2/10/2023 12:00:00 AM GMT+7

Trường Chính trị tỉnh: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Bảo vệ những giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác – Lênin

V.I.Lênin đã từng khẳng định: Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng và “chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong” . Với bản chất khoa học và cách mạng của mình, kể từ khi ra đời cho đến nay, chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho giai cấp vô sản và những người cộng sản trên thế giới. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không ngoại lệ, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: “Đảng ta luôn vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam…” .

Từ khóa:
Đảng Cộng sản Việt Nam; Nền tảng tư tưởng; Quan điểm sai trái, thù địch; Trường Chính trị tỉnh Bình Dương.


Phần nội dung:

Ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó các cơ quan báo chí tuyên truyền các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị – xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Tiếp đó, ngày 24/9/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG về thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.


Thời gian gần đây, bằng mọi âm mưu, thủ đoạn, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạnh nước ta. Họ đã lập hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh – truyền hình có chương trình tiếng Việt; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để xuyên tạc nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng ta.


Cũng như các trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, trường Chính trị Bình Dương có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị – hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Với chức năng như vậy, trong tình hình hiện nay, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng thì đội ngũ giảng viên của nhà trường cần nhận thức rõ nền tảng tư tưởng của Đảng; nhận diện được các quan điểm sai trái, thù địch và tập trung làm sáng tỏ, bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin.


- Vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng là gì?


Như chúng ta đều biết, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã từng khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” . Như vậy, có thể hiểu, “chủ nghĩa” mà Đảng ta lấy làm “cốt” ở đây theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa Mác – Lênin.


Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (năm 1951), Đảng ta đã khẳng định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng và nội dung này đã được đưa vào các Văn kiện của Đảng từ Đại hội II đến Đại hội VI (năm 1986). Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Cương lĩnh khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” . Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta lại một lần nữa khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” . Và đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), Đảng ta khẳng định lại: “Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta” . Như vậy, có thể khẳng định rằng, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.


- Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch.


+ Nhận thức về quan điểm sai, trái, thù địch.


Quan điểm sai trái là sự nhìn nhận lệnh lạc, phiến diện, không đúng với sự thật; xa lạ, đi ngược, đi chệnh với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc.


Quan điểm thù địch là các quan điểm sai trái được nâng lên thành lý luận, quan điểm để kích động chống Đảng, chống chế độ.


+ Các cấp độ của quan điểm sai trái, thù địch.


Một, cấp độ cao nhất, nguy hiểm nhất.

Phủ định sạch trơn toàn bộ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Quan điểm này cho rằng không có chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định những điều này trong Cương lĩnh của Đảng là ảo tưởng.


Hai, cấp độ trung bình.

Phủ định một phần, chấp nhận một phần nào đó chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.


Ba, cấp độ thấp.

Cơ bản tán đồng chủ trương, Nghị quyết của Đảng nhưng khi diễn đạt trên diễn đàn lại phủ định, nhất là phủ định các thành tựu; lồng ghép ý kiến chủ quan của cá nhân vào, đặc biệt là các ý kiến phê phán, phản bác, gây phân tâm, nghi ngờ cho người nghe hoặc nói thì tán đồng Nghị quyết, nhưng trong thực hành thì làm ngược lại…


+ Đặc điểm của quan điểm sai trái, thù địch.


Quan điểm sai trái, thù địch thường có các đặc điểm như sau:


Thứ nhất, thể hiện cách nhìn phiến diện, một chiều, bị chệnh hoặc đi ngược lại với nhận thức chung, với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Thứ hai, con đường hình thành có thể do ngộ nhận, cũng có thể là sự chuyển biến về tư tưởng một cách tức thì, nhanh chóng do một vấn đề nào đó mới phát sinh tác động đến tư tưởng, tình cảm, hoặc là kết quả của quá trình tư duy lệch lạc, bức xúc cá nhân trong thời gian dài.


Thứ ba, có sự ảnh hưởng, tác động khác nhau. Nếu là quan điểm sai trái thì chỉ dừng ở mức độ cá nhân, nhỏ. Nhưng nếu cá nhân tìm cách truyền bá rộng rãi các quan điểm sai trái đó để tạo thành quan điểm thù địch với Đảng, Nhà nước thì mức độ ảnh hưởng là rất lớn.


