11/18/2024 12:00:00 AM GMT+7

Một số giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Hiện nay, nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị gắn với phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng cấp thiết, quan trọng; trong đó, hệ thống Trung tâm chính trị cấp huyện đóng vai trò nền tảng, gốc rễ. Chính vì thế, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay cũng là một trong những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Dưới đây là một số giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương

            1. Một số vấn đề chung về Trung tâm chính trị cấp huyện

Trung tâm chính trị cấp huyện (trước đây là trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện.
 Trung tâm chính trị cấp huyện có chức năng: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
 Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương;
 Tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy.
2. Thực trạng hoạt động của hệ thống Trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay.
Như chúng ta đều biết, công tác giáo dục lý luận chính trị là yếu tố không thể thiếu trong công tác xây dựng Đảng nói chung và bảo vệ nền tảng tư tưởng, sự tồn vong của chế độ nói riêng. V.I.Lênin đã từng khẳng định: Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng và “chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”[1]. Ph.Ăngghen cũng chỉ rõ: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”[2].
Ở nước ta, công tác giáo dục lý luận chính trị chủ yếu là những hoạt động truyền bá các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; cung cấp hệ thống tri thức căn bản, khoa học nhằm nâng cao nhận thức, sự kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; đồng thời, là quá trình phổ biến, phổ cập kiến thức cơ bản, hệ thống về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân... Trong bối cảnh sự chống phá không ngừng của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị như hiện nay đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị, nâng cao nhận thức lý luận chính trị nhằm trang bị kiến thức, rèn “vũ khí” tư tưởng và bản lĩnh chính trị, tăng khả năng “tự đề kháng”, “tự miễn nhiễm” trước những thông tin xấu, độc, thù địch cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng ta khẳng định: “Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục được tăng cường; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyển biến tích cực; nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị tiếp tục được chú trọng, đổi mới, góp phần tạo sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, đồng thuận trong xã hội”[3].
Hiện nay, hoạt động giáo dục lý luận chính trị được tổ chức, triển khai bằng nhiều kế hoạch dựa trên các hình thức, phương pháp thích hợp nhằm bổ sung, cập nhật, chuyển tải những nội dung cơ bản về lý luận chính trị cho người học. Công tác giáo dục lý luận chính trị được thực hiện ở hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng; triển khai thông qua các lớp đào tạo, nghiên cứu với 3 cấp học cơ bản: Trung tâm chính trị cấp huyện, các Trường Chính trị tỉnh, thành phố và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay, 9 đơn vị cấp huyện đều có Trung tâm chính trị (các thành phố: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát và các huyện: Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo). Các Trung tâm chính trị cấp huyện đều do đồng chí Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc nên hoạt động đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện ở Bình Dương đã quan tâm (biên chế, chế độ chính sách, các hoạt động nghiên cứu, đào tạo…), tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện nhiều biện pháp phù hợp với điều kiện từng địa phương; đầu tư cơ sở vật chất (như Trung tâm chính trị Tân Uyên, Bắc Tân Uyên…), bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động; sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn; quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên; thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị... Qua đó đã khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Trung tâm chính trị cấp huyện trong việc nâng cao trình độ, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở Bình Dương ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, từ khi có được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh; đặc biệt, việc thực hiện Quy định số 208/QĐ-TW, ngày 8-11-2019 của Ban Bí thư “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện”, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn cấp huyện ở Bình Dương được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn. Nội dung, chương trình và quy trình mở lớp được các Trung tâm chính trị cấp huyện bám sát hướng dẫn và quy định số 883-QĐ/BTGTW, ngày 24-11-2021, của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm chính trị cấp huyện”; chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương.
Ngoài những thuận lợi cơ bản như vừa nêu trên thì hiện nay, các Trung tâm chính trị cấp huyện ở Bình Dương cũng còn những khó khăn nhất định.
