TTBD - Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị, nhà tuyên truyền, Bác còn là nhà báo, nhà thơ, nhà văn,... có nhiều tác phẩm thuộc các thể loại như báo chí, tiểu phẩm, thơ ca, truyện ký, kịch, văn chính luận... được Bác viết bằng nhiều thứ tiếng với nhiều bút danh khác nhau. Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất trong bài nói, bài viết của Người. Trong phong cách diễn đạt của Bác nổi bật lên nét đặc sắc đó là luôn tạo được sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người nghe và người đọc, đây là kết quả của sự kết hợp hài hòa cái truyền thống với cái hiện đại, giữa phong cách phương Đông và phong cách phương Tây.
Cán bộ đoàn vẫn được nhân dân gọi là người thủ lĩnh thanh niên. Thủ lĩnh thanh niên được hiểu là những người trẻ về tuổi đời và có suy nghĩ, tác phong trẻ trung, năng động, sôi nổi, nhiệt huyết. Đây là những đặc điểm chung của thanh niên mà cán bộ đoàn cũng cần có để thực hiện tốt nhiệm vụ làm công tác thanh niên. Thủ lĩnh thanh niên được hiểu là người đứng đầu, có khả năng dẫn dắt tập thể. Điều khiển một tổ chức vốn dĩ đã không phải là việc dễ dàng, người cán bộ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn thử thách cả ở bên trong và bên ngoài. Vì vậy, học tập phong cách diễn đạt của Người sẽ góp phần giúp cho người cán bộ đoàn hoàn thiện bản thân, tăng cường khả năng truyền đạt thông tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà tổ chức phân công.
1. Phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh có phong cách diễn đạt đặc sắc là do Người đi nhiều, đọc nhiều, tiếp xúc với nhiều tầng lớp, nhiều hạng người khác nhau ở những quốc gia khác nhau, chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa. Trong diễn đạt, Người luôn xác định rõ chủ đề, đối tượng và mục đích cần truyền đạt, từ đó mà tìm cách nói, cách viết phù hợp với đối tượng nhằm đạt mục tiêu đề ra. Người đặt cho mình và cũng yêu cầu mọi người thực hiện bốn vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau khi diễn đạt đó là: Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói viết như thế nào? Trong bốn vấn đề trên thì “cái gì”, “cho ai”, “để làm gì” quyết định cách thể hiện “như thế nào?”. Chúng ta có thể thấy cách diễn đạt trong các bài nói, bài viết của Người rất mộc mạc, ngắn gọn trong sáng, giản dị, khúc triết và dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Nhờ đó, những bài nói, bài viết của Người luôn được mọi người cảm thụ sâu sắc và có sức thuyết phục mạnh mẽ. Tựu chung lại, phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh thể hiện ở những khía cạnh sau:
- Cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực
Mục đích nói và viết của Hồ Chí Minh cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người nên Bác hay dùng cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực. Mở đầu tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã nói rõ chủ kiến của mình: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả, v.v. Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh. Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!”
Tác phẩm "Đường Kách Mệnh"
Bác hay dùng câu đơn và những từ ngữ dễ hiểu, có tính khái quát. Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên khi nói và viết, “điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Không nên nói ẩu”, viết “phải đúng sự thật, không được bịa ra”, “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ chớ nói, chớ viết”, “khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.
- Diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng, có lượng thông tin cao
Bác thường viết ngắn, có khi rất ngắn, nên những tư tưởng lớn của Người trở nên dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động. Bác căn dặn: “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi… Viết chuyện có nhiều ngóc ngách thì phải nắm lấy cái chính, không nên kể con cà con kê”. Ví dụ Bác viết “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, chỉ 9 chữ mà khái quát được cả ba giai đoạn đầy biến động của đất nước. Nhiều câu được cô đúc lại như châm ngôn: “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập. (Ảnh đồ họa: Quang Huy)
Để có cách nói, cách viết ngắn gọn trước hết phải có tư duy mạch lạc, ngôn từ phong phú, vốn sống dồi dào, đồng thời cũng phải rèn luyện công phu. Không phải ngay từ đầu Hồ Chí Minh đã biết nói ngắn gọn mà phải thông qua quá trình tự học, tự rèn, thông qua những cuộc tranh luận, những buổi diễn thuyết, Người mới có cách diễn đạt cô đọng, hàm súc, lời ít ý nhiều.
Những bài nói, bài viết của Bác luôn đem lại cho người nghe, người đọc lượng thông tin cao và chính xác. Những tư liệu, sự kiện mà Người đề cập bắt nguồn từ thực tế cuộc sống đã được suy xét, kiểm tra, chọn lọc. Bằng những sự kiện, tư liệu đó, Hồ Chí Minh không phải lý giải dài dòng nhưng có sức thuyết phục cao đối với người nghe, người đọc.
