TTBD - Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo nên việc đoàn kết toàn dân trong đó có đoàn kết dân tộc và đoàn kết tôn giáo là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thắng lợi của cách mạng. Với một giác quan chính trị nhạy bén và sự mẫn cảm kiệt xuất, Hồ Chí Minh sớm nhìn thấy đồng bào các tôn giáo là một lực lượng quần chúng hùng hậu của cách mạng, là một bộ phận không thể thiếu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tập hợp quần chúng tín đồ các tôn giáo vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc không những đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho tín đồ tôn giáo mà còn đem lại quyền tự do tôn giáo cho họ. Theo Người thì: "Tổ quốc được độc lập thì tôn giáo mới được tự do, dân tộc được giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng". Với chủ trương tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết, theo Hồ Chí Minh công tác tôn giáo phải nhằm mục tiêu là đoàn kết giữa người có đạo và người không có đạo, đoàn kết đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Với nội dung cốt lõi là: Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân và Đoàn kết lương - giáo, hòa hợp dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc rộng rãi và vững chắc, phục vụ cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là nguyên tắc được Đảng và Nhà nước ta thực hiện xuyên suốt từ trước tới nay.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo
Việt Nam là một Quốc gia có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài với đặc điểm có nhiều dân tộc cùng chung sống, nhiều tôn giáo cùng tồn tại. Năm 1858, tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược Việt Nam. Sau khi dập tắt được các phong trào yêu nước của nhân dân ta, chúng đã từng bước thiết lập bộ máy cai trị. Dựa trên cơ sở về địa lý, dân tộc, tôn giáo chúng thực hiện chính sách chia để trị với mục đích là gây chia rẽ, thù hằn dân tộc nhằm phá vỡ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, làm cho dân tộc ta không đủ sức chống lại chúng. Nhận thức được điều này, ngay từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo một cách sáng tạo, hình thành nên tư tưởng về công tác tôn giáo phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam, góp phần bổ sung và làm phong phú thêm kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin. Là một người yêu nước, với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, hướng tới giải phóng con người. Vì vậy, công tác tôn giáo ở Việt Nam cũng không ngoại lệ mà phải hướng theo mục tiêu trung tâm là độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo có thể khái quát thành một số nội dung chính như sau:
- Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân.
Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng dân chủ tiến bộ của phương Tây, trong các quyền đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ những quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo, Hồ Chí Minh đã hình thành nên quan điểm về công tác tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền lý luận với thực tiễn về công tác tôn giáo trong hoạt động cách mạng, nguyên tắc nền tảng này được Đảng và Nhà nước ta áp dụng xuyên suốt từ trước đến nay.
Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người chỉ đạo biên soạn khẳng định: “Nhân dân có quyền tự do tín ngưỡng”. Chính cương của Mặt trận Liên Việt, ở điểm 1 điều thứ 7 khẳng định: “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng của mọi người”. Điều 8 trong Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, cũng khẳng định: “tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của mọi người dân”. Qua những đó chứng minh, Hồ Chí Minh tôn trọng quyền tự do tôn giáo của nhân dân.
Năm 1951, để chống lại luận điệu cộng sản là vô gia đình, vô đạo và vô Tổ quốc, thậm chí cho rằng Việt cộng diệt đạo của kẻ địch, trong buổi kết thúc lễ ra mắt của Đảng lao động Việt Nam, Người chỉ rõ: “chúng tôi xin nói rõ để tránh mọi sự có thể hiểu lầm:…Vấn đề tôn giáo, thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người”.
Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL về vấn đề tôn giáo gồm 5 chương và 16 điều. Sắc lệnh đã thể hiện rất rõ, chi tiết, cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Sắc lệnh 234/SL của Người đã được đông đảo đồng bào có đạo hoan nghênh và ủng hộ.
Ngoài việc tôn trọng quyền tự do về tín ngưỡng tôn giáo, thấy được những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo, Hồ Chí Minh cũng phê phán những mặt hạn chế của tôn giáo như hiện tượng mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu. Từ đó, Hồ Chí Minh đã đề ra một số giải pháp nhằm xóa bỏ các tệ nạn đó là: bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan phải đi đôi với việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng thuần phong, mỹ tục. Việc đấu tranh nhằm khắc phục các biểu hiện tiêu cực của tôn giáo phải thực hiện một cách tế nhị, tránh thô bạo.
- Thực hiện đoàn kết lương - giáo, hòa hợp dân tộc.
Đoàn kết lương - giáo nằm trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh. Với Hồ Chí Minh đoàn kết là một chiến lược lâu dài chứ không phải một thủ đoạn chính trị nhất thời. Lực lượng đoàn kết theo Hồ Chí Minh là “mỗi một người con Rồng cháu Tiên”, đó là mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc đa số hay thiểu số, có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, không phân biệt “già, trẻ, gái, trai, giàu nghèo hay quý tiện”.Trong tác phẩm Đường Cách Mệnh, Hồ Chí Minh viết: “Ai là thợ thuyền thì được vào hội, dù tin Phật, tin đạo, tin cộng sản, tin vô chính phủ, tin gì cũng mặc, miễn là làm đúng quy tắc hội là được”. Năm 1955, tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc, Người khẳng định: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi, mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà, ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta phải đoàn kết với họ”.
