10/19/2021 12:00:00 AM GMT+7

Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ đến giải pháp nâng cao công tác vận động phụ nữ ở tỉnh Bình Dương hiện nay

TTBD - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới và chỉ làm cách mạng giải phóng dân tộc để có độc lập dân tộc thì phụ nữ mới được giải phóng. Trong thời kỳ xây dựng và bảo đất nước với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chị em phụ nữ cả nước, công tác phụ nữ trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Ðể phong trào phụ nữ tại địa phương tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, phối hợp, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội cống hiến nhiều hơn, tiếp tục phát huy truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" trong thời kỳ mới, xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng phụ nữ Việt Nam.

 1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ


Quan điểm “Nam, nữ bình quyền” của Đảng và Bác Hồ được xác định ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, Người luôn căn dặn các cấp uỷ Đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác vận động phụ nữ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. 90 năm qua, quan điểm đó luôn được quán triệt trong các văn kiện, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng qua các thời kỳ.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ… Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại” 


Nhất định phải đấu tranh để giải phóng phụ nữ, vì trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, người phụ nữ vẫn phải chịu ảnh hưởng mạnh mẽ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, những quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, quan niệm về “tam tòng”, tứ đức, … Những quan niệm này cùng với những quy định hà khắc của xã hội phong kiến đối với phụ nữ đã không những trói buộc người phụ nữ trong bổn phận làm vợ, làm mẹ, mà còn làm cho họ tự trói mình trong tâm lý tự ti, an phận, cam chịu, không cho họ có cơ hội và điều kiện được học hành, được tham gia các hoạt động ngoài xã hội. Cho nên muốn giải phóng phụ nữ,muốn “Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông”, không thể dùng bạo lực để đấu tranh hay dùngbiện pháp hành chính cưỡng bức để loại bỏ mà phải thông qua cuộc cách mạng tư tưởng, các cuộc vận động, giáo dục, thuyết phục để xóa bỏ dần tư tưởng lạc hậu đó,xây dựng tư tưởng tiến bộ, tích cực trong mọi gia đình, mọi người trong xã hội.

 

 

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác Phụ nữ


Giải phóng phụ nữ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải giành cho được các quyền của phụ nữ, như quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Người cho rằng: “Đàn bà cũng được tự do. Bất phân nam nữ cũng cho bình quyền” 2 . Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 do Người chỉ đạo soạn thảo đã khẳng định rõ: “Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Trong bài “Phải thật sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”, Người nhấn mạnh: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Hiến pháp và pháp luật của nước ta đã quy định rõ điều đó. Ví dụ: Hiến pháp điều 24 nói: Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Luật Hôn nhân và gia đình, điều 1 nói: Nhà nước đảm bảo... nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ... Điều 12 nói: Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt. Điều 3 nói: Cấm... đánh đập hoặc ngược đãi vợ.” 


Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ là công việc của toàn Đảng, toàn xã hội và của nhân dân, giải phóng đàn bà đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông. Cuộc đấu tranh giành bình quyền, bình đẳng cho phụ nữ trước hết là cuộc đấu tranh về nhận thức, đấu tranh chống lại các thói quen lâu đời và cuộc đấu tranh này diễn ra ở mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Vì vậy, Người yêu cầu: “Luật lấy vợ lấy chồng sắp đưa ra Quốc hội là một cuộc cách mạng, là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy phải đứng trên lập trường vô sản mà hiểu nó. Nếu đứng trên lập trường phong kiến hay là tư sản, tiểu tư sản mà hiểu luật ấy thì không đúng. Luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phân nửa xã hội. Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông. Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh.” 


Để cho phụ nữ có quyền bình đẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần đưa phụ nữ vào các hoạt động chính trị, xã hội vì đó là hai môi trường thuận lợi để phụ nữ khẳng định, phát huy hết khả năng, phát huy khả năng vốn có của mình. Muốn làm được như vậy trước hết phải tôn trọng, quan tâm đến phụ nữ, chú ý đến tính đặc thù của phụ nữ. Đồng thời phải thực hiện sự phân công sắp xếp lại lao động xã hội, tổ chức lại đời sống để phụ nữ có thời gian học tập và tham gia công tác xã hội. Và theo Người, để giải phóng phụ nữ một cách triệt để hơn thì phải bằng các hình thức thích hợp đào tạo, bồi dưỡng để người phụ nữ trở thành những cán bộ giỏi đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao vì sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc nói chung và sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua, tăng gia sản xuất và thực hành tiết hiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập… Phụ nữ phải nhận rõ địa vị người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa” 5. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cấp phải hết lòng giúp đỡ phụ nữ để chị em tiến bộ về mọi mặt. Việc phát triển phong trào phụ nữ gắn liền với việc cất nhắc cán bộ nữ vào các cơ quan cấp cao, nhất là ngành thích hợp với phụ nữ, Người căn dặn: “Có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên” 6. Đồng thời, Người còn phê bình: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách mệnh lệnh như một số cán bộ nam.”


