5/26/2021 12:00:00 AM GMT+7

Vận dụng phong cách giao tiếp, ứng xử theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay

TTBD - Vận dụng phong cách giao tiếp, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc tu dưỡng rèn luyện xây dựng văn hóa gioa tiếp, ứng xử cho đoàn viên, thanh niên hiện nay là việc làm rất cần thiết. Để việc học tập và làm theo tấm gương của Bác, mỗi thanh niên phải tự nỗ lực rèn luyện, tự soi mình mà khắc phục những hạn chế, yếu kém trong học tập, công tác và cuộc sống để biết đặt lợi ích tập thể lên trên hết và thực hiện có hiệu quả lời nói đi đôi với việc làm. Đồng thời, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống giản dị, trong sáng, xây dựng một tập thể đoàn kết, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức giao cho.

Tấm gương đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh chinh phục trái tim của toàn dân ta không phải bằng những lý luận cao siêu mà bằng chính cuộc sống giản dị, khiêm tốn, chân tình của Bác. Người không chỉ là một nhà lãnh đạo vĩ đại mà còn là một nhà văn hóa chính trị, những giá trị văn hóa đã thấm sâu vào mọi suy nghĩ, hành vi, hình thành một lối ứng xử riêng giàu tính nhân văn. Học tập phong cách ứng xử của Bác không chỉ giúp thanh niên tìm thấy những giá trị, ý nghĩa của nó, mà qua đó chúng ta còn học tập và vận dụng văn hóa ứng xử của Người trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với đoàn viên, thanh niên, những người làm chủ tương lai của đất nước.


Học tập, vận dụng phong cách giao tiếp, ứng xử giàu tính nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được biểu hiện trên những vấn đề sau:


1.Phong cách khiêm tốn, giản dị.

Khiêm tốn, giản dị là một trong những đức tính quan trọng nhất của con người. Con người khiêm tốn là một con người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự mình đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình cũng như không bao giờ chấp nhận một tinh thần chủ bại mang nhiều mặc cảm của cuộc đời đối với mọi người. Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng thượng, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng nêu cao óc học hỏi, không khoe khoang, không tự đề cao cá nhân mình với người khác.


Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù ở địa vị cao nhưng Người không bao giờ tự đặt mình cao hơn người khác để đòi hỏi một sự suy tôn, mà luôn ẩn mình đi và luôn quan tâm chu đáo đến mọi người xung quanh. Thái độ khiêm nhường của Bác đã được thể hiện bằng rất nhiều hành vi ứng xử trong cuộc đời hoạt động của mình. Khi đã giữ cương vị Chủ tịch nước rồi mà Người vẫn xưng hô mình là “cháu” đối với phụ lão cứu quốc ở huyện Ứng Hòa – Hà Tây, thì đó là điều tiền lệ chưa từng có: “Thưa cụ! Những vị thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà…Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn Cụ và trân trọng chúc Cụ sống lâu và luôn mạnh khỏe, để kêu gọi con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và kiến quốc. Cháu lại kính gửi Cụ lợi chào thân ái và quyết thắng” (1).


Trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nền độc lập của đất nước, Hồ Chí Minh giao tiếp với biết bao nhiêu đối thủ. Với những đối tượng này, Người đã ứng xử với phong cách của một nhà hoạt động chính trị lão luyện, một nhà ngoại giao từng trải, một chiến sĩ ngoài trận tuyến cực kỳ dũng cảm và thông minh để giành thắng lợi trong từng trận đánh. Đó là phong cách lịch lãm và tự chủ, bình tĩnh và đĩnh đạc, chủ động và tỉnh táo để vượt qua mọi cạm bẫy, đẩy lùi mọi đòn tiến công hiểm độc và mọi thủ đoạn xảo trá của đối phương.


Như vậy, bằng sự khiêm nhường, linh hoạt và chủ động đã làm nên nét ứng xử đặc trưng – nét ứng xử Hồ Chí Minh.

