11/18/2024 12:00:00 AM GMT+7

Thực trạng hoạt động của các trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Trung tâm chính trị cấp huyện (trước đây là trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) “là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ cập, bồi dưỡng kiến thức trong quản lý nhà nước, các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, cũng như hệ thống tri thức về lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương… cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện” [1]

        Hoạt động của Trung tâm chính trị cấp huyện là toàn bộ những công việc do trung tâm chủ trì tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, bao gồm các công việc về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên cơ sở; tham mưu xây dựng, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ, giảng viên, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm chính trị cấp huyện.

Tỉnh Bình Dương có 9 trung tâm chính trị cấp huyện, thực hiên chức năng, nhiệm vụ là Đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về lý luận chính trị-hành chính; bồi dưỡng các chương trình lý luận chính trị cho các đổi tượng theo quy định; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện. Vì vậy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương là việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng các Trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn.
 Thực trạng hoạt động các Trung tâm chính trị trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
 Những thành tựu đạt được
Trong hơn những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện ở tỉnh Bình Dương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (nay là Trung tâm chính trị cấp huyện) và đạt  được nhiều kết quả tích cực, như:
Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên, tính kỷ luật trong giảng dạy được giữ vững. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng được bổ sung, cập nhật kịp thời với sự biến đổi của đời sống xã hội. Các chương trình, khóa đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, bảo đảm nội dung, thời lượng, mục đích, yêu cầu, phù hợp với các đối tượng học viên. Trong quá trình thực hiện, các Trung tâm chính trị cấp huyện cũng đã có những sáng tạo, linh hoạt, cập nhật các sự kiện có tính thời sự để tăng tính thuyết phục đối với học viên. Phương pháp giảng dạy có sự linh hoạt, chú trọng gắn lý luận với thực tiễn, tăng sự đối thoại giữa học viên và giảng viên…
Việc đầu tư cơ sở vật chất, bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên của trung tâm; thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng  viên và quần chúng ở cơ sở... Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của  Trung tâm chính trị cấp huyện trong việc nâng cao trình độ, bản lĩnh  cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 Những hạn chế
Tuy nhiên, hoạt động của các Trung tâm chính trị cấp huyện ở tỉnh Bình Dương hiện nay vẫn còn có những hạn chế nhất định, đó là: Sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện chưa thật sự đầy đủ, ngang tầm nhiệm vụ của trung tâm; có cấp uỷ chỉ coi trung tâm là đơn vị tổ chức bồi dường kiến thức đơn thuần. Việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ có lúc, có thời điểm thiếu chặt chẽ, đồng bộ, nhất là trong việc thẩm định, phê duyệt chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Công tác tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ của một số Trung tâm chính trị còn chậm so với kế hoạch đề ra. Việc huy động học viên là đảng viên, hội viên, quần chúng ở nông thôn nhất là đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia các lớp bồi dưỡng gặp rất nhiều khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn và giảng bài của một số giảng viên có mặt còn hạn chế, nhất là đối với giảng viên kiêm nhiệm; việc vận dụng kiến thức và kỹ năng sau đào tạo, bồi dưỡng của học viên vào thực tiễn công tác, nhất là ở cơ sở có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ sở vật chất của một số trung tâm xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư xây dựng đúng mức…
Một số giải pháp
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban tuyên giáo Trung ưng, cấp ủy cấp trên, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, sự phối hợp của, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy cơ sở.
Trên cơ sở Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác giáo dục lý luận chính trị, đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cần có hướng dẫn vềcông tác giáo dục Llý luận chính trị cho các Trung tâm chính trị cấp huyện.
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, giáo dục chính trị, tư tưởng thường xuyên và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động cho cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách của Đảng, thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng và toàn dân.
Phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng giảng viên chuyên trách và kiêm chức cho các Trung tâm chính trị cấp huyện về đổi mới phương pháp giảng dạy, về nghiệp vụ sư phạm; tổ chức cho lãnh đạo và giảng viên đi học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác với các Trung tâm chính trị cấp huyện ở các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.
Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ, hàng năm việc thực hiện kế hoạch giao chỉ tiêu, thực hiện quy chế giảng dạy và học tập tại trung tâm cũng như các hoạt động chuyên môn khác. Kịp thời tổng hợp, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành các cơ chế, chính sách mới, phù hợp đối với cán bộ, giảng viên và học viên Trung tâm chính trị cấp huyện.
