Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề Nhà nước và pháp luật giữ một vị trí đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, củng cố một nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân. Các tư tưởng Hồ Chủ Tịch về Nhà nước thật sự to lớn, sâu sắc không chỉ được thể hiện trong các bài viết, các bài phát biểu, trong các văn kiện quan trọng do Người trực tiếp chỉ đạo xây dựng và ban hành mà cả trong hành động thực tiễn của Người trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.
I. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền có thể khái quát trên các quan điểm sau:
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân:
Với Hồ Chí Minh, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước. Toàn bộ quyền lực nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân uỷ quyền cho bộ máy nhà nước thực hiện, nhằm phụng sự lợi ích của nhân dân. Bộ máy nhà nước được thiết lập là bộ máy thừa hành ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước không thể là các ông quan cách mạng mà là công bộc của nhân dân. “Chúng ta hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, tr.56, NxbCTQG, H,2000).
Là nhà nước của dân, do chính nhân dân lập qua thông qua chế độ bầu cử dân chủ. Bầu cử dân chủ là phương thức thành lập bộ máy nhà nước đã được xác lập trong nền chính trị hiện đại, đảm bảo tính chính đáng của chính quyền khi tiếp nhận sự uỷ quyền quyền lực từ nhân dân. Chính vì vậy, để thật sự là nhà nước của dân, ngay từ những ngày đầu giành được nền độc lập, Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến tổ chức cuộc tổng tuyển cử để nhân dân trực tiếp bầu ra các đại biểu xứng đáng thay mặt mình gánh vác việc nước.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một nhà nước của dân, không chỉ do dân lập ra thông qua bầu cử dân chủ mà còn là nhà nước chịu sự kiểm tra, giám sát, định đoạt của nhân dân. Đối với Hồ Chí Minh, một nhà nước của dân thật sự phải là một nhà nước do dân và vì dân. Người viết: “Kinh nghiệm trong nước và các nước chứng tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”; “Không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong…” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, tr.292, NxbCTQG, H,2000).
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân là nguồn sức mạnh của Nhà nước, là nguồn trí tuệ của Nhà nước, là nguồn sáng kiến vô tận, nhà nước có chức năng khơi nguồn, phát hiện, tiếp thu và hoàn thiện các sáng kiến của nhân dân để xây dựng chính sách và luật pháp.
Một nhà nước của dân, do dân, vì dân theo Hồ Chí Minh là một nhà nước nếu biết lắng nghe và học hỏi nhân dân, biết tôn trọng bồi dưỡng và nâng cao sức dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân thì sẽ thấy nhân dân không chỉ nói lên những mong muốn của mình mà còn chỉ ra được nhà nước cần phải hành động như thế nào để giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh. Chính vì lẽ đó Nhà nước được thành lập không vì mục đích làm thay cho dân, mà thực hiện vai trò người cầm lái, người tổ chức để nhân dân bằng trí tuệ, sức mạnh của mình giải quyết các vấn đề của chính mình.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước vì dân, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân là tư tưởng nhất quán trong suốt cuộc đời của Người. Cả cuộc đời Người là một tấm gương trong sáng thể hiện sinh động tư tưởng, đạo đức của một con người suốt đời vì dân, vì nước. Khi đảm nhận chức vụ Chủ tịch nước, Hồ Chủ Tịch đã trả lời các nhà báo “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, tr.381, NxbCTQG, H,2000).
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về mô hình tổ chức bộ máy nhà nước:
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, mở đầu một chính thể nhà nước mới ở Việt Nam: chính thể dân chủ cộng hoà. Sự ra đời của chính thể dân chủ cộng hoà thể hiện một tư duy sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn mô hình tổ chức nhà nước, vừa tiếp thu được các giá trị phổ biến của nền dân chủ nhân loại, vừa phù hợp với các đặc điểm của đất nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mô hình bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân được thể hiện sâu sắc trong các văn kiện pháp lý quan trọng của đất nước do chính Người chỉ đạo xây dựng và ban hành. Có thể thấy rằng hai bản Hiến pháp 1946, 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo và 613 sắc lệnh kể từ 1945 đến 1969, trong đó có 243 sắc lệnh liên quan đến bộ máy nhà nước và luật pháp do Người ký ban hành đã hình thành một thể chế bộ máy nhà nước vừa hiện đại vừa dân tộc kết tinh sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật:
Tiếp xúc với nền văn minh Âu - Mỹ, nhất là kinh nghiệm tổ chức, hoạt động của nhà nước trong quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, Hồ Chí Minh cho rằng, quản lý xã hội bằng pháp luật là dân chủ, tiến bộ và có tính chất phổ biến đối với các xã hội hiện đại.