 

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu Liên Xô và nước ngoài dự Đại hội 22 Đảng Cộng sản Liên Xô. Ảnh: TTXVN


Đối với thế hệ trẻ hôm nay, khiêm tốn là thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân mình, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người khác. Học tập ở Bác để có lòng khiêm tốn, luôn luôn thể hiện thái độ hòa nhã, nhún nhường trong văn hóa ứng xử; luôn tỏ ra tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác. Khi rèn luyện được tính khiêm tốn, thanh niên mới có tinh thần cầu tiến, từ đó phấn đấu không ngừng học hỏi, rèn luyện và tiến bộ. Người khiêm tốn thường cẩn trọng trong từng công việc, họ không vội vàng, hấp tấp, cũng không cố làm ra vẻ hiểu biết để lấy lòng người khác, lúc nào người khiêm tốn cũng điềm tĩnh, linh hoạt, suy xét rồi mới hành động. Bởi thế khi học được tính khiêm tốn, họ thường thành công trong công việc, được người khác yêu mến, tin tưởng giao nhiệm vụ.


Thanh niên học tập tính khiêm tốn ở Bác để giúp bản thân không kiêu ngạo khi đứng trên sự thành công. Không tự mãn, đắm chìm trong thành công trước mắt của mình mà quên mất rằng mình là một thế hệ trẻ, kinh nghiệm và kiến thức còn non, luôn tự nhận thức cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo lập nên những thành quả mới, rèn luyện kỹ năng học hỏi, cầu thị, tìm thấy cái tốt đẹp ở người khác để noi theo và chấp nhận người khác như một điều mới mẻ để học tập ở họ những điều tốt. Cần xem thành công là kết quả của những nỗ lực không ngừng của tập thể, của tổ chức chứ không phải là của các nhân, để sau những thành công bước đầu, thanh niên cần phải nỗ lực tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thử thách để tiến bộ chứ không quá vui mừng mà tỏ ra ỷ lại, chủ quan, bất cẩn, thiếu trách nhiệm. Học khiêm tốn ở Bác để hiểu và chỉ cho chính bản thân thanh niên thấy được những thiếu sót, hạn chế của bản thân mình để sửa đổi, không tỏ thái độ kiêu căng, và giúp họ biết bình tĩnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của mọi người xung quanh. Rèn được tính khiêm tốn sẽ giúp thanh niên gặp thuận lợi trong công việc, học tập và cuộc sống, tạo động lực cho họ vượt qua những khó khăn, thử thách dần tiến tới thành công.


Sông sâu thường phẳng lặng, người càng giỏi càng khiêm tốn. Thế hệ trẻ hôm nay cũng phải giống như nước luôn mang trong mình phẩm chất khiêm tốn. Khiêm tốn là nhân tố thiết yếu tạo nên sự thành công và góp phần xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, tạo thiện cảm với mọi người xung quanh.

 

 

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn trao tặng Bảng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đại diện các cơ sở Đoàn nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)

 

2. Chân tình, yêu thương và trân trọng mọi người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách ứng xử rất tự nhiên, bình dị, rất cởi mở chân tình và nồng hậu. Trong các buổi họp mặt, những buổi mít tinh, Người đã xóa bỏ mọi sự cách biệt về cấp bậc, chức vụ giữa lãnh tụ và quần chúng. Qua giao tiếp, Hồ Chí Minh đem đến cho mọi người ý thức về sự bình đẳng hoàn toàn giữa những con người tự do và làm chủ như một giá trị, hơn nữa đã để lại những ấn tượng bền vững trong ký ức mọi người, Trong bài viết: “1h với đồng chí Hồ Chí Minh”, nhà sử học Pháp – Charles Fourniau đã viết: “Con người mà có sự mặt phi thường…có thể làm xóa nhòa sự có mặt của những người khác; nhưng sự chăm sóc, thái độ ân cần hết sức lịch thiệp và hòa nhã của Người đối với khách, làm cho người ta trong những giây phút đầu thấy đôi chút lúng túng, nhưng sau đó lại tạo ra một bầu không khí thân mật, thoải mái ngay”(2).


Khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, giây phút Người dừng lại giữa chừng để hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, nó đã xóa đi khoảng cách giữa Người với triệu quốc dân đang đứng dưới Quảng trường. Chỉ một câu nói đã khiến biết bao người xúc động. Nó có giá trị hơn biết bao nhiêu bản tuyên bố hay những lời hứa hẹn, bởi vì nó còn lại mãi trong lòng dân tộc về một kiểu giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ với quần chúng nhân dân.


Ở chủ tịch Hồ Chí Minh, bao giờ Bác cũng là thái độ yêu thương quý mến và trân trọng mọi người. Chính vì vậy, đối với thế hệ trẻ, đoàn viên thanh niên hiện nay, học tập phong cách ứng xử của Người để có thể vừa ân cần, niềm nở, vừa thân ái, nhiệt tình, khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình nghiêm khắc, với độ lượng, khoan dung để nâng con người lên, chứ không phải hạ thấp, vùi dập con người.


Như vậy, học ở Bác là tự trang bị cho chính mình một tấm lòng yêu thương, nhân hậu, dám nghĩ dám làm và làm vì cái chung, biết đặt mình vào vị trí người khác, lấy giản dị, thân thiện, yêu thương để đối xử với mọi người, cùng xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp.

 

 

Đ/c Trần Thị Diễm Trinh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn đến thăm hỏi, động viên tinh thần các bạn đoàn viên, thanh niên ở phường Dĩ An, thành phố Dĩ An


3. Cảm hóa, khoan dung và độ lượng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng tấm lòng để khoan dung, đại lượng, quy tụ được các bậc yêu nước lão thành, những trí thức lớn, nhiều vị đại thần thuộc Nam triều hay Chính phủ dưới chế độ cũ, nhiều vị chức sắc các tôn giáo… như mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra đảm đương việc nước; Người đã thuyết phục kể cả các đồng chí của mình, để cụ Bùi Bằng Đoàn – nguyên Thượng thư Bộ Hình làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Phan Kế Toại – nguyên khâm sai Bắc kỳ làm Phó Thủ tướng, Linh mục Phạm Bá Trực làm Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội… Hơn thế nữa, qua tiếp xúc với Hồ Chí Minh, nhiều trí thức Việt kiều ở Pháp đã xin về nước, tham gia kháng chiến, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để được đóng góp tài trí của mình vào sự nghiệp chung như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Trần Hữu Tước…


Ngay đối với những người là kẻ thù của chúng ta khi đã là tù binh Pháp, Người cũng dặn: “…Phải chăm lo hết sức chu đáo, đối xử thật nhã nhặn để tỏ sự ân cần của ta đối với người dân Pháp, để cho họ thấy rõ ta chiến đấu là vì tiền đồ của quốc gia và dân tộc Việt Nam chứ không có ý ghét bỏ người Pháp, khẩu phần của họ phải hơn người Việt Nam tổ chức việc nấu ăn và chăm lo họ cho kỹ lưỡng”(3).


Như vậy, bằng sự khoan dung đại lượng – phong cách ứng xử Hồ Chí Minh đã có sức thuyết phục lớn đối với khối óc và trái tim của quần chúng.


Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, Thanh niên Bình Dương đã nêu cao tinh thần xung kích tình nguyện, đóng góp sức trẻ của mình cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà, Đội ngũ cán bộ đoàn chất lượng và có tâm huyết đang từng bước được xây dựng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội mạnh mẽ của địa phương.


Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít bộ phận thanh niên còn lơ là, chủ quan, nhạt lý tưởng, học tập, làm việc và công tác với thái độ thiếu nghiêm túc, tính kỷ luật chưa cao; Thực tế đó vẫn tồn làm ảnh hưởng đến hình ảnh, tác phong, lề lối, uy tín của đoàn viên thanh niên nói chung và thanh niên tỉnh Bình Dương nói riêng. Chính vì vậy, việc xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của đoàn viên thanh niên hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một đòi hỏi vừa khách quan vừa cấp bách.


