5/1/2022 12:00:00 AM GMT+7

Giá trị, sức sống của con đường cứu nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam

TTBD - Ban biên tập website giới thiệu đến bạn đọc bài viết "Giá trị, sức sống của con đường cứu nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam" của ThS.Nguyễn Thị Mai - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương.

21 tuổi – Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã chọn cho mình một lối đi rất riêng, khác xa sự lựa chọn của những người yêu nước đương thời cả về hướng đi, cách đi và mục đích ra đi, chọn cho mình cách trải nghiệm thực tế ở 3 châu lục, 4 đại dương, tự mình tìm một con đường cho cả dân tộc để tha mãn một ham muốn Ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(). Và Người đã tìm thấy con đường cứu nước cho toàn thể dân tộc Việt Nam – con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (con đường cách mạng vô sản).
Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi đất nước đang chìm trong đêm trường nô lệ, con đường cứu nước bế tắc không lối thoát, các cuộc khởi nghĩa bị dìm trong bể máu, thì việc Nguyễn Ái Quốc bắt gặp Luận cương của Lênin được ví như “cẩm nang” để giải phóng dân tộc, việc Người quyết định lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho dân tộc Việt Nam được xem là hành động vô cùng sáng suốt để “Vạch đường đi cho cách mạng Việt Nam”, tạo nên bước ngoặt cho lịch sử dân tộc Việt Nam. Người rút ra những lý luận cách mạng phù hợp với con đường cách mạng Việt Nam. Thứ nhất, Người đã xác định rõ đâu là kẻ thù của dân tộc, của giai cấp và phải chĩa họng súng vào đúng kẻ thù. Thứ hai, bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa giúp Nguyễn Ái Quốc thấy được động lực to lớn của cách mạng  Việt Nam là toàn thể dân tộc, trong đó nòng cốt là giai cấp công nhân và nông dân. Thứ ba, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy hướng đi của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa mà Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa vạch ra, đó là: Con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người. Cách mạng Việt Nam vận động và phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản, hòa nhập vào trào lưu phát triển của thời đại, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, xóa bỏ áp bức dân tộc, áp bức giai cấp, giải phóng con người trên nền tảng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Những lý luận cách mạng đó được hiện thực hóa trong quá trình hoạt động thực tiễn tiếp theo của Người; đặc biệt, trong công cuộc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam, để chuẩn bị những tiền đề về tổ chức, lãnh đạo, lực lượng cách mạng thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận chủ nghĩa Mác – Lênin, lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc, phù hợp với điều kiện Việt Nam và sự tiến hóa của nhân loại, đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại, sau khi chọn con đường cách mạng vô sản cho dân tộc Việt Nam Bác đã ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng, ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Từ đây, dân tộc ta được đấu tranh vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - “nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám lật đổ chế độ thực dân phong kiến, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước dân chủ đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đã ra đời, đưa nước ta từ một nước nô lệ trở thành một nước tự do, đưa nhân dân Việt Nam từ thân những người nô lệ, vươn lên làm chủ đất nước, đây chính là sự kiểm chứng đầu tiên về tính đúng đắn của con đường mà Bác đã chọn cho dân tộc Việt Nam. Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, thù trong giặc ngoài đe dọa khắp nơi, vận mệnh nước ta rơi vào tình thế “như ngàn cân treo sợi tóc”, trước tình thế đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên định con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vào những thời điểm lịch sử quan trọng Bác và Đảng đã đưa ra những quyết định lịch sử sáng suốt, vừa có tính nguyên tắc, vừa mềm dẻo và linh hoạt giúp dân tộc vượt qua thời đoạn hiểm nghèo làm nên thắng lợi của Điện Biên Phủ năm 1954, sau đó là đại thắng mùa xuân năm 1975.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình trên thế giới diễn ra mau lẹ và khó lường, đặc biệt từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt, phủ nhận mọi thành quả của cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác – Lênin - nền tảng tư tưởng của cuộc cách mạng vĩ đại. Có thể nói chủ nghĩa xã hội hiện thực tạm thời lâm vào thoái trào nhưng sức sống của chủ nghĩa xã hội không hề bị lu mờ. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một số nước vẫn tiếp tục phát triển và phong trào cánh tả phát triển mạnh mẽ ở một số nước Mỹ La tinh...
 Ở Việt Nam, nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học sau sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết, kiên trì khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.  Nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa luôn được thấm nhuần trong tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân Việt Nam; Từ Đại hội VI năm 1986, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trở thành bài học đầu tiên được Đảng rút ra tại Đại hội lần thứ VII (1991), đó là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt trong quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc”. Tiếp đó, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII nhấn mạnh: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn. Xét trên tổng thể, việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới những năm qua về cơ bản là đúng đắn, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội Đảng lần thứ IX cũng tiếp tục khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ X (2006) của Đảng khẳng định nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn với 8 đặc trưng cơ bản; đồng thời, nhấn mạnh bài học số một là: Trong quá trình đổi mới, phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung,  phát triển năm 2011) tại Đại hội XI của Đảng (2011) đã rút ra 5 bài học cơ bản và tiếp tục nhấn mạnh bài học đầu tiên như đã nêu trong các văn kiện đại hội; đồng thời, khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Cương lĩnh nêu những nội dung cơ bản của con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; bổ sung, phát triển những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng với 8 đặc trưng cơ bản, 8 phương hướng cơ bản và những mối quan hệ lớn cần phải nắm vững và giải quyết tốt trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều đó cũng khẳng định rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc và là hai mặt không thể tách rời của con đường phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, Đảng ta vẫn luôn kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, bên cạnh quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng và đối ngoại, Đảng ta rất chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, để thực sự Đảng là đạo đức, là văn minh, để tiếp tục lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo dân tộc đi theo con đường mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam – Con đường cách mạng vô sản.
Như vậy, có nhiều yếu tố tạo nên sự khác biệt trong con đường cứu nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam, hiện nay đất nước đang “trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là người tìm đường, mở đường, dẫn đường mà tư tưởng của Người còn mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam trong cuộc hành trình tới độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Tác giả
Th.S Nguyễn Thị Mai
Khoa lý luận cơ sở
Trường chính trị Bình Dương
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII;
2. Nguyễn Văn Đạo (2016) Sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh từ 1890 đến 1930,– Tp.Hồ Chí Minh:  Nxb. Tổng hợp Tp.HCM;
3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình TCLLCT, Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận Chính trị;
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2012), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 1, tập 4, tập 7;
5. Tạp chí Sự kiện và Nhân chứng số 41/ 1997;
6. Trần Dân Tiên (1970), Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54859448
Hôm nay: 17424
Đang online: 44
Về đầu trang