6/26/2020 12:00:00 AM GMT+7

Gia đình – Nơi hình thành nhân cách và giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ

TTBD - Gia đình là “tổ ấm”, là nơi tràn đầy tình yêu thương, là môi trường văn hóa đầu tiên, nơi mà mỗi người từ khi chào đời đến trưởng thành liên tục được tiếp nhận những tình cảm chân thành từ các thành viên. Có thể nói, văn hóa gia đình là giá trị cốt lõi của văn hóa xã hội, đó là khởi nguồn sinh ra con người, nơi nuôi dưỡng và hình thành nhân cách cá nhân.

Đặc biệt quan tâm vấn đề gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Từ xa xưa, truyền thống trong mỗi gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển, gắn kết một cách bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm huyết thống với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như: Kính trên nhường dưới, con cháu luôn lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; vợ chồng nghĩa nặng tình sâu, một lòng son sắt, thủy chung, cùng vun đắp xây dựng gia đình hạnh phúc; anh em luôn tôn trọng, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, truyền thống của gia đình hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, v.v.. Điều đó đã trở thành cái nôi, thành nền tảng hình thành, giáo dục và nuôi dưỡng nhân cách con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 

 

Tuyên dương gia đình trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2020 của Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức


Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của gia đình trong giáo dục thế hệ trẻ cần được đặc biệt chú trọng và quan tâm nhiều hơn nữa, bởi vì, trong xu hướng phát triển và hội nhập sâu rộng, đời sống của phần lớn các gia đình được nâng lên, việc giáo dục thế hệ trẻ có nhiều thuận lợi, được tiếp cận lối sống văn hóa, đạo đức của các nước ngày càng dễ hơn nhưng những giá trị truyền thống của gia đình, dân tộc cần phải gìn giữ và phát huy.


Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn, trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa để đề cao vai trò của gia đình trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là định hướng xây dựng gia đình hạnh phúc cho các gia đình trẻ như tổ chức “Họp mặt gia đình cán bộ Đoàn trẻ”, tổ chức cuộc thi “Ảnh đẹp Khoảnh khắc gia đình cán bộ Đoàn”, tổ chức tuyên truyền tư vấn sức khỏe, sinh sản, hôn nhân gia đình cho thanh niên công nhân. Thông qua các chương trình đã góp phần bồi đắp thêm sự yêu thương, quan tâm từ các thành viên trong gia đình, sự động viên, chia sẻ để cùng nhau nuôi dưỡng truyền thống gia đình ngày càng tốt đẹp hơn. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn cũng đã tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho con cái như tổ chức các sân chơi văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho thanh thiếu nhi, chương trình “Học kỳ quân đội”, Học kỳ Công an “Teen năng động – học điều hay”, các khóa trải nghiệm Học làm người có ích, học làm chiến sỹ phòng cháy chữa cháy, các buổi thực hành xã hội tuyên truyền tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo Việt Nam… đã giúp các bạn nhỏ tuổi có cơ hội được học tập, trải nghiệm, được tiếp cận, tiếp xúc với những việc làm chưa từng thực hiện khi sống cùng ông bà, cha mẹ. Thông qua các hoạt động, đã góp phần định hướng những hành vi lệch chuẩn, giáo dục nhân cách cho các bạn học sinh, sinh viên, các bạn thiếu niên, nhi đồng.

 


 

 

 

 

Hình hoạt động học kỳ trong quân đội


Ngày nay với những điều kiện thuận lợi, đa số thanh thiếu niên, nhi đồng đều có cơ hội vươn lên học tập, rèn luyện, tự khẳng định mình; hình thành lý tưởng sống cao đẹp sống trong sáng, vì mọi người, sống có ích cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trước tác động của xã hội, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực từ sự tác động của văn hóa phẩm xấu, độc xâm nhập từ bên ngoài vào đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục lý tưởng cách mạng của gia đình đối với thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, vẫn còn một số gia đình có quan điểm sai lầm khi cho rằng chỉ cần bảo đảm chăm lo đầy đủ điều kiện vật chất cho con em mình là đủ; ít dành thời gian quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cho con. Cùng với đó, hiện nay vẫn còn một bộ phận thanh thiếu niên có thiếu ước mơ, hoài bão, không quan tâm đến tình hình phát triển của đất nước, địa phương, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, vi phạm các các tệ nạn xã hội tội phạm và bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập của các sản phẩm, dịch vụ xấu, độc.

