TTBD - Hơn 10 năm qua bằng niềm đam mê và tâm huyết, anh Nguyễn Ngọc Chiến, giảng viên trường Đại học Bình Dương đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học độc đáo được các ngành công nhận, khen thưởng.
Người thầy nhiều nỗ lực
Nuôi ước mơ trở thành giáo viên, ngay từ thời học phổ thông, anh đặc biệt yêu thích các môn học xã hội. Anh là học sinh giỏi Văn nhiều năm và nằm trong đội tuyển trường PTTH Nguyễn Trãi – Hải Phòng tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh.
Sau khi thi đậu vào khoa Ngữ văn, trường Đại học Đà Lạt, với luận văn tốt nghiệp xuất sắc 10/10, anh được giữ lại trường và tiếp tục hoàn thành chương trình Cao học và trở thành đồng thủ khoa của ngành Văn học Việt Nam khóa 13 (2004 – 2007). Đến năm 2008, anh được nhận vào làm giảng viên Cơ hữu khoa Ngữ văn, trường Đại học Bình Dương. Sau đó, anh được bổ nhiệm chức danh Trợ lý giáo vụ khoa. Đến năm 2011, anh vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam và hiện nay anh là Bí thư chi bộ Sinh viên, Ủy viên Ban Kiểm tra Đảng ủy trường. Từ tháng 5/2014 đến nay, anh làm trưởng phòng Công tác sinh viên và Đoàn - Hội. Trong quá trình làm việc tại khoa, anh được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và hiện nay là Quyền Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Bình Dương.

Thầy Nguyễn Ngọc Chiến (bìa trái)
Hiện nay, anh đã hoàn thành 3 chuyên đề tiến sĩ tại trường Khoa học xã hội Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Trong quá trình học tập và làm việc, anh luôn đặt ra cho mình những mục tiêu để phấn đấu. Đối với chuyên môn, nghiệp vụ của mình, anh luôn có ý thức trong việc phải học tập suốt đời để nâng cao trình độ của bản thân. Tham gia tích cực các hoạt động chuyên môn, nhất là nghiên cứu khoa học. Anh đặt ra mục tiêu, mỗi năm phải có ít nhất 1 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên một tạp chí khoa học. Anh tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ thời sinh viên và từng đạt giải Nhì (không có giải Nhất) sinh viên nghiên cứu cấp trường năm 2004 với đề tài “Một số tương đồng nghệ thuật của truyện Trạng Đông Nam Á”. Sau đó anh tham gia 2 đề tài nghiên cứu cấp Bộ về sưu tầm âm nhạc dân gian của người Mạ và Chu ru ở Lâm Đồng.
Hàng năm anh hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học và làm khóa luận tốt nghiệp. Tính đến 8/2015, anh đã hướng dẫn 15 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường và 25 đề tài khóa luận tốt nghiệp, tham gia nhiều Hội đồng khoa học của Phân hiệu Xã hội nhân văn, trường Đại học Bình Dương và khoa Ngữ văn, Đại học Thủ Dầu Một với các nhiệm vụ là thành viên phản biện các đề tài nhiên cứu và có 12 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.
Các đề tài này được anh nghiên cứu nhằm phục vụ cho chuyên môn của mình, gắn với việc giảng dạy học phần Văn hóa Việt Nam và Văn học dân gian Việt Nam tại trường. Riêng việc nghiên cứu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, anh coi đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng của những người làm khoa học xã hội. Ngày nay, việc giao lưu tiếp biến mạnh mẽ văn hóa các dân tộc khiến cho đời sống đồng bào thiểu số ngày càng phong phú nhưng đi kèm với nó là những hệ lụy về việc đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vì thế, việc nghiên cứu nhằm hiểu hơn và giữ lại những truyền thống văn hóa này là hết sức quan trọng. Ý thức được điều này, từ khi còn là sinh viên anh đã rất say mê tìm hiểu văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Sau khi về trường Đại học Bình Dương tham gia công tác giảng dạy, hàng năm anh luôn lựa chọn địa bàn Tây Nguyên để đưa sinh viên nghiên cứu văn hóa dân gian.
Hệ thống bài giảng được anh luôn được cập nhật mới cho từng năm học nhằm đảm bảo những thông tin khoa học mới nhất để giới thiệu kịp thời cho sinh viên, cùng các em trao đổi về những vấn đề mới nảy sinh. Việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học và làm khóa luận tốt nghiệp cũng là hoạt động chuyên môn thường xuyên trong một năm học của anh. Anh luôn coi đây là cơ hội tốt để cùng học trò có thêm nhiều những kiến thức bổ ích. Với anh, người giảng viên ngoài việc giỏi về chuyên môn nghiệp vụ còn phải là tấm gương đạo đức để sinh viên noi theo. Ý thức được những điều trên, trong những năm qua, anh luôn cố gắng tự hoàn thiện bản thân, không ngừng phấn đấu học hỏi thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp của mình.
Là người phụ trách Phòng Công tác sinh viên và Đoàn - Hội, cùng một lúc phải quản lý nhiều mảng công việc nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn gắn hoạt động này với hoạt động đào tạo của nhà trường. Để công việc thực sự có hiệu quả, anh phân công, phân nhiệm các thành viên trong phòng cụ thể, rõ ràng, chi tiết; đề cao các sáng kiến của các thành viên trong công tác chuyên môn, tự chịu trách nhiệm về mảng công việc của mình trước lãnh đạo phòng và nhà trường. Bản thân anh luôn sẵn sàng cùng đồng nghiệp trao đổi, tìm cách giải quyết công việc nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Học hỏi suốt đời và luôn phải là người có trách nhiệm
Đó là phương châm sống của anh. Với anh, trong xã hội, con người luôn phải có trách nhiệm. Đó là phải luôn hoàn thiện mình bằng việc nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, phải tự lao động để nuôi sống bản thân mình. Là luôn phấn đấu trở thành người sống tự lập, yêu thương tất cả các thành viên trong gia đình và có hiếu với ông bà, cha mẹ. Thứ nữa là trách nhiệm với xã hội. Là sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà cơ quan giao phó, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy và công việc quản lý. “Muốn làm tốt được những điều trên, tôi phải không ngừng nâng cao việc tự học hỏi, tự rèn luyện, tự tu dưỡng đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ của mình. Học từ thầy cô, từ đồng nghiệp, từ bạn bè và từ cả các em sinh viên của mình” – anh Chiến chia sẻ. Cha là người có nhiều ảnh hưởng tới anh về phương châm sống. Vốn dĩ ông là lính của Sư đoàn 9, Quân Đoàn 4. Ông đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn và chiến dịch Camphuchia. Anh nói “Là một thương bệnh binh mất sức lao động 61%, sau khi trở về địa phương, cha tôi là người truyền lửa cho chúng tôi cố gắng phấn đấu, rèn luyện trở thành những người có ích”.
Từ khi công tác tại trường đến nay, anh đã được 2 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về danh hiệu Giáo viên trẻ giỏi toàn tỉnh và có thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục tỉnh; bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh vì có đóng góp cho các hoạt động của Công Đoàn. Ngoài ra, anh còn nhiều giấy chứng nhận và giấy khen của Hiệu trưởng trao tặng.
DIỄM TRINH
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.