Có thể nói, trong tư tưởng về giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, coi trọng đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Đây cũng chính là một trong những nội dung cơ bản thể hiện tính nhân văn cao cả trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà sau nay Đảng và Nhà nước đã ta vận dụng sáng tạo trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.


Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo công tác cán bô nữ và coi đó là một bộ phận quan trọng, mang tính chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, công tác cán bộ phụ nữ được Đảng ta rất quan tâm. Tại Điều 9 (Hiến pháp năm 1946) quy định: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”. Và sau này những bản Hiến pháp của nước ta tiếp tục phát triển các nội dung của bình đẳng giới nói chung, trong chính trị nói riêng; thể hiện rõ việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước. Cụ thể: Hiến pháp năm 2013 hiến định: Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (Khoản 1, Điều 14); không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Khoản 1, 2, Điều 16); nam, nữ bình đẳng về mọi mặt (Điều 26).


Bước vào thời kỳ đổi mới, qua các kỳ Đại hội Đảng và trong nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Đảng luôn khẳng định vị thế của phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản quan trọng về bình đẳng nam nữ và công tác phụ nữ. Cụ thể: năm 1981, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Ngày 12/7/1993, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về "Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới"; "phụ nữ cần kết hợp hài hoà công việc gia đình với công tác xã hội"…Quan điểm ấy tiếp tục được thể hiện trong Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư ngày 16/5/1994 về công tác cán bộ nữ; được cụ thể hoá trong "Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam" do Chính phủ công bố ngày 4/10/1997. Ngày 29/6/2006, Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Bình đẳng giới; ngày 21/11/2007, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Hiến pháp năm 2013 trong điều 26 ghi rõ: "công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới". Đây là những văn bản pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ở nước ta.


Theo Người, cùng với Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đề ra những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp để giải phóng phụ nữ, phát huy mọi khả năng, tiềm năng của người phụ nữ, thì chính bản thân người phụ nữ cũng phải tự phấn đấu vươn lên để thoát khỏi tâm lý tự ti, bó hẹp để đấu tranh giải phóng đòi quyền lợi cho chính mình và giới mình, góp công sức, trí tuệ của mình trong xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt ra yêu cầu cao đối với phụ nữ về việc học tập để nâng cao trình độ, nhận thức cho ngang tầm với đàn ông trong mọi lĩnh vực của đời sống. Trong bài viết “Phải thật sự bảo đảm lợi quyền của phụ nữ”, Chủ tịchHồ Chí Minh khẳng định: chính bản thân phụ nữ phải đấu tranh tự cường, tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình. Muốn vậy, chị em phải cố gắng học tập, học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Có quyết tâm thì nhất định học được. Người cho rằng đó là chìa khóa của sự nghiệp tranh quyền cho phụ nữ. Bởi, không có kiến thức, không nhận biết được pháp luật và quyền lợi của giới mình thì sẽ không phát huy được quyền của giới mình trong hoạt động chính trị cũng như cuộc sống.


2. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác vận động phụ nữ ở tỉnh Bình Dương hiện nay.


Tại Bình Dương, phụ nữ chiếm trên 50% dân số và trên 50% lực lượng lao động toàn tỉnh. Thời gian qua, các phong trào phụ nữ trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh trên các lĩnh vực. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phong trào phụ nữ tỉnh Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Phụ nữ tỉnh nhà đã phát huy tính chủ động, khắc phục khó khăn, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước.


Trong phát triển kinh tế, chị em phụ nữ đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", chú trọng nâng cao trình độ, kiến thức, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đội ngũ nữ doanh nhân tỉnh đã không ngừng sáng tạo, năng động, duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động. Đồng thời, tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa chia sẻ khó khăn với các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.Tuy chỉ chiếm gần 13% lực lượng lao động trong toàn tỉnh nhưng phụ nữ nông thôn đã chủ động hưởng ứng phong trào thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", đa dạng hóa các hoạt động tạo thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Đội ngũ nữ cán bộ quản lý và cán bộ khoa học - kỹ thuật tích cực nghiên cứu đề xuất những sáng kiến về chuyển đổi vật nuôi cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn mới ở Bình Dương ngày càng khởi sắc.Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phụ nữ đã tham gia nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở địa phương. Phụ nữ có vị trí, vai trò to lớn trong việc xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc"; tích cực lao động nâng cao thu nhập, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn tỉnh luôn đạt từ 92,5% trở lên.

