TTBD-Trải qua 90 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, qua mỗi thời kỳ cách mạng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thanh niên và tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, tổ chức Đoàn triển khai nhiều hoạt động, trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng hàng đầu đó là tham mưu cho cấp ủy Đảng cùng cấp về các vấn đề liên quan tới thanh niên và công tác thanh niên.
1. Công tác tham mưu của Đoàn với cấp ủy Đảng cùng cấp
Cấp uỷ đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện công tác đoàn cùng cấp (về định hướng chính trị, về tư tưởng, về tổ chức). Quan hệ giữa cấp ủy đảng với cấp bộ đoàn cùng cấp là quan hệ lãnh đạo và chỉ đạo. Tổ chức Đoàn sẽ tham mưu cho cấp ủy cùng cấp về công tác thanh niên với các nội dung như sau:
- Tham mưu cho cấp uỷ đảng xây dựng chương trình công tác thanh niên định kỳ theo tháng, quý, năm và nhiệm kỳ.
- Tham mưu để cấp uỷ đảng phân công cấp ủy viên phụ trách công tác thanh niên, cấp ủy viên phụ trách công tác thanh niên.
- Tham mưu để cấp ủy đảng chỉ đạo chính quyền, các cấp, các ngành thực hiện nội dung công tác thanh niên. Các cấp, ngành phải cụ thể hóa nghị quyết của Đảng về thanh niên trong chương trình, nhiệm vụ công tác, xác định trách nhiệm của mình trong công tác thanh niên dưới góc độ thanh niên vừa là đối tượng tác động vừa là nhân lực trực tiếp của các cấp, ngành...; quan tâm, tạo điều kiện cho tổ chức đoàn thể hiện vai trò xung kích trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh ở địa phương.
- Tham mưu cho cấp ủy đảng kiểm tra việc thực hiện các chủ trương về công tác thanh niên, trong đó chú trọng kiểm tra công tác phát triển đảng từ đoàn viên.
- Tham mưu cho cấp ủy đảng xây dựng quy chế, lề lối làm việc với cấp bộ đoàn và các ngành về công tác thanh niên (như: quy định về lề lối làm việc với tập thể ban thường vụ đoàn, chế độ kiểm tra, nghe báo cáo tình hình thanh niên và công tác đoàn, làm việc về công tác tố chức, cán bộ, công tác tư tưởng...
- Tham mưu cho cấp ủy đảng xây dựng các nội dung, yêu cầu công tác đối với cấp ủy đảng cấp dưới và đảng viên trong việc nêu cao tính kỷ luật đảng trong công tác thanh niên; mỗi đảng viên cần đi vào phong trào của tuổi trẻ, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước: sống mẫu mực, là tấm gương cho thanh niên noi theo; đồng thời tham gia bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Cấp ủy đảng cấp trên cần giao nhiệm vụ cho cấp ủy đảng cấp dưới và mỗi đảng viên trong việc chăm lo công tác thanh niên, gắn việc bình xét danh hiệu đảng viên và cấp ủy đảng với kết quả công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở địa bàn, đơn vị công tác.
.
Hội nghị làm việc giữa Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021
2. Thực trạng công tác tham mưu của tổ chức Đoàn với cấp ủy cùng cấp
Trong công tác tham mưu của Đoàn với cấp ủy Đảng cùng cấp trong thực tế có thể như sau:
Thứ nhất, về phía cán bộ đoàn – những người trực tiếp làm công tác tham mưu:
+ Những nơi mà cán bộ đoàn chủ động, năng động, sáng tạo thì việc tham mưu cho Đảng lãnh đạo công tác thanh niên và các vấn đề liên quan đến thanh niên được tiến hành chủ động, rõ việc, huy động được nguồn lực và tính cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cho công tác thanh niên.
+ Những nơi cán bộ đoàn thụ động, năng lực công tác yếu thì việc tham mưu cho Đảng lãnh đạo công tác thanh niên đạt hiệu quả thấp, đôi khi cấp ủy đảng phải “cầm tay, chỉ việc” cho cán bộ đoàn. Tình trạng cán bộ đoàn quá thụ động cũng dẫn đến hệ quả cấp ủy đảng chỉ đạo quá sâu (hoặc “bao biện, làm thay”) các mặt công tác của đoàn, nhất là trong công tác cán bộ đoàn.
