(TG) - Không chỉ để lại một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc, Hồ Chủ tịch còn để lại một di sản tinh thần vô giá là tư tưởng, đạo đức, phong cách của bậc vĩ nhân. Thực hiện chỉ dẫn của Người, rằng “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1), học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là một giải pháp quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và rộng hơn là xây dựng con người Việt Nam.
VIỆC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH PHẢI TRỞ THÀNH NHU CẦU VĂN HÓA TỰ THÂN
Cùng với tiến trình đổi mới, Đảng nhận thức ngày càng đầy đủ về nội dung và giá trị của di sản Hồ Chí Minh. Việc chuyển từ “vận động” sang “đẩy mạnh” việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chuyển từ học tập đạo đức Hồ Chí Minh sang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ điều đó. Sự cần thiết, nhất thiết phải làm cho việc này trở thành nhu cầu văn hóa tự thân xuất phát từ các lý do sau.
Thứ nhất, chỉ những gì thuộc về văn hóa, mang đặc tính, giá trị của văn hóa mới có khả năng tồn tại và phát triển.
Nói về giá trị soi chiếu, dẫn dắt của văn hóa, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hồ Chủ tịch đã nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”(2). Bản thân Hồ Chủ tịch là một hiện tượng văn hóa độc đáo và chính Người đã kiến tạo nền văn hóa mới, nền đạo đức mới - “nền đạo đức trong sáng, một nền đạo đức cao quý mà không có nó thì mọi cuộc cách mạng đều sẽ không thành”(3). Vì thế, hãy để văn hóa Hồ Chí Minh soi đường cho Đảng và dân tộc ta đi với điều kiện là mỗi con người Việt Nam phải tự giác “mở lòng” để đón nhận ánh sáng đó.
Thứ hai, hành động của con người sẽ trở nên tự giác, bền bỉ nếu xuất phát từ nhu cầu tự thân.
Hồ Chí Minh từng nói về cách thức tuyên truyền: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm”(4). “Duy lợi” và “hướng thiện” là đặc tính con người. Bản thân cán bộ và nhân dân cũng mưu cầu sự thành đạt, hạnh phúc, có được sự tôn trọng của xã hội, sự tin cậy của tập thể, vươn tới sự hoàn thiện về nhân cách; bản thân Đảng muốn xây dựng đội ngũ cán bộ, con người Việt Nam mạnh từ “gốc”. Cái “gốc” đó chính là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - sự kết tinh của các giá trị văn hóa - đạo đức. Khi mỗi cá nhân và tập thể thấu hiểu rằng, sự nỗ lực học và làm theo Bác sẽ giúp họ đạt các mục đích đó thì họ sẽ kiên trì, tự giác học tập và nỗ lực biến nhận thức, tình cảm thành hành vi, phẩm hạnh, lối sống theo hình mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ ba, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành nhu cầu văn hóa tự thân sẽ góp phần tạo dựng văn hóa Đảng, qua đó chấn hưng văn hóa dân tộc.
Khi Hồ Chí Minh viết “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” là Người muốn khẳng định đặc tính đạo đức và văn hóa của Đảng. Người cũng cho rằng, văn hóa không thể đứng ngoài mà “phải ở trong kinh tế và chính trị”(5) mà Đảng là một tổ chức chính trị, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, tất yếu Đảng phải trở thành biểu tượng của văn hóa với tầm cao trí tuệ và đạo đức. Kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh, xây dựng văn hóa trong Đảng đã từng bước được Đảng đề cập. Đại hội XIII nhấn mạnh phải “xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí”(6) trong cán bộ đảng viên, công chức, viên chức. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói rõ yêu cầu “đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, nhu cầu văn hóa tinh thần trong Đảng, tạo dấu ấn rõ rệt về xây dựng văn hóa Đảng, để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh””(7). “Lấy cái đẹp để dẹp cái xấu, lấy ánh sáng để đẩy lùi bóng tối” là quy luật của phát triển nên thúc đẩy cán bộ, đảng viên học tập và làm theo văn hóa Hồ Chí Minh để góp phần xây dựng văn hóa Đảng là hướng đi đúng đắn. Do vai trò tiên phong và lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với dân tộc, việc chấn hưng đạo đức trong Đảng và xây dựng văn hóa Đảng sẽ là tiền đề để chấn hưng đạo đức và văn hóa dân tộc.
Thứ tư, đưa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành nhu cầu văn hóa tự thân của mỗi người sẽ khắc phục được các hạn chế trong thực thi nhiệm vụ này.
Tính từ khi chỉ thị 06-CT/TW (năm 2006) về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ra đời, đến nay, việc học tập và làm theo Bác đã diễn ra gần 2 thập kỷ và từng bước đi vào nền nếp, trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức Đảng. Đảng đã nhận thức rõ về mối quan hệ biện chứng giữa “học tập”, “làm theo” và “nêu gương”. Dù vậy, việc học tập và làm theo Bác vẫn tồn tại không ít hạn chế. Vì thế, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành nhu cầu văn hóa tự thân sẽ góp phần khắc phục các điểm hạn chế, đưa việc học tập, làm theo Bác đi vào thực chất, hiệu quả.
Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu các dân tộc Hà Giang (15.11.1965). Ảnh: TƯ LIỆU
NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (tháng 10/2021), Đảng ta xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, của hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên; học tập và “làm theo” Bác bằng những hành động cụ thể, hằng ngày, bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tạo sự lan tỏa tích cực trong Đảng và toàn xã hội”(8). Quyết tâm sẽ tìm ra giải pháp và hệ thống giải pháp đúng đắn sẽ nuôi dưỡng tính tự giác để việc học tập, làm theo và noi gương Bác của mỗi người, mỗi tổ chức đạt kết quả tốt.
Một là, phải có những nhận thức đúng đắn về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đúc kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người “cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp”; ai cũng có thể học ở Người điều nào đó “vì những điều Hồ Chí Minh dạy chúng ta đã có sẵn trong tâm hồn, trong tri óc”(9). Cũng phải nhận thức rõ: Di sản tinh thần Hồ Chí Minh bao gồm Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách nên cần học tập và làm theo Người trong một chính thể thống nhất để tạo nên nhân cách toàn diện của người cán bộ, đảng viên.
Cũng cần xác định rõ: Học Hồ Chí Minh không phải là “bắt chước” hành vi Hồ Chí Minh hay “rập khuôn” lời nói của Người mà là học tinh thần Hồ Chí Minh, học động cơ vì dân, vì nước và phương pháp khoa học của Người. Học Hồ Chí Minh để trở thành “phiên bản” tốt nhất của chính mình và có một cuộc đời hữu ích cho dân, cho nước.
Đại úy Vũ Văn Cường thay mặt các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 báo công với Bác. Ảnh: TTXVN
Mặt khác, muốn học tập, làm theo và noi gương Bác thì mỗi người phải thấm thía một điều: Đây là một quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu suốt đời, không ngừng nghỉ như “rửa mặt hàng ngày”.
Cũng phải ý thức sâu sắc rằng, học tập Bác, làm theo Bác và noi gương Bác là một chỉnh thể không thể tách rời. Ở đó, “học tập” là tiền đề, là điều kiện; “làm theo” là thực hành các điều đã học, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, tự hoàn thiện; “nêu gương” là tiên phong, gương mẫu về mọi mặt để đạt kết quả với sự định lượng, định tính rõ ràng, thuyết phục. Bỏ qua hoặc làm không tốt bất cứ “khâu” nào trong đó đều làm cho việc thực hiện việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác giảm tác dụng.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các tấm gương điển hình làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng sự đa dạng, sáng tạo trong cách thức.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống chính trị thông qua việc lựa chọn các chuyên đề học tập hằng năm mang tính thiết thực. Tiếp tục cải tiến chương trình và đưa môn học “Tư tưởng Hồ Chí Minh” vào mọi cấp học với hình thức phù hợp, có tính liên thông bởi thế hệ trẻ là tương lai của dân tộc và phải “uốn cây từ lúc còn non”. Nghiên cứu và xuất bản “Sách bỏ túi” có dung lượng nhỏ, được diễn đạt bằng ngôn từ dễ hiểu về các nội dung căn cốt trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để cán bộ và nhân dân, ở trình độ văn hóa nào cũng có thể ngấm dần, từng bước làm theo và hiểu mình đã làm theo Bác ở điểm nào.
Khi công nghệ thông tin đang có bước phát triển vượt bậc, văn hóa nghe - nhìn lấn át văn hóa đọc, cần dựa trên các nền tảng công nghệ để truyền bá sâu rộng cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò của văn hóa nghệ thuật trong công tác tuyên truyền, giáo dục di sản Hồ Chí Minh vì “không hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”(10). Chú trọng xây dựng và phát huy hiệu quả không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong cả nước. Tuy nhiên, mọi hình thức tuyên truyền, giáo dục phải đảm bảo tính chân thực. Việc tuyên truyền, cổ vũ các tấm gương điển hình làm theo lời Bác cũng rất quan trọng vì qua đó, cán bộ và nhân dân hiểu rằng, bất kể ai, chỉ cần có quyết tâm là có thể học và làm theo Bác. Điều quan trọng nhất, đó phải là các tấm gương thật sự tiêu biểu, có giá trị thật, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội.
Ba là, nêu cao vai trò của cấp ủy, chi bộ và cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho phù hợp với từng cá nhân.
Đây là giải pháp đóng vai trò quyết định trực tiếp đến kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vì mọi khâu trong công tác tổ chức đều do cấp ủy quyết định: Từ xây dựng nội dung chuyên đề đến lựa chọn báo cáo viên, từ xác định hình thức học tập đến đánh giá kết quả học tập… Cấp ủy có trách nhiệm đưa nội dung học tập vào chế độ sinh hoạt theo kế hoạch hằng tháng, hằng quý, hằng năm. Sau khi học tập, mỗi cán bộ, đảng viên phải đăng ký nội dung học tập và chi bộ là nơi tiếp nhận bản đăng ký, đánh giá kết quả học tập và làm theo.
