1/5/2021 12:00:00 AM GMT+7

Cán bộ Đoàn với ký ức Trường Sa

TTBD - Hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3), ngồi ôn lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, tôi càng thấy thật tự hào mình là cán bộ đoàn đã cho tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Càng tự hào hơn trong gia đình mình có thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, cùng thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết của Đoàn. Mong muốn của các thế hệ cán bộ đoàn Sông Bé – Bình Dương – Bình Phước gửi gắm thế hệ trẻ hôm nay hãy phát huy truyền thống của Đoàn, xung kích đi đầu trong trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật; sáng tạo khởi nghiệp trong việc phát triển kinh tế; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa.

 

Trong cuộc đời của mỗi con người có nhiều chuyến đi xa và để lại nhiều ấn tượng khó quên. Với tôi cũng vậy, chuyến đi Trường Sa năm ấy đã để lại trong tôi những ký ức không thể nào quên. Một hành trình hàng trăm hải lý, một trải nghiệm đầy ý nghĩa để có sự hiểu biết về biển đảo bằng trực giác, bằng cảm nhận thực tế và bằng cả những tình cảm thiêng liêng nhất.


… Xuất phát đúng 19 giờ tối 13-4-1996, đoàn chúng tôi lên tàu Biển Đông 82 thuộc lữ đoàn 126 Hải quân. Chiếc tàu có tải trọng 1200 tấn chuyên chở hàng tiếp phẩm cho hải đảo, trông lừng lững như một nhà hàng nổi trong vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Lần đầu tiên được đi tàu thủy mà lại vượt đại dương mênh mông, trong mỗi chúng tôi hầu như ai cũng có cảm giác vừa thích thú nhưng cũng vừa lo ngại bởi được nghe nhiều người nói về sóng gió và khó khăn nơi biển cả mênh mỏng. Ba hồi còi vang lên sau những cái bắt tay vội vã tạm biệt đất liền, con tàu rời bến. Đi trong vịnh Cam Ranh ban đêm, nhìn những con thuyền đánh cá và câu mực thấp thoáng ánh đèn, chúng tôi có cảm giác như đi trên một dòng sông đầy thơ mộng. Khoảng gần 30 phút sau, bỗng nhiên con tàu lắc mạnh, thủy thủ đoàn thông báo tàu đã ra biển nước sâu, chúng tôi rời boong xuống khoang tàu. Lúc này đã có hiện tượng người nao nao khó chịu. Thế rồi sau một hồi con tàu lắc qua, lắc lại để rẽ sóng ra khơi thì gần như mọi người trên tàu đều cảm thấy nôn nao thật sự, thậm chí một số người không chịu được đã nôn thốc nôn tháo. Các thủy thủ trên tàu trấn an và động viên mọi người, đó là hiện tương tự nhiên khi mới rời đất liền ra biển.

 

 

 

 

 

Ảnh lưu niệm được cung cấp bởi tác giả

 

RA ĐẢO

 

Từ vịnh Cam Ranh đến đảo Trường Sa lớn thuộc quần đảo Trường Sa hơn 250 hải lý (hải lý = 1.852 m2). Bình thường tàu chạy hết khoảng hơn 36 giờ đồng hồ. Hôm chúng tôi đi biển tương đối lặng, gió cấp 2,3. Những lúc đỡ mệt, chúng tôi lại lên boong tàu ngắm trời, ngắm biển và xem từng đàn hải âu đang sải cánh giữa biển khơi. Ôi! Cá heo kìa! Một ai đó trong đoàn reo lên, thế là tất cả chúng tôi cũng đổ xô ra thành tàu xem từng đàn cá heo, mỗi con nặng khoảng hơn vài tạ đang biểu diễn “xiếc” nhào lộn rất đẹp mắt trong làn nước biển xanh ngắt. Một thủy thủ trong đoàn buột miệng “sắp có bão rồi”! Thì ra những con cá heo hiền lành lại là “hàn thử biểu” của dân đi biển. Nếu cá heo bơi song song với tàu là biển lặng và cá heo nhảy lên ngược với tàu là biển động. Qủa đúng như vậy, đêm hôm đó radio thông báo có gió mùa đông bắc. Gió từ từ nổi lên, biển bắt đầu chuyển động, tốc độ tàu hơi chậm lại, người lắc lư theo con tàu đi. Tuy vậy, 7 giờ sáng hôm sau 15-4 tàu cũng neo được tại cầu cảng Trường Sa.


