11/18/2020 12:00:00 AM GMT+7

Kế thừa và phát huy truyền thống 90 năm vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nỗ lực phấn đấu nâng cao hiệu quả hoạt động trong giai đoạn mới

(Mặt trận) - Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020), ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có bài viết khẳng định sự kết thừa và phát huy truyền thống 90 năm vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nỗ lực phấn đấu nâng cao hiệu quả hoạt động trong giai đoạn mới. Ban Biên tập trân trọng toàn văn bài viết này.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn với bà con đồng bào dân tộc thôn Đồng Mà, xã Trung Yên huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang tại Ngày hội đại đoàn kết tháng 11/2020. 

Trần Thanh Mẫn

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Cách đây 90 năm, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế Đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Chỉ thị khẳng định: “Giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công (rộng là toàn dân cùng đứng trong một mặt trận chống đế quốc và tụi phong kiến làm tay sai phản động hèn hạ; kín là đặt để công nông trong bức thành dân tộc phản đế bao la)” .

Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất là một quá trình hình thành, hoàn thiện và phát triển về lý luận, phong trào và tổ chức. Căn cứ vào nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn, Đảng đã sáng lập các hình thức tổ chức Mặt trận khác nhau. Dưới ngọn cờ của các tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất như: Hội Phản đế Đồng minh, Phản đế Liên minh, Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương, Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế, nhân dân ta đã đoàn kết tiến hành các phong trào đấu tranh cách mạng. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh ngày 19/5/1941 là bước trưởng thành vượt bậc của Mặt trận về cả đường lối, tổ chức và hoạt động, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945) lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sau ngày 2/9/1945, chính quyền nhân dân phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nền độc lập đứng trước tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Mặt trận Việt Minh đã sát cánh cùng với Đảng, Chính phủ phát động nhân dân diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, chống giặc ngoại xâm, chuẩn bị các điều kiện cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” , Mặt trận Việt Minh, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt, được thành lập ngày 29/5/1946) và sau này thống nhất thành Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt, được thành lập ngày 3/3/1951) đã đoàn kết toàn dân, tiến hành cuộc kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”. Chiến thắng Đông - Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc địch phải ký Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đại hội II của Đảng (1951) đánh giá: “Mặt trận hiện là một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến và kiến quốc, là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một áo giáp vững bền của Đảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng” .

Sau Hiệp định Geneva, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền: miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam tạm thời bị đế quốc Mỹ và tay sai thống trị. Ở miền Bắc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (được thành lập ngày 10/9/1955) đã động viên mọi tầng lớp nhân dân thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam. Ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (được thành lập ngày 20/12/1960) và Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam (được thành lập ngày 20/4/1968) đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc và mọi người dân yêu nước, tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ ngày 31/01 đến 04/2/1977, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành một Mặt trận Dân tộc thống nhất của cả nước, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất ý chí của tất cả các tổ chức của các giai tầng trong xã hội, các cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo luôn phấn đấu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".

Cùng với quá trình đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Đảng ta đã từng bước đổi mới hệ thống chính trị, thực hành và phát huy dân chủ, xây dựng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, ban hành nhiều văn kiện xác định vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các quan điểm của Đảng về Mặt trận đã được Nhà nước thể chế hóa trong Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng mở rộng, thực hiện chức năng và nhiệm vụ của một tổ chức liên minh chính trị rộng lớn duy nhất trong hệ thống chính trị của nước ta. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trải qua 9 kỳ đại hội, đó là những mốc son đánh dấu quá trình phát triển về tổ chức, đổi mới về lý luận, nhận thức, nội dung và phương thức hoạt động, cơ chế thực hiện vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc quán triệt đường lối chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình dự Ngày hội Đại đoàn kết cùng bà con Tổ dân phố số 6, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Trong thời kỳ đổi mới, với nguyên tắc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, Mặt trận đã góp phần quan trọng để khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.

Công tác Mặt trận đã hướng mạnh về cơ sở. Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư là hạt nhân nòng cốt vận động nhân dân và là cầu nối liên kết hiệu quả trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Các chương trình hoạt động, chương trình phối hợp giữa các tổ chức thành viên, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan chính quyền ngày càng thiết thực, hiệu quả. Các cuộc vận động, phong trào thi đua như Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần lao động sáng tạo của nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. 

Mặt trận đã tích cực vận động nhân dân phát huy dân chủ ở cơ sở, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; hiệp thương, lựa chọn các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Thực hiện việc lắng nghe kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, chăm lo đời sống nhân dân, công tác dân tộc, tôn giáo, đối ngoại và kiều bào. Hoạt động đối ngoại của Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng mở rộng và đa dạng, góp phần hiệu quả cùng đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với Mặt trận Tổ quốc đã tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống Mặt trận. Các kết quả Mặt trận đạt được có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lịch sử 90 năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, là hành trang để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đổi mới, mở rộng, thực hiện tốt sứ mệnh của mình trên con đường phát triển của đất nước.

Thứ nhất, hoạt động của Mặt trận phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, đường lối về đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ sở quan trọng để Mặt trận thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, hoạt động của Mặt trận phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Cán bộ Mặt trận cần gắn bó, sâu sát với nhân dân để lắng nghe và phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Ủy ban Mặt trận các cấp phải thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thứ ba, phải không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt về phương thức hoạt động; xác định nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, rõ địa bàn và đối tượng; lấy khu dân cư làm địa bàn hoạt động chủ yếu; chú trọng phát triển, nhân rộng các điển hình, nhân tố mới.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước để bảo đảm về cơ chế, chính sách và điều kiện hoạt động; hiệp thương, thống nhất, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các tổ chức thành viên để tăng cường sức mạnh tổng hợp cho công tác Mặt trận.

Thứ năm, xây dựng và nâng cao năng lực hoạt động, uy tín của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Cán bộ Mặt trận phải có năng lực, tâm huyết với công việc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời cần phát huy tốt lực lượng cộng tác viên, chuyên gia... Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Mặt trận.

Ngày nay, sự nghiệp đổi mới đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi đan xen với không ít thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp và khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội và đặt ra những vấn đề mới trong phát triển đất nước. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế đạt được những thành quả to lớn, nhưng cũng có những tác động tiêu cực đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các thế lực thù địch không ngừng chống phá, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong thời gian tới, Mặt trận sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động tham gia hiệu quả công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hai là, bám sát thực tiễn của đất nước, dự báo sát tình hình, chủ động phối hợp tốt với các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các địa phương giải quyết những thách thức, vấn đề mới phát sinh, nhất là từ cơ sở; lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng, phản biện tích cực của nhân dân để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, thể hiện rõ vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Ba là, tiếp tục làm nòng cốt trong vận động, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, chăm lo người có công với đất nước, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng nếp sống văn minh, tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp; phê phán những việc làm xấu, hành vi thiếu văn minh, trái với truyền thống văn hóa của dân tộc. Khích lệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức tổ chức chính trị-xã hội, quy định về tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phối hợp giải quyết hiệu quả đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện chương trình hành động của MTTQ Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị  về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Lịch sử vẻ vang 90 năm của Mặt trận Dân tộc thống nhất là một dòng chảy liên tục của chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết, được soi sáng và nâng lên một tầm cao và chiều sâu mới bởi chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà” . Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết trong tổ chức Mặt trận tạo nên những kỳ tích vĩ đại, làm rạng rỡ non sông. Đó là tiền đề để chúng ta chung sức, chung lòng viết tiếp những trang sử vàng từ một triết lý lịch sử: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”./.

Nguồn: Tạp chí Mặt trận (NC)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 52380270
Hôm nay: 13862
Đang online: 40
Về đầu trang