8/28/2023 12:00:00 AM GMT+7

“SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG LÀ CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN VÀ VÌ NHÂN DÂN”- BÀI HỌC XUYÊN SUỐT QUÁ TRÌNH LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được xem là một bước ngoặt quyết định trong sự phát triển của dân tộc ta. Từ đây, Đảng lãnh sứ mệnh lịch sử dẫn dắt dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Đảng thực sự trở thành nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được xem là một bước ngoặt quyết định trong sự phát triển của dân tộc ta. Từ đây, Đảng lãnh sứ mệnh lịch sử dẫn dắt dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Đảng thực sự trở thành nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ khi thành lập, nhận thức được tầm quan trọng, vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân nên Đảng luôn gắn bó với dân, dựa vào dân để hoàn thành vai trò lãnh đạo của mình. Sở dĩ biết dựa vào dân vì Đảng ta nhận thấy lịch sử dân tộc đã để lại nhiều bài học quý giá, đó là tư tưởng, triết lý của Nguyễn Trãi - nhà hiền triết, nhà tư tưởng, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam (thế kỷ XV), đã có những kết luận thật sâu sắc, có thể nói, đã trở thành chân lý vĩnh cửu: vận nước thịnh hay suy, còn hay mất là do sức mạnh của dân quyết định; thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như nước; nước có thể chở thuyền nhưng nước cũng có thể lật thuyền. Nghiên cứu lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng để lại cho Đảng ta nhiều bài học giá trị về vai trò của quần chúng nhân dân. V.I.Lênin - lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp vô sản Nga và giai cấp vô sản thế giới khẳng định Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp vô sản nhưng Đảng Cộng sản cũng "chỉ là một bộ phận nhỏ của giai cấp vô sản và giai cấp vô sản lại cũng chỉ là một bộ phận nhỏ trong quần chúng nhân dân”[1]. Và Đảng chỉ làm tròn được sứ mệnh của nó khi nó biết gắn bó với quần chúng mà nó lãnh đạo và thực sự dẫn dắt toàn thể quần chúng tiến lên. V.I. Lênin đồng thời nêu lên một cách cô đọng nguyên tắc và nội dung những việc phải làm của một Đảng cầm quyền, đó là: “Sống trong lòng quần chúng. Biết tâm trạng của quần chúng. Biết tất cả. Hiểu quần chúng. Biết đến với quần chúng, giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng”[2].Nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn quán triệt quan điểm “nước lấy dân làm gốc”, “chở thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân” của Người. Ngay từ thời kỳ vận động chuẩn bị thành lập Đảng đã khẳng định: “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải lấy dân chúng công nông làm gốc”[3]. Qua quá trình hoạt động, tìm đường cứu nước, lãnh đạo nhân dân, Người khẳng định vai trò to lớn của quần chúng nhân dân rằng: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Xem thế đủ biết các nhà tư tưởng lớn, các lãnh tụ kiệt xuất dù của một triều đại phong kiến hay của giai cấp vô sản trong thời đại ngày nay đều ý thức một cách hết sức sâu sắc sức mạnh "dời non lấp bể" của quần chúng nhân dân cũng như sức mạnh của mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa giai cấp cầm quyền và đội ngũ đông đảo quần chúng nhân dân của đất nước đó.[4]
 
 
Sau 15 năm thành lập, Đảng ta đã lãnh đạo thành công
Cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ảnh tư liệu: TTXVN
 
Gắn bó máu thịt, liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân lao động là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng Cộng sản, là cội nguồn sức mạnh vô địch của Đảng, là nhân tố bảo đảm cho sự thành công của toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Cũng vì vậy, không ngừng củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng cầm quyền và quần chúng nhân dân là một nguyên tắc bất di bất dịch của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng Đảng. V.I.Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh tính tất yếu khách quan cũng như sự cần thiết phải tăng cường, mở rộng mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, đặc biệt là sự cần thiết phải lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân vào công cuộc xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin cho rằng đối với một Đảng Cộng sản đang lãnh đạo đất nước thực hiện bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thì "một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng", và "đó là một tai họa thực sự".[5]
 
Quá trình xây dựng và trưởng thành, Nhà nước ta luôn luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chi Minh làm nền tảng cho việc xây dựng hệ quan điểm trong thiết kế bộ máy nhà nước. Ý tưởng “Xây dựng một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng đã được ghi thành văn trong Hiến pháp của nướcViệt nam dân chủ cộng hòa năm 1946. Mặc dù phải tiến hành ngay một cuộc kháng chiến chống xâm lược và chống cả những thế lực thù địch trong nước, chất “nhân dân" trong bộ máy nhà nước không hề giảm mà còn tiếp tục tăng lên, làm rõ hơn, sáng hơn, sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước của dân, do dân, vì dân, dựa trên cơ sở công nông liên minh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Dân vận” đăng trên báo Đảng đã nhấn mạnh đến những điểm cơ bản về nhà nước: dân lập ra chính quyền, nền chính quyền đó là chính quyền của dân. Những ý tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cái cốt lõi “nhân dân’ trong bộ máy nhà nước đã được thiết kế thành các thể chế, định chế, cơ chế, được xây dựng nên bằng một đội ngũ cán bộ hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.[6]
 
