TTBD - Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta và của nhân loại, Người đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá, một hệ thống tư tưởng toàn diện và sâu sắc; một phong cách dân tộc, hiện đại, khoa học cách mạng và thiết thực. Và trong hệ thống các giá trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, Tư tưởng Hồ Chí Minh về thiết kế bộ máy nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng để thiết kế bộ máy nhà nước Việt Nam chính quy, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thiết kế bộ máy nhà nước
1.1. Yêu cầu đối với bộ máy nhà nước
- Thứ nhất: Chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Tư tưởng về xây dựng một nhà nước của dân, do nhân dân lao động làm chủ là điểm cơ bản nhất phân biệt sự khác nhau của Nhà nhà nước kiểu mới so với nhà nước thực dân, phong kiến. Theo Người, “tất cả mọi quyền bính trong nước là của của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 03 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đề nghị tiến hành cuộc Tổng tổng tuyển cử. Người khẳng định: “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử… Do Tổng tổng Tuyển tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân” . Quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy thác cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, Hồ Chủ tịch cho rằng nhân dân có quyền kiểm soát, giám sát đại biểu mà mình đã bầu ra. Người viết: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân với đại biểu của mình”.
- Thứ hai: Chính quyền quản lý bằng pháp luật.
Ngay sau Cách mạng tháng 8 thành công, trong tình thế cách mạng muôn vàn khó khăn, tại phiên họp Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945 Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ cấp bách phải tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội để có cơ sở xây dựng Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á - tạo cơ sở pháp lý cao nhất trong cả hoạt động đối nội và đối ngoại, khẳng định sự ra đời hợp hiến của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trước cộng đồng quốc tế. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã ký hơn 60 sắc lệnh, chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức hoạt động của Nhà nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Đặc biệt, trong hoàn cảnh sau kháng chiến chống Pháp bộn bề công việc, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm chỉ đạo xây dựng Luật Hôn nhân gia đình, Luật lao động, Luật cải cách ruộng đất, là những văn bản luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân lao động, không thể sử dụng các văn bản luật cũ.
- Thứ ba: Chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt, trong sạch và hiệu quả.
Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, muốn Nhà nhà nước vì dân thực sự, đòi hỏi bộ máy nhà nước phải hoạt động một cách hiệu quả, phòng chống các hiện tượng tiêu cực để bộ máy đó luôn trong sạch. Là nguyên thủ quốc gia, Hồ Chí Minh phát hiện rất sớm những biểu hiện tiêu cực trọng hoạt động của Nhà nhà nước. Trong bức thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người đã chỉ ra những “lỗi lầm rất nặng nề” mà nhiều cán bộ, công chức đã phạm phải khi chính quyền nhà nước còn non trẻ. Đó là:
+ Trái phép: có lúc vì tư thù, tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán.
+ Cậy thế: cậy thế mình ở trong bộ máy nhà nước để ngang tàng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân, quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân chứ không phải cậy thế với dân.
+ Hủ hóa: ăn tiêu xa xỉ, thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. “Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên cho đến các cô cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”.
+ Tư túng: Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng là việc công chứ không phải việc riêng gì dòng học của ai.
+ Chia rẽ: bênh lớp này, chống lớp khác, không biết làm cho tầng lớp nhân dân nhân nhượng, hòa thuận với nhau.
+ Kiêu ngạo: tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên.
Khắc phục 6 căn bệnh đó, bộ máy nhà nước sẽ trong sạch hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Người còn yêu cầu bộ máy chính quyền từ Trung ương đến các làng là “không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai phạm phải những lỗi lầm trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung. Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công, bình, chính trực vào lòng” .
1.2. Các cơ quan trong bộ máy nhà nước
- Nghị viện nhân dân
“Nghị viện nhân dân (tức Quốc hội) là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. (Điều 32, Hiến pháp năm 1946). Nghị viện nắm toàn quyền không chịu một hạn chế nào, “giải quyết mọi việc chung cho toàn quốc”. Nghị viện có Ban thường vụ để làm một số việc khi nghị viện không họp (Điều 35), để thường xuyên “kiểm soát và phê bình Chính phủ”. Về vấn đề này, Hồ Chí Minh đã vận dụng tư tưởng của C. Mác coi cơ quan đại diện dân cử là một “tập thể hành động”, chứ không phải là một cơ quan chỉ chuyên thảo luận, vốn có trong đa số các nước dân chủ phương Tây.
- Chính phủ
Cơ cấu then chốt để thực hiện (chấp hành quyền lực) là Chính phủ, với hệ thống bộ máy hành chính và chuyên môn (bộ máy quản lý đất nước).
Toàn bộ quyền thực thi luật để quản lý đất nước, kể cả xử án thì theo Hiến pháp 1946, Nghị viện giao cho Chính phủ phụ trách, tất nhiên dưới “sự kiểm soát và phê bình” thường xuyên của Ban thường vụ Nghị viện (Điều 36c). Hiến pháp cũng quy định trách nhiệm cao cho Chính phủ: sáng kiến luật và sắc luật là từ Chính phủ (Điều 36a và Điều 52b).