Thứ hai, về phía cấp ủy Đảng:
+ Nơi nào cấp ủy quan tâm, tạo điều kiện và lắng nghe cán bộ đoàn tham mưu, lắng nghe các đề xuất của Đoàn thanh niên thì nơi đó các hoạt động và phong trào đoàn phát triển mạnh.
+ Những nơi cấp ủy đảng không quan tâm, “khoán trắng” công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên cho cán bộ đoàn thì việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, quan tâm hỗ trợ hầu như qua loa, chiếu lệ, chưa đặt đúng tầm và vị trí của nó. Cán bộ đoàn năng động, sáng tạo cũng khó tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ từ các ban, ngành, đoàn thể khác và của xã hội, hoạt động phong trào sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chương trình Ban Thường vụ Thành ủy gặp mặt Ban Thường vụ Thành Đoàn nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021)
3. Giải pháp phát huy vai trò tham mưu của tổ chức Đoàn với cấp ủy cùng cấp
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò tham mưu của tổ chức Đoàn, đặc biệt là tổ chức đoàn cơ sở với cấp ủy cơ sở, cần tập trung triển khai đồng bộ một số vấn đề như sau:
Một là, cấp ủy đảng cùng cấp cần nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò tham mưu của tổ chức đoàn cùng cấp
Để Đoàn thực hiện và làm tốt chức năng tham mưu thì cấp ủy Đảng cùng cấp cần có sự tin tưởng vào vai trò của tổ chức Đoàn, tạo mọi điều kiện để Đoàn phát huy tính năng động, sáng tạo.
Thực tế nhiều nơi cho thấy, nơi nào cấp ủy Đảng tin tưởng và tạo điều kiện để tổ chức Đoàn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình nơi đó phong trào đoàn phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, ở những nơi cấp ủy Đảng thiếu sự tin tưởng và luôn có tư tưởng “bao biện làm thay, cầm tay chỉ việc” hoặc thậm chí không quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo theo kiểu “khoán trắng” thì phong trào đoàn khó phát triển.
Hai là, tổ chức Đoàn đại diện là đội ngũ cán bộ Đoàn cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu
Đội ngũ cán bộ Đoàn là người trực tiếp làm công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng cùng cấp về các nội dung liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên. Do đó, cán bộ Đoàn phải đi sâu, đi sát để nắm chắc tình hình thanh niên tại cơ sở đoàn của mình, am hiểu đặc điểm tâm lý của thanh niên, cũng như nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên để kịp thời tham mưu cho cấp ủy.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ đoàn cần có kĩ năng tốt trong công tác tham mưu. Muốn như vậy cán bộ đoàn cần thay đổi tư duy trong công tác tham mưu, cần mạnh dạn, nhiệt tình làm đúng chức năng, nhiệm vụ khi được phân công. Tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng tham mưu dành cho cán bộ đoàn.
Cán bộ Đoàn cũng cần phát huy tinh thần chủ động, năng động và sáng tạo trong công tác tham mưu. Vì thực tế nếu cán bộ đoàn không chủ động, luôn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo của cấp ủy thì các phong trào đoàn phát triển một cách ì ạch, gặp nhiều khó khăn và trở ngại.
Quan hệ giữa đoàn cấp trên với đảng uỷ cơ sở là quan hệ phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Bí thư đoàn cần thường xuyên trao đổi thông tin với cấp uỷ cơ sở về tình hình thanh niên, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; phối hợp chỉ đạo, kiểm tra và giải quyết các vấn đề đặt ra đối với công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở cơ sở đảm bảo sự đồng thuận, cộng đồng trách nhiệm và tôn trọng lẫn nhau.
BTV Đoàn Phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một xin ý kiến Ban thường vụ Đảng ủy – Khối vận phường để tiến hành nội dung giám sát về việc thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện đối với thanh thiếu niên tại nơi cư trú theo quy định của Chương II Nghị định số: 94/2010/NĐ-CP trên địa bàn phường
Công tác tham mưu của Đoàn thực chất là Đoàn đang thực hiện trách nhiệm của mình trong mối quan hệ giữa tổ chức Đoàn với cấp ủy Đảng cùng cấp. Do đó, muốn làm tốt chức năng của mình Đoàn phải luôn chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu nhưng đồng thời cũng cần phải có sự tin tưởng, tạo điều kiện và công tác chỉ đạo sâu sát từ phía cấp ủy Đảng cùng cấp ./.
Th.S Vũ Thị Yến
Khoa Nhà nước & Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương (MT)