Thành công của việc học tập và làm theo còn phụ thuộc vào năng lực cụ thể hóa các nội dung cần học tập sao cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị mà tổ chức Đảng và từng đảng viên đang đảm trách. Trên cơ sở nội dung học tập, tiến hành xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng cơ quan, đơn vị với phương châm sát chức năng, nhiệm vụ và ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Bốn là, phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và vai trò tiên phong của người đứng đầu trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nếu mỗi cán bộ, đảng viên thực sự quyết tâm thì việc học tập và làm theo Bác chắc chắn đạt kết quả tốt vì đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói, “mỗi người đều có thể tìm thấy ở cuộc chiến đấu và cuộc sống của Hồ Chủ tịch những điều mà mình mong mỏi, những giá trị tinh thần mà mình thiết tha, những mục tiêu mà mình khát khao vươn tới”(11). Ngược lại, cấp ủy có chuẩn bị chu đáo bao nhiêu nhưng bản thân mỗi người không nêu cao tinh thần tự giác, chủ động quán triệt, tự học tập, tự làm theo Bác trong từng công việc cụ thể hằng ngày thì kết quả vẫn thất bại. Quá trình “luyện vàng” theo tấm gương toàn vẹn của Hồ Chủ tịch chỉ thành công nếu mỗi con người thường xuyên “tự răn”, “tự soi”, “tự sửa”.
Dẫu việc học tập và làm theo Bác là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân nhưng vai trò tiên phong thuộc về người đứng đầu vì “nêu gương” là một công cụ và thuộc tính của lãnh đạo. Chỉ thị 05- CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng đã đề ra nguyên tắc thực hiện là “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”. Cụ thể, đối với việc học tập các chuyên đề hằng năm, đơn vị nào mà người đứng đầu nghiêm túc lắng nghe thì không khí học tập rất trang nghiêm và ngược lại. Sau khi học tập chuyên đề, lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thể hiện sự tiên phong trong thực hiện 7 dám - “dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Họ cũng phải nêu gương trên cả 3 mối quan hệ là với mình, với người, với việc và có trách nhiệm “tề gia” cho tốt để các thành viên gia đình, họ hàng không lợi dụng danh tiếng của họ vào việc làm tiêu cực.
Năm là, giám sát, tổng kết việc học tập, làm theo và làm tốt công tác khen thưởng, kỷ luật.
Kiểm tra, giám sát là một phương thức lãnh đạo của Đảng; nếu không làm tốt công tác này thì triển khai việc học tập và làm theo Bác dễ rơi vào tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”, “đầu voi, đuôi chuột”, “trên nóng, dưới lạnh”, thậm chí không triển khai thực hiện. Vì thế, cấp trên sau khi đưa ra nội dung học tập hằng năm thì phải giám sát cấp dưới, tổ chức Đảng phải giám sát đảng viên trong thực hiện tất cả các “khâu” như tổ chức học tập chuyên đề, thảo luận ở chi bộ, đăng ký nội dung học tập, đánh giá kết quả học tập và phải coi kết quả học tập là một tiêu chí quan trọng để bình xét, cất nhắc cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không cứng nhắc và nặng về hành chính hóa để tránh tình trạng đối phó, phô trương, không thực chất.
Phải làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng và kỷ luật những đơn vị, cá nhân chưa hiệu quả việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII. Điều quan trọng nhất trong “khâu” này phải hết sức phòng tránh việc bình xét qua loa, thành tích thi đua mặc nhiên thuộc về các lãnh đạo hoặc “quay vòng” danh hiệu, cào bằng thành tích.
Sáu là, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cần chủ động, tích cực bóc trần các luận điệu sai trái của kẻ thù để để cán bộ, nhân dân không bị “rối nhiễu thông tin”, vững tâm kiên định tu dưỡng theo tấm gương của Bác.
*
Đi xa hơn nửa thế kỷ nhưng “Hồ Chí Minh không còn với chúng ta theo nghĩa vật chất. Nhưng Người rất gắn bó với chúng ta về mặt đạo lý, tinh thần”(12). Di sản Hồ Chí Minh là trữ lượng tinh thần vô giá. Do đó, đẩy mạnh việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là giải pháp hữu hiệu để “tự bảo vệ”, “tự làm sạch” của mỗi cá nhân và tổ chức Đảng./.
PGS. TS. GVCC. TRẦN THỊ MINH TUYẾT
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
TS. PHẠM THỊ LAN
Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
----------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.1, tr.284.
(2) Báo Cứu quốc, số 416, ngày 25/11/1946.
(3) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, H, 1971, t.3, tr.90.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.286.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.246.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.194.
(7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.336.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.93 - 94.
(9) (11) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2012, tr.49, 96.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H, 1987, tr.129-130.
(12) Hội thảo Quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1990, tr.158-159.