơi cây cao su bị bệnh mà chúng ta thiết kế cần phun thuốc cho thích hợp (Từ 3- 5m)
- Trang bị một cái phễu loại lớn đường kính phễu từ 30-50 cm để gắn vào đầu cần phun, nằm phía dưới bét phun thuốc.
- Trang bị một ống dẫn với chiều dài bằng cần phun thuốc để lắp vào cái phễu, có tác dụng dẫn phần thuốc từ phễu hứng được trở lại bình đựng thuốc.


1.5. Kết quả triển khai thực hiện:
Qua nhiều lần thử nghiệm, triển khai áp dụng tại đơn vị, mô hình đã đem lại nhưng hiệu quả như mong muốn vào ngày 04/12/2020 Hội đồng khoa học Công ty CPCS Phước Hòa đã thẩm định sáng kiến – cải tiến và tham mưu Tổng Giám Đốc Công ty công nhận mô hình giải pháp cho Đ/c Nguyễn Văn Lĩnh (Số 12/2020/CNSKCT-CSPH ngày 04/12/2020 của Tổng giám đốc Công ty)


Sau khi gắn thêm phễu vào cần phun thuốc đã phát huy được những lợi ích, hiệu quả thiết thực:


- Hạn chế tối đa lượng thuốc rơi ra ngoài môi trường đất, góp phần nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, không làm ô nhiễm môi trường Đất, Nước xung quanh,…Qua thử nghiệm phun thuốc trên 1ha với cải tiến từ phễu hứng thuốc đã thu lại lượng thuốc khoảng 0,2 lít ( Bình quân 1 Nông trường có khoản 500 ha cần điều trị nấm hồng trong 01 năm,  ước tính số lượng thuốc thu về không thải ra môi trường khoảng: 0,2 lít x 500 ha = 100 lít thuốc). Với 6 Nông trường trực thuộc Công ty CPCS Phước Hòa việc triển khai mô hình trong toàn Công ty ước tính giảm thải lượng thuốc ra ngoài môi trường khoản gần 1.000 lít dung dịch thuốc trị bệnh nấm hồng trên cây Cao su ra môi trường. Qua đó ta thấy được mô hình khởi nghiệp của Đ/c Nguyễn Văn Lĩnh trong công tác bảo vệ môi trường góp phần hiệu quả việc giảm thiểu các chất độc hại thải ra môi trường đất, môi trường nước ngầm.


- Bên cạnh việc giảm thiểu lượng thuốc, hóa chất thải ra môi trường, mô hình cải tiến cũng góp phần hạn chế lượng thuốc bay ngược dính vào áo, mắt, đầu của CNLĐ, qua đó tạo tâm lý vững vàng an tâm hơn cho người lao động khi thực hiện công việc phun thuốc trị bệnh nấm hồng trên vườn cây.


- Tiết kiệm chi phí cho người lao động trong việc mua thuốc, hóa chất điều trị bệnh cho Cây cao su.


2. Tên mô hình: “NGHIÊN CỨU CÁC BIỆN PHÁP KHỬ MÙI HÔI TẠI NHÀ MÁY LY TÂM”


 

Hình 2: Trao hỗ trợ duy trì ý tưởng, dự án tại Đoàn thanh niên Công ty Cao su Phước Hòa


 
2.1. Thời gian bắt đầu triển khai mô hình/Thời gian kết thúc/khả năng duy trì:
- Thời gian triển khai mô hình:  Từ tháng 09/2020 đến nay.
- Địa điểm: Tại nhà máy chế biến mủ cao su – Công ty CPCS Phước Hòa


2.2. Kinh phí hằng năm/kinh phí thực hiện:
Kinh phí thực hiện một năm 150 triệu.


2.3. Mô tả cách thức xây dựng mô hình (cách thức thực hiện)
Xuất phát từ thực trạng trong quá trình sản xuất, chế biến mủ cao su xuất một một lượng khí thải có mùi hôi. Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu cá nhân đã tìm ra được một chế phẩm sinh học khử mùi: AQUA OC – G1 dạng lỏng, màu nâu, mùi hăng nhẹ, thành phần chính là khuẩn sinh học Mycobacterial, pH từ 4 – 4.5. Chế phẩm sinh học khử mùi thân thiện môi trường, không độc hại, không ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.


Được sự cho phép của Lãnh đạo Công ty, bản thân đã phối hợp cùng phòng quản lý chất lượng Công ty, nhà máy chế biến mủ Cao su tại Công ty tiến hành thí nghiệm chế phẩm sinh học khử mùi hôi tại Nhà máy chế biến mủ ly tâm.