Chủ tịch nước chọn Thủ tướng, Nghị viện phê chuẩn. Thủ tướng chọn Bộ trưởng, Nghị viện phê chuẩn cả danh sách (chứ không từng Bộ trưởng). Về quyền bãi miễn của Nghị viện đối với Chính phủ theo Điều 54: “Toàn thể nội các không chịu trách nhiệm về hành vi một Bộ trưởng”, và Thủ tướng chỉ “phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của Nội các”. Trách nhiệm 1 của từng Bộ trưởng chỉ được nêu ra nếu một phần tư tổng số nghị viện yêu cầu. Đặc biệt, Chính phủ là một tập thể gồm cả Chủ tịch nước và Nội các bởi vì Chủ tịch nước đồng thời là Chủ tịch Chính phủ.
Hiến pháp 1946 đã xác nhận một thực tế và làm nổi lên rất cao về vị trí và vai trò cột trụ của Hành pháp trong cơ cấu Nhà nước. Quốc hội giao quyền hành chính (quản lý) cho Chính phủ. Đó là đặc điểm cơ bản về mặt tổ chức Nhà nước của chế độ dân chủ tập quyền nước ta theo Hiến pháp 1946. Mười lăm năm sau, Hiến pháp 1959 có điều chỉnh đôi chút theo hướng tăng thêm nội dung quyền lực của Quốc hội. Nhưng Hiến pháp 1959 vẫn duy trì nguyên tắc về một ngành hành pháp mạnh. Đó là thành quả chủ yếu của công cuộc 15 năm xây dựng Nhà nước dân tộc dân chủ Việt Nam, mà chủ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự thân xây dựng thiết kế từng bước.
- Cơ quan xét xử:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho hệ thống tư pháp ở nước ta. Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chủ tịch, các toà án được tổ chức theo nguyên tắc hai cấp xét xử và nguyên tắc thẩm quyền. Cách tổ chức như vậy nhằm đảm bảo tính độc lập của toà án, tiết kiệm cho Nhà nước và thuận tiện cho nhân dân. Trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án, Hồ Chủ tịch đặc biệt đề cao nguyên tắc độc lập của Toà án. Sắc lệnh số 13/SL do Người ký đã khẳng định nguyên tắc này: “Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý; các cơ quan khác không được can thiệp vào việc tư pháp” (Điều 47) và “Mỗi thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án” (Điều 50). Nguyên tắc đó còn được hiến định trong Hiến pháp năm 1946: “Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp” (Điều 69).
- Chính quyền địa phương:
Hiến pháp 1946 quy định trong Điều 59: “Hội đồng Nhân dân quyết định về những vấn đề thuộc địa phương mình” tương ứng với Điều 22: “Nghị viện nhân dân giải quyết mọi việc chung cho toàn quốc”. Nghĩa là: Nghị viện (Quốc hội) nắm quyền lực trên cả nước, Hội đồng nhân dân thì nắm quyền lực ở địa phương. Hiến pháp 1959 cũng quy định tương tự: dành quyền rộng rãi cho Chính phủ và Ủy ban Hành chính để cai trị (quản lý) đất nước và địa phương căn cứ vào luật lệ.
Hiến pháp 1946 nêu bật trách nhiệm của Ủy ban Hành chính “thi hành mệnh lệnh của cấp trên, (Điều 59, điểm a); Trách nhiệm (của Ủy ban hành chính) thi hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân địa phương mình, nhưng là nêu ở câu sau (điểm b – Điều 59), mà lại còn ghi: Sau khi được cấp trên chuẩn y”. Điều đó có nghĩa: “sau khi nghị quyết ấy của Hội đồng nhân dân mình được cấp hành chính trên chuẩn y”. Như vậy, cơ quan dân cử địa phương phải chịu sự giám hộ hành chính (tiếng Pháp: tutelle administrative). Hiến pháp 1959 quy định Điều 90: “Ủy ban Hành chính các cấp có quyền đình chỉ việc thi hành những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp…”
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thiết kế bộ máy nhà nước trong giao đoạn hiện nay
- Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
Từ tư tưởng về nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và tư tưởng chính quyền quản lý bằng pháp luật. Nhà nước ta kế thừa và phát triển tư tưởng của Người tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013 “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Tại Hiến pháp năm 2013, bản chất và đặc điểm của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được thể chế hóa rõ hơn. Xuất phát từ bản chất là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có 5 đặc điểm cơ bản sau:
Một là, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Hai là, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, mọi chủ thể trong xã hội đều phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật mà Hiến pháp là đạo luật tối cao, bộ luật gốc mang tính nền tảng.
Ba là, khẳng định và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng sự bình đẳng của mọi cá nhân và thể nhân trong thụ hưởng và phát triển quyền, không có sự phân biệt đối xử, trước tiên và chủ yếu trong việc tham gia vào công tác quản lý nhà nước và xã hội.