- Sinh động, gần gũi cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể
Khi nói, khi viết, Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, hay sử dụng lối so sánh ví von, sử dụng thành ngữ để làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với quần chúng. Người dùng hình ảnh “con đỉa hai vòi” để nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc; ví “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn”; “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”; người đọc nhiều lý luận mà không biết đem thực hành, vận dụng chỉ là “cái hòm đựng sách”...
Nhờ hiểu dân, gần dân, học dân thường ngày và học trong ca dao, tục ngữ, trong dân gian, cổ tích mà Bác có thể phổ thông hoá những vấn đề phức tạp đôi khi còn xa lạ với dân chúng, giản đơn hoá những vấn đề khó hiểu. Chính vì vậy mà tư tưởng của Người đến với mọi người, bằng những ngôn từ quen thuộc dễ hiểu, dễ nhớ, nhiều khi còn dễ thuộc vì có vần có nhạc trong văn. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết “Hồ Chí Minh là người Việt Nam, Việt Nam hơn Việt Nam nào hết. Ngót ba mươi năm bôn tẩu bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần túy phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam. Ngôn ngữ của Người phong phú, ý vị như ngôn ngữ người dân quê Việt Nam; Người khéo dùng tục ngữ, hay nói ví, thường có lối châm biếm kín đáo và thú vị. Làm thơ, Người thích lối ca dao, vì ca dao là Việt Nam cũng như núi Trường Sơn, hồ Hoàn Kiếm hay Đồng Tháp Mười vậy…”
Là một người đọc nhiều, hiểu rộng, biết nhiều ngoại ngữ nhưng khi nói, khi viết bao giờ Người cũng sử dụng một loại ngôn ngữ tùy theo đối tượng người nghe, người đọc. Khi nói và viết cho quần chúng nhân dân bao giờ Hồ Chí Minh cũng trở về với ngôn ngữ dân tộc, dùng cách nói của nhân dân. Người phê phán gay gắt những người ham dùng chữ, hay nói chữ, sính dùng chữ, tiếng nước ngoài.
- Nói đi đôi với làm
Đây là một phong cách diễn đạt đặc biệt. Ngay từ năm 1927, trước khi Đảng ra đời, trong cuốn sách gồm những bài giảng cho các lớp huấn luyện cho Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên (Đường kách mệnh), Hồ Chí Minh đã đòi hỏi tư cách của người cách mạng là “Nói thì phải làm”. Hồ Chí Minh, luôn có phong cách: nói đi đôi với làm, đã nói là làm; nói ít làm nhiều, mà nhiều khi làm mà không nói. Thí dụ khi chống giặc đói ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ mới thành lập, Hồ Chí Minh kêu gọi những người có ăn cứ mười ngày (hoặc ba ngày) nhịn ăn một bữa để dành gạo cứu giúp những người đang bị đói. Khi kêu gọi như vậy thì chính bản thân Người đã gương mẫu thực hiện. Với hành động thường ngày, Hồ Chí Minh không muốn dạy ai cả, cũng không phải là nhằm đưa ra những hành động thị phạm. Người làm việc này, việc nọ một cách tự nhiên, thật lòng, như hít thở khí trời, không làm ra vẻ ta đây, ra oai. Nhưng, tự những hành động đó lại toát lên những thông điệp được người Việt Nam yêu nước coi đó là lời nói, cử chỉ hướng dẫn hành động; là những lời dạy, những hành động làm mẫu để hoàn thiện tư tưởng, đạo đức, phong cách của mình.
2. Học tập phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh nhằm hoàn thiện hơn vai trò của cán bộ Đoàn
- Với vai trò là cán bộ dân vận của Đảng
Đảng và Bác Hồ là người sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và xác định Đoàn là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đoàn Thanh niên có trách nhiệm giáo dục, bồi dưỡng rèn luyện cán bộ trẻ để bổ sung sinh lực trẻ cho Đảng. Đảng giao cho Đoàn nhiệm vụ giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam theo Đảng hay nói cách khác Đảng giao cho Đoàn làm công tác thanh vận, công tác thanh niên thực chất là một bộ phận trong công tác dân vận của Đảng.
Học tập phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ đoàn khi làm công tác dân vận cách nói đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, có lượng thông tin cao sẽ đem lại hiệu quả cao trong hoạt động giao tiếp, giúp cho đối tượng tiếp nhận tiếp thu được dễ dàng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, cách nói chuyện như vậy cũng tạo ra sự gần gũi với đối tượng tiếp nhận sẽ làm cho hoạt động tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn.