Tư tưởng “dân là gốc”, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là quan điểm nhất quán của Đảng ta thể hiện trong văn kiện của các kỳ đại hội vừa qua, tiếp nối và cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới của đất nước.[7]
 
Thông tin cho dân biết mọi hoạt động trong bộ máy nhà nước, từ những dự kiến đến kế hoạch chính thức, phương thức thực hiện, ưu điểm và khuyết điểm, thành tựu và thất bại. Trong hoạt động của nhà nước, có thể có những sự kiện, tin tức cần bảo toàn tính bí mật, chưa được công khai, nên hết sức giới hạn phạm vi bí mật, những gì không thông tin cho dân cũng xuất phát từ lợi ích chung của đất nước.[8] Đồng thời, cần tạo điều kiện cho công dân bàn bạc công việc nhà nước. Mỗi công dân nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung, đều quan tâm đến sự đóng góp của mình cho cộng đồng xã hội. Sự bảo đảm cho chế độ dân chủ bàn bạc mọi công việc của đất nước được thể hiện bằng nhiều cơ chế và biện pháp, trong đó quan trọng là chế định dân nguyện và sự thiết lập cơ quan phụ trách vấn đề dân nguyện trong bộ máy nhà nước, từ cơ quan quyền lực cao nhất đến các cấp chính quyền địa phương.[9]
 
Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Đảng đã sớm nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của những kinh nghiệm và bài học tổng kết từ quá trình lịch sử. “Tổng kết kinh nghiệm là một phương pháp hết sức quan trọng để nâng cao trình độ lý luận và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên"[10].
 
Quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam tại các Đại hội đại biểu toàn quốc đã tổng kết những bài học lớn có giá trị lý luận và thực tiễn. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng rõ hơn, đường lối, Cương lĩnh của Đảng ngày càng được bổ sung, phát triển hoàn thiện hơn mang lại những thành tựu to lớn, một phần rất quan trọng là dựa trên tổng kết những kinh nghiệm, những bài học đó.
 
Cương lĩnh là văn kiện cơ bản của Đảng định rõ mục tiêu chiến lược của sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong một thời kỳ tương đối dài, xác định lực lượng, động lực, phương hướng cơ bản và các giải pháp chủ yếu để thực hiện có hiệu quả mục tiêu và phương hướng đó. Để bảo đảm tính khoa học và hiện thực của Cương lĩnh, nhất thiết phải tổng kết chặng đường lịch sử đã qua với những kinh nghiệm, bài học cần thiết. Cương lĩnh năm 1991 do Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua (6/1991) đã nêu lên 5 bài học chủ yếu. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua (01/2011) cũng đã nêu bật 5 bài học chủ yếu. Đó là sự tổng kết 81 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam và nhất là 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991.
 
Trong 5 bài học mà Cương lĩnh năm 2011 nêu lên, có bài học: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Đây là bài học nói lên vai trò, tầm quan trọng của quần chúng nhân dân.Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nêu rõ: "cách mệnh là việc chung của dân chúng chứ không phải việc một hai người"[11]. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân xuất phát từ quan niệm đúng đắn đó và đã được chứng minh trong lịch sử. Người nhấn mạnh: "Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc''.
 
Sau 30 năm hoạt động, tranh đấu ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc ngày 28/01/1941, cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Tại Pác Bó (Cao Bằng) Người đã trao đổi, thảo luận với đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong nước, sự nghiệp bắt đầu từ đâu? Người nhấn mạnh, bắt đầu từ dân, dân trước súng sau, có dân sẽ có súng, có dân sẽ có tất cả. Đó là luận điểm có giá trị lớn lao, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn như đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần đề cập. Nhờ sức mạnh toàn dân mà có được thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc, có được thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt chống đế quốc, thực dân, giành độc lập thống nhất hoàn toàn và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
 
Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt lên hàng đầu bài học: lấy dân làm gốc. Mục tiêu của đổi mới cũng nhằm xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng, hiệu quả cao chăm lo cải thiện đời sống của nhân dân. Cũng cần nhấn mạnh rằng, chính lợi ích, sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân là nguồn gốc của đường lối đổi mới. Cũng chính nhân dân là người tích cực hưởng ứng, thực hiện đường lối đổi mới và mang lại lợi ích cho chính mình. Đảng, Nhà nước đã tổ chức, hướng dẫn, động viên cao độ sức dân để làm lợi cho dân. Sự thống nhất giữa đường lối của Đảng với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đã thật sự làm nên thắng lợi của công cuộc đổi mới. Cương lĩnh năm 2011 nhấn mạnh: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng"[12].
 
