11/17/2021 12:00:00 AM GMT+7

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong việc tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương hiện nay

TTBD-Tư tưởng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng lớn, nhất quán, xuyên suốt trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh. Người đã khơi lại truyền thống đoàn kết của dân tộc và phát huy thành công sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc. Vì mục tiêu độc lập thống nhất dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tư tưởng ấy đã và đang phát huy tác dụng to lớn trong giai đoạn hiện nay và mãi mai sau.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc
- Khái niệm đoàn kết và đại đoàn kết:
Đoàn kết là “Kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung”. Đại đoàn kết là "đoàn kết rộng rãi”[ Từ điển Tiếng Việt (1994), Nxb.Giáo dục.].
Tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh là một hệ thống các luận điểm về vị trí, vai trò, nội dung, nguyên tắc, phương pháp tập hợp, tổ chức lực lượng cách mạng, nhằm phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân tộc, của quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.


- Hồ Chí Minh xác định đại đoàn kết có vị trí, vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Đại đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.


Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, từ khi có Đảng Cộng sản ra đời đến nay, Hồ Chí Minh và Đảng luôn thi hành đường lối đại đoàn kết nhất quán, đúng đắn, có hình thức tổ chức phù hợp nên đã phát huy được truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc, tạo thành sức mạnh vô địch cho cách mạng Việt Nam. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng Pháp, Mỹ và tiếp tục chung sức chung lòng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị để tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiếp tục phát triển.


Đại đoàn kết là mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng cách mạng.


Muốn cách mạng thắng lợi thì nhiệm vụ hàng đầu của Đảng là cần phải tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn dân. Nhưng trước hết phải giữ vững đoàn kết trong Đảng vì đó là hạt nhân đoàn kết dân tộc. Trong Di chúc Người nói: “phải giữ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.


- Để đưa cách mạng Việt Nam thắng lợi Hồ Chí Minh cho rằng cần thực hiện tốt những nội dung sau:
Lực lượng đại đoàn kết dân tộc: theo Hồ Chí Minh lực lượng đại đoàn kết dân tộc bao gồm các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội, các ngành, các giới, các lứa tuổi, các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam, đồng bào các tôn giáo, các đảng phái, ... hợp thành khối đại đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc trong khối đại đoàn kết rộng lớn, đông đảo và đa dạng đó, liên minh công - nông - trí thức là nền tảng.


Hình thức tổ chức đại đoàn kết dân tộc: Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc không thể chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi, những lời hiệu triệu mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, phải trở thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân tộc. Nó phải biến thành sức mạnh vật chất, trở thành lực lượng vật chất có tổ chức. Tổ chức đó chính là Mặt trận Dân tộc thống nhất.


Nguyên tắc đại đoàn kết dân tộc: Để đoàn kết được toàn dân tộc Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải được xây dựng trên cơ sở thống nhất giữa lợi ích của quốc gia dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng trong xã hội. Tìm kiếm, trân trọng và phát huy những yếu tố tương đồng, thu hẹp đến mức thấp nhất những yếu tố khác biệt, mâu thuẫn. Ngay từ bài xã luận trên báo Thanh niên số 1 (1925) Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “chỉ có thể đoàn kết nếu có chung một mục đích, chung số phận. Nếu không suy nghĩ như nhau, không theo đuổi mục đích chung, không có chung số phận, thì dù có kêu gọi đoàn kết, đoàn kết cũng vẫn không thể có được”[ Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.7, tr.492.]. Do vậy, muốn xây dựng lực lượng đoàn kết thì điều kiện tiên quyết là phải tìm ra được điểm tương đồng, tìm ra được mẫu số chung của hoàn cảnh tâm tư nguyện vọng, lợi ích mỗi giai cấp, tầng lớp nhân dân; Phải tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân. Người nói: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”; “trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[ Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.8, tr.276.], vì vậy việc gì cũng phải phấn đấu vì quyền lợi của dân; Đại đoàn kết một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đoàn kết lâu dài, chặt chẽ. Người thường xuyên căn dặn mọi người phải khắc phục tình trạng đoàn kết xuôi chiều, đồng thời phải có tấm lòng nhân ái, khoan dung độ lượng. Hồ Chí Minh viết: Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn, dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ… Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ.


Phương pháp đại đoàn kết dân tộc: Hồ Chí Minh đưa ra ba phương pháp để đoàn kết toàn dân tộc đó là: Phương pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục; phương pháp tổ chức; phương pháp xử lý và giải quyết các mối quan hệ. Muốn đoàn kết, theo Hồ Chí Minh chúng ta phải thực hiện đồng bộ cả ba phương pháp, tuyệt đối không xem nhẹ phương pháp nào có như thế mới tạo ra được sức mạnh tổng hợp làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.