Đảo Trường Sa lớn, hòn đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa được coi là thủ phủ của đảo ở giữa lòng biển Đông. Từ trên khoang tàu nhìn vào đảo lớn giữa ngàn trùng biển khơi, như thấy bóng hình Tổ quốc trong con tim của mỗi người. Chúng tôi xuống xuồng vào đảo đã thấy cán bộ chiến sĩ trên đứng đầy ở bến để chào đón chúng tôi. Những cái xiết tay thật chặt, ôm hôn thắm thiết của lính đảo dành cho những người từ đất liền ra thăm, những giọt nước mắt vui mừng, cảm động dành cho nhau thật ấm áp tình người. Vừa đặt chân lên đảo, chúng tôi đến ngay cột mốc chủ quyền mà trên đó gắn cờ và Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam để cảm nhận giây phút hạnh phúc, lần đầu tiên được đặt chân lên phần lãnh thổ xa xôi này của Tổ quốc mà mắt rưng rưng, lòng bồi hồi xúc động vì thấy quá đổi thiêng liêng và tự hào !

 

 

Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp


Ngày hôm đó, chúng tôi được ở lại đảo, đi thăm anh em cán bộ chiến sĩ. Những người lính Trường Sa da sạm vì nắng gió, cuộc sống còn nhiều gian khổ, nhưng các anh vẫn vững vàn như cây phong ba trước bão táp trên đảo Trường Sa. Đến thăm lán trại nào chúng tôi cũng được đón tiếp như những người thân yêu ruột thịt. Các loại huy hiệu, sách báo và kể cả phim, ảnh mang bao nhiêu ra đảo cũng cảm thấy không đủ. Bởi ở nơi đầu sóng ngọn gió này, chung quanh chỉ có trời và biển thì nhu cầu tình cảm của anh em cán bộ chiến sĩ cần đến nhường nào!

 

 

Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp


Trong đoàn chúng tôi có tất cả 4 nữ, đa số còn trẻ và chưa có gia đình riêng. E lệ nhỏ nhắn như My Hoàn, phóng viên báo Mực Tím vậy mà chỉ ít phút sau đã hòa nhập vào cùng với các chiến sĩ trẻ. Hoặc mệt lả vì say sóng, lên đảo phải có người dìu như Mỹ Hằng- ca sĩ của Hội quán sinh viên thuộc Thành đoàn Tp.Hồ Chí Minh, vừa lên đảo thấy không khí sôi nổi, thân tình đã sáng tác ngay một bài hát “Nhớ đảo xa". Và rồi để tặng lính đảo, cô nàng vừa đàn vừa hát một cách say sưa làm các chàng lính đảo cứ là mê tít. Nhóm chúng tôi cũng hòa nhịp vừa đàn hát, sinh hoạt cộng đồng cùng lính đảo rất khí thế vui vẻ. Hồi còi hiệu lệnh, chúng tôi cùng chụp hình chung rồi lại vội vã rời đảo xuống tàu trong niềm tiếc nuối, bịn rịn vì không được phép ngủ lại đảo.