- Phương pháp khử mùi: dùng phương pháp khử mùi sinh học, phun chế phẩm trực tiếp lên nguồn gây mùi.


- Nguyên tắc khử mùi: đầu tiên, tiến trình sinh học chuyển đổi khí gây mùi từ thể khí sang pha lỏng. Kế đến, các vi khuẩn sẽ phân hủy chất gây mùi. Quá trình này là phân hủy, hấp thu và tăng sinh hàng loạt vi khuẩn. Nó thực hiện quá trình trao đổi chất để chuyển hóa chất gây mùi thành sản phẩm vô hại. Bản chất tổng thể tiến trình trên có thể rút gọn thành “sự phá hủy các chất gây mùi và biến chúng thành sản phẩm vô hại”. Vì nguồn gây mùi liên tục phát sinh và trong một thời gian nào đó, nó vượt quá số lượng chất khử, hơn nữa số lượng chế phẩm bị tiêu hao do trôi theo dòng nước và bị môi trường yếm khí ức chế nên phải phun tiếp vào.


2.4 Kết quả triển khai thực hiện:


Bản thân cùng đồng nghiệp đã tiến hành thực hiện 02 thí nghiệm:


- Thí nghiệm 1: phun một lần trên bề mặt và cứ sau mỗi 15 phút, 30 phút, 60 phút, 90 phút, 180 phút tiến hành đánh giá mức độ giảm mùi hôi. Các thành viên tham gia thí nghiệm đánh giá kết quả vào phiếu đánh giá.


- Thí nghiệm 2: phun liên tục 5 ngày, mỗi ngày phun 4 lần vào các thời điểm lúc 7h, 10h, 13h, 15h và đánh giá mức độ giảm mùi hôi vào lúc 8h, 9h, 11h, 12h, 14h, 16h hàng ngày. Các thành viên tham gia thí nghiệm đánh giá kết quả vào phiếu đánh giá.


Kết quả: Sau quá trình phun thí nghiệm, cán bộ theo dõi thí nghiệm các phòng, Xí nghiệp, nhà máy Ly Tâm đánh giá cảm quan là mùi hôi được giảm từ 75 – 90% so với ban đầu.


3. Tên mô hình: VƯỜN RAU ORGANIC CÔNG NGHỆ CAO 


 

Trao hỗ trợ duy trì ý tưởng, dự án tại Đoàn thanh niên Công ty Cao su Phước Hòa
 
 
3.1. Thời gian bắt đầu triển khai mô hình/Thời gian kết thúc/khả năng duy trì:
- Thời gian triển khai mô hình:  Vườn rau Organic được tổ chức thực hiện từ tháng 1 năm 2020 và được duy trì tổ chức thực hiện lâu dài.
- Địa điểm: Khuôn viên Công ty CPCS Phước Hòa, Nhà Máy, Xưởng tại Công ty.


3.2. Kinh phí hằng năm/kinh phí thực hiện:
- Kinh phí đầu tư thực hiện mô hình hằng năm khoảng 18 triệu đồng/1 năm
- Giá trị làm lợi từ mô hình khoảng 50 triệu đồng/ 1 năm


3.3. Mô tả cách thức xây dựng mô hình (cách thức thực hiện)
* Xử lý đất trồng: Để trồng rau sạch, rau hữu cơ (Rau Organic) thì chất lượng đất trồng là yếu tố hàng đầu. Nguồn đất trồng rau hữu cơ cần đáp ứng:
- Gần nguồn nước sạch, có nhiều ánh sáng mặt trời.
- Vấn đề thoát nước của vùng đất đó (đất trồng không nên giữ quá nhiều nước)


* Nguồn nước :
Cách tưới nước khi trồng rau Organic, nguồn nước tưới rau phải là nguồn nước sạch, không chứa chất gây hại cho cây trồng.


* Làm phân hữu cơ
- Trồng rau sạch bình thường có thể sử dụng phân bón hóa học ở mức quy định, nhưng khi trồng rau hữu cơ (Rau Organic) tuyệt đối không. Đây cũng là điểm vô cùng quan trọng, tạo nên sự khác biệt với các loại rau thông thường hiện nay. Phân bón rau hữu cơ nên có nguồn gốc hữu cơ, tự nhiên và được kiểm định, kiểm soát nghiêm ngặt. Mô hình trồng rau Organic tại Chi đoàn cơ sở Công ty CPCS Phước Hòa được bón bằng phân vi sinh do Công ty sản xuất và đã được kiểm định.