Tư tưởng đại đoàn kết là tư tưởng lớn, nhất quán, xuyên suốt trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh. Nó là sự phát triển cao truyền thống đoàn kết của dân tộc trong điều kiện lịch sử mới. Với tư tưởng này, Hồ Chí Minh đã khơi gợi nguồn và phát huy sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc. Vì mục tiêu độc lập dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh là bộ phận hữu cơ cấu thành đường lối, chiến lược của Đảng ta trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Tư tưởng ấy đã và đang phát huy to lớn trong sự nghiệp đổi mới.


2. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong việc tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương hiện nay


Với tình hình “chống dịch như chống giặc” trong thời gian qua toàn dân tỉnh Bình Dương đã chung tay, chung sức đoàn kết cùng với các tuyến đầu như: chiến sĩ lực lượng vũ trang, quân đội, bác sĩ, y tá, nhân viên, đoàn thanh nhiên, các tình nguyện viên của các công chức, viên chức, giáo viên, sinh viên…. Đã ra quân đồng loạt kể cả ngày lẫn đêm để truy vết, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; cả hệ thống chính trị ở mọi ngành, mọi giới trong đó có Đoàn thanh niên đã góp sức tiếp tế nhu yếu phẩm cho nhân dân ở vùng phong tỏa; Và những người âm thầm nấu từng bữa cơm cho tuyến đầu, cho dân; các nhà hảo tâm, từ thiện hỗ trợ lương thực thực phẩm cho bà con nhân dân…. Tất cả những hành động cao đẹp đó đã được cha ông ta ngày xưa đúc kết “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.


Những hành động trên làm cho ta nhớ lại những ngày tháng chiến tranh gian khổ, toàn dân tộc Việt Nam đồng sức, đồng lòng đoàn kết lại để đuổi đuổi kẻ thù thế rồi chúng ta đã chiến thắng tất cả những kẻ thù tàn bạo và hiếu chiến mang lại độc lập, tự do hòa bình cho dân tộc. Để đạt được những thành tự đó trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù một trong những nguyên nhân đó chính là chúng ta đã vận dụng tốt các quan điểm chủa Hồ Chí Mình vào điều kiện cụ thể của cách mạng để đoàn kết toàn dân tộc, nhờ có sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân mà đất nước Việt Nam có như ngày hôm nay.


Bên cạnh đó vẫn còn có những hạn chế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua như việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch có lúc, có nơi chưa nghiêm, còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, kiểm tra, giám sát điển hình như ở Phường Thuận Giao, thành phố Thuận An; Một bộ phận người dân chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch; có lúc, có nơi chưa thực sự gần dân, sát dân, hiểu dân nên để xảy ra tình trạng người dân phản ánh về việc chậm cung ứng lương thực, thực phẩm trong các khu cách ly; và chưa phát huy được sức mạnh của nhân dân theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”.


Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn đang diễn biến phức tạp, hơn bao giờ hết hiện nay đòi hỏi chúng ta cần vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc để phát huy sức mạnh toàn thể nhân trong việc tiếp phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương hiện nay trong trạng thái bình thường mới. Chúng ta càng ghi nhớ và thực hành lời dạy của Hồ Chí Minh.


Một số giải pháp vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong việc tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương hiện nay:


Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, vận động, kêu gọi nhân dân thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh:
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương, các tổ chức chính trị-xã hội đồng hành cùng các sở, ban, ngành, các địa phương làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm và các kỹ năng phòng, chống dịch Covid.
Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như thực hiện các Chỉ thị của Chính phủ như Chỉ thị 15 +, chỉ thị 16, vùng đông cứng tùy thuộc vào tình hình cụ thể của các vùng xanh, vàng, đỏ ở mỗi địa phương khác nhau, tuyên truyền mỗi người dân thực hiện tốt “5K”, thông điệp “5T” của Bộ y tế trong trạng thái bình thường mới.


Hiện nay, cơ bản chúng ta đã kiểm soát được dịch thế nhưng không vì vậy mà lơ là trong phòng chống dịch mà cần phải tiếp tục tăng cường về các biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức hơn nữa để đạt hiệu quả cao giữ an toàn cho vùng xanh để người dân yên tâm khi trở lại trạng thái bình thường. Theo đúng tinh thần của Hồ Chí Minh, cán bộ là gốc của mọi công việc, muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, có cán bộ tốt việc gì cũng xong. Người yêu cầu cán bộ tuyên truyền phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng. Cán bộ đi vận động nhân dân phải đi đến nơi, đến tận chỗ, phải đi sâu, đi sát nắm vững tình hình, “đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước”[ Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.12, tr.210.]. Cán bộ phải tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức quần chúng hành động cách mạng và đặc biệt phải cùng làm với dân để hướng dẫn, giúp đỡ quần chúng, góp phần thiết thực giải quyết những khó khăn, thiếu thốn về vật chất và tinh thần của quần chúng.