 

TÌNH LÍNH ĐẢO


Trong cuộc hành trình “Gần lại với Trường Sa” năm 1996 do TW Đoàn tổ chức, chúng tôi được đi thăm 6 đảo và 4 điểm thuộc quần đảo Trường Sa. Ở đâu chúng tôi cũng được cán bộ và chiến sĩ dành cho những tình cảm thân tình thắm thiết. Sau nhiều lần đề nghị, đoàn cán bộ TW Đoàn TNCS đã được đoàn công tác Trường Sa của Bộ Quốc phòng đồng ý cho lên thăm đảo Trường Sa Đông (đơn vị kết nghĩa với TW Đoàn TNCS) và được ngủ lại đêm trên đảo. Nguyên một ngày và đêm hôm đó, chúng tôi đã được cùng sống với nhịp sống của lính đảo, cùng chia sẻ những giọt nước ngọt với lính đảo. Được biết cán bộ chiến sĩ trên đảo bình quân mỗi người dùng 8 lít nước/ ngày, nhưng cũng có đảo chỉ được 3 lít/ người/ngày. Do đó, nước rửa mặt tích lại để rửa rau, vo gạo nước biển, dội lại nước ngọt để tráng và lấy nước tráng này rửa rau, sau đó mới dùng tưới rau. Những cọng rau quý hiếm ở đảo được các chiến sĩ chăm sóc, nâng niu vì trồng được ở đảo cũng rất khó khăn. Từ việc chở đất, hạt giống chủ yếu rau sam, rau muống và vật liệu che chắn mang từ đất liền ra đảo, lính ta dựng lên 1 giàn, đổ đất trồng rau như chậu cảnh, có che chắn cẩn thận, thế mà những cọng rau vẫn cứ èo uột vì nắng và gió biển. Thèm rau, nhiều khi anh em ăn cả rễ mà vẫn thấy ngon.


Đêm hôm đó, được ngủ lại đảo chúng tôi tận dụng những giờ phút hiếm hoi để tranh thủ vui chơi, giao lưu sinh hoạt cùng các chiến sĩ. Một CLB mini “hát cùng với lính đảo" được thành lập ngay tức khắc với những bài ca điệu múa, những trò chơi sinh hoạt thật vui vẻ. Đặc biệt tiểu phẩm hài “Hoa hậu Trường Sa" do nhóm chúng tôi thực hiện đã đem đến những tràng cười thoải mái, gây ấn tượng khó quên trong lòng mỗi cán bộ chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông ở nơi xa xôi này, làm ấm lòng các chiến sĩ trên quần đảo Truờng Sa.. Người lính Trường Sa cần tình cảm của con người hơn cả rau ăn, nước uống. Anh em rất mong có tàu từ đất liền ra để mang những cánh thư đến với đảo. Tàu ra. anh em chiến sĩ vui như tết, vui nhất là lúc nhận được thư nhà. Có anh còn hét toáng lên “Mẹ ơi! con nhận được thư rồi” hoặc “người yêu ơi! anh hạnh phúc quá ” và rồi còn san sẻ đọc thư chung. Trong chuyến đi này, với tinh thần “ Vì Trường Sa thân yêu “ các đoàn đều chuẩn bị quà tặng. 15 thành viên của TW Đoàn gồm các tỉnh, thành đoàn Đồng Nai, Sông Bé, Phú Yên và TP. Hồ Chí Minh thăm tặng quà với số tiền hiện vật trị giá hơn 160 triệu đồng. Những món quà của Tuổi trẻ Sông Bé (tivi, cassette, đàn ghi ta...) tặng cán bộ chiến sĩ đảo chìm Đá Tây, được anh em trân trọng và phấn khởi làm chúng tôi cảm thấy ấm lòng như gần lại với Trường Sa hơn. Có đi mới thấy hết sự khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ đảo. Những chiến sĩ - đoàn viên thanh niên còn trẻ măng của gần 40 tỉnh thành đang có mặt trên quần đảo Trường Sa, luôn khắc phục khó khăn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu “còn người còn đảo” để giữ gìn vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “ Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có đồi, có biển, bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn”...Chúng tôi chợt nhớ sự kiện cuộc chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 và lời của Thiếu úy Trần Văn Phương, người dẫn đầu một đoàn tiến vào đảo Gạc Ma cắm cờ để khẳng định chủ quyền Việt Nam “ Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”! Lòng chúng tôi bỗng thấy dâng lên một niềm cảm xúc thiêng liêng, đầy tự hào về sự hy sinh dũng cảm của các thế hệ chiến sĩ Hải quân Việt Nam luôn chắc tay súng bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc.