* Phòng trừ sâu bệnh
- Đối với rau sạch bạn có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mức cho phép. Tuy nhiên, với rau hữu cơ thì không, 100% không tồn dư hóa chất độc hại.


- Tuyệt đối không có thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng, biến đổi gen...Do đó trong quá trình thực hiện mô hình trồng rau Organic phải kế hoạch phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng trước đó. Thông thường để phòng trừ sâu bệnh các trang trại trồng rau hữu cơ sẽ áp dụng quy luật sinh tồn như phương pháp thu hút thiên địch, bảo vệ côn trùng có ích, sử dụng cây xua đuổi côn trùng gây hại (tỏi, gừng, hành, hoa cúc...). Hoặc áp dụng xen canh, luân canh, phương pháp bắt bằng tay, bẫy dính, bẫy đèn, làm bẫy từ bã gừng, tỏi, rượu…Đối với một số mô hình lớn sử dụng nhà kính, điều này cũng phần nào giảm thiểu các tác nhân sâu bệnh đến cây trồng.


3.4. Kết quả


- Qua thu hoạch trong vụ 1 Vườn rau đã cung cấp 2000 kg bầu, bí đỏ, bí xanh các loại. Đã cung ứng phần nào một lượng rau sạch cho Cán bộ công nhân lao động trong toàn Công ty. Từ thành công của mô hình Vườn rau Organic, Bản thân đã mạnh dạn đề xuất BCH Chi đoàn cơ sở Khối CQ Công ty mở rộng mô hình sản xuất rau sạch, hiện tại Vườn rau đã bước vào mùa vụ thứ 2, ước tính các vườn rau cung ứng cho Cán bộ, công nhân lao động trong toàn Công ty hơn 2500kg.


- Bên cạnh đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; Mô hình trồng rau sạch Organic được sự tham gia nhiệt tình của các Bạn ĐVTN trong Khối CQ Công ty CPCS Phước Hòa nhằm mục đích – Tuổi trẻ Chi đoàn Khối CQ Công ty muốn mô hình trồng rau Organic được nhân rộng trong toàn Công ty, nói không với việc sử dụng hoá chất, thuốc trong quá trình sản xuất rau, củ quả,... nhằm từng bước nâng cao ý thức của ĐVTN, Cán bộ Công nhân lao động trong toàn Công ty hưởng ứng mô hình trồng rau sạch, không sử dụng hoá chất ra môi trường,... Qua đó góp phần chung tay ngăn chặn các hành động phá huỷ môi trường sống xung quanh, chung tay xây dựng một hành tinh xanh, một Bình Dương xanh – sạch – đẹp.
 
4. Tên mô hình: TRỒNG RAU SẠCH THEO CÔNG NGHỆ CAO


 

Trao hỗ trợ duy trì ý tưởng, dự án tại xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng.
 

4.1. Thời gian bắt đầu triển khai mô hình, thời gian kết thúc, khả năng duy trì
- Thời gian bắt đầu triển khai mô hình: Tháng 3 năm 2020
- Thời gian kết thúc: Tháng 3 năm 2023
Khả năng duy trì: Theo tình hình thực tế thị trường rau sạch, lợi nhuận theo dõi trong từng năm và các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với mô hình.


4.2. Kinh phí thực hiện mô hình
Có thể đầu tư bằng nguồn vốn tự có hoặc nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách cụ thể: Đối với cá nhân có thể vay được 100.000.000đ/người với thời gian tối đa 120 tháng; Đối với dự án có thể vay tối đa 02 tỷ đồng/dự án với thời gian tối đa 120 tháng.


4.3. Mô tả mô hình:
Mô hình trồng rau sạch được ứng dụng hệ thống thủy canh hồi lưu tự động hiện đại với công nghệ tưới tiêu linh hoạt. Dung dịch dinh dưỡng được tuần hoàn luân chuyển cung cấp cho cây. Đây là công nghệ trồng rau thủy canh tiên tiến đã và đang được áp dụng tại nhiều công trình trên cả nước, đem lại hiệu quả năng suất cao.


- Mục đích, ý nghĩa của mô hình:
Thứ nhất: Mô hình trồng rau sạch công nghệ cao hướng tới mục tiêu cung cấp ra thị trường thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, không chứa các chất độc hại.


Thứ hai: Nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.


Thứ ba: Mô hình giúp giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đóng góp tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.


Thứ tư: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nhân rộng mô hình sản xuất giúp sản xuất ra một lượng rau chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng cho thị trường từ đó giải quyết công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.


