4/22/2019 12:00:00 AM GMT+7

Bàn về “Bệnh lười đọc sách” của thanh niên hiện nay

TTBD - Xã hội ngày càng phát triển kéo theo sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thế giới âm thanh và hình ảnh tràn ngập thông qua các phương tiện nghe nhìn, trong đó một số chức năng của việc đọc đã được màn hình hóa và thùng loa đảm nhận. Thời gian đọc sách của độc giả đang bị co hẹp lại, dù chỉ là tương đối. Tuy nhiên, điều quan trọng là sách vẫn có những lợi ích và tính năng không thể thay thế được bằng các phương tiện nghe nhìn và chúng ta cần tạo ra một nhận thức rộng rãi trong xã hội về sách và thư viện như một bộ phận hữu cơ của hệ thống thông tin và giao lưu xã hội.

Sách là nguồn tri thức, là kết tinh tất cả những học thuyết có giá trị nhất, sách ghi lại toàn bộ lịch sử loài người. Sách là người thầy, là di huấn của người đời trước để lại cho người đời sau. Sách không chỉ ghi lại quá khứ, phản ánh hiện tại mà còn là cương lĩnh của tương lai. Nhờ có sách mà con người đã tiếp thu được tất cả tri thức của nhân loại được tích luỹ trong suốt quá trình lịch sử lâu dài. Đọc sách không đem lại sự thành công nhưng thực tế đã chứng minh rằng những người thành công đều rất thích và chú trọng đến việc đọc sách. Điều đó phần nào cho thấy, đọc sách có góp phần vào sự thành công của mỗi người. Đọc sách đem đến cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ những lợi ích vô cùng quan trọng mà các phương tiện nghe nhìn khác không thể đáp ứng cho người thưởng thức. Tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp thu kiến thức mà đọc sách còn là một biện pháp để hoàn thiện tâm hồn, nhân cách của con người. Bên cạnh việc đọc sách để tiếp thu tri thức, việc đọc sách đôi khi còn rèn luyện những kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích mà đôi khi bạn không nhận ra. Chẳng hạn như:


- Đọc sách giúp tăng cường khả năng giao tiếp: Giao tiếp là một trong những kĩ năng vô cùng quan trọng, thông qua giao tiếp những thông điệp của bạn sẽ được truyền tải đến người nghe một cách dễ dàng. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể tự tin đứng trước đám đông để thể hiện mình. Sự thiếu tự tin vào bản thân xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ít tiếp xúc với mọi người xung quanh, tâm lí tự ti và không thực sự tự tin về vốn kiến thức đang sở hữu. Đọc sách nhiều, bạn sẽ biết trình bày vấn đề một cách khoa học, theo trình tự logic nhất định. Nhờ vậy, bạn sẽ tinh tế hơn khi cảm nhận, phán đoán những cảm xúc, thái độ của người khác. Hình thành những phản xạ và sự nhạy cảm, linh hoạt cần thiết để xử lý vấn đề trong giao tiếp.


- Đọc sách giúp rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo. Sách được viết bằng hệ thống ngôn ngữ, cụ thể là các chữ viết được nối kết liên tục với nhau tạo thành câu, dòng, đoạn, bài… Từ ngữ được dùng luôn có nghĩa, và nét nghĩa đó lại được quy chiếu vào các sự vật tương ứng trong cuộc sống. Quá trình đọc sách thực chất cũng là một quá trình quan sát các sự vật và hiện tượng trong cuộc sống thực mà chữ viết được quy ước tượng trưng thông qua quá trình tưởng tượng, liên tưởng.


- Đọc sách giúp rèn luyện năng lực ngôn ngữ. Việc đọc sách là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bạn khắc phục những sai sót trong việc sử dụng ngôn ngữ. Đọc một quyển sách hay, bạn biết được cách sử dụng từ ngữ của tác giả với những câu có đầy đủ thành phần chủ ngữ và vị ngữ. Từ đó, bạn hình thành cho mình thói quen sử dụng từ khéo léo, đúng ngữ pháp mà không phải sợ sai trong dùng từ.


- Đọc sách sẽ là việc vô cùng quan trọng nếu muốn có được kiến thức. Sách là kho tàng tri thức mà người trước để lại cho người sau. Tất cả những kinh nghiệm trong đời sống được đúc kết và lưu giữ trong sách. Chính vì vậy, đọc sách giúp bạn có được kiến thức chính xác nhất về vẫn đề đang tìm hiểu. Tất cả những gì bạn đọc sẽ lấp đầy tâm trí bạn với những thông tin mới mẻ, thú vị. Bạn không thể biết được lúc nào đó bạn sẽ cần đến những mảng kiến thức này. Càng hiểu biết, bạn càng được trang bị tốt để vượt qua bất cứ thử thách nào trong cuộc sống.


