4/5/2021 12:00:00 AM GMT+7

Nâng cao bản lĩnh của đoàn viên, thanh niên Bình Dương qua việc rèn luyện đức tính “cần” theo đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh

TTBD - Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Suốt cuộc đời, Người đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Vào giữa năm 1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Hồ Chí Minh đã nêu rõ quan điểm trên báo Cứu Quốc:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, không thành trời.

Thiếu một phương, không thành đất.

Thiếu một đức, không thành người”. [1]

Có thể nói Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư được xem là 8 chữ vàng mà Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phấn đấu thực hiện thật tốt để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong đó, đức “Cần” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên đầu tiên.

Đối với lực lượng đoàn viên, thanh niên hiện nay việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, đặc biệt là đức tính “Cần” nói riêng nhằm nâng cao đạo đức cách mạng, phấn đấu và rèn luyện để ngày càng xứng đáng là một lực lượng thanh niên xung kích, kế thừa, cách tay đắc lực thực thụ của Đảng là hết sức cần thiết và rất quan trọng.

1. Đức “Cần” trong đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh

Khi nói về đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh đề cập đến đức “Cần” nhiều nhất. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, ở mục “Tư cách một người cách mệnh”, Người đặt phẩm chất cần, kiệm lên đầu tiên. Năm 1947, trong tác phẩm “Đời sống mới”, Hồ Chí Minh khẳng định: Thực hiện đời sống mới chính là thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn rất cam go mà một số cán bộ mắc những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Cần Kiệm Liêm Chính”, trong đó có một mục riêng bàn về chữ “cần” để giáo dục cán bộ. Về vị trí của phẩm chất đạo đức “Cần”, Hồ Chí Minh cho rằng trong hệ giá trị cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì “Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính”.

Vậy đức “Cần” theo tư tưởng Hồ Chí Minh nghĩa là gì?

Trong Bài “Thế nào là Cần” với bút danh Lê Quyết Thắng, đăng báo Cứu Quốc, ra ngày 30/5/1949, Hồ Chí Minh đã luận giải về “cần” một cách sâu sắc và hệ thống: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai” trong học tập, lao động, chiến đấu và sản xuất. “Cần” cũng có nghĩa là chăm chỉ nhưng phải thực sự nghiêm túc trong công việc và công việc phải có hiệu quả. Bác dạy: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai”. Vì vậy, “Cần” còn có nghĩa là việc gì, dù khó khăn mấy, cũng làm được, cũng như dao siêng mài thì sắc bén, ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Song “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày cần mà mười ngày không cần, thì cũng vô ích”. Người yêu cầu “Cần không phải là làm xổi. Nếu làm cố chết cố sống trong một ngày, một tuần, hay một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Như vậy không phải là cần”. “Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài”. Bác phân tích đối lập với “cần” là lười biếng: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn, hàng vạn người khác”.

Vậy thực hiện chữ “cần” sẽ đem lại cho chúng ta kết quả gì?

Bác Hồ khẳng định “kết quả chữ cần rất to lớn”, mỗi người cần cù sẽ nâng lên hiệu quả làm việc, tạo nên của cải, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Việc làm tuy nhỏ nhưng hiệu quả vô cùng to lớn. Hồ Chí Minh khái quát như sau: “Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ. Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”. Bằng phép tính đơn giản, chỉ cần mỗi người, mỗi ngày làm thêm 1 giờ mà ý nghĩa kinh tế của nó thật lớn lao. Người nói: “Trong 20 triệu đồng bào ta, cho 10 triệu là thanh niên và thành nhân có sức làm việc. Nếu mỗi người, mỗingày chỉ làm thêm một tiếng đồng hồ, thì: Mỗi tháng sẽ thêm lên 300 triệu giờ. Mỗi năm thêm lên 3.600 triệu giờ. Chỉ những giờ ấy đã bằng động viên 400 triệu người làm trong một ngày 9 giờ”.

Phải làm sao để chữ “cần” phát huy giá trị?

