7/20/2020 12:00:00 AM GMT+7

Nỗ lực tiếp cận bình đẳng vaccine Covid-19 trên toàn cầu

QĐND - Đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận vaccine phòng Covid-19 là một vấn đề đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thông tin đăng tải ngày 16-7 trên tờ Jakarta Post, hơn 75 quốc gia đã bày tỏ mong muốn tham gia chương trình tài trợ COVAX nhằm mục tiêu thúc đẩy quyền tiếp cận nhanh và bình đẳng trên toàn cầu đối với vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Tuyên bố do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đưa ra đã khẳng định 75 quốc gia trên sẽ lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước để tài trợ cho chương trình COVAX. Các nước này sẽ phối hợp với 90 nước nghèo hơn được nhận hỗ trợ thông qua các khoản tài trợ tình nguyện cho Cam kết thị trường tiên tiến COVAX (AMC) của GAVI. Như vậy, đến nay có tới 165 nước, chiếm hơn 60% dân số thế giới, nỗ lực nhằm đảm bảo cho việc tiếp cận bình đẳng vaccine trên toàn cầu. 

Nỗ lực tiếp cận bình đẳng vaccine Covid-19 trên toàn cầu
Nhiều quốc gia đang nỗ lực để đảm bảo vaccine được phân phối bình đẳng. Ảnh: Reuters

Giám đốc điều hành GAVI Seth Berkey nêu rõ: "COVAX là giải pháp toàn cầu thực sự phòng chống dịch Covid-19. Đối với phần lớn các quốc gia, dù có khả năng chi trả tiền mua vaccine hay cần được hỗ trợ, chương trình này đều đảm bảo họ sẽ nhận một lượng vaccine nhất định và tránh bỏ lỡ cơ hội tiếp cận vaccine như đã từng xảy ra trong đợt dịch cúm H1N1 cách đây 1 thập kỷ".

Chương trình COVAX do GAVI, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh các sáng kiến chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh (CEPI) đồng đứng đầu. Mục tiêu của chương trình này là phân phối 2 triệu liều vaccine hoạt động hiệu quả và được cấp phép sử dụng vào cuối năm 2021. GAVI cho biết, vaccine phòng Covid-19 sẽ được phân phối bình đẳng cho các nước tham gia tương ứng với dân số của những nước đó.

GAVI là một trong những tổ chức công-tư lớn nhất và thành công nhất trên lĩnh vực phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới. Hồi tháng trước, GAVI thông báo đã quyên được 567 triệu USD từ các nhà tài trợ quốc tế hướng tới mục tiêu ban đầu là quyên góp 2 tỷ USD mua vaccine thông qua AMC.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khi một số nơi đã chứng kiến làn sóng bùng phát dịch thứ hai, vaccine được xem là hy vọng lớn nhất để ngăn chặn hoàn toàn đại dịch Covid-19. Hiện đã có hơn 100 loại vaccine phòng Covid-19 tiềm năng đang trong giai đoạn phát triển, với ít nhất 20 loại trong đó đang được thử nghiệm lâm sàng ở người. Tuy nhiên, khi cả thế giới vẫn đang mong chờ một “phương thuốc” hữu hiệu để đối phó với Covid-19, chính phủ một số quốc gia lớn đã kịp đầu tư hàng tỷ USD vào quá trình nghiên cứu và sản xuất để giành quyền ưu tiên tiếp cận vaccine. Điều này đang đặt các nước nghèo, kém phát triển trước nguy cơ không được tiếp cận vaccine hoặc được tiếp cận sau cùng.

Tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới Quỹ Bill & Melinda Gates từng cho rằng, nếu chỉ dành thuốc và vaccine cho những người trả giá cao nhất, thay vì người cần chúng nhất, nhân loại sẽ đối mặt với một đại dịch dài, bất công và chết chóc hơn.

Bởi vậy, thay vì tham gia vào một cuộc đua được dự báo sẽ không có người "chiến thắng", các quốc gia nên tăng cường hợp tác để đảm bảo phân phối bình đẳng vaccine trở thành nhu cầu toàn cầu.

Nguồn: qdnd.vn (MH) 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 51433541
Hôm nay: 7303
Đang online: 102
Về đầu trang