Ngoài ra, việc đọc sách còn giúp chúng ta ghi nhớ tốt hơn; khả năng phân tích tư duy mạnh mẽ hơn; tăng khả năng tập trung, chú ý, kĩ năng viết tốt hơn và đọc sách còn giúp cho tâm hồn được thanh lọc, giảm thiểu những căng thẳng và giúp con người sống có ích cho xã hội…Đây đều là những lợi ích vô cùng quan trọng để giúp cho quá trình học tập được tốt hơn. Chính vì vậy, việc đọc sách là vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người nói chung, thanh niên nói riêng.
Những lợi ích từ việc đọc sách nhiều là vậy. Nhưng trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin phát triển rất mạnh, kéo theo đó là một bộ phận không nhỏ mọi người nói chung, thanh niên nói riêng chịu ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội, các trò giải trí của internet mà quên đi những lợi ích thiết thực của việc đọc sách đem lại. Thực trạng đọc sách của thanh niên hiện nay đang rơi vào tình trạng đáng báo động mà chúng ta thường hay dùng một thuật ngữ quen thuộc, đó chính là “bệnh lười đọc sách”.


Theo một thống kê của Vụ Thư viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2015, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, và điều đáng tiếc nhất đó chính là trong số 4 cuốn sách được đọc thì có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. Tỷ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%, thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm đến 44% dân số. So sánh với đất nước Singapo, trung bình người dân của họ đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật là 20 cuốn, một số nước như Đức, Pháp, Israel thì con số này là trên 20 cuốn một năm. Như vậy, rõ ràng việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn những nước khác rất nhiều. Suy nghĩ về thanh niên, đây là lứa tuổi cần tiếp thu nhiều kiến thức nhất để nâng cao trình độ bản thân, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt đối với những người còn ngồi trên ghế nhà trường, trên giảng đường đại học, những người vừa bước chân vào đời thì việc lười đọc sách chẳng khác nào một căn bệnh ung thư đang ngày ngày lấy đi tương lai của họ, ảnh hưởng đến tương lai của đất nước.

 

Nguồn ảnh: Sưu tầm


Vậy nguyên nhân từ đâu mà thanh niên ngày càng lười đọc sách và văn hóa đọc ngày càng mai một. Thực tế có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau mà chúng ta có thể nói tới, chẳng hạn như:


- Ảnh hưởng hưởng của các phương tiện thông giải trí và mạng tin Internet. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các phương tiện truyền thông điện tử, tin học đã đem đến rất nhiều tiện ích cho con người. Sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao lưu, trao đổi văn hóa đã có sự thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh đó, nó cũng mang tới một số ảnh hưởng tiêu cực đặc biệt là giới trẻ. Nếu như trước đây, thanh niên thường có thú vui thích đọc sách, những cuốn sách hay sẽ được chuyền tay nhau từ người này sang người khác để đọc. Thì ngày nay, khi xã hội phát triển, điều kiện đọc của thanh niên cũng dần được nâng lên. Họ không hề thiếu sách, thậm chí có rất nhiều sách để lựa chọn. Nhưng họ lại không mấy mặn mà, hứng thú với việc đọc sách. Sự phong phú, tràn ngập của vô số kênh thông tin trên mạng Internet, trên truyền hình… đã làm cho họ không còn đủ sự kiên nhẫn để tìm kiếm những cuốn sách hay. Nhiều người có thể mất hàng giờ ngồi trong quán Game, quán net nhưng không thể bỏ ra được 5 phút mỗi ngày để đọc một trang sách. Sự bùng nổ công nghệ tin đem đến cho xã hội rất nhiều lợi ích khác nhau. Tuy nhiên nếu không biết cách khai thác một cách có hiệu quả thì nó có ảnh hưởng xấu nếu quá lạm dụng. Đa số thanh niên đều bị chứng “nghiện mạng xã hội”, việc này ngốn khá nhiều thời gian của họ. Bên cạnh đó, nhiều trò chơi, thú vui để phục vụ cho nhu cầu của giới trẻ xuất hiện ngày một nhiều. Những phương tiện giải trí đó đã và đang lấn lướt và làm mất dần vai trò độc tôn của việc đọc sách. Nhiều thanh niên có thể ngồi hàng giờ trước máy tính, hay điện thoại để lưới facebook, zalo, có người còn thức thâu đêm để online và ngủ bù vào ban ngày. Chính vì thế, thời gian đọc sách của họ bị rút ngắn và thậm chí có những người nhiều ngày, nhiều tháng liền không động đến một quyển sách nào. Thói quen lạm dụng mạng internet khiến cho văn hóa đọc của thanh niên rơi vào tình trạng đáng báo động.