Nhận thức được tầm quan trọng của luật pháp, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã đề cập đến vai trò của chúng trong điều hành và quản lý xã hội. Năm 1919, tám yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Véc- xây đã có 4 điểm liên quan đến vấn đề pháp quyền, còn lại liên quan đến công lý và quyền con người.
Bản Yêu sách của nhân dân An Nam được Hồ Chí Minh chuyển thành “Việt Nam yêu cầu ca”, trong đó yêu cầu thứ bảy là: “Bảy xin hiến pháp ban hành, Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Đây là tư tưởng rất đặc sắc của Hồ Chí Minh, phản ánh nội dung cốt lõi của Nhà nước dân chủ mới - Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Đồng thời, đây cũng là nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động quản lý nhà nước của Người.
Sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, Hồ Chí Minh đề ra một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là: Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Ngày 20/9/1945, Chủ tịch lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng ban. Bản dự thảo Hiến pháp hoàn thành khẩn trương và nghiêm túc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá I vào tháng 10/1946, Quốc hội đã thảo luận dân chủ và thông qua bản dự thảo Hiến pháp này. Đó là bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam: Hiến pháp năm 1946. Trong phiên họp Quốc hội thông qua hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “… Hiến pháp đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”. Và nhấn mạnh rằng: “Chính phủ cố gắng làm theo đúng 3 chính sách: dân sinh, dân quyền và dân tộc”.
Sau năm 1954, khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều quy định trong Hiến pháp năm 1946 không còn phù hợp, Hồ Chí Minh đã chủ trương sửa đổi và ban hành Hiến pháp mới - Hiến pháp năm 1959. Trong tư duy Hồ Chí Minh, một khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi thì pháp luật, nhất là đạo luật “gốc” - Hiến pháp, cũng phải thay đổi để bảo đảm khả năng điều chỉnh hợp lý các quan hệ xã hội đã phát sinh và định hình.
Ngoài hai bản Hiến pháp năm 1946, 1959, từ năm 1945 đến 1969, Hồ Chí Minh còn chỉ đạo soạn thảo, ký quyết định công bố 16 đạo luật và 1.300 văn bản dưới luật, trong đó có 243 Sắc lệnh quy định về tổ chức nhà nước đã hình thành một thể chế bộ máy nhà nước có nhiều nhân tố cơ bản của một nhà nước pháp quyền.
Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Pháp luật của ta là pháp luật dân chủ, phải nghiêm minh và phát huy hiệu lực thực tế. Nhà nước sử dụng pháp luật để quản lý xã hội. Song pháp luật của ta đã có sự thay đổi về chất, mang bản chất của giai cấp công nhân, là một loại hình pháp luật kiểu mới, pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Báo cáo tại hội nghị chính trị đặc biệt, ngày 27/3/1964, một trong 5 nhiệm vụ để hoàn thành sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên là “Tăng cường không ngừng chính quyền nhân dân. Nghiêm chỉnh thực hiện dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ địch. Triệt để chấp hành mọi chế độ và pháp luật của Nhà nước”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, tr.235, NxbCTQG, H,2000).
Nét đặc sắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về tổ chức nhà nước là các cơ quan nhà nước hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nhưng trong điều kiện của một nước thuộc địa nửa phong kiến ở phương Đông, Hồ Chí Minh sử dụng linh hoạt pháp trị và đức trị trong tổ chức hoạt động của Nhà nước và quản lý nhà nước. Cán bộ trực tiếp thực thi luật pháp phải thật sự công tâm và nghiêm minh. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ “gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia”. Trong việc giữ vững tính nghiêm minh và hiệu lực của pháp luật, cán bộ làm công tác tư pháp có vai trò quan trọng. Họ chính là người trực tiếp thực thi luật pháp, đại diện cụ thể cho “cán cân công lý”.