Để vận dụng hiệu quả phong cách ứng xử cho đoàn viên, thanh niên trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau:


Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền văn hóa công sở gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức về ứng xử văn hoá cho đoàn viên, thanh niên. Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức là vấn đề then chốt để mỗi đoàn viên, thanh niên hiểu được vai trò, trách nhiệm của chính mình, từ đó nâng cao các hành vi giao tiếp, ứng xử văn hoá cho bản thân, từ đó chính họ phải tự thay đổi quan niệm, cung cách làm việc, giao tiếp ứng xử, tác phong công tác, học tập nề nếp, có kỷ luật, xây dựng dần thương hiệu của Thanh niên Bình Dương tâm huyết, năng động, sáng tạo trong thời kì mới.

 

 

Hành trình “Tuổi trẻ Bình Dương nhớ lời Di chúc theo chân Bác” và phát động đợt thi đua cao điểm “Tuổi trẻ Bình Dương sắt son niềm tin với Đảng” - kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)

 

 

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức Lễ giỗ tưởng niệm 51 năm Ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

 

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bình Dương phát hành ấn phẩm các bài viết đạt giải cuộc thi viết “Ngày tôi vào Đảng Cộng sản Việt Nam” năm 2020

 

 

 

 

 

CLB Lý luận trẻ tỉnh Bình Dương sinh hoạt Quý II - Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Đoàn dâng hương và tìm hiểu về khu di tích lịch sử cấp quốc gia Rừng Cao su Thời pháp thuộc

 

Hai là, mỗi đoàn viên, thanh niên cần ra sức phấn đấu, tự rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với văn hóa công sở, văn hoá học đường, thực tiễn nhiệm vụ được phân công, để nâng cao năng suất làm việc và học tập có trách nhiệm. Thực hiện tốt ứng xử văn hóa theo phong cách của Bác chính là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện tốt việc xây dựng những mối quan hệ thân thiện, đúng chuẩn mực và tốt đẹp, tạo sự đồng thuận, hài hoà trong các mối quan hệ giao tiếp ứng xử giữa đoàn viên thanh niên với nhau, giữa đoàn viên, thanh niên với tổ chức, với tập thể.

 

 

 

 

Điểm cầu tỉnh Bình Dương tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi, giai đoạn 2016-2021 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức

 

 

 

 

 

Đ/c Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Bí thư Tỉnh Đoàn tặng quà cho thiếu nhi các lớp học tình thương tại Thành phố Dĩ An

 

Ba là, các cơ quan, công sở, trường học cần phải ban hành quy chế văn hóa ứng xử với nội dung cụ thể, rõ ràng mang tính khả thi cao, cần có văn bản hướng dẫn, bản cam kết thực hiện nghiêm túc của đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở đoàn viên, thanh niên, cần phải tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát; đồng thời cần phải quan tâm đến ý kiến của tập thể, cơ quan, đơn vị công tác về quá trình thực hiện giao tiếp ứng xử của đoàn viên, thanh niên để có những điều chỉnh kịp thời theo hướng tốt hơn.

 

 

BTV Tỉnh Đoàn tổ chức Cuộc thi viết cảm nhận “Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn” - Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

 

 

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn thực hiện ấn phẩm “Những mô hình, công trình, phần việc, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2019” tại Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Đoàn - Đây vinh dự là 01 trong 50 công trình thanh niên làm theo lời Bác tiêu biểu toàn quốc năm 2019 

 