+ Các dạng quan điểm sai trái, thù địch.


Một là, phủ nhận các luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.


Để bác bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tung ra các luận điệu sau:


Chủ nghĩa Mác – Lênin đến nay đã lỗi thời. Họ cho rằng, cứ xem là chủ nghĩa Mác – Lênin đúng, nhưng chỉ đúng ở thời điểm cách đây hơn 100 năm, chỉ phù hợp với một chừng mực nào đó với trình độ lực lượng sản xuất và văn hóa của nước Nga, không phù hợp với thế kỷ XXI. Đây cũng là học thuyết ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không phù hợp với Việt Nam.


Phủ định các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Họ cho rằng, học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội của C.Mác là sai lầm, lỗi thời, là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được; sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô là một tất yếu, được dự báo trước. Họ cũng cho rằng, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác đã lỗi thời, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã thay đổi bản chất, không còn là chế độ bóc lột nữa…


Nghi ngờ, bác bỏ thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Họ cho rằng, Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là trái với tự nhiên và quy luật khách quan, là duy ý chí. Từ đó, việc xác định thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phi thực tế, cần phải bị xóa bỏ.


Phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm cách hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh. Họ cho rằng, Hồ Chí Minh chỉ là người tiếp thu mù quáng chủ nghĩa Mác – Lênin chứ không hề có tư tưởng cao siêu Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm phương tiện; đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử. Từ đó, họ cho rằng Việt Nam nên có tư tưởng mới, khác với cả chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vì thời cuộc đã khác, điều kiện đã khác.


Hai là, xuyên tạc, phủ định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Các thế lực thù địch tung ra các luận điểm xuyên tạc sau:


Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Họ ra sức phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phê phán triệt để, bôi đen chủ nghĩa xã hội hiện thực, bác bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, công khai ca ngợi con đường tư bản chủ nghĩa.


Về Đảng cầm quyền. Để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, họ đòi bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng được ghi trong Điều 4 Hiến pháp; kiến nghị đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng “Đảng chỉ nên lãnh đạo tư tưởng, đạo đức, lối sống và định hướng chung chung”, “không lãnh đạo kinh tế, văn hóa, không lãnh đạo lực lượng vũ trang”… vì đó là công việc của Nhà nước.


Về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thế lực thù địch cho rằng, “đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là chắp vá, không tưởng. Việt Nam hiện nay đang đứng ở ngã ba đường, không biết đi theo con đường nào. Nếu không hòa nhập vào thời đại, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì sẽ bị trả giá, tự giác thì sẽ đến đích nhanh hơn, không tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích đau đớn hơn, chậm chạp hơn”. Họ phủ nhận mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.


Về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Họ cho rằng, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã chứng minh rằng: sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã kết thúc.


Về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Họ tìm cách tuyên truyền vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ, nhân quyền”, bắt giữ “những tiếng nói dân chủ”, kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài về vấn đề “dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam; tuyên truyền Việt Nam vi phạm chính sách tự do, tôn giáo, đàn áp tôn giáo, kích động tổ chức biểu tình; tăng cường tài trợ các dự án thúc đẩy hình thành xã hội dân sự.


Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Họ cho rằng, quân đội và công an chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước và an ninh, trật tự xã hội, không nên bị chi phối bởi chính trị. Nhiệm vụ cao nhất, duy nhất của quân đội và công an là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, không phải là bảo vệ Đảng, chế độ, do vậy cần phi chính trị hóa quân đội và công an. Họ còn xuyên tạc quan điểm đối tác, đối tượng; tìm cách chia rẽ mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng, triệt để lợi dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ để chống phá.