Trong “Mục tiêu tổng quát đến năm 2020” trong Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đặt mục tiêu xây dựng Đảng và phát huy sức mạnh dân chủ xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. Đại hội đã xác định: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đại hội XII xác định một trong những nhiệm vụ tổng quát của 5 năm tới là xử lý tốt mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo với nhân dân làm chủ trên tinh thần: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân”[13]
 
          Bài học kinh nghiệm chúng ta rút ra được trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bài học quan trọng thân dân, gần dân, kính dân, vì dân cần được thấm nhuần triệt để từ lãnh đạo cấp cao đến mỗi cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ sở cả nước. Để việc thực hiện đạt được hiệu quả cao nhất, bảo đảm thắng lợi của mỗi Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp, đòi hỏi từng cá nhân cán bộ, đảng viên, phải tôn trọng sự thật, nói rõ sự thật và đánh giá đúng sự thật và quan trọng nhất là người đứng đầu. Có như vậy chúng ta mới có thể nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhất là các cán bộ, đảng viên trẻ. Nhằm kiên quyết khắc phục những yếu kém hiện nay. Các cấplãnh đạo, quản lý phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực, hành động đúng đắn, luôn tiên phong trong mọi việc, luôn xem lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc và không vì lợi ích cá nhân như bài học từ trước đến nay là “dân là gốc”.
 
          Kết quả đạt được có thành công hay không, ngoài việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, với truyền thống lịch sử dân tộc hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ lịch sử. Phải có sự quyết liệt trong chỉ đạo đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của người đứng đầu, hiểu đúng và đầy đủ về dân mà có những triển khai đúng đắn thì sẽ đạt được kết quả mới khác biệt nhưng không phải chối bỏ những cái đã có mà là đang kế thừa, phát huy, sáng tạo và có thành tựu nổi bật.
 
          Trong quá trình lãnh đạo của Đảng và nhà nước từ xưa đến nay, Nghị quyết được xem là những văn kiện mang tính lý luận và tổng kết thực tiễn sâu sắc và được kế thừa từ lịch sử vẻ vang của Đảng và của toàn dân tộc, kết quả là những thành tựu của 90 năm ra đời và trưởng thành của Đảng cùng với hơn 30 năm đề ra đường lối đổi mới đất nước toàn diện, được Đảng và nhà nước ta tập hợp từ nhiều nguồn ý kiến đóng góp của toàn Đảng, toàn dân, thảo luận, kết tinh giá trị tinh hoa trí tuệ của toàn dân tộc. Do đó Đảng cần phải luôn biết tranh thủ trí tuệ của nhân dân, sức mạnh của nhân dân để làm lợi cho dân, cho nước. Đồng thời, phải luôn quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”[14] trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
 
ThS. Huỳnh Thanh An
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị Bình Dương


TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
2.    Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn Kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2002.
3.    Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, sđd.
4.    "... từ nay sẽ lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng". Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.
5.    Tìm hiểu vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp Cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
6.    Nguyễn Văn Thảo, "Bản chất của nhà nước ta: của dân, do dân vì dân", Tạp chí Cộng sản, 17(503), 1996.



[1]V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.43, tr.274.
[2] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb, Tiến bộ Matxcơva, 1977, t.44, tr.608.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, xuất bản lần thứ 3, Hà Nội, 2011, t.2.
[4]Tìm hiểu vai trò lãnhđạo của Đảngđối với sự nghiệp Cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.126-127.
[5]Tìm hiểu vai trò lãnhđạo của Đảng đối với sự nghiệp Cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.127.
[6]Nguyễn Văn Thảo, "Bản chất của nhà nước ta: của dân, do dân vì dân", Tạp chí Cộng sản, 17(503), 1996, tr. 21
[7]Nguyễn Văn Thảo, "Bản chất của nhà nước ta: của dân, do dân vì dân", Tạp chí Cộng sản, 17(503), 1996, tr. 21
[8]Nguyễn Văn Thảo, "Bản chất của nhà nước ta: của dân, do dân vì dân", Tạp chí Cộng sản, 17(503), 1996, tr. 21
[9]Nguyễn Văn Thảo, "Bản chất của nhà nước ta: của dân, do dân vì dân", Tạp chí Cộng sản, 17(503), 1996, tr. 21
[10]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn Kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2002, tr. 942.
[11]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 270.
 
[12]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.65.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr.69.
[14]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.434.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49519378
Hôm nay: 3398
Đang online: 64
Về đầu trang