 

 

 

 

 

 

 

Hình gia đình cán bộ Đoàn


Trước thực trạng đó, cùng với việc nâng cao hiệu quả giáo dục của nhà trường, xã hội thì cần phát huy hơn nữa vai trò của gia đình trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ - người chủ nhân tương lai của đất nước. Để làm được điều này, các thành viên trong gia đình cần quan tâm, động viên nhau thực hiện một số nội dung biện pháp cơ bản như sau:


Một là, nêu cao tính gương mẫu, đi đầu của ông, bà, cha, mẹ, anh, chị đối với con em mình. Sự gương mẫu của những người lớn hơn trong gia đình là “minh chứng sống động nhất” trong giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, gương mẫu trong lao động, trong học tập, làm việc, trong công tác và trong đối nhân xử thế và các mối quan hệ xã hội khác.


Hai là, ông, bà, cha, mẹ phải thường xuyên hướng dẫn, chỉ dạy và phần nào nên đáp ứng các yêu cầu chính đáng của con, cháu. Thanh thiếu niên, nhi đồng hiện nay là những người linh hoạt, năng động, thích tìm tòi, khám phá và muốn thể hiện mình. Tuy nhiên, đó cũng là lứa tuổi chưa hoàn thiện nhân cách, bản lĩnh chưa vững vàng dễ bị lôi kéo, kích động, dễ bi quan, chán nản khi gặp khó khăn thử thách. Do vậy, để con em mình có nhận thức đúng đắn, có ước mơ, hoài bão, khát vọng, có lý tưởng sống cao đẹp, thì gia đình cần trang bị thêm các kỹ năng sống từ nhà trường, vận động con cái tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động Đoàn – Hội – Đội, tham gia sinh hoạt các CLB, Đội, Nhóm tại trường học, khu phố, ấp, tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước, đúng như Bác dạy “Tuổi nhỏ, làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.


Ba là, xây dựng và duy trì nề nếp, gia phong, tạo một bầu không khí hòa thuận, ấm áp trong gia đình. Nề nếp gia đình là một trong những giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi gia đình, có thể không ghi thành văn tự nhưng nó có vai trò to lớn trong duy trì trật tự thứ bậc, trên, dưới trong gia đình, cách ứng xử của các thành viên trong gia đình với nhau và với người ngoài, nếp duy trì thói quen sinh hoạt mỗi ngày của các thành viên trong gia đình, sự gần gũi, quan tâm, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau trong học tập trong công tác cũng như trong lợi khó khăn. Mỗi người cần ý thức và thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của mình đối với các thành viên khác trong gia đình, con cháu phải tôn trọng ông bà, cha mẹ và ngược lại, cha mẹ cũng phải bình đẳng, tôn trọng, lẫn nhau. Mỗi thành viên trong gia đình đều có quyền nói lên tiếng nói của mình, nói lên những tâm tư, tình cảm của cá nhân đều được lắng nghe, chia sẻ đảm bảo cho không khí gia đình luôn cởi mở, hòa thuận và tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.


Bốn là, khuyến khích những việc làm tốt, biết chia sẻ, động viên những thành tích nổi bật và kịp thời uốn nắn những hành vi lệch chuẩn của con cái. Sự tiến bộ, trưởng thành của con cái là niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi gia đình, vì vậy, cần trân trọng và động viên những thành quả mà các con đã nỗ lực cố gắng đạt được cho dù thành quả nó không cao, không nhiều so với những người khác nhưng mà điều này thành quả mà con cố gắng hết sức để đạt được, việc thể hiện tình cảm này có thể bằng nhiều nhiều hình thức như: là bằng lời nói khích lệ tinh thần, một chuyến đi chơi hoặc tặng con một món quà yêu thích. Đồng thời, ông, bà, cha, mẹ cũng kịp thời phát hiện và chỉ ra cho con mình những nhận thức hành vi lệch chuẩn không phù hợp với nề nếp gia phong, không phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, những việc làm không được pháp luật cho phép,… để con ý thức và không tái phạm, tích cực bồi đắp ước mơ trong sáng và lý tưởng cao đẹp cho con.

 

Trong giai đoạn phát triển như hiện nay, gia đình lại càng có vai trò quan trọng trong giáo dục nhân cách nói chung và giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ nói riêng. Mỗi gia đình cần nhận thức sâu sắc và duy trì những truyền thống tốt đẹp của gia đình, luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau để giữ gìn hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình văn hóa: no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

 

NguyễnThanh Thảo - UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Bình Dương (NC)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54856226
Hôm nay: 14202
Đang online: 85
Về đầu trang