Ba là, phủ định các giá trị lịch sử của dân tộc và những thành quả của cách mạng.
Các thế lực thù địch tuyên truyền phủ nhận sự lựa chọn tất yếu của lịch sử và tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tìm cách đánh đồng những chiến sỹ cách mạng hy sinh vì chính nghĩa với những kẻ làm tay sai, bán nước.
Chê bai, phủ nhận những thành quả mà Đảng và Nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhưng lại ra sức xuyên tạc hoặc lờ đi về những thành tựu đạt được.
Bốn là, xuyên tạc, bóp méo các sự kiện chính trị, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm.
Xuyên tạc, bóp méo những chủ trương, chính sách, những văn bản ký kết của Đảng và Nhà nước với một số nước để kích động, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta.
Lợi dụng những sơ hở của chính sách để kích động, lôi kéo, chống phá nhằm hạ uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước.
Lợi dụng các sự kiện nhạy cảm, nhất là các sự kiện liên quan đến các vấn đề phân định biên giới, lãnh thổ, các vấn đề tranh chấp Biển Đông; những vấn đề liên quan đến đầu tư, ô nhiễm môi trường… để kích động gây mất ổn định chính trị, xã hội.


Năm là, hạ bệ thần tượng; bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ.


Các thế lực thù địch tấn công vào đời tư của lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, chia rẽ mối quan hệ giữa các đồng chí lãnh đạo; xuyên tạc, bóp méo những quyết định của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ để hạ uy tín, phủ nhận bản chất của Đảng và Nhà nước ta.


- Những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin.


Một, phương pháp biện chứng duy vật.


Cho đến nay, nhân loại đã biết tới nhiều phương pháp nhận thức khác nhau nhưng hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào có thể thay thế được phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác – Lênin. Phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác – Lênin là sự kết tinh toàn bộ tinh hoa trong lịch sử phát triển của phương pháp biện chứng từ thời cổ đại đến thời của C.Mác. Đồng thời, nó còn được bổ sung bởi những thành tựu vĩ đại của khoa học tự nhiên đương thời cũng như cơ sở thực tiễn là phong trào đấu tranh cách mạng của phong trào công nhân thế giới. Chính vì vậy, mặc dù thực tiễn nhân loại đã có nhiều đổi thay, có cả những sự đổi thay đến không ngờ, không thể tưởng tượng nổi hay khoa học có rất nhiều phát hiện vĩ đại nhưng phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác – Lênin vẫn giữ nguyên giá trị phương pháp luận. Những thành tựu của khoa học hiện đại chỉ làm giàu, làm phong phú thêm những giá trị của phương pháp biện chứng duy vật mà thôi.


Hai, quan niệm duy vật về lịch sử.


C.Mác là người đầu tiên trong lịch sử triết học của nhân loại tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người. Đúng như lời Ph.Ăngghen đã nói: “Giống như Đácuyn đã tìm ra quy luật của thế giới hữu cơ, C.Mác đã phát hiện ra quy luật phát triển của xã hội loài người” hay V.I.Lênin cũng khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học” . Chính quan niệm duy vật về lịch sử này đã chấm dứt sự lôn xộn và tùy tiện vẫn thống trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử. Các quan niệm về lịch sử trước đây thường không thấy được tính quy luật khách quan của sự vận động phát triển của lịch sử, nhiều lắm cũng chỉ mới xem xét động cơ tư tưởng trong hoạt động lịch sử của con người; chưa thấy được vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác lần đầu tiên trong lịch sử đã thấy được căn nguyên của những động cơ vật chất, đặc biệt là động cơ lợi ích kinh tế trong hoạt động lịch sử của con người. Quan niệm duy vật về lịch sử cũng xuất phát từ trình độ phát triển của nền sản xuất vật chất của xã hội để lý giải những quan niệm, tư tưởng cũng như những điều kiện xã hội, đời sống của quần chúng nhân dân cùng vai trò của họ trong lịch sử. Hơn nữa, quan niệm duy vật về lịch sử đã xem xét xã hội một cách chỉnh thể, toàn diện quá trình phát sinh, phát triển và suy tàn của các hình thái kinh tế – xã hội, bằng cách xem xét toàn bộ các xu hướng mâu thuẫn khác nhau, tác động lẫn nhau và tìm ra cơ sở của chúng chính là các điều kiện sinh hoạt và sản xuất vật chất – tinh thần của xã hội. Quan niệm duy vật về lịch sử xuất phát từ đời sống vật chất để lý giải đời sống tinh thần của xã hội… Do vậy, chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác về bản chất cũng là chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhưng đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng về xã hội.


Ba, học thuyết hình thái kinh tế – xã hội.