Với Hồ Chí Minh, pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước thông qua đội ngũ cán bộ, công chức của Người thấm đượm một tấm lòng thương yêu nhân dân, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thấm đượm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Vì thế, kết hợp giữa đức trị và pháp trị trong tổ chức nhà nước của Hồ Chí Minh có nội hàm triết lý, mang đậm tính dân tộc và dân chủ sâu sắc.
II. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở Việt Nam hiện nay.
1. Những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc tư tưởng, quan điểm về nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại, những giá trị phổ biến trong nội dung tư tưởng về nhà nước pháp quyền trên thế giới cũng như nền tảng tư tưởng, lý luận và quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, nhận thức và thực tiễn xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và những nội dung, yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013. Từ đó, hình thành nên những đặc trưng cơ bản của mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua đó thể hiện bản chất, đặc điểm, các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, kết họp với nhận thức và vận dụng tinh hoa văn hóa, trí tuệ, kinh nghiệm của nhân loại trong xây dựng nhà nước pháp quyền, được kiểm nghiệm bằng thực tiễn tổ chức, hoạt động của nhà nước ta từ năm 1945, nhất là trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay. Cụ thể:
Thứ nhất, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Thứ haỉ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tất cả vì hạnh phúc của con người.
Thứ ba, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và yêu cầu thượng tôn pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội.
Thứ tư, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối họp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thứ năm, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
2. Đánh giá tình hình công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
* Những thành tựu, kết quả đạt được.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam, chúng ta đã đạt được những kết quả, thành tựu nhất định.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh giá:
“...Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hoạt động của Quốc hội trong việc thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được thể hiện rõ hơn....
Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới. Hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành chủ động, tích cực, tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô; tháo gỡ các rào cản; phục vụ, hỗ trợ phát triển. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá. Tổ chức bộ máy của toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn; quan tâm xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, khẩn trương triển khai xây dựng chính quyền điện tử”.
* Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, như:
- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới.
- Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi chưa được tôn trọng và phát huy đầy đủ. Bộ máy nhà nước ở một số nơi chưa thật sự vì dân, còn quan liêu, xa dân, phiền hà, sách nhiễu dân; thủ tục hành chính chưa thuận tiện cho dân, thiếu công khai cho dân biết, dân kiểm tra; một số cán bộ còn thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực, làm việc tùy tiện, hách dịch, cửa quyền, vi phạm quyềncon người, quyền công dân. Thực hành dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật còn nhiều bất cập, thực hành dân chủ ở cơ sở có nơi còn hình thức, chưa bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân.
- Vấn đề đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hoá, xã hội, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có một số mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ.
- Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
- Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước.
- Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế.
- Số lượng cán bộ cấp xã và đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công vẫn còn quá lớn; phẩm chất, năng lực, uy tín còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
3. Một số định hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản sau:
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.
- Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
- Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch.
- Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
- Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật định.
- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.
- Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật.
* Từ những nhiệm vụ cơ bản đó, trong thời gian tới chúng ta cần phải tập trung thực hiện những nội dung sau đây:
- Phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân;
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tầ chức thực hỉện pháp luật.
- Tiếp tục đổỉ mới tầ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và tăng cường kỉểm soát quyền lực nhà nước.
- Xây dựng, kỉện toàn đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hộỉ chủ nghĩa Vỉệt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
- Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tố chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
- Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tố chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
- Đổi mói và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đốỉ với Nhà nước trong đỉều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hộỉ chủ nghĩa.
Quá trình xây dựng và phát triển của Nhà nước ta trong mỗi giai đoạn sau này đã có không ít những thay đổi về mô hình bộ máy dưới tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nhưng xuyên suốt mạch phát triển ấy vẫn là tư tưởng của Hồ Chí Minh về một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Ngày nay, trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, dưới tác động mạnh mẽ của thời đại và thế giới, trong xu thế toàn cầu hoá, nhiều điểm đã thay đổi, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục định hướng cho các nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp đổi mới mô hình bộ máy nhà nước trong các điều kiện phát triển mới./.
Tác giả: Th.s Mai Văn Bằng - Giảng viên trường Chính trị tỉnh Bình Dương
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập 1,2), NXB CTQGST, Hà Nội - 2021.
2. Hiến pháp năm 2013.
3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị, Những nội dung cơ bản về nhà nước vả pháp luật Việt Nam, NXB LLCT.
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội - 2000.