Cấp uỷ và Ban Thường vụ cấp uỷ cấp huyện có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hoạt động của các Trung tâm chính trị cấp huyện. Tăng cường lãnh đạo việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ, giảng viên trung tâm đảm bảo đúng tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trực tiếp phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm đảm bảo kịp thời, đúng định hướng và thực tiễn ở địa phương. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và cấp uỷ, chính quyền cơ sở phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ công tác giáo dục lý luận chính trị.
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Bình Dương cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng cường côngtác quản lý nhà nước về hoạt động của Trung tâm chính trị cấp huyện; đảm bảo kịp thời, theo đúng kế hoạch nguồn kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên cơ sở hàng năm.
Trung tâm chính trị cấp huyện cần xây dựng quy chế phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên cơ sở. Phối hợp với Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện tham mưu cho cấp uỷ cấp huyện kế hoạch hoạt động hàng năm và cho cả nhiệm kỳ, chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, phối hợp Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện tham mưu cho cấp uỷ cấp huyện kịp thời kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức.
Trung tâm chính trị cấp huyện phối hợp cấp uỷ, chính quyền các xã, phường, thị trấn, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên; quản lý, đánh giá chất lượng học viên trong quá trình học tập tại trung tâm.
Hai là, kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã xác định một số nhiệm vụ cụ thể trong sắp xếp hệ thống tổ chức của Đảng là: Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện. Đây là một chủ trương mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhằm tiếp tục thực hiện vai tròĐảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất các lĩnh vực của đời sống kinh tế, ván hóa xã hội ở cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng tạo ra những xáo trộn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tại các Trung tâm chính trị cấp huyện, nhất là hoạt động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên cơ sở. Do đó, Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy cho Trung tâm chính trị cấp huyện; bố trí người đứng đầu có trình độ chuyên môn phù hợp; đảm bảo chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm chính trị cũng như của Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo cho Trung tâm chính trị cấp huyện hoạt động có chất lượng, hiệu quả cao, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện phải quan tâm xây dựng, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Trung tâm chính trị cấp huyện, đây là nhân tố quyết định toàn bộ hoạt động của Trung tâm chính trị cấp huyện. Mặt khác, tiếp tục kiện toàn, củng cố hoạt động của cấp ủy, các tổ chức đoàn thể tại Trung tâm chính trị; nâng cao vai trò của cấp ủy đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Trung tâm. Cấp ủy cơ quan thường xuyên quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về đạo đức lối sống, năng lực công tác, thực hiện tốt các nguyên tắc của Đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình tạo không khí dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, rà soát, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng tổ chức đảng thật sự trong sạch vững mạnh, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08 tháng 11 năm 2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm chính trị cấp huyện, về số lượng cán bộ, giảng viên là từ 4 đến 6 người, gồm Giám đốc, Phó Giám đốc, giáo vụ, cán bộ hành chính và kế toán. Vì vậy, để đảm bảo hoạt động của Trung tâm chính trị cấp huyện hoạt động có chất lượng, hiệu quả; trong thờigian tới, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương cần chỉ đạo kiện toàn đội ngũ cán bộ, giảng viên của trung tâm theo hướng đảm bảo có từ 01 đến 02 giảng viên chuyên trách có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và kinh nghiệm thực tiễn đảm nhận việc giảng dạy lý luận chính trị đạt chất lượng. Tỉnh ủy Bình Dương cần có kế hoạch tuyển chọn đội ngũ giảng viên đủ trình độ chuyên nghiệp vụ, tiêu chuẩn khác, bổ sung vào biên chế nhằm đảm bảo đủ lực lượng biên chế,  phục vụ tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Trung tâm chính trị cấp huyện.
Trước mắt, đối với đội ngũ cán bộ hiện có ở các trung tâm, cấp ủy cấp huyện cần chỉ đạo trung tâm rà soát, đánh giá thực chất và bố trí, sắp xếp lại những cán bộ không đủ điều kiện và khả năng giảng dạy để bố trí công tác khác phù hợp. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng về đường lối, quan điểm của Đảng, chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp sư phạm, cập nhật những kiến thức về lý luận, thực tiễn, thông tin thời sự. Phải xác định việc bồi dưỡng cán bộ, giảng viên thành việc làm thường xuyên và nền nếp bằng nhiều hình thức: luân chuyển về cơ sở để tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn, thi giảng viên giỏi, dự giờ rút kinh nghiệm; thao giảng, sinh hoạt chuyên đề,... tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, tài liệu để giảng viên đều có thể tự học tập nâng cao trình độ. Việc củng cố, xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức phải được quan tâm, bảo đảm những điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy.