- Chất lượng nhiều thể loại sách không đáp ứng được nhu cầu đọc của thanh niên. Cùng với sự phát triển của xã hội, số lượng sách ngày càng tăng lên theo cấp số nhân. Thị trường sách ngập tràn các thể loại khác nhau với trang bìa bắt mắt. Nhưng ngược lại không phải quyển sách nào cũng cung cấp cho chúng ta những kiến thức bổ ích và cần thiết cho cuộc sống, học tập. Không thể phủ nhận rằng khi phát động các phong trào đọc sách thì giới trẻ tìm đến sách nhiều hơn và giảm thiểu căn bệnh lười đọc vẫn đang tồn tại bấy lâu nay trong giới trẻ. Nhưng điều đáng nói là sau đó, khi đọc xong nhiều người cảm thấy hụt hẫng bởi những cuốn sách chạy theo trào lưu phần lớn nội dung còn nhiều thiếu sót, hình thức trình bày cầu thả, thiếu chính xác. Thậm chí là những cuốn sách chứa đựng yếu tố tình dục được nhiều tác giả khai thác, sử dụng như một thứ gia vị để tăng sức hút, gây sự hiếu kỳ, tò mò cho người đọc. Chính vì vậy, bạn đọc dần mất niềm tin vào sự chính xác của sách và chọn những cách khác khi cần thông tin. Hơn nữa, giá sách cũng là nguyên nhân mà nhiều bạn trẻ quay lưng lại với sách.


- Chất lượng hoạt động của các thư viện còn hạn chế. Mặc dù được Nhà nước, các cơ quan, trường học quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển nhưng chất lượng của các thư viện chưa thực sự đáp ứng nhu cầu người đọc. Hơn nữa, ở một số thư viện chỉ được đọc sách tại chỗ mà không được mượn về. Đây là lí do mà nhiều bạn trẻ chọn cách tìm kiếm tài liệu thông qua mạng xã hội thay vì đi thư viện để tìm đọc sách.


- Phương pháp dạy và học trong các trường học hiện nay cũng là một nguyên nhân. Đối với các bạn thanh niên là học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường thì phương pháp dạy và học có ảnh hưởng rất lớn đến trình độ, văn hóa đọc của học. Nếu như không áp dụng theo phương pháp dạy và học tích cực mà chỉ áp dụng phương pháp truyền thống sẽ làm cho thanh niên thiếu sự tìm tòi sáng tạo. Một trong những biểu hiện của sự hạn chế về văn hóa đọc của học sinh, sinh viên là tình trạng chỉ học khi các kỳ thi đã tới gần, học đối phó, học để thi. Chính vì vậy, họ trở nên thụ động trong việc đọc và nghiên cứu tài liệu, sách, báo.


- Sự thiếu linh hoạt trong các phương pháp đọc của các bạn trẻ cũng là nguyên nhân. Thay vì đọc các loại sách truyền thống như trước đây, đa số các bạn trẻ đều lựa chọn cho mình phương pháp đọc mới, đó là đọc qua mạng điện tử bằng điện thoại hoặc máy tính. Nhiều bạn trẻ còn nói, khi đọc sách in thì cảm thấy rất buồn ngủ nhưng đọc bằng điện thoại hay máy tính thì tình trạng trên không diễn ra. Mặc dù biết lạm dụng công nghệ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hơn nhiều lần đọc sách nhưng các bạn trẻ vẫn lựa chọn.


Và còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa dẫn đến việc lười đọc sách cuả thanh niên hiện nay. Trước những thực trạng như vậy, để khắc phục “Bệnh lười đọc sách” của thanh niên hiện nay, chúng ta cần làm gì?