Lịch sử phát triển của thế giới đã chứng minh, sự phát triển của nhân loại không theo kiểu duy nhất “kimh tế quyết định”; không theo kiểu “phương Tây là trung tâm”; cũng không theo kiểu “làn sóng thứ ba” mà một số nhà tư tưởng đương đại đã đề cập. Sự phát triển của nhân loại là hết sức phong phú, đa dạng, nhưng sự phong phú, đa dạng ấy vẫn diễn ra theo quy luật khách quan. Do vậy, mặc dù sự phát triển của các quốc gia, dân tộc là hết sức đa dạng, phong phú nhưng vẫn trải qua những nấc thang, những giai đoạn tương đồng nhau. Chính điều này tạo nên những hình thái kinh tế – xã hội đan xen nhau, kế tiếp nhau của lịch sử thế giới; làm cho lịch sử thế giới phát triển có sự đan xen, không đồng đều giữa các quốc gia dân tộc. Sự không đồng đều thể hiện ở chỗ, ngay trong cùng một thời đại nhưng ở mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau lại ở một hình thái kinh tế – xã hội không như nhau. Còn sự đa dạng thể hiện ở chỗ, ngay trong cùng một hình thái kinh tế – xã hội nhưng ở các dân tộc, quốc gia khác nhau thì cũng có những biểu hiện khác nhau. Tuy vậy, dòng chảy của lịch sử nhân loại vẫn diễn ra theo sự thay thế các hình thái kinh tế – xã hội từ thấp lên cao. Điều này diễn ra một cách lịch sử – tự nhiên. Bởi lẽ, những nguyên nhân dẫn tới những sự thay đổi thế này là do những mâu thuẫn bên trong của mỗi hình thái kinh tế – xã hội quy định. Đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng… Những mâu thuẫn này được giải quyết sẽ tạo cho sự ra đời của hình thái kinh tế – xã hội mới. Quá trình này diễn ra khách quan, không phụ thuộc vào ý chí, mong muốn của con người.


Bốn, học thuyết về giá trị thặng dư.


Có thể nói, C.Mác là nhà kinh tế học đầu tiên phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ông đã thành công trong việc chỉ ra nguồn gốc của giá trị thặng dư. Trên cơ sở đó, C.Mác đã vén lên bức màn bí mật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cho đến nay, các học giả tư sản dù muốn cũng chưa một ai đưa ra được một lý thuyết nào khả dĩ có thể bác bỏ được học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác. Cùng với học thuyết về giá trị thặng dư, lý luận về sở hữu, về xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, về sự ra đời tất yếu của sở hữu xã hội là những giá trị bền vững của kinh tế chính trị học của chủ nghĩa Mác – Lênin.


Năm, học thuyết về chủ nghĩa xã hội.


Mặc dù quan điểm của C.Mác về chủ nghĩa xã hội mới chỉ mang tính dự báo về những đặc trưng chung nhất, cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội, nhưng cho tới nay những nguyên tắc cơ bản đó vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đó là tính tất yếu thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội, sự ra đời của chủ nghĩa xã hội và sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản là do tất yếu kinh tế quy định và đều tất yếu như nhau; cách thức khác nhau của các quốc gia, dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội là kết quả phát triển tổng hợp của tinh hoa mọi thời đại, mọi dân tộc…


Sáu, về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản.


C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, trong tất cả các giai cấp đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng, có vai trò, sứ mệnh lịch sử lật đổ giai cấp tư sản, thiết lập một chế độ xã hội mới không còn người bóc lột người. Mặc dù, lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa đang có sự phát triển vượt bậc, mặc dù có một bộ phận giai cấp công nhân có thể mua cổ phần của một số công ty, thậm chí có một bộ phận công nhân trở thành tầng lớp trung lưu, nhưng tỷ suất giá trị thặng dư của nhà tư bản thì không hề giảm đi mà còn tăng lên không ngừng so với thời kỳ C.Mác và Ph.Ăngghen sống. Bản thân người công nhân hiện đại vẫn là người làm thuê hiện đại, vẫn bị bóc lột giá trị thặng dư. Do vậy, học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa thời sự của nó.