- Với vai trò là nhà giáo dục
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam, vì vậy, một trong những chức năng quan trọng nhất và xuyên suốt của tổ chức Đoàn là chức năng giáo dục. Mọi hoạt động do Đoàn tổ chức suy cho cùng cũng nhằm mục tiêu là tập hợp đoàn kết và giáo dục thanh thiếu nhi với những nội dung và bằng những phương thức khác nhau. Nội dung giáo dục của Đoàn cho đoàn viên, thanh niên bao gồm giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên để đoàn viên, thanh niên tin và đi theo Đảng; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, giáo dục những giá trị đạo đức và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của Đoàn; giáo dục pháp luật cho thanh niên để thanh niên có ý thức công dân, tôn trọng và thực thi pháp luật; Đoàn giáo dục lối sống văn hóa cho thanh niên để hình thành những giá trị nhân văn, nhân đạo, tình yêu thương con người, sống nhân văn. Đoàn còn nắm bắt tình hình tư tưởng để định hướng dư luận trong thanh niên.
Học tập phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ đoàn phải thực sự am hiểu các nội dung giáo dục, đặc biệt phải nắm được các phương pháp giáo dục để vận dụng, áp dụng vào trong công tác đoàn, làm cho hoạt động giáo dục của Đoàn thực sự hấp dẫn, lôi cuốn các bạn trẻ tham gia. Giáo dục của Đoàn có những nét giống với giáo dục trong nhà trường nhưng có những điểm rất khác biệt. Giáo dục của Đoàn là giáo dục mang tính tự nguyện, không mang tính cưỡng bức, áp đặt; thông qua việc tổ chức các hoạt động đa dạng, phong phú, hấp dẫn, gần gũi, sử dụng những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể và phong trào phù hợp với giới trẻ để lôi cuốn thanh niên tham gia và đến với Đoàn; giáo dục của Đoàn thường gắn các hoạt động trải nghiệm với việc rèn luyện. Giáo dục của Đoàn cũng đòi hỏi phải phát huy tinh thần tự giáo dục của thanh niên để mỗi thanh niên trở thành những người tự ý thức được trách nhiệm của mình và hành động theo những chuẩn mực của xã hội, nhận thức ra được “Chân”, “Thiện”, “Mỹ”. Chính những phẩm chất được rèn luyện và tích lũy trong công tác đoàn mà nhiều cán bộ đoàn sau khi trưởng thành đã được phân công giữ những cương vị chủ chốt trong công tác tuyên giáo, công tác giáo dục của Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội.
- Vai trò là người bạn gần gũi của thanh niên
Cùng với việc phát huy thanh niên, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của cán bộ đoàn và tổ chức đoàn là đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp. Cán bộ đoàn cần hiểu thanh niên, đồng hành cùng với họ để định hướng, giúp đỡ thanh niên. Mỗi cán bộ đoàn, tổ chức đoàn phải là địa chỉ tin cậy của thanh niên, để thanh niên chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, khó khăn. Tổ chức đoàn và cán bộ đoàn phải có trách nhiệm hồ trợ, giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên để họ phát huy năng lực bản thân và vươn lên trong cuộc sống. Cán bộ đoàn cần hiểu, đứng sau mình là cả một tập thể đang công tác và cả tổ chức đoàn. Cán bộ đoàn còn là cầu nối giữa thanh niên với Đảng và chính quyền. Cán bộ đoàn có thể trực tiếp tư vấn, định hướng, giúp đỡ, cũng có thể báo cáo tổ chức, báo cáo cấp trên và cũng có thể báo cáo với cấp ủy, chính quyền cùng cấp, các tổ chức, cơ quan, đơn vị để hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên.
Học tập phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ đoàn phải có cách diễn đạt mộc mạc, gần gũi với cách suy nghĩ của quần chúng để thanh niên dễ dàng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình để tổ chức đoàn sẽ kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên.
“Phong cách Hồ Chí Minh nói chung và phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh nói riêng là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, của dân tộc ta, mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam, hướng cho mọi người đến chân, thiện, mỹ của cuộc sống”. Học tập và làm theo phong cách của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong đó học tập phong cách diễn đạt của Bác đặc biệt có ý nghĩa đối với đội ngũ cán bộ đoàn. Học tập phong cách diễn đạt của Người sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ đoàn nâng cao trình độ nói và viết, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, từ điều kiện thực tế, lựa chọn cách thức phù để hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ mà tổ chức giao cho.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tập 2, tr. 283.
2. Phạm Văn Đồng, Học Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015, tr 8-9.
Tác giả: Th.S Mai Văn Bằng - Trường chính trị Bình Dương (TL)