- Các tổ chức đoàn, hội có thể tăng cường tổ chức những hoạt động để tuyên truyền phát triển văn hóa đọc cho thanh niên. Có thể kết hợp với các công ty sách, nhà sách để tổ chức các hội chợ sách, nhằm giới thiệu quảng bá về sách, đồng thời cần có chương trình khuyến mãi, những chương trình bán sách giảm giá cho đối tượng thanh niên để khuyến khích thanh niên mua sách, tài liệu nhằm duy trì và phát triển văn hoá đọc. Xây dựng các câu lạc bộ đọc sách theo lứa tuổi và duy trì hoạt động thường xuyên, lâu dài. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi liên quan đến việc đọc sách nhằm phát triển mạnh mẽ hơn văn hóa đọc trong cộng đồng. Nâng cao chất lượng và số lượng tủ sách thanh niên. Đưa hoạt động đọc sách vào các buổi sinh hoạt chuyên đề cho thanh niên thay vì làm theo kiểu hình thức, thiếu chiều sâu, thiếu chất lượng như hiện nay.


- Tổ chức các hoạt động quyên góp sách để đưa sách đến các vùng sâu, vùng xa cho thanh niên, thiếu nhi ở những khu vực này. Trong các chiến dịch tình nguyện của các tổ chức đoàn, hội, khuyến khích các hoạt động như: tổ chức các buổi nói chuyện, kể chuyện sách, tặng sách cho các em thiếu nhi để các em thấy được cái hay, cái đẹp của việc đọc sách..


- Tổ chức tuyên truyền giới thiệu, hướng dẫn đọc trên các phương tiện truyền thông đại chúng như vô tuyến truyền hình, truyền thanh, báo chí (kể cả các tạp chí chuyên giới thiệu, hướng dẫn đọc) được thường xuyên, định kỳ, có hệ thống và nhằm vào từng đối tượng độc giả, áp dụng các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, các phương tiện nghe nhìn hiện đại.


- Cần tiến hành hiện đại hoá thư viện và hoạt động thư viện. Không phải cứ có trang thiết bị hiện đại, có phần mềm hoàn thiện, có tự động hoá… là đã hoàn thành việc hiện đại hóa. Các thư viện cần thường xuyên có các buổi nói chuyện chuyên đề, hoặc tập huấn về nghiệp vụ thư viện thời đại công nghệ thông tin đối với cán bộ thư viện, các nhà quản lý thư viện nhằm phục vụ tốt hơn đối với người đọc. Thư viện tốt nhất là thư viện làm hài lòng độc giả nhất. Các thư viện cần phải bám sát các nhu cầu và mong muốn của độc giả, đặc biệt là các độc giả trong độ tuổi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, tiếp tục nghiên cứu thói quen đọc sách của họ để có thể kịp thời thiết lập lại các bộ sưu tập, hệ thống và dịch vụ cho phù hợp. Đồng thời phải phát triển, thử nghiệm và triển khai các hình thức phục vụ mới như: các thiết bị đọc cá nhân, di động, dịch vụ mạng… để góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa đọc, tạo mối quan hệ lâu dài và bền vững giữa thư viện và độc giả.


- Đối với khu vực trường học các cấp, cần xây dựng một chương trình giáo dục kỹ năng đọc trong môi trường truyền thống và môi trường điện tử để giảng dạy không chỉ cho các bạn thanh niên ở các trường học mà còn tổ chức giảng dạy cho trẻ em ngay khi cắp sách tới trường cho tới bậc đại học. Trên tinh thần đó nên đưa văn hóa đọc vào chương trình kiến thức thông tin của nhà trường, coi văn hóa đọc như là một nội dung để phát triển kiến thức thông tin cho học sinh, sinh viên, tạo ra một kỹ năng mới giúp cho quá trình học tập suốt đời được hiệu quả hơn.


- Có thể tổ chức Tháng đọc quốc gia vào tháng 6 hoặc tháng 7 hàng năm vì đây là thời gian đa số các trường học đang trong thời gian nghỉ hè. Mục đích nhằm xây dựng thói quen đọc sách trong toàn dân, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên - tương lai của đất nước.


Nếu như việc chữa bệnh lười đọc sách của thanh niên được thực hiện một cách quyết liệt, lâu dài, có chiến lược thì chắc chắn rằng, chỉ một thời gian không xa, căn bệnh này sẽ không còn tồn tại nữa. Bao giờ Việt Nam trở thành một xã hội đọc sách và trọng thị sách? Ai cũng phải, cũng nên trả lời câu hỏi ấy, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên. Và đừng chần chừ gì nữa, chúng ta hãy cầm những cuốn sách hay trên tay để đọc./.


ThS. Trần Cảnh
Giảng viên, Bí thư Đoàn Trường Chính trị tỉnh Bình Dương (MH)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49236012
Hôm nay: 1061
Đang online: 60
Về đầu trang