6/1/2022 12:00:00 AM GMT+7

Giáo dục thiếu niên, nhi đồng theo lời dạy của Bác Hồ

TTBD - Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ và hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Sinh thời, Người dành tất cả tình yêu thương cho đồng bào, đồng chí, đặc biệt là cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Người đã đi xa nhưng những tình cảm gần gũi, thân thương, nồng ấm; những lời dạy của Người về chăm sóc, giáo dục thế hệ măng non của đất nước vẫn nguyên giá trị.



(Chủ tịch Hồ Chí Minh chung vui với các em nhỏ trong ngày Quốc tế Thiếu nhi 1969)


Sự cần thiết và nội dung giáo dục thiếu niên, nhi đồng


Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà”, non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em. Chính vì vậy toàn Đảng, toàn dân và tất cả mọi lực lượng cần phải quan tâm, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Người viết; “chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”. Gia đình, nhà trường và xã hội phải chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo thanh thiếu nhi trở thành lực lượng nối tiếp thanh niên, đều là công dân tốt, thành các đội xung kích cách mạng, là lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng, phục vụ đắc lực cho lý tưởng cộng sản. Bởi nếu không chăm lo cho thế hệ trẻ, không tạo dựng một lực lượng kế tục có đức, có tài, sẽ không có những con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.


Nền giáo dục mới mà chúng ta xây dựng sẽ phải hướng đến mục tiêu đào tạo thiếu niên, nhi đồng thành những công dân có ích cho xã hội trên tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, hướng đến mục tiêu giáo dục các em trở thành những người:


“- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.


- Học tập tốt, lao động tốt.


- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.


- Giữ gìn vệ sinh thật tốt.


- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.”


Nói chuyện tại hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc, Người căn dặn các cán bộ phụ trách thiếu nhi: “Công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng rất quan trọng, đó là nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho Tổ quốc”.


Chế độ cũ của thực dân và phong kiến để lại ít nhiều ảnh hưởng không tốt trong những đầu óc trẻ non. Vậy Hồ Chí Minh cho rằng phải dùng tinh thần và đạo đức mới để rửa gọt những ảnh hưởng ấy để trở thành công dân có sức khỏe và tiến bộ, để đưa nước nhà tiến kịp các nước tiên tiến trên toàn cầu. Nội dung giáo dục gồm có:


“- Thể dục: Để làm cho thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.


- Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.


- Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.


- Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công (5 cái yêu)”. (Tập 10, tr.175)


Các em cần rèn luyện cái đức tính thành thật và dũng cảm. Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ. Ở xã hội, thì tuỳ sức mình mà tham gia những việc có ích lợi chung.  Giáo dục thiếu nhi “phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra những người già sớm”; việc dạy chữ phải luôn đi đôi với việc dạy các em làm người; việc chăm sóc luôn phải đi đôi với việc bảo vệ thiếu nhi, giáo dục trong tổ chức Đội…


 

 

Ảnh tư liệu

 

Phương pháp giáo dục thiếu niên, nhi đồng

 

Thứ nhất, phải kết hợp các hình thức giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội


Xuất phát từ quan điểm: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Hồ Chí Minh cho rằng “trồng người” là sự nghiệp vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề, khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều lực lượng trong đó phải đặc biệt coi trọng sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội mới đạt kết quả tốt. Người viết: “Dạy trẻ như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì sau này cây nên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt và giáo dục trẻ là việc chung của các gia đình, trường học và xã hội.


Trong thư gửi các em học sinh ngày 24/10/1955, Người viết: “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”.


Nhà trường là thiết chế xã hội có chức năng chuyên trách về giáo dục, nơi thế hệ trẻ được học hỏi những kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật thông qua sự hướng dẫn của giáo viên và các công cụ như chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học và các tổ chức đoàn thể xã hội mà họ tham gia. Trong hoạt động giáo dục, giáo dục nhà trường giữ vai trò quan trọng đặc biệt, song theo Hồ Chí Minh, “giáo dục trong  nhà trường, chỉ là một phần, còn cÇn có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Bởi vậy các thầy cô giáo phải gần gũi dân chúng, phải biết sinh hoạt của nhân dân, phải yêu nhân dân, yêu học trò, gần gũi cha mẹ học trò mới có thể dạy được tốt. Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, kết quả giáo dục tùy thuộc rất nhiều vào sự tham gia tích cực, sự giúp đỡ thiết thực và sự giác ngộ về trách nhiệm đối với giáo dục của các ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như của cha mẹ học sinh và của các lực lượng xã hội. Tư tưởng ấy của Hồ Chí Minh đã được Đảng, nhân dân và ngành giáo dục – đào tạo vận dụng một cách sáng tạo thành phong trào xã hội hóa giáo dục đang phát triển khá sôi nổi và rộng khắp trên phạm vi cả nước.


Thứ hai, Hồ Chí Minh đề cao phương pháp nêu gương để làm tốt công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng.


Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải nêu gương bởi một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống và quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn giáo dục thiếu niên, nhi đồng vai trò, trách nhiệm nêu gương thuộc về đội ngũ cán bộ, đảng viên và các thế hệ cha, anh, những người đi trước. Theo Bác, thế hệ đi sau phải tiến bộ hơn thế hệ đi trước mới tốt, nếu thế hệ đi sau không bằng thế hệ đi trước, như thế là thụt lùi, là đáng phê bình, đó cũng là khuyết điểm của người lớn tuổi, thế hệ cha anh.Muốn hướng dẫn thiếu niên, nhi đồng thì cán bộ, đảng viên và các thế hệ cha, anh, những người đi trước phải “làm mực thước cho các em bắt chước”.


Thứ ba, phát huy vai trò của cán bộ phụ trách thiếu niên, nhi đồng.


Trong công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng, vai trò của cán bộ phụ trách là rất quan trọng, họ chính là người truyền cảm hứng cho thiếu niên, nhi đồng để các cháu vui tươi, vừa học, vừa chơi nhưng hiệu quả. Trong thư gửi cán bộ phụ trách nhi đồng, đăng trên báo cứu quốc, số 1427, ngày 22 – 12- 1949, Người định hướng một cách cụ thể: Cách dạy trẻ cần làm cho chúng biết yêu tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỉ luật, biết vệ sinh, học văn hóa, đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động của chúng. Cán bộ phụ trách cần đổi mới nội dung, hình thức hoạt động theo hướng phù hợp với tâm lý lứa tuổi, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Thực hiện phương châm "Học mà chơi, chơi mà học", cán bộ phụ trách hướng dẫn tổ chức nhiều hoạt động mang tính giáo dục cao, tạo ra các sân chơi bổ ích, tạo nên không khí vui chơi lành mạnh, kích thích sự phát triển năng khiếu, thể chất, trí tuệ, sự năng động sáng tạo của thiếu niên, nhi đồng.


Dù luôn bận bịu với bao công việc quốc gia đại sự nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian để chăm sóc thiếu niên, nhi đồng; dành tình thương yêu vô hạn cho thế hệ măng non của đất nước. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thiếu niên, nhi đồng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương giáo dục thiếu niên, nhi đồng và ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật bảo vệ các quyền trẻ em. Người đã đi xa, nhưng lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân ta học tập, làm theo với phương châm “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.


                                            
TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 4.


2.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 5.


3.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 10.


4.Bác Hồ Kính yêu, Nxb, Kim Đồng, Hà Nội, 1979, tr 152


 
 Tác giả: Võ Văn Ninh Giang - Võ Huỳnh Như Thuyên (Giảng viên trường Chính trị tỉnh)  

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49309339
Hôm nay: 4848
Đang online: 39
Về đầu trang