Để đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương có thể làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin trong tình hình hiện nay cần tập trung vào những giải pháp sau:


Thứ nhất, xây dựng đội ngũ giảng viên nhà trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ nhận thức lý luận chính trị cao.


Xây dựng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương hiện nay cần làm tốt hai nhiệm vụ sau đây:


Một, đối với đội ngũ giảng viên hiện tại cần tập trung đào tạo hoặc gửi đi đào tạo ở các nước, các Học viện, các trường đại học chất lượng cao trong nước để có một đội ngũ giảng viên có trình độ, khả năng chuyên môn cao. Chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên của nhà trường theo hướng giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị. Đào tạo chuẩn hóa các chức danh trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các khoa, phòng và các chức danh nghề trong ngạch chuyên viên, giảng viên. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường đào tạo tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, viên chức.


Hai, hoàn thiện quy trình tuyển chọn giảng viên. Chính sách tuyển chọn giảng viên phải được nhà trường xem trọng hơn vì đây là khâu quyết định chất lượng đầu vào. Vì vậy, cần xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm thu hút những người có trình độ sau đại học về trường công tác. Để làm được điều này, trong thời gian tới, nhà trường cần chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy Bình Dương ban hành chế độ chính sách để thu hút đội ngũ giảng viên. Song song đó, cần chủ động thực hiện một số chủ trương, chính sách về sử dụng nguồn lực con người để từ đó tạo động lực kích thích, động viên sự sáng tạo của đội ngũ giảng viên, sự cống hiến, đóng góp của đội ngũ này vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.


Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học tại nhà trường.


Để hoạt động này đi vào nền nếp, trong thời gian tới, Ban Giám hiệu cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức nhà trường về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học; tăng cường các điều kiện phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và xây dựng được cơ chế khen thưởng, kỷ luật hợp lý trong hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường. Song song đó cần tăng cường tổ chức các Hội nghị, Hội thảo và các hình thức sinh hoạt khoa học phong phú khác nhằm tạo ra môi trường khoa học sinh động, mở ra nhiều kênh trao đổi thông tin, tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức trong và ngoài nhà trường trao đổi, học tập lẫn nhau.


Thứ ba, thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn trong đội ngũ cán bộ, viên chức của nhà trường.


Ảnh hưởng của đội ngũ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Bình Dương là rất rộng, vì vậ
y, cùng với việc quy định trách nhiệm cá nhân cũng cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, học viên nói chung và giảng viên nhà trường nói riêng. Có biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh những hiện tượng, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm kỷ luật phát ngôn; tuyên truyền, phát tán những thông tin sai lệch mang tính xuyên tạc; khiếu nại – tố cáo, kích động khiếu nại – tố cáo vượt cấp và cố ý kích động theo những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng; tấn công vào chủ trương, đường lối của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.


Phần kết luận:


Hiện nay, trước diễn biến mới của tình hình và nhiệm vụ cách mạng, cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ ngày càng phức tạp. Có thể thấy, các thế lực thù địch sẽ không từ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào nhằm chống phá cách mạng Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Trước tình hình ấy, Ðảng ta đã xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên và của mọi công dân…


Gần 180 năm kể từ khi ra đời cho đến ngày hôm nay, mặc dù lịch sử nhân loại đã trải qua biết bao thử thách, với biết bao thăng trầm nhưng chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn tồn tại, vẫn phát triển, vẫn là thế giới quan và phương pháp luận cho nhân loại tiến bộ đấu tranh vì một thế giới không có áp bức, bất công, bất bình đẳng xã hội… Có được như vậy là vì bản chất cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn hoàn toàn đúng đắn, hơn nữa còn luôn luôn được bổ sung, phát triển và bảo vệ bởi những người mácxít chân chính.


Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị khóa XII, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 2.
6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tập 2.
7. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 19.
8. V.I.Lênin (1975), Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tập 6.
9. V.I.Lênin (1980), Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tập 23.
Thông tin về tác giả:
Họ và tên: Nguyễn Văn Hân
Học vị: Thạc sỹ
ĐVCT: Khoa Lý luận cơ sở, TCT tỉnh Bình Dương
Điện thoại: 0973.188181
Email: hanllcb@gmail.com

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49517721
Hôm nay: 1741
Đang online: 88
Về đầu trang