Đối với đoàn viên thanh niên tỉnh Bình Dương hiện nay, đặc thù là thế hệ trẻ của một tỉnh đang phát triển vượt bậc, năng động, cuộc sống người dân đang được cải thiện đáng kể, theo ghi nhận bình quân thu nhập đầu người ở Bình Dương đang đứng đầu cả nước, điều này rất cần sự quyết tâm hơn nữa, phấn đấu và thể hiện vị trí, vai trò của mình chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp. Để giúp phát huy hết vai trò xung kích, tình nguyện, tâm huyết của thế hệ trẻ, các cấp ủy Đảng, tổ chức đoàn thể, đặc biệt là tổ chức đoàn thanh niên các cấp cần tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn, đoàn viên chất lượng luôn chấp hành nghiêm điều lệ đoàn, kỷ luật, kỷ cương, văn hóa; chú trọng xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự của đoàn viên thanh niên; thực hiện các tiêu chí về “văn hóa giao tiếp, ứng xử” của thanh niên; đồng thời thực hiện các quy định về chuẩn mực đạo đức và văn hóa giao tiếp, ứng xử trong xây dựng nhân cách của người đoàn viên theo lời Bác dạy; Văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vị trí nền tảng, làm cơ sở định hướng cho việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho mỗi đoàn viên, thanh niên. Thông qua đó, giúp mỗi thế hệ trẻ nâng cao nhận thức, tự điều chỉnh, tự thích ứng với công việc, học tập, rèn luyện ý chí, nâng cao bản lĩnh chính trị, quy tắc, chuẩn mực của người thanh niên thế hệ mới. Từ đây, lực lượng xung kích trẻ phải không ngừng tu dưỡng, phấn đấu học tập để tiếp tục hoàn thiện bản thân về trình độ chuyên môn cũng như phẩm chất đạo đức cách mạng.

 

 

 

 

Phong cách gần dân, sát dân, lắng nghe người dân và đoàn viên, thanh niên được cán bộ Đoàn nêu gương thực hiện tốt

 

 

  

 

Tuổi trẻ Bình Dương xung kích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

 

Tư tưởng, đạo đức, phong cách chủ tịch Hồ Chí Minh là giá trị vĩ đại, vẫn còn sống mãi, kim chỉ nam cho mọi hoạt động, cống hiến của thế hệ trẻ, là tấm gương dẫn dắt đoàn viên, thanh niên noi theo, rèn luyện, phấn đấu đi tới mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tới sự tốt đẹp của cuộc sống, sự hoàn thiện của nhân cách, văn hóa làm người.


“Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Học tập và làm theo văn hóa ứng xử của Hồ Chí Minh không thể chỉ trong thời gian ngắn, mà phải xem đây là quá trình lâu dài, thường xuyên, phải có sự cố gắng bền bỉ, dẻo dai của đoàn viên, thanh niên trẻ. Có như vậy, việc học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mới đạt được kết quả thực chất, góp phần hoàn thiện phong cách của đoàn viên, phấn đấu mục tiêu xây dựng thương hiệu thanh niên Bình Dương đúng chuẩn
“Tâm trong- trí sáng- hoài bão lớn”.

 

  

  


Hành trình “Tiếp nối truyền thống – Vững bước tương lai” - Tuyên dương 136 Gương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác giai đoạn 2018 - 2020, 90 Gương Đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2020 và 122 gương Đội viên tiêu biểu tại các Khu di tích lịch sử, địa danh, địa chỉ đỏ của các Huyện, Thị, Thành phố trên địa bàn tỉnh 

 

------------------------

(1) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H.1994,tr.198 - 199.
(2) Trần Đức Hiếu: Bác Hồ, con người và phong cách, Nxb Lao động, Hà Nội, 1993, tập 1.
(3) Lê Văn Hiến: Nhật ký của một Bộ trưởng, Nxb. Đà Nẵng, 1995, t.1, tr.6).
(4) Lê Kim: Bác Hồ tiếp xúc với tình báo đối phương, Nxb. Đà Nẵng, 1990, tr.81.

 

CTV Võ Huỳnh Như Thuyên - Câu lạc bộ Lý luận trẻ tỉnh Bình Dương (NC)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54992096
Hôm nay: 336
Đang online: 59
Về đầu trang