Để chống lại luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của bọn thực dân Pháp là Thiên Chúa giáo không đội trời chung với cộng sản, cộng sản là kẻ thù của Công giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh là cộng sản, vì vậy người giáo không thể đồng hành với Chính phủ Hồ Chí Minh. Người đã đáp lại bằng lời kêu gọi: “lương giáo đoàn kết, diệt hết kẻ thù”. Lời kêu gọi này đã chứng tỏ một điều rằng: Hồ Chí Minh là Người phân biệt rõ ràng những người công giáo yêu nước với những kẻ mang danh công giáo phản quốc, phản chúa. Vạch trần thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực phản động để mê hoặc, kích động, chia rẽ, lừa dối nhân dân phục vụ cho chính sách “chia để trị” của chúng. Với chiến lược đoàn kết dân tộc, trong đó đoàn kết lương giáo là một nội dung trọng tâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc rộng rãi, thực hiện thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đem lại độc lập cho dân tộc, tiến tới xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về những giá trị tích cực của tôn giáo
Hồ Chí Minh đã tiếp cận tôn giáo không chỉ là nhu cầu tinh thần của nhân dân mà Người còn khai thác tôn giáo với tính cách là những giá trị đạo đức, di sản văn hóa của nhân loại. Người đấu tranh quyết liệt với những kẻ lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng nhưng Người cũng nhìn thấy ở tôn giáo những giá trị tốt đẹp phù hợp với đạo đức mới và phục vụ cho sự phát triển của thời đại.
Hồ Chí Minh viết: “Mục đích cao cả của Phật Thích ca và Chúa Giê su đều giống nhau, Thích ca và Giê su đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”. Người nói: “Chúa Giê su dạy đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: đạo đức là bác ái”.
Tiếp thu tư tưởng quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX đã khẳng định: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân... Mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Những luận điểm cơ bản và quan trọng của Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo đã được Đảng ta kế thừa và vận dụng sáng tạo tại Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác tôn giáo. Tính thời sự và nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như trong quan điểm của Đảng ta đã góp phần thúc đẩy và tăng cường khối đại đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và là minh chứng sinh động cho chân lý “Đoàn kêt, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Tài liệu ảnh giai đoạn (1954 - 1985) (LIV), SLT 1474)
2. Vận dụng tư tưởng của Người trong việc quy định một số vấn đề tôn giáo hiện nay.
Nhằm thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta đối với lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh các Nghị quyết số 25- NQ/TW ngày 12/03/2003 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “về công tác tôn giáo”, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội có phiên họp thứ 19 Khóa XI ngày 18/06/2004 đã thông qua Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt là Luật tôn giáo, tín ngưỡng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18 tháng 11 năm 2016, được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 01 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Luật tôn giáo, tín ngưỡng đã thể chế hóa đường lối, chủ trương về chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Một là, Khẳng định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của mọi công dân Việt Nam, cũng như người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; có quyền vào tu các cơ sở tôn giáo. Quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức giáo hội trực thuộc. Các tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được biểu hiện như sau:
- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
- Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
Hai là, quy định về hoạt động tín ngưỡng: hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Việc tổ chức hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường.
Về người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, nhằm tạo điều kiện cho cơ sở tín ngưỡng hoạt động có hiệu quả, Luật quy định cơ sở tín ngưỡng phải có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng như đăng ký hoạt động tín ngưỡng, thông báo việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ; thông báo về tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi; quản lý và sử dụng khoản thu đúng mục đích, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư; việc bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức để cộng đồng dân cư bầu, cử. Căn cứ vào kết quả bầu, cử, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản công nhận người đại diện hoặc thành viên ban quản lý trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bầu cử.
Ba là, quy định về việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo. Luật chỉ rõ điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo, trường hợp được cấp chứng nhận cũng như hoạt sau khi được cấp chứng nhận.
Bốn là, những quy định về việc công nhận tổ chức tôn giáo; thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc. Phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Các nội dung liên quan đến điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng tôn giáo cũng như cơ chế giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo.
Năm là, các quy định về hoạt động tôn giáo; hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo. Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Theo Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo được quy định như sau:
Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng.
Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Sáu là, sự quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Khoản 1 Điều 64 Luật Tín ngưỡng tôn giáo quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
- Người nào lợi dụng các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, có thể bị phạt đến 07 năm tù (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).
- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào có thể bị phạt đến 03 năm tù (Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).
Ngoài ra, đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo khi thi hành công vụ tùy vào tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật với các hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Kết luận
Với chủ trương tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết, theo Hồ Chí Minh công tác tôn giáo phải nhằm mục tiêu là đoàn kết giữa người có đạo và người không có đạo, đoàn kết đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Từ tư tưởng đó của Người, trong suốt tiến trình cách mạng của đất nước ta luôn tạo được ra khối đại đoàn kết dân tộc, tạo được sức mạnh tổng thể để chiến thắng mọi kẻ thù cũng như phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Từ tư tưởng đó, Nhà nước ta đã vận dụng để đưa lên thành các quy định pháp luật để mang tính phổ quát cho toàn xã hội và Luật Tôn giáo năm 2018 quy định cụ thể về định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Thực hiện tốt đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo. Không ngừng phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo, các chức sắc tôn giáo thực hiện tốt trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống “tốt đời, đẹp đạo”, phát huy những giá trị tốt đẹp văn hóa, đạo đức của tôn giáo. Đấu tranh chống lại các hành vi lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, để hoạt động trái với luật tôn giáo của Nhà nước, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh quốc gia.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2016), Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
3. Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016
Th.S Mai Văn Bằng - Trường chính trị Bình Dương