- Quy mô đầu tư mô hình:


Công trình thuộc loại trung bình. Lắp đặt hệ thống giàn thủy canh và nhà lưới trên diện tích 100m2
Công nghệ trồng rau thủy canh đã giúp giải quyết được vấn đề hạn hẹp đất trồng rau bằng hệ thống giàn tầng thủy canh với quy mô nhỏ nhưng cho năng suất rất lớn. Hệ thống không gian trồng rau thủy canh gồm khu nhà lưới trồng rau các loại với tổng diện tích 100 m2, khu vực vườn ươm cây giống là 20 m2, hệ thống cung cấp nước cho cây chiếm diện tích 5 m2. Ngoài ra còn có khu chế biến đóng gói sản phẩm 25 m2


- Thị trường: Thị trường chủ yếu tại 2 chợ trên địa bàn chợ Minh Hòa và chợ ngã tư Thái Bình.
- Trồng các loại rau: Cải xanh, cải ngọt, xà lách, một số rau gia vị,…
- Khái toán mô hình :


Khác với mô hình trồng đất, phương pháp này giúp người trồng không hề tốn công chăm sóc do hệ thống tự động hóa hoàn toàn. Với tổng khu nhà lưới diện tích 100 m2 để trồng rau thủy canh theo tính toán chi phí vốn đầu tư ban đầu là 100.000.000 đồng. Với tổng số vốn cần huy động cho 1 năm trồng rau thủy canh là 100.000.000 đồng thì doanh thu dự kiến mỗi năm thu lợi từ rau thủy canh là 72.000.000 đồng đạt lợi nhuận mỗi năm khoảng 45.600.000 đồng. Từ nguồn vốn ban đầu trồng rau thì sau 2 năm rưỡi nhà trồng có thể hoàn lại vốn.


Tổng chi phí hoạt động cho 100 m2 trồng rau thủy canh hằng tháng gồm tiền điện khoảng 300.000 đồng, chi phí mua hóa chất thủy canh 1.200.000 đồng, mua giống cây 150.000 đồng, bọt xốp 500.000 đồng và đóng gói chế biến thành phẩm 50.000 đồng.


4.4 Kết quả:


Thời gian thu hoạch của phương pháp thủy canh khi được áp dụng đúng các bước chỉ kéo dài 30 ngày/vụ, giúp chi phí được hạ thấp mức tối đa và thu về lợi nhuận từ đó. Theo dự tính về năng suất sản lượng rau thu hoạch của 100 m2 thì mỗi vụ thu hoạch được 8 giàn. Mỗi giàn rau thủy canh thu hoạch được 15kg tính theo giá thị trường thu mua 50.000 đồng thì nhà trồng thu hoạch khoảng 6.000.000 đồng tiền rau cho mỗi đợt thu hoạch.


Như vậy trung bình 1 năm sẽ có ít nhất 12 vụ thu hoạch với tổng giá trị 72.000.000đ lợi nhuận sau khi trừ các chi phí là 45.600.000. Cơ bản sẽ giúp người đầu tư thực hiện mô hình tận dụng thời gian rảnh rỗi trong ngày, tăng thu nhập cho cá nhân, hộ gia đình, cơ bản giải quyết được việc làm.


- Khả năng nhân rộng


Thanh niên và người dân tại địa phương chủ yếu thời gian là khai thác mủ cao su, với ưu điểm không cần công chăm sóc nhiều, sản lượng cao nên việc ngoài việc khai thác mủ có thể dùng thời gian nhàn rỗi để thực hiện mô hình.
Với những chính sách vay vốn hiện nay của nhà nước về giải quyết việc làm lên đến 100.000.000đ đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với dự án. Đây là một nguồn lực tốt để áp dụng mô hình này để nâng cao thu nhập gia đình đặc biệt đối với khu vực nông thôn.


 
5. Tên mô hình: TRẠI RAU SẠCH ORGANIC

 

 

 

 Trao hỗ trợ duy trì ý tưởng, dự án tại xã An Linh, huyện Phú Giáo.

 


5.1. Thời gian bắt đầu triển khai mô hình, thời gian kết thúc, khả năng duy trì
- Thời gian bắt đầu: Tháng 6 năm 2020
- Thời gian kết thúc: Tháng 6 năm 2026
- Khả năng duy trì: 6 năm


5.2. Kinh phí hằng năm/kinh phí thực hiện: 200.000.000 đồng  (Hai trăm triệu đồng) x 6 năm = 1.200.000.000 đồng


5.3. Mô tả cách thức xây dựng mô hình (cách thức thực hiện):
Mô hình được thiết kế bằng nhà màng (nhà kính, nhà lưới) trên diện tích 1200 m2. Nhà màng được sử dụng trồng rau trên hệ thống thủy canh.
Bên trong nhà lưới có hệ thống thu và đẩy dung dịch dinh dưỡng hữu cơ lên toàn bộ các khay trồng rau.
Hệ thống quạt và nhiệt độ giúp kiểm soát nhiệt độ trong nhà lưới giúp rau phát triển thuận lợi.