Theo Bác Hồ chữ “Cần” không chỉ là chăm chỉ, siêng năng mà bao giờ cũng gắn với trí sáng tạo, phương pháp, lề lối làm việc khoa học, chủ động trong việc sắp xếp công tác hợp lý, khoa học. Muốn cho chữ “Cần” có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng. “Cây gỗ bất kỳ to nhỏ, đều có gốc và ngọn. Công việc bất kỳ to nhỏ, đều có điều nên làm trước, điều nên làm sau. Nếu không có kế hoạch, điều nên làm trước mà để lại sau, điều nên làm sau mà đưa làm trước, như thế thì sẽ hao tổn thì giờ, mất công nhiều mà kết quả ít”.

 Vận dụng đức tính “Cần” đối với Đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Dương hiện nay.

Học tập và rèn luyện theo tấm gương của Bác, tiếp bước truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Dương được coi là đội ngũ kế cận, tương lai của Tỉnh, họ là những người trẻ, đang trong độ tuổi thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, tinh thần nghề nghiệp cao và khát vọng rèn luyện phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà, tuy nhiên bản lĩnh vẫn cần rèn luyện nhiều hơn nữa, kinh nghiệm thực tế chưa phong phú…. Muốn vậy, mỗi Đoàn viên, thanh niên phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện chữ “Cần”, phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong học tập, nghiên cứu và trong công việc: Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ và kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử, phải thực sự tâm huyết trong việc phát huy năng lượng của tuổi trẻ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tự vươn lên để khẳng định vị thế, vai trò và bản lĩnh của mình, khắc phục mọi biểu hiện lười biếng, thoả mãn, tự kiêu, thiếu tích cực, thiếu nhạy bén... Cụ thể:

Thứ nhất, mỗi Đoàn viên, thanh niên luôn nêu cao tinh thần tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện bản thân, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Hồ Chí Minh từng nói: “…đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc cảng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” [2]. Điều đó có nghĩa là mỗi Đoàn viên, thanh niên phải luôn nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản thân trên tất cả các mặt, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng sinh hoạt, làm việc, tham gia các lớp bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của của người Đoàn viên, thanh niên thế hệ mới, nâng cao chất lượng cán bộ đoàn, từ đó nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục trong đoàn. Luôn thể hiện sự tích cực, cầu tiến bộ với các họat động thực tiễn, đặc biệt là trong nhiệm vụ chuyên môn, tích cực đấu tranh với những biểu hiện lười hoạt động, lười suy nghĩ, học tập một cách thụ động máy móc thì kiến thức ngày càng vững, kỹ năng ngày càng cao, nhân cách ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được những đòi hỏi của giai đoạn hiện nay đối với vị trí và vai trò của đoàn viên thanh niên: Hồng và Chuyên.

-Đối với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn:

Xác định nhiệm vụ của một Đoàn viên, thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngoài nhiệm vụ tham gia và đóng góp cho tổ chức đoàn thì nhiệm vụ về học tập tại các trường đối với các đoàn viên còn là học sinh, sinh viên và nhiệm vụ chuyên môn đặc thù tại nơi công tác của đoàn viên là công chức, viên chức cơ quan nhà nước. Vì vậy, Đoàn viên, thanh niên phải luôn nêu cao tinh thần tự học, nỗ lực hết mình với nhiệm vụ học tập trọng tâm được giao, ngoài ra đối với Đoàn viên đang công tác tại các quan đơn vị thì việc cần cù học tập nâng cao trình độ là một nhiệm vụ cấp bách bằng cách luôn cầu thị học hỏi kinh nghiệm, tiếp nhận ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, đã trải qua nhiều năm công tác, cống hiến. Đồng thời, phải chủ động nỗ lực hết sức mình, sáng tạo, tự giác trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi được phân công bất kỳ một nhiệm vụ nào đó thì Đoàn viên, thanh niên phải cố gắng học hỏi, tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu mới, thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin có liên quan để nâng cao kiến thức, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được tổ chức giao cho. Ngoài ra, mỗi Đoàn viên  nên tích cực giao lưu học hỏi không chỉ thuộc chuyên môn của mình được phân công mà còn các chuyên đề về kiến thức khác nhau khác có liên quan để tích luỹ thêm kinh nghiệm và qua đó học hỏi về phương pháp, khả năng học tập, làm việc ngày càng tiến bộ hơn.