 

 

 

Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp


Sau 20 ngày lênh đênh trên biển, đoàn chúng tôi được đi thăm chiến sĩ các đảo chìm, đảo nổi và Nhà giàn DK1 thuộc Quần đảo Trường Sa. Những tình cảm thân thiết và sự đồng cảm sâu sắc của tuổi trẻ cả nước với các chiến sĩ quần đảo Trường Sa như nhắc nhở chúng ta hãy “ Gần lại với Trường Sa” trong phong trào “Tuổi trẻ giữ nước” của TW Đoàn phát động, cùng với những việc làm cụ thể như thăm hỏi, tặng quà, viết thư, kết bạn, tài trợ học bổng, giới thiệu và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, nhất là với những chiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ tại quần đảo Trường Sa từ những năm 1996. Đã làm dấy lên tinh thần yêu nước của tuổi trẻ, tất cả vì Trường Sa thân yêu.

 

 

Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp


Ngày chúng tôi rời Quần đảo Trường Sa về đất liền là một ngày giông bão. Biển động dữ dội, tàu va vào đá ngầm và gặp sự cố, cả đoàn bị một phen thót tim. Nhưng nhờ sự quả cảm của các thủy thủ và sự chỉ huy tài tình của các sĩ quan của Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng có mặt trên tàu, cuối cùng chúng tôi cũng cập cảng an toàn trong niềm vui chiến thắng.


Thật may mắn cho đoàn công tác Trường Sa chúng tôi, sau khi về đất liền, chúng tôi được mời dự Lễ kỷ niệm 30 năm Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 đóng tại Khánh Hòa. Gặp cán bộ, chiến sĩ Hải quân qua các thời kỳ về họp mặt truyền thống, được nghe các anh kể chuyện về những chiến công hiển hách của lực lượng Hải quân và đặc công thủy qua các cuộc chiến của đất nước chúng tôi lại càng thấy yêu quý và ngưỡng mộ hơn những người lính đảo. Một điều thú vị đặc biệt là được gặp đồng đội cũ của chồng tôi, là những chiến sĩ đặc công thủy của Đoàn 126 Hải quân năm xưa. Khi biết tôi là Cán bộ đoàn lại là “con dâu” của Đoàn 126 thì tình cảm được xích lại gần nhau hơn và được nhân lên gấp bội, thật đáng tự hào. Tôi thầm ước ao có một ngày nào đó sẽ cùng con trai được trở lại thăm đảo Trường Sa, để cảm nhận sự sống và thay đổi của Đảo Trường Sa hôm nay. Đồng thời cũng để để cho thế hệ trẻ ngày nay cảm nhận một cách sâu sắc về sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh, đã và đang giữ từng tấc đất biên cương, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

 

Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp


Hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3), ngồi ôn lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, tôi càng thấy thật tự hào mình là cán bộ đoàn. Chính những năm tháng hoạt động, tham gia phong trào thanh niên, tổ chức ĐoànThanh niên đã cho tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Và càng tự hào hơn khi trong gia đình mình có thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, cùng thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết của Đoàn.


Những ký ức của một thời tuổi trẻ sôi nổi ào về như những cơn sóng mạnh mẻ, oai hùng của Trường Sa. Với tâm huyết của người cựu cán bộ Đoàn, tôi mong muốn các thế hệ đoàn viên, cán bộ đoàn Sông Bé – Bình Dương – Bình Phước và tuổi trẻ cả nước hãy phát huy truyền thống của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, xung kích đi đầu trong trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật; sáng tạo khởi nghiệp trong việc phát triển kinh tế; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc . Trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, tổ chức Đoàn tiếp tục đồng hành với tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần tiên phong, bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo, cùng phát triển, tạo nên những bước đột phá, góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp về lớp thanh niên thời kỳ mới; xứng đáng với sự kỳ vọng, niềm tin sâu sắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với thế hệ tương lai của đất nước.

 

Bút ký của: Nguyễn Thị Minh Nghĩa - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước (TL)

 


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49304544
Hôm nay: 53
Đang online: 67
Về đầu trang