Xây dựng, bổ sung quy chế hoạt động của Trung tâm chính trị cấp huyện. Xây dựng các tiêu chí, quy định đối với trung tâm khi có quy chuẩn Trung ương ban hành giúp cho cấp uỷ, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các Trung tâm chính trị đạt chuẩn; đây là căn cứ để các Trung tâm chính trị cấp huyện tổ chức thực hiện nhiệm vụ và nâng cao chất lượng hoạt động. Trên cơ sở các quy định chuẩn, các cấp ủy cấp huyện đăng ký thời gian, xây dựng kế hoạch thực hiện đạt chuẩn.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn gắn với việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, các chương trình hành động của Tỉnh ủy bước đầu đã làm rõ được một số vấn đề cơ bản về lý luận - thực tiễn và những vấn đề đặc điểm của thời đại; về cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của một công nghiệp; về phát triển văn hóa - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống của địa phương; về phát huy dân chủ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới…
Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong khâu tổ chức thực hiện, đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm phục vụ cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh góp phần giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; đồng thời, gợi mở một số hướng nghiên cứu sâu hơn về các vấn đề ở nhiều lĩnh vực của nhiều ngành khoa học khác nhau. Đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng hiện đại, phù hợp đối tượng, đồng thời chú trọng nâng cao trình độ, rèn luyện phong cách, trau dồi bản lĩnh chính trị của đội ngũ giảng viên.
Nghiên cứu đổi mới việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị phù hợp với từng cấp học, bậc học và đối tượng học; phải bảo đảm nội dung cơ bản, đúng định hướng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng; đồng thời phải sát hợp với thực tiễn và yêu cầu của thời đại. Gắn lý luận với thực tiễn, cập nhật kiến thức mới, khắc phục sự trùng lắp, khép kín, thiếu liên thông giữa các chương trình, các cấp học, bậc học. Tăng cường giáo dục, rèn luyện kỹ năng thực hành, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Bốn là, có cơ chế, chính sách đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động của các trung tâm chính trị cấp huyện.
Trung tâm chính trị cấp huyện là đơn vị sự nghiệp nhưng không có nguồn thu nào khác ngoài ngân sách nhà nước cấp 100% cho các hoạt động của trung tâm. Do đó, so với các cơ quan, đơn vị khác của huyện, thu nhập của cán bộ Trung tâm chính trị thấp hơn rất nhiều.
Nhằm tạo sự thống nhất việc sử dụng kinh phí của các Trung tâm chính trị cấp huyện, Trung ương cần ban hành hướng dẫn việc sử dụng kinh phí đối với các Trung tâm chính trị cấp huyện. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy cần có cơ chế, quy định rõ chế độ cho giảng viên và học viên, cho việc tổ chức lớp học... làm căn cứ áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Đảm bảo đủ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thay đổi phương thức cấp kinh phí hàng năm, đặc biệt là kinh phí đào tạo, bồi dưỡng; tạo điều kiện để các Trung tâm chính trị cấp huyện chủ động thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
Thực hiện đúng chế độ, chính sách của Nhà nước quy định đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị (bao gồm cả chuyên trách và kiêm chức), có vận dụng linh hoạt từ thực tế địa phương để tạo điều kiện thuận lợi khuyên khích, thu hút, động viên cán bộ có năng lực, trình độ về công tác tại các trung tâm. Cán bộ, giảng viên của các Trung tâm chính trị cấp huyện được tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường chính trị tỉnh tổ chức, được thông tin những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn, về thời sự, chính sách; có kế hoạch tham quan, khảo sát thực tế...
Giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện đồng thời là Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện hiện nay chỉ được hưởng lương và phụ cấp chức vụ ngạch tuyên giáo, thường vụ cấp uỷ cấp huyện; do đó, trong thời gian tới, Trung ương, Tỉnh ủy cần có cơ chế để các Giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện được hưởng thêm mức phụ cấp kiêm nhiệm vai trò Giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện
 Kết luận
Trung tâm chính trị cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện; thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy cấp huyện; sự chỉ đạo của Ban tổ chức tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn chuyên môn của Ban Tuyên giáo Trung ương; các Trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Bình Dương đạt được những kết quả quan trọng trong các mặt hoạt động, đặc biệt là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên cơ sở; tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động các Trung tâm chính trị trên địa bàn tỉnh Bình Dương cần thực hiện đông bộ các giải pháp nêu trên.
 
Tài liệu tham khảo
1, Quy định số 208/QĐ-TW, ngày 8-11-2019, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm chính trị cấp huyện”
2, Nguyễn Thị My Sa (2023), Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị hiện nay, Tạp chí cộng sản (https://www.tapchicongsan.org.vn)

 


[1]Quy định số 208/QĐ-TW, ngày 8-11-2019, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm chính trị cấp huyện”
 
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai - Trường Chính trị tỉnh Bình Dương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54156636
Hôm nay: 14354
Đang online: 53
Về đầu trang