Thứ nhất, một số ban, ngành, đoàn thể nhận thức còn hạn chế, xem nhẹ công tác giáo dục lý luận chính trị nên chỉ phối hợp mở lớp để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ; một số nơi cấp ủy chưa coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở cơ sở. Mặt khác, vấn đề quyền lợi, chế độ, chính sách cho cán bộ, giảng viên và học viên đi học chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ hai, nhiều Trung tâm chính trị cấp huyện ở Bình Dương hiện nay còn thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu; một số giảng viên còn thiếu kinh nghiệm, phương pháp sư phạm hạn chế, lạc hậu. Chất lượng chuyên môn của một bộ phận đội ngũ báo cáo viên, giảng viên chưa đáp ứng quy định, tiêu chuẩn cũng như yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Thứ ba, đối tượng học viên ở các Trung tâm chính trị cấp huyện có sự chênh lệch, khoảng cách nhất định về trình độ chuyên môn, kiến thức, nghiệp vụ; sự đa dạng về tuổi đời, tôn giáo… Còn hiện tượng trùng lắp, chồng chéo với đối tượng đào tạo, bồi dưỡng… gây khó khăn trong quá trình quản lý, giảng dạy.
3. Một số giải pháp và kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian tới.
Một là, chú trọng đổi mới tư tưởng, nhận thức của cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong công tác giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở. Có hướng dẫn việc sử dụng kinh phí đối với các Trung tâm chính trị cấp huyện một cách đồng bộ, cụ thể và phản ánh đúng thực tiễn; có cơ chế, quy định rõ chế độ cho giảng viên và học viên, cho việc tổ chức lớp học... làm căn cứ áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Bảo đảm đủ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tạo điều kiện để các Trung tâm chính trị cấp huyện chủ động thực hiện kế hoạch.
Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, báo cáo viên tham gia giảng dạy lý luận chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn và nhận thức lý luận chính trị cao.
- Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các Trung tâm, cần đào tạo chuẩn hóa các chức danh trong quy hoạch và tổ chức thi tuyển để lựa chọn người có đức, có tài, đủ trình độ chuyên môn, phát huy vai trò người đứng đầu.
- Đối với đội ngũ giảng viên hiện tại cần tập trung đưa đi đào tạo chuyên sâu tại hệ thống Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hay các Trường Đại học uy tín (đào tạo về chuyên môn; phương pháp dạy học hiện đại; kiến thức kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…) để có một đội ngũ giảng viên có trình độ, khả năng chuyên môn cao. Chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên theo hướng giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị.
- Đối với đội ngũ báo cáo viên tham gia giảng dạy lý luận chính trị phải được đào tạo chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm; được cung cấp, cập nhật các thông tin thời sự chính xác, kịp thời.
- Hoàn thiện quy trình tuyển chọn giảng viên. Chính sách tuyển chọn giảng viên phải được các Trung tâm xem trọng hơn vì đây là khâu quyết định chất lượng đầu vào. Vì vậy, cần thành lập các Hội đồng sư phạm, xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp trong thu hút cán bộ, giảng viên có năng lực, kinh nghiệm, người có trình độ sau đại học và sinh viên tốt nghiệp các Trường Đại học đạt loại khá, giỏi về các cơ sở đào tạo lý luận chính trị công tác.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và các hoạt động chuyên môn khác tại các Trung tâm chính trị cấp huyện.
Để hoạt động này đi vào nền nếp, trong thời gian tới, Ban Giám đốc các Trung tâm chính trị cấp huyện cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức, giảng viên về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế; tăng cường các điều kiện phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và xây dựng được cơ chế khen thưởng, kỷ luật hợp lý trong các hoạt động này. Song song đó cần tăng cường tổ chức các Hội nghị, Hội thảo và các hình thức sinh hoạt khoa học phong phú khác nhằm tạo ra môi trường khoa học sinh động, mở ra nhiều kênh trao đổi thông tin, tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức, giảng viên trong và ngoài Trung tâm trao đổi, học tập lẫn nhau.
Kết luận:
Hiện nay, nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị gắn với phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng cấp thiết, quan trọng; trong đó, hệ thống Trung tâm chính trị cấp huyện đóng vai trò nền tảng, gốc rễ. Chính vì thế, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay cũng là một trong những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến’’, “tự chuyển hóa’’.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2019), Quy định số 208/QĐ-TW, ngày 8-11-2019, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm chính trị cấp huyện”.
2. Báo Điện tử Chính phủ (2019), “Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trung tâm chính trị cấp huyện”, ngày 26-11-2019.
3. Bộ Chính trị khóa XII, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến’’, “tự chuyển hóa’’, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.


[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, M.1975, t.6, tr.32
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.20, tr.489
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.74
 
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai - Trường Chính trị tỉnh Bình Dương

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54496866
Hôm nay: 511
Đang online: 69
Về đầu trang