2/24/2022 12:00:00 AM GMT+7

Kết quả và bài học kinh nghiệm học và làm theo Bác ở tỉnh Bình Dương

(HCM.VN) - Thực tiễn qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Bình Dương chủ động, nghiêm túc quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Với nhiều cách làm sáng tạo, thực chất đã tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả

Bí thư Huyện ủy Phú Giáo Nguyễn Thị Mỹ Hằng kiểm tra việc thực hiện Chỉ thi số 05 tại xã An Long
 

Thực tiễn trong những năm qua, Bình Dương đã xuất hiện nhiều cách làm hay, các mô hình thiết thực, hiệu quả trong học và làm theo Bác. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 104-KH/TU, ngày 29-8-2019 về “Nhân rộng mô hình làm theo Bác”, nhằm định hướng trong toàn đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Đây là chủ trương, nhiệm vụ thiết thực, là cách làm sáng tạo, gắn với điều kiện lịch sử cụ thể của tỉnh Bình Dương.

Trên cơ sở định hướng đó, các cấp ủy đảng tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình “làm theo Bác” phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng, đặc điểm tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng được nhiều cách làm hay, mô hình mới, mang lại tác dụng tích cực như: “Xóm đạo bình yên”, “Hộ nông thôn mới đạt tiêu chí: xanh, sạch, đẹp, sáng” của thị xã Tân Uyên; “Vườn cây nhớ ơn Bác Hồ” của huyện Phú Giáo; “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp” của huyện Bàu Bàng; “Siêu thị không đồng” của thành phố Thuận An; “Trường học là nhà” của Trường trung học phổ thông Tây Nam - Bến Cát; “Gần hội viên, hiểu hội viên, giúp hội viên” Hội Liên hiệp phụ nữ Dĩ An; “Tình thương và chia sẻ”, “Giải quyết thủ tục khai tử tại hộ gia đình”, triển khai người dân đăng ký 3 nội dung: treo ảnh Bác trang nghiêm trong nhà, gia đình không vi phạm pháp luật, gia đình không vi phạm an toàn giao thông của thành phố Thủ Dầu Một…

Các cơ quan, đơn vị khối quản lý hành chính nhà nước, lực lượng vũ trang xây dựng và thực hiện các mô hình như: “Gần dân, giúp dân”, “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân”, “Công sở thân thiện vì dân phục vụ”… với phương châm: “Làm hết việc chứ không hết giờ”. Nhiều Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện: “Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính”, “Thi đua mỗi ngày làm một việc tốt vì dân”; ngành Công an đã tổ chức hình thức: “Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân”, “Tăng cường tiếp dân vào sáng thứ bảy”, “Phối hợp ngành Bưu điện trả chứng minh nhân dân tận nhà”, “Giúp cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, khuyết điểm”; ngành Quân sự với phong trào: “Xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, “Đơn vị ba nhất”, “Cán bộ, đảng viên dìu dắt quần chúng và cấp dưới”. Ngành giáo dục đưa nội dung giảng dạy về đạo đức Hồ Chí Minh trong chương trình giảng dạy ở các bậc học, gắn kết giữa nội dung bài giảng (các môn giáo dục công dân, đạo đức, lịch sử, tiếng Việt, mỹ thuật…) với việc liên hệ tấm gương đạo đức của Bác; đồng thời, đưa vào trong nội dung sinh hoạt của Hội đồng sư phạm, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt dưới cờ…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có nhiều mô hình, phong trào tình nguyện tiếp tục được nhân rộng thực hiện có hiệu quả gắn với sinh hoạt kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập của ngành như: “Chuyến xe nghĩa tình” của tổ chức Công đoàn; “Tặng thẻ bảo hiểm y tế cho chị em cán bộ hội”, “Đồng hành cùng phụ nữ nghèo”, “Chi hội phụ nữ không có tệ nạn ma túy”… của Hội Liên hiệp Phụ nữ. Mô hình: “Sổ vàng làm theo Bác”, “Ngày giỗ Bác Hồ”, “Chiến dịch xuân tình nguyện” (vá xe lưu động miễn phí, xe ôm miễm phí) của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Phong trào: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Thu gom chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng” của Hội Nông dân. Mô hình: “Tổ tự quản môi trường và phòng, chống cháy nổ”, “Câu lạc bộ cứu hộ, cứu nạn người bị nạn khi tham gia giao thông” hay không rãi vàng mã khi đưa tang cựu chiến binh và người thân qua đời… của Hội Cựu chiến binh. Câu lạc bộ: “Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trong việc cưới, việc tang” của Hội Người cao tuổi. Cán bộ Hội Chữ thập đỏ gương mẫu trong công tác; treo ảnh Bác tại hộ gia đình, mỗi tổ chức, cá nhân gắn liền với địa chỉ nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ…