5.4. Kết quả
Các sản phẩm sau thu hoạch được xử lý và cho vào các túi nilon và được hút chân không. Sau đó, được đưa đi tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài địa bàn tỉnh.
Trung bình với giá cung cấp cho siêu thị là từ 30.000 đến 50.000 (tùy từng loại rau). Hàng tháng, doanh thu của trại khoảng từ 100.000.000 x 12 tháng = 1.200.000.000 đồng/năm.
Sau khi trừ chi phí, nhân công, khấu hao: lợi nhuận thu về khoảng 38.000.000 đồng/tháng x 12 tháng = 456.000.000 đồng/năm.


6. Tên dự án, ý tưởng, mô hình: THU GOM RÁC THẢI NHỰA BẰNG NHÂN VẬT HOẠT HÌNH

 

 

Trao hỗ trợ duy trì ý tưởng, dự án tại Phường Phú Cường, Thành phố Thủ Dầu Một.
 


6.1. Thời gian bắt đầu triển khai mô hình, thời gian kết thúc, khả năng duy trì
- Thời gian bắt đầu triển khai mô hình: Từ tháng 12/2020.
- Địa điểm thực hiện: Các công viên, trường học, địa điểm công cộng trên
địa bàn thành phố Thủ Dầu Một.
- Kinh phí thực hiện hằng năm (nếu có): Tùy vào nguồn kinh phí xã hội
hóa vận động hàng năm. Trung bình 20 triệu đồng/năm.
- Mục đích, yêu cầu thực hiện: Nhằm khuyến khích đoàn viên thanh niên, người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi. Bên cạnh đó, ý nghĩa mô hình này muốn hướng đến đó là những vỏ chai nhựa sau khi thu được từ mô hình sẽ được dùng để thực hiện các công trình thanh niên, chăm lo cho thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.


6.2. Nội dung, cách thức thực hiện
Mô hình Doremon cao 2m, được làm từ sắt được đặt tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại dùng để phân loại rác thải nhựa nhằm tạo sự thu hút của giới trẻ, đồng thời tạo hiệu ứng tuyên truyền chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố. Kinh phí từ việc bán phế liệu thu được sẽ được đem ủng hộ vào Quỹ “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Thủ Dầu Một”. Theo đó, đoàn viên thanh niên, người dân có thể đến đây bỏ chai nhựa vào trong Doraemon và chụp ảnh check in là đã có thể chung tay giúp đỡ trẻ em khó khăn.


6.3. Quy mô, phạm vi ảnh hưởng:
Mô hình được thí điểm tại Phường Phú Cường, Thành phố Thủ Dầu Một và đang tiến hành nhân rộng trên địa bàn tỉnh.


6.4. Kết quả thực hiện:
- Từ tháng 12/2020 đến nay, Ban Thường vụ Thành đoàn đã trao 4 mô hình Doraemon tại 4 địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một gồm:
Công viên Nguyễn Du, phường Phú Cường; Công viên khu phố 3, phường Định Hòa; Công viên Thanh niên phường Phú Thọ; Trường TH Lê Hồng Phong, phường Hiệp Thành với tổng kinh phí trên 40 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.
Việc bán phế liệu thu được từ mô hình này đã đem lại nguồn kinh phí không nhỏ cho Quỹ “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Thủ Dầu Một. Kết quả: Ban Thường vụ Thành đoàn đã trao hơn 40 suất học bổng cho 40 em đội viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố và góp phần tuyên truyên sâu rộng trong toàn thể đội viên, đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố về ý thức bảo vệ môi trường.
 
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tiếp tục chỉ đạo, triển khai nhân rộng các dự ý, ý tưởng, mô hình trên địa bàn tỉnh; vận động các nguồn hỗ trợ để thành lập thêm nhiều mô hình, câu lạc bộ, tổ, đội thanh niên xung kích vì môi trường tại các xã, thị trấn, tạo điều kiện cho tuổi trẻ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xung kích thực hiện nếp sống văn minh đô thị và xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Bình Dương. 


CTV Anh Thư (MT)  

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 52848326
Hôm nay: 36826
Đang online: 117
Về đầu trang