-Đối với công tác nghiên cứu, trải nghiệm thực tế, hoạt động khoa học:

Để có thể gắn kết lý luận với thực tiễn, tạo nên sức thuyết phục trong công tác vận động, tuyên truyền giáo dục của Đoàn, đòi hỏi bản thân mỗi Đoàn viên bên cạnh việc trang bị trình độ về lý luận cần phải có vốn kiến thức thực tiễn sâu sắc. Điều này chỉ có được thông qua việc đi nghiên cứu thực tế trong quá trình tham gia các phong trào. Chính quá trình tham gia trải nghiệm thực tế tại cơ sở này sẽ bù đắp và làm phong phú vốn kiến thức thực tiễn mà mỗi Đoàn viên còn thiếu, gắn lý luận với thực tiễn sinh động. Vì vậy, mỗi Đoàn viên cần tích cực tham gia các phong trào thực tế về các địa phương trong tỉnh và Tổ chức đoàn các cấp cần tạo điều kiện cho các bạn Đoàn viên, thanh niên được tham gia đi nghiên cứu thực tế, về nguồn ngoài tỉnh nhiều hơn nữa. Đối với công tác nghiên cứu khoa học, Đoàn viên cần tham gia viết bài với nội dung phù hợp cho các hội thảo khoa học, tích cực tham gia viết bài cho các báo địa phương, tạp chí chuyên ngành và các trang mạng xã hội hoặc các trang thông tin chính thống khác, nhằm liên tục cập nhật tri thức mới đồng thời rèn luyện tính khoa học trong công tác tổ chức và phong trào đoàn. Thông qua những lần viết bài khoa học sẽ giúp cho Đoàn viên làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào việc học tập, công tác cũng như thực tiễn cuộc sống.

Thứ hai, Đoàn viên thanh niên phải biết sắp xếp kế hoạch học tập, công việc một cách khoa học, hợp lý.

Đoàn viên, thanh niên trong tỉnh hiện nay ngoài nhiệm vụ được Tổ chức Đoàn phân công còn phải đảm nhận rất nhiều các nhiệm vụ khác tại trường, đơn vị của mình như học tập, công việc chuyên môn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, công tác đoàn thể… Đòi hỏi mỗi Đoàn viên không chỉ tích cực học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động một cách chủ động, sáng tạo mà còn phải biết cách sắp xếp lịch học tập, công việc một cách hợp lý, khoa học, tránh tình trạng chồng chéo hoặc chậm trễ nhằm mang lại hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí về mặt thời gian và công sức.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với

việc thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XII luôn được các tổ chức đoàn quán triệt, triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn thể Đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Dương. Trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong những năm qua Đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà đã không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng, thực hiện tốt đức tính “Cần”. Với yêu cầu ngày càng cao của thời đại mới, đòi hỏi mỗi Đoàn viên tỉnh Bình Dương cần phải tiếp tục không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, luôn luôn “Cần” để không ngừng hoàn thiện mình cả về trình độ, nhân cách, phẩm chất đạo đức cũng như năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó, khẳng định bản lĩnh, uy tín, xây dựng thương hiệu riêng cho Thanh niên tỉnh Bình Dương, thể hiện vai trò xung kính của mình trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác đoàn, các hoạt động, phong trào đoàn luôn mang đậm chất “Truyền lửa” thể hiện nhiệt huyết của các bạn đoàn viên thanh niên, góp phần chung tay xây dựng sự phát triển giàu mạnh, văn minh của tỉnh nhà trong thời gian sắp tới.

 

  Tài liệu tham khảo.

- [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, H.2011, t.6, tr.117.

- [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, H.2011, t.11, tr.612.

 

      CTV Như Thuyên (AT)           

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Thanh Thảo (Phó ban TT)
Thượng Tường Vy (Phó Ban)
Lượt truy cập: 49140969
Hôm nay: 6532
Đang online: 86
Về đầu trang