Thứ hai, phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết:


Để thực hiện được vấn đề này khi thực hiện giãn cách xã hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục không để người dân thiếu ăn, đảm bảo trật tự và an ninh cho nhân dân. Nắm bắt tình hình người dân trên địa bàn để kịp thời động viên, hỗ trợ. Kịp thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ người dân đặc biệt là người già, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, mất việc, phụ nữ mang thai và trẻ em... không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu lương thực. Theo như quan điểm của Hồ Chí Minh, cán bộ phải luôn đi vào trong quần chúng “nghe” và “trông” họ đang nói gì, nghĩ gì, làm gì, có những khúc mắc và bức xúc gì, để tìm cách tháo gỡ, động viên họ.


Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt lực lượng tham gia chống dịch


Đề cao trách nhiệm nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, nhất là những cán bộ lãnh đạo ở địa phương là nơi sát quần chúng nhân dân. Chủ động, linh hoạt và chỉ đạo sát sao, kiểm soát tốt tình hình, ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra. Cần phải khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nặng nề trong công tác phòng, chống dịch tại tỉnh nhà hiện nay.


Thứ tư, huy động sức mạnh đoàn kết của nhân dân, nỗ lực và quyết tâm tiếp tục phòng, chống dịch:


Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân, động viên nhân dân tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch. Các tầng lớp nhân dân cần phải đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng hỗ trợ nhau những lúc khó khăn. Đồng thờ kêu gọi người dân hãy vì sức khỏe của chính mình, vì sức khỏe của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước, tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.


Toàn dân đoàn kết tạo thành sức mạnh to lớn trong cuộc chiến phòng chống dịch, chẳng hạn như:


Đối với đoàn viên thanh niên: Đoàn viên thanh niên tiếp tục phát huy vai trò của mình với tinh thần xung kích bám cơ sở thực hiện các hoạt động tình nguyện của thanh niên tham gia phòng chống dịch. Đoàn thanh niên Bình Dương trong thời gian vừa qua đã cùng với các cấp chính quyền xông pha vào tâm dịch để hỗ trợ các y bác sĩ, phát lương thực cho nhân dân, tham gia trực các chốt... trong thời gian sắp tới cần phát huy hơn nữa tinh thần này để đẩy lùi dịch bệnh.

 

 

 

Đoàn viên thanh niên phường Chánh Mỹ, Tp. Thủ Dầu Một phát lương thực cho người dân ở các phòng trọ

 

 

Đoàn viên thanh niên phường Hiệp Thành, Tp. Thủ Dầu Một phát lương thực cho người dân


Đối với Hội cựu chiến binh: tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", vận động hội viên có sức khỏe, có chuyên môn tích cực tham gia chống dịch. Chẳng hạn như tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch ở cơ sở, tham gia các tổ Covid... Trong thời gian vừa qua Hội cựu chiến binh các cấp đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền đến người dân về tình hình dịch cũng như vận động người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ... trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy tinh thần này.


Ðối với đồng bào các tôn giáo: Cùng với việc phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong chống dịch. Cần tiếp tục động viên, kêu gọi các tổ chức tôn giáo, các chức sắc chung tay trong phòng, chống dịch.


Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội ở cơ sở


Tại cơ sở là nơi gần dân nên Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội phải làm tốt vai trò lắng nghe dân, dân có phản ánh gì không? Gặp khó khăn gì không?... để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ hoặc đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền đáp ứng được những yêu cầu, thiếu thốn của người dân nhất là trong các vùng phong tỏa, vùng bị đông cứng. Kịp thời cập nhật thông tin, đồng thời phản bác các tin giả về dịch bệnh để không gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc không những có giá trị ý nghĩa to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân ta trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa mà ngày nay hơn bao giờ hết vấn đề đại đoàn kết càng cần được quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết to lớn để phòng, chống dịch Covid-19 thì đòi hỏi chúng ta phải vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong giai đoạn hiện nay tại tỉnh Bình Dương để đẩy lùi dịch bệnh trong toàn tỉnh.

 

Th.S Nguyễn Thị Lê Vân - Giảng viên trường Chính trị Bình Dương (MT)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Từ điển Tiếng Việt (1994), Nxb.Giáo dục
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.12, tr.210 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54859599
Hôm nay: 17575
Đang online: 52
Về đầu trang