Trong nhân dân xuất hiện nhiều gương “người tốt, việc tốt” trong xây dựng khu ấp, khu phố văn hóa và tích cực tham gia các phong trào mang tính đạo lý như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”; những tấm gương điển hình trong cộng đồng như: hiến đất mở đường, tham gia tích cực các phong trào xã hội, xây dựng khu phố văn minh, khu phố, tuyến phố kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp, vận động trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tủ thuốc gia đình; nồi cháo tình thương… Đặc biệt, khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, đã xuất hiện nhiều tấm gương quan tâm, chia sẻ khó khăn với đồng bào bị ảnh hưởng bằng nhiều hình thức như: ATM gạo miễn phí; miễn, giảm tiền thuê nhà cho công nhân; cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu miễn phí với khẩu hiệu hết sức nhân văn: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường người khác”…

Huyện Dầu Tiếng đẩy mạnh học và làm theo Bác, xây dựng và phát triển kinh tế trang trại 
 

Qua thực hiện mô hình, nhiều địa phương, đơn vị đã chọn đúng nội dung trọng tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, nghiêm túc triển khai đạt kết quả tốt. Điển hình như: Ủy ban nhân dân thành phố Dĩ An với mô hình: “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”, “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân”. Đảng ủy - Ủy ban nhân dân các phường với nhiều cách làm hiệu quả như: vận động nhân dân tham gia làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, gửi các loại thư chia sẻ khi người dân đến giao dịch hành chính; tổ chức tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp và giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của phường tại khu phố. Phường Bình An, Bình Thắng, An Bình, Đông Hòa với mô hình: “Trụ điện nở hoa”, “Khoác áo mới cho cột điện”; Ủy ban nhân dân phường Bình An, Tân Đông Hiệp, Dĩ An thực hiện mô hình: “Bố trí không gian thân thiện, gần gũi, phục vụ nước giải khát miễn phí cho người dân khi đến giao dịch hành chính”. Đảng ủy phường Đông Hòa, Tân Đông Hiệp với mô hình: “Phân công cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo”; các mô hình: “Tiếp sức học sinh nghèo đến trường” của Hội Cựu chiến binh; “Gần hội viên, hiểu hội viên, giúp hội viên” của Hội Liên hiệp phụ nữ; “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân trợ giúp một đối tượng khó khăn” của Hội Chữ thập đỏ. Đối thoại của lãnh đạo đối với nhân dân và doanh nghiệp, các diễn đàn lắng nghe ý kiến nhân dân của ngành y tế, giáo dục, lao động thương binh - xã hội. “Quyết tâm rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác” của cơ quan Thanh tra, phòng Tư pháp thành phố; “Toà án thân thiện” của Tòa án nhân dân thành phố; “Cấp giấy chứng minh nhân dân tại nhà cho người dân già yếu, bệnh tật không có khả năng đi lại” của Công an thành phố… Qua thực hiện, đến nay đã có hơn 40 mô hình, cách làm hiệu quả trên toàn địa bàn thành phố được thực hiện, duy trì có hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và tạo chuyển biến tích cực về hành động của các địa phương, cơ quan, đơn vị, của mỗi cán bộ đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trong việc tự giác, thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Huyện đoàn Dầu Tiếng đã thực hiện 14 vườn hoa làm theo lời Bác ở các Chi đoàn khối Cơ quan, 05 Chi đoàn trường học với tổng cộng 700m2; vườn cây làm theo lời Bác trồng 400 cây xanh ở xã Long Hòa, xã Minh Hòa. Trao tặng 18 ghế đá bia tưởng niệm thanh niên xung phong tại xã Thanh An trị giá 7,2 triệu đồng. Thực hiện 13 bảng Ba nô tuyên truyền trị giá 26 triệu đồng, tại 12 xã, thị trấn và câu lạc bộ kỹ năng huyện. Công trình thực hiện kế hoạch nhỏ (thi gom phế liệu, giấy