9/2/2021 12:00:00 AM GMT+7

Giá trị lý luận và thực tiễn Bản tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2021), Tuổi trẻ Bình Dương trân trọng giới thiệu bài viết "Giá trị lý luận và thực tiễn Bản tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Th.S Nguyễn Thị Lê Vân - Giảng viên Trường Chính trị Bình Dương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà tư tưởng lỗi lạc. Bản Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo và công bố trước toàn thể đồng bào và toàn thế giới vào ngày 02/9/1945 là một tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử, pháp lý mà còn có giá trị nhân văn về quyền con người và quyền dân tộc.

 

Sau ngày phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), cao trào kháng Nhật, cứu nước của nhân dân ta với các cuộc đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và khởi nghĩa từng phần đã liên tiếp nổ ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước và đã hình thành nên nhiều căn cứ địa cách mạng ở nhiều nơi trên toàn quốc. Toàn Đảng và toàn dân ta đang tích cực chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa khi thời cơ xuất hiện. Với nhãn quan chính trị sâu sắc và dự đoán tình hình thời cuộc trong và ngoài nước hết sức tài tình, Hồ Chí Minh đã dự liệu một cách chắc chắn, cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giành được thắng lợi rực rỡ, ngày độc lập của đất nước đã hiện ra. Bởi vậy, khoảng giữa tháng 5 năm 1945, Hồ Chí Minh đã yêu cầu trung úy John, sĩ quan báo vụ của Cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ (OSS) đặt cơ sở tại căn cứ địa Việt Bắc, điện về Côn Minh (Trung Quốc) đề nghị Bộ Tư lệnh không đoàn số 14 của Mỹ đóng tại đây thả dù cho Người một quyển Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Đây có thể được xem là bước chuẩn bị đầu tiên của Hồ Chí Minh cho việc viết bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta vào mấy tháng sau đó. Từ tháng 5 đến tháng 8-1945, phong trào cách mạng ở nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ.


Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Chiều ngày 25-8-1945, Hồ Chí Minh về ở tại ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội. Sáng ngày 26-8, Người đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng thống nhất việc soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa. Trong hai ngày 28 và 29-8, Hồ Chí Minh tiến hành soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 30-8, Người mời một số đồng chí ở Trung ương Đảng đến trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập. Ngày 31-8, Người bổ sung một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2-9-1945, lúc 14 giờ, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại mới của lịch sử dân tộc - thời đại đất nước độc lập, nhân dân được làm chủ xã hội và cuộc sống của mình.


Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh được soạn thảo và được tuyên bố trước thế giới trong tình hình cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi trên cả nước, nhưng nền độc lập của dân tộc đứng trước nhiều thách thức mới của tình hình quốc tế và trong nước.


1. Giá trị lý luận của Tuyên ngôn độc lập


Bản Tuyên Ngôn độc lập là một bản tổng kết và phân tích về quyền con người, quyền của các dân tộc trên thế giới – như là cơ sở công pháp quốc tế - chân lý của nhân loại – mà “không ai có thể vi phạm được”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập" đúng vậy Việt Nam cũng như bao dân tộc yêu nước, chuộng hòa bình khác trên thế giới đều được hưởng tự do và độc lập.


Trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã khái quát và nâng cao những những giá trị bất hủ, tiến bộ của nhân loại về quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm tư duy sâu sắc khi trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (1) ("Tuyên ngôn Độc lập" năm 1776 của Mỹ. Bản Tuyên ngôn này tiêu biểu cho nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa ở Bắc Mỹ đấu tranh để giành lại độc lập, tự do cho nhân dân Mỹ lúc bấy giờ. Vận dụng tinh thần, tư tưởng tự do, bình đẳng - tiêu biểu cho nguyện vọng độc lập, tự do của nhân dân Mỹ, khi soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích một câu trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, khẳng định quyền bình đẳng, tự do và độc lập của nhân dân Việt Nam); và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập" bởi lẽ "người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (2) (“Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Cách mạng Pháp năm 1791. Bản Tuyên ngôn cũng thừa nhận quyền bình đẳng của mọi người trước pháp luật, quyền chống áp bức. Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp đã có ảnh hưởng lớn tới cuộc đấu tranh của nhân dân các nước đang chống chế độ phong kiến lúc bấy giờ. Nhưng khi đã giành được quyền thống trị, giai cấp tư sản đã phản bội lại các nguyên tắc tự do, bình đẳng, bác ái ghi trong Tuyên ngôn. Chúng ra sức áp bức bóc lột nhân dân trong nước và lợi dụng chiêu bài "khai hoá văn minh" để tiến hành chiến tranh xâm lược nhằm thống trị và nô dịch các thuộc địa, trong đó có nước Việt Nam ta). Quyền bình đẳng ấy là “những quyền không ai có thể xâm phạm được. Lập luận của người vô cùng sắc sảo khi dẫn hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ đầu tác phẩm, từ đó có cơ sở lập luận để khẳng định quyền hưởng độc lập, tự do là quyền lợi chính đáng, hợp với đạo lý và pháp lý của dân tộc Việt Nam.


