TTBD - Tinh thần quốc tế là một phẩm chất đạo đức bắt nguồn từ bản chất của giai cấp công nhân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước nhiệt thành, một chiến sĩ quốc tế vĩ đại. Người không chỉ giáo dục tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung mà còn là hình mẫu của tinh thần quốc tế, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Khi bàn về mối quan hệ Việt – Trung, Bác nói: “Mối tình hữu nghị Việt –Trung/ Vừa là đồng chí vừa là anh em”, nói về mối quan hệ Việt – Lào Bác đã khẳng định: “Việt, Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, nói về tình anh em vô sản thế giới Người từng nhắc nhở “Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”.
Tinh thần quốc tế trong sáng là phẩm chất, là yêu cầu đạo đức của người Việt Nam nói chung, cán bộ nói riêng trong mối quan hệ rộng lớn, vượt qua phạm vi quốc gia, dân tộc. Tinh thần quốc tế trong sáng trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở các điểm sau:
Thứ nhất, đoàn kết với nhân dân các nước vì mục tiêu giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, Bác đã đến nhiều nước trên thế giới, các nước tư bản cũng như thuộc địa. Người đã chứng kiến cảnh cùng cực của giai cấp công nhân và Nhân Dân lao động, đồng thời cũng thấy rõ cảnh sống xa hoa của giai cấp tư sản. Thực tế sinh động đã giúp Người đồng cảm và nhận thức rõ: Nơi đâu cũng có người nghèo như ở xứ mình, dù ở các nước thuộc địa hay chính quốc, họ đều bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn bởi chủ nghĩa thực dân tàn ác. Người đi tới kết luận: Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai loại người: người áp bức và người bị áp bức. Cũng chỉ có một mối tính hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản. Kết luận này cho thấy nhận thức của Người về ý thức dân tộc và ý thức giai cấp đã vươn từ tầm nhìn quốc gia lên tầm nhìn quốc tế. Kết luận trên cũng là sự khởi đầu của tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh - đoàn kết với những người cần lao trên thế giới, luôn gắn liền lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế.
Tháng 6-1919, khi gửi tới Hội nghị Vécxây “Bản yêu sách của Nhân Dân An Nam”, lần đầu tiên xuất hiện trên vũ đài quốc tế, Người đã thể hiện tư tưởng sát cánh cùng các dân tộc bị áp bức đấu tranh cho sự bình đẳng. Mười năm đầu trong chuyến hành trình ra đi tìm đường cứu nước, Người đã sớm xác định cuộc đấu tranh của Việt Nam, cũng như cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Từ lời phát biểu đầu tiên tại Đại hội Tua (12-1920) trở đi, Người luôn khẳng định cuộc cách mạng của các dân tộc bị áp bức đều có quan hệ với nhau. Nói về sự liên minh đoàn kết đấu tranh của nhân dân lao động ở các nước thuộc địa, khi đó Người đã chỉ rõ: các nước thuộc địa và phụ thuộc muốn được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa thực dân thì chỉ bằng cách đoàn kết chặt chẽ để chống kẻ thù chung. Cũng là một người dân thuộc địa, Người thấy được khả năng, sức mạnh đoàn kết của các dân tộc thuộc địa và tin tưởng vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh của họ.
Thứ hai, đoàn kết với nhân loại tiến bộ, vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, từ thành quả của Cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra giữa các quốc gia, giữa các dân tộc ở các châu lục cần có sự hợp tác giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau. Sức mạnh của mỗi nước có một phần quan trọng tuỳ thuộc vào các mối liên kết và hiểu biết lẫn nhau. Từ đó Người luôn khẳng định những cuộc cách mạng của các dân tộc bất kỳ gần hay xa, to hay nhỏ đều có quan hệ với nhau. Từ năm 1924, Người đã trở thành một trong những cán bộ châu Á đầu tiên thực thi nhiệm vụ liên kết giữa các dân tộc châu Á với phong trào cách mạng vô sản thế giới. Trong những năm tháng Nhân Dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập và bảo vệ nền độc lập của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm chăm lo phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh để mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam và khẳng định sự ủng hộ của Nhân Dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh của Nhân Dân các nước vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Đồng thời, Người còn luôn nhắc nhở Nhân Dân Việt Nam về những nhiệm vụ đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Nhân Dân các nước này. Hồ Chí Minh tha thiết với độc lập tự do của dân tộc mình, cho nên cũng rất trân trọng độc lập tự do của các dân tộc khác. Bởi thế, Người hết sức căm giận trước bất cứ một hành động xâm lược nào và cho rằng: giúp đỡ một dân tộc khác bảo vệ độc lập tự do của họ cũng chính là bảo vệ lợi ích của đất nước mình, “giúp bạn là tự giúp mình”. Đây chính là một bước phát triển mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế. Vì lẽ đó, Người luôn động viên Nhân Dân Việt Nam vừa tiến hành sự nghiệp bảo vệ độc lập tự do của dân tộc mình, vừa thực hiện sự giúp đỡ vô tư chí tình, chí nghĩa đối với các dân tộc anh em.