vụn) trao tặng sổ tiết kiệm vì người bạn tòng quân, kết quả đã trao 12 sổ tiết kiệm trị giá 12 triệu đồng. Mô hình bán sản phẩm thủ công của câu lạc bộ kỹ năng huyện Dầu Tiếng, với kết quả đạt được từ chương trình bán hoa, sản phẩm thủ công và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, khai giảng năm học mới, câu lạc bộ đã thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xã hội, từ thiện; các hoạt động tình nguyện vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc Chăm trên địa bàn huyện. Câu lạc bộ cũng đã thăm, tặng quà cho 14 mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách trên địa bàn huyện với tổng kinh phí hơn 14 triệu đồng; tặng hơn 559 phần quà tổng trị giá 89.500.000 đồng, vận động thợ hớt tóc tình nguyện cắt tóc miễn phí cho trên 200 em thiếu nhi khó khăn, tặng hơn 500 bộ quần áo đã qua sử dụng, tặng trên 1.000 cuốn tập trắng. Trao tặng 29 bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn tại nơi làm việc của 29 cơ sở đoàn…

Một số bài học kinh nghiệm

Bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ở tỉnh Bình Dương là:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, nhất là cấp ủy cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy, người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, gương mẫu, đi đầu, nêu gương trong học tập và làm theo Bác, đổi mới hình thức triển khai học tập, thực hiện thì nơi đó đạt kết quả tích cực và thực chất.

Thứ hai, thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương và kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, quy chế, nội quy làm việc, các chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp phù hợp với nội dung, yêu cầu của việc học tập và làm theo Bác, cũng như đặc điểm cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong giai đoạn mới. Thường xuyên đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát hiện những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả để triển khai thực hiện trên diện rộng, đồng thời, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, làm lướt, hoặc thiếu quan tâm, triển khai hình thức. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nói và làm trái quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng.

Giải pháp trong thời gian tới

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương xác định tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng và toàn xã hội về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về ý nghĩa, vai trò của việc học tập và làm theo Bác đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn mới.

Hai là, chú trọng việc đăng ký và làm theo của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể, thiết thực, hiệu quả; lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc được người dân quan tâm để tập trung xử lý, giải quyết có hiệu quả. Lấy kết quả phấn đấu làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm.

Ba là, triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong khối cơ quan hành chính, quản lý nhà nước; cụ thể hóa thành các quy định để thực hiện, kiểm tra, đánh giá và để nhân dân có thể giám sát, kiểm tra. Thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tạo sự hài lòng đối với nhân dân, doanh nghiệp.

Bốn là, tổ chức rà soát, sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm để cải tiến nội dung, cách thức triển khai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình đang thực hiện; đồng thời, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, động viên kịp thời, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội./.

Nguyễn Văn Hân - Nguyễn Văn Chiến

Theo Hochiminh.vn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54860068
Hôm nay: 324
Đang online: 67
Về đầu trang