 

 

Hoạt động thiết thực hướng về cơ sở của HLHPN Bình Dương.


Hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Bình Dương đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đến phụ nữ và công tác phụ nữ, đặc biệt chăm lo đời sống chị em nữ trong hoàn cảnh khó khăn khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên các cấp ủy đảng chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ, chưa thấy hết tiềm năng, vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ nữ nên việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chính sách đối với cán bộ nữ chưa đầy đủ, còn có biểu hiện định kiến, khắt khe, chưa quan tâm đến yếu tố giới nên đội ngũ cán bộ nữ phát triển chưa vững chắc, mất cân đối, thiếu đồng bộ, phân bố không đồng đều ở các địa phương, các lĩnh vực. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền còn thấp, nhất là ở cơ sở. Nghiêm trọng hơn, hiện nay tình trạng buôn bán phụ nữ qua biên giới, nạn bạo hành gia đình mà nạn nhân là phụ nữ vẫn đang gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội. Đó là biểu hiện của sự bất bình đẳng.


Vì vậy, để thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ phụ nữ, nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ tỉnh Bình Dương trong xã hội ngày nay, cần phải xây dựng, khẳng định và phát triển công tác phụ nữ ở những vấn đề sau:


Một là, Bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho cả phụ nữ và nam giới. Những nội dung bảo vệ bênh vực, chăm lo cho phụ nữ được thể hiện qua luật Hôn nhân gia đình, luật chống bạo hành, bạo lực, quyền về đất đai, luật lao động…. Qua việc ban hành những chính sách thiết thực này sẽ tạo cơ hội phát triển bình đẳng về cơ hội và quyền lực, hai yếu tố thiết yếu để đạt được bình đẳng giới trên các phương diện khác, như giáo dục, y tế và tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.


Hai là, Tăng cường bảo vệ tiếng nói của phụ nữ, tôn trọng lắng nghe, sử dụng sáng kiến, ý tưởng của phụ nữ trong quá trình hoạch định chính sách, đóng góp ý tưởng từ thực tế để xây dựng những chương trình, xây dựng luật để công tác bảo vệ, chăm lo chị em nữ thật sự thiết thực và mang lại hiệu quả, đáp ứng mong muốn, tâm tư nguyện vọng của phụ nữ.


Ba là, Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho chị em, từ đó giảm tải được những áp lực mà người phụ nữ phải lo toan trong cuộc sống gia đình hằng ngày. Có đáp ứng được nhu cầu về kinh tế thì người phụ nữ mới có điều kiện để giải phóng mình và phát triển bản thân mình một cách toàn diện.


Bốn là, mặc dù Đảng và Nhà nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ luôn chăm lo, hỗ trợ cho chị em nữ, tuy nhiên sự nghiệp giải phóng phụ nữ phải do bản thân người phụ nữ làm chủ, chính bản thân họ phải thay đổi suy nghĩ tích cực, nâng cao nhận thức. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động để chị em nữ không chỉ trông mong công cuộc giải phóng mình vào tổ chức khác, người khác, mà chính bản thân họ phải tự mình làm cuộc cách mạng này. Họ cần thay đổi những nhận thức cổ hủ, lạc hậu mà xã hội cũ còn tồn dư trong suy nghĩ, đầu óc của họ. Họ cần có nhận thức mới, đúng đắn về vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội, mặt khác phải không ngừng cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân… Có làm được như vậy, người phụ nữ mới thực sự được giải phóng một cách toàn diện trong xã hội mới ngày nay, chung tay với nam giới, xây dựng xã hội ngày càng giàu đẹp, văn minh và tiến bộ hơn.

 

Tác giả: Võ Huỳnh Như Thuyên - Câu lạc bộ Lý luận trẻ
 


Tài liệu tham khảo

(1). Hồ Chí Minh Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, H,1996, t.6, tr.431- 432
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.243
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.21
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12,, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội, 2011 tr.301
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, Tr.294 -296.
6) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội, 2011,
(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội, 2011

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54992274
Hôm nay: 514
Đang online: 73
Về đầu trang