Bốn là, sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam được Hiến định trong các Hiến pháp trước đây và tiếp tục được khẳng định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013.
Năm là, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân. Quyền và nghĩa vụ của tất cả mọi người, mọi công dân và của mỗi người, mỗi công dân được pháp luật và các chủ thể trong xã hội, đặc biệt là Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và thúc đẩy trong khuôn khổ luật pháp.
- Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước từ ngày thành lập nước đến nay có sự thay đổi khác nhau để phù hợp với tình hình thực tế của mỗi giai đoạn lịch sử. Nhưng đến nay về việc quy định chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan nhà nước vẫn còn nguyên giá trị.
Thứ nhất, đối với Nghị viện nhân dân (Quốc hội). Hiện nay, pháp luật hiện hành vẫn quy định “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực tối cao nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Và Quốc hội “thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia và giám sát tối cao so với hoạt động của Nhà nước”.
Thứ hai, đối với Chính phủ. Quy định tại điều 94, Hiếp pháp năm 2013: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”.
- Là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Chính phủ có quyền tổ chức, điều hành hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở (bao gồm các Bộ, cơ quang ngang Bộ), tổ chức điều hành hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân trên cơ sở và quy định của luật.
+ Hoạch định chính sách phát triển quốc gia
+ Thống nhất quản lý các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc
+ Đảm bảo việc chấp hành hiến pháp và pháp luật
+ Thống nhất lãnh đạo hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo bộ máy HCNN hoạt động có hiệu lực và hiệu quả.
+ Đảm bảo đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân
- Là cơ quan chấp hành của Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm triển khai thực hiện Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.…Thông qua hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà những yêu cầu của các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên được hiện thực hóa. Tư cách chấp hành của Chính phủ còn thể hiện rõ trong các quy định của pháp luật và trên thực tiễn việc thành lập Chính phủ, về quyền giám sát tối cao của Quốc hội với Chính phủ, về quan hệ và trách nhiệm và báo cáo công tác của Chính phủ với Quốc hội.
Thứ ba, đối với cơ quan xét xử. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân. Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Thứ tư, đối với chính quyền địa phương. Cấp chính quyền địa phương bao gồm Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Theo Điều 1 Sắc lệnh số 63-SL ngày 23/11/1945 - Sắc lệnh đầu tiên về tổ chức chính quyền địa phương của Nhà nước Việt Nam đã ghi: “Để thực hiện chính quyền nhân dân địa phương trong nước Việt Nam, sẽ đặt hai thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính”. Trong quy định này, chính quyền địa phương đã được xác định gồm hai loại cơ quan: cơ quan có tính chất hội đồng do nhân dân bầu ra, được gọi là Hội đồng nhân dân và cơ quan chấp hành của hội đồng thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, được gọi là Uỷ ban hành chính. ở đây, đã có sự phân biệt giữa hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương do mọi cơ quan nhà nước thực hiện với hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước do các cơ quan nhà nước được nhân dân địa phương lập ra để phục vụ nhu cầu tổ chức đời sống xã hội ở địa phương.
Tất cả các văn bản pháp luật có hiệu lực thi hành từ hiến pháp đến các luật và văn bản dưới luật về tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam từ năm 1945 đến nay đều xác định chính quyền địa phương là bộ phận cấu thành có vị trí quan trọng của bộ máy nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương mà ở cấp trung ương là Quốc hội và Chính phủ. Hiến pháp 3013 ghi nhận mỗi cấp chính quyền địa phương có Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Uỷ ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân và hành chính nhà nước ở địa phương. Chính quyền địa phương được tổ chức theo thứ bậc từ cao xuống thấp: tỉnh, huyện, xã (và tương đương).
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là nhà kiến tạo vĩ đại. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Người tuyên bố: “Công việc phá hoại xong rồi. Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết” và việc đầu tiên phải kiến thiết là xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, một nền hành chính phục vụ nhân dân. Điều cần nói là, ngay từ khi bắt tay vào việc tạo dựng chính thể mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng tới mô hình chính quyền tinh gọn, hiệu quả và việc chấn chỉnh biên chế đã được Người sớm đặt ra. Đến nay, những tư tưởng của Người về thiết kế bộ máy nhà nước vẫn còn nguyên giá trị. Yêu cầu đổi mới nói chung và cải cách hành chính nói riêng đòi hỏi chúng ta phải tinh lọc, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị. Trong quá trình chắt lọc đó di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh sự khích lệ về tinh thần cũng như sự chỉ dẫn về phương hướng hành động của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Tác giả Nguyễn Ly - CLB Lý luận trẻ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiến pháp năm 2013
2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
4. Nguồn: http://laodong.com.vn/chinh-tri/30-so-cong-chuc-sang-cap-o-di-toi-cap-ve-100683.bld
CTV Nguyễn Ly (AT)