Sự đoàn kết ấy là nhằm những mục tiêu lớn của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, là hợp tác hữu nghị với tất cả các nước, các dân tộc. Sự đoàn kết ấy dựa trên cơ sở bình đẳng và kết hợp giữa lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế.
Thứ ba, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế, chống mọi biểu hiện của kỳ thị dân tộc.
Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa quốc tế vô sản gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Trong bài “Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế” (1953), Người đã nhấn mạnh: “Tinh thần yêu nước và tinh thần Quốc tế liên hệ khăng khít với nhau. Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hoà bình thế giới”( ). Nếu tinh thần yêu nước không chân chính và tinh thần quốc tế không trong sáng thì có thể dẫn đến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, hoặc chủ nghĩa bành trướng bá quyền, kỳ thị chủng tộc… Những khuynh hướng sai lệch ấy có thể dẫn đến chỗ phá vỡ một quốc gia dân tộc hay một liên bang đa quốc gia dân tộc, phá vỡ tình đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh chung, thậm chí có thể đưa đến tình trạng đối đầu đối địch. Đây là một thực tế đã diễn ra ở châu Âu và nhiều khu vực trên thế giới hiện nay.
Hồ Chí Minh lên án và đấu tranh chống chia rẽ, thù hằn, bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc, đoàn kết với các lực lượng cách mạng và tiến bộ khắp thế giới. Người gắn mục tiêu đấu tranh của Nhân Dân Việt Nam với mục tiêu chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Có thể nói tinh thần quốc tế trong sáng trong đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ tình thương yêu đối với con người; vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, mang lại tự do và bình đẳng thực sự cho con người. Từ chủ nghĩa quốc tế trong sáng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng và xây dựng nên tình đoàn kết quốc tế rộng lớn của Nhân dân Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, góp phần vào những thắng lợi to lớn của Nhân dân Việt nam và Nhân dân thế giới.
Trong bối cảnh thế giới phức tạp và khó lường hiện nay, nguồn lực quan trọng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước chính là mở rộng tình đoàn kết quốc tế, quan hệ hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập, đúng như Đảng ta đã khẳng định trong văn kiện Đại hội XII: “ Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế….”( ). Đặc biệt, đối với ngành ngoại giao – ngành có vai trò như sợi chỉ đỏ gắn kết quan hệ Việt Nam với các nước trên thế giới, tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 của ngành ngoại giao Việt Nam (tháng 8 – 2016), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dùng hình ảnh ngoại giao mang đậm bản sắc là cây tre Việt Nam, mềm mại mà cứng cỏi, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, để nhấn mạnh trong thế giới đầy biến động, hoạt động ngoại giao phải là một phương thuốc hữu hiệu để thu hẹp bất đồng, mở đường cho các giải pháp, kiên trì về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ về dĩ bất biến ứng vạn biến, thêm bạn bớt thù, làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai… Và trong thời gian qua, đối với những vấn đề phức tạp trên biển Đông, chúng ta đã có những tính toán đúng thời điểm để tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại lớn, trong đó có những sự kiện đón và thực hiện các chuyến thăm cấp cao đã thực sự có tác động mạnh mẽ, có sức thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ.
Trong thời kỳ mới của đất nước, nhớ lời dạy của Bác là một trong những yếu tố dẫn tới thành công. Để đất nước phát triển thì một nguồn lực quan trọng là mở rộng tình đoàn kết quốc tế, quan hệ hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập như Ðảng ta trong đã khẳng định Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (2011) “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” .
CTV Mai Nguyễn (AT)