Theo Người, những quyền đó của con người là thiêng liêng, cao cả, nhưng quyền con người phải nằm trong quyền dân tộc và không tách rời quyền của dân tộc. Tự do và hạnh phúc của cá nhân chỉ có thể đầy đủ khi quyền dân tộc được thực hiện hoàn toàn. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh suy rộng ra, nói đến quyền tự quyết của mọi dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (3) . Lẽ phải ấy không ai chối cãi được và vô cùng thiêng liêng. Sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp thống trị, lời tuyên bố “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” biểu hiện niềm tự hào dân tộc và khát vọng độc lập, tự do của đất nước và con người Việt Nam. Đó là một đóng góp to lớn về lý luận của Hồ Chí Minh với nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng.


Tuyên ngôn độc lập nêu bật bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân. Dân tộc Việt Nam đã bền bỉ đấu tranh chống sự thống trị và nô dịch của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới và đã thắng lợi. Sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân trên thế giới trong thế kỷ XX là thành công vẻ vang của loài người, trong đó có sự đóng góp to lớn của dân tộc Việt Nam.


Tuyên ngôn độc lập cũng nói rõ quyền bình đẳng của các dân tộc phải được công nhận trên cơ sở tôn trọng các giá trị nhân loại và các nguyên tắc tiến bộ của nhân loại. Lịch sử cho thấy, quyền tự do và bình đẳng là lý tưởng nhân văn của xã hội loài người từ khi có giai cấp. Đấu tranh cho các quyền tự do và bình đẳng của con người, của mỗi dân tộc là mục tiêu nhăn văn, là lý tưởng của nhân loại tiến bộ. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp.


2. Giá trị thực tiễn Tuyên ngôn độc lập


Bản Tuyên ngôn độc lập được tuyên bố trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam mới: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sự ra đời của nó trên cơ sở đã chống lại sự thống trị của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phát xít phản động và tàn bạo, đã lật đổ chế độ phong kiến lạc hậu, lỗi thời, đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại. Hồ Chí Minh đã khái quát được hết hoàn cảnh ra đời của nước Việt Nam, thành quả đấu tranh của toàn thể dân tộc: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa” (4).


Tuyên ngôn độc lập biểu thị rõ kết quả hiện thực của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc và sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta. Đồng thời, biểu thị tổng hợp các giá trị của cuộc đấu tranh anh dũng của toàn thể nhân dân Việt Nam, phát huy được truyền thống đoàn kết, hào hùng của dân tộc. Người chỉ rõ: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” (5) .


Tuyên ngôn độc lập khẳng định dân tộc Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sẽ quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do mới giành được. Kết thúc bản tuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh đưa ra những lời lẽ với một quyết tâm sắt đá: ““Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”” (6). Đó như một lời thề thiêng liêng, dù có khó khăn, gian khổ đến đâu thì dân tộc Việt Nam cũng sẽ đoàn kết, tạo nên sức mạnh để chiến đấu, bảo vệ nền độc lập, dân chủ không một kẻ thù nào có thể khuất phục được.


Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị to lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn trong quá trình phát triển đất nước Việt Nam và của nhân loại. Đến nay đã 76 năm trôi qua nhưng mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa sâu sắc về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc. Đó cũng là mục tiêu, lý tưởng mà mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều hướng đến.


Tuyên ngôn độc lập đã thực tỉnh, lay động, cỗ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, tinh thần đoàn kết của dân tộc tạo nên sức mạnh vô địch bảo vệ vững chắc nền độc lập dân dân tộc, quyền tự do của nhân dân.


Phát huy tinh thần của bản Tuyên ngôn độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chính Minh, dân tộc Việt Nam đã đoàn kết nhất trí vượt qua khó khăn, thách thức đã đánh thắng các thế lực ngoại xâm giành lại độc lập, tự do thật sự cho nhân dân, thống nhất đất nước Nam Bắc sum họp một nhà. Hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng và đóng góp công sức, trí tuệ của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhân dân, chúng ta không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà còn xây dựng đất nước ngày càng phát triển.


Hiện nay công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi. Hơn bao giờ hết chúng ta càng phải trân trọng, phát huy giá trị to lớn trong bản Tuyên ngôn độc lập, là cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc để tiếp tục đạt được những thắng lợi và thành công trong công cuộc đổi mới.


Trong giai đoạn hiện nay tình hình dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt các tỉnh miền Nam trong đó có Bình Dương đang ngày đêm chống chọi với căn bệnh này. Sức mạnh của lòng dân và tinh thần đoàn kết đã làm nên chiến thắng Cách mạng tháng Tám. Phát huy tinh thần của bản Tuyên ngôn độc lập, trong trận chiến chống dịch Covid - 19 hiện nay, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” toàn thể dân tộc hãy đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, nêu cao ý chí quyết tâm của mỗi người “mỗi người dân là một chiến sĩ” cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh, vượt qua khó khăn gian khổ để tất cả mọi người được bình an, được trở lại trạng thái bình thường.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr.1

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr.1.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr.1.

 

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.chính trị quốc gia, t. 4, tr.3.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.chính trị quốc gia, t.4, tr.3.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.chính trị quốc gia, t.4, tr.3 - 4.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. PGS.TS Phạm Ngọc Anh (chủ nhiệm) Giáo trình phần chuyên ngành Hồ Chí Minh học: Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ. Hà nội -2013.


2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011


3. Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb. Lý luận Chính trị, H. 2006.


4. Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: “Hồ Chí Minh với sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2010.

 

Th.S Nguyễn Thị Lê Vân - Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương (MT)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54859409
Hôm nay: 17385
Đang online: 41
Về đầu trang