5/1/2022 12:00:00 AM GMT+7

Cội nguồn nuôi dưỡng ý chí cứu nước của Bác Hồ kính yêu

TTBD-Ban biên tập website giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Cội nguồn nuôi dưỡng ý chí cứu nước của Bác Hồ kính yêu” của Th.S Nguyễn Thị Mai - Giảng viên Khoa lý luận cơ sở, Trường chính trị tỉnh Bình Dương.

Quê hương – nơi hình thành ý chí cứu nước
Sinh ra trên mảnh đất xứ Nghệ, đây là nơi Bác đã gắn bó tuổi thơ của mình, là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sinh ra nhiều nhân vật yêu nước nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Việt Nam như Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu; Phan Bội Châu... là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm nên Người đã sớm cảm nhận được độ “nóng” của các phong trào đấu tranh chống Pháp; Người đã thấu hiểu được thế nào là tình yêu quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn. Đó cũng là những điều kiện rất tốt sớm nuôi dưỡng, hun đúc tình cảm và tư tưởng yêu nước, thương nòi của Người và hình thành trong Bác chủ nghĩa yêu nước.
Nhìn lại lịch sử và bằng những trãi nghiêm thực tế sau này Bác đã đúc kết lại: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”, cũng chính chủ nghĩa yêu nước đã sớm truyền vào người thanh niên trẻ lòng yêu nước và khát vọng giải phóng đất nước.
 Nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước ở Việt Nam là sự liên kết cộng đồng chặt chẽ giữa nhà, làng, nước để bảo vệ non sông đất nước, bảo vệ độc lập thống nhất dân tộc, bảo vệ cuộc sống cộng đồng và sự trường tồn của nền văn hóa dân tộc. Đối với người Việt Nam, “nước” phải gắn chặt với “dân” và chủ nghĩa yêu nước mang nội dung nhân dân sâu sắc, “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Lật thuyền mới biết dân như nước” là câu nói mà Nguyễn Trãi đã đúc kết qua thực tiễn 10 năm theo phò Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc qua quá trình trải nghiệm thực tiễn phong phú, dõi theo người xưa, nhìn vào thực tại đã khẳng định rằng ái quốc phải là ái dân: “Nước lấy dân làm gốc/ Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” và trong thời đại Hồ Chí Minh “Lòng dân - Vận nước” vẫn là một tất yếu, trong đó lòng dân là “nhân”, vận nước là “quả”.
Dĩ nhiên, ở mỗi thời đại, chủ nghĩa yêu nước còn bị chi phối bởi hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Dưới chế độ phong kiến, do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo nên “ái quốc” phải gắn liền với “trung quân”, nhưng khi chế độ phong kiến đã suy tàn, hệ tư tưởng phong kiến trở nên lỗi thời, lạc hậu, phản động… thì “trung quân” cũng trở nên bảo thủ và đối lập với chủ nghĩa yêu nước chân chính. Thực tế, những bế tắc và thất bại của phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX theo khuynh hướng phong kiến đã chứng tỏ sự phá sản của chủ nghĩa trung quân và hệ tư tưởng phong kiến. Nguyễn Tất Thành sinh ra trong một gia đình nhà nho nhưng không bị ràng buộc bởi tư tưởng trung quân như một số trí thức đương thời. Chủ nghĩa yêu nước ở Người vừa kế thừa tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, vừa bao hàm một tinh thần đổi mới phù hợp với yêu cầu giải phóng dân tộc và xu thế của thời đại. Quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Người mang ý nghĩa đó.
Như vậy, ngay từ khi còn rất trẻ, nếu như những trí thức yêu nước và nhiều phong trào yêu nước lúc đó vẫn trung thành với “ái quốc” là phải “trung quân”, và đánh Pháp dựa trên lập trường của giai cấp phong kiến, mang khuynh hướng phong kiến, thì chủ nghĩa yêu nước trong con người Nguyễn Sinh Cung đã mang một hơi thở mới, màu sắc mới: “ái quốc” là “ái dân”.
Dấu ấn người cha
 Bác sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, gần gũi với nhân dân. Cha của Người là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đây là người thầy đầu tiên của Nguyễn Sinh Cung - dạy chữ, dạy làm người và giáo dục lòng yêu nước cho con. Trong gia đình, Nguyễn Sinh Cung là người được cha yêu thương và đặt nhiều hy vọng nhất. Trong 5 năm từ chối không ra làm quan, Nguyễn Sinh Sắc thường đến những nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi và kết giao với những người có lòng yêu nước, có chí cứu nước, đặc biệt là lớp sĩ phu yêu nước, có tư tưởng bài trừ phong kiến, chống Pháp như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân… Và điều đặc biệt, đi đến đâu ông cũng thường cho Nguyễn Sinh Cung đi cùng. Trong những người mà ông Sắc thường gặp gỡ có ông Phan Bội Châu, giống như nhiều nhà nho yêu nước lúc bấy giờ, Phan Bội Châu cũng day dứt trước tình cảnh đất nước và số phận của dân tộc. 
Việc định hướng của người cha thể hiện ngay ở quyết định cho con đến học một thầy giáo giàu lòng yêu nước thương dân đó là thầy Vương Thúc Quý, đặc biệt đây là sĩ phu có tư tưởng cấp tiến. Hơn nữa, nhà thầy Quý là nơi lui tới của các sĩ phu yêu nước trong vùng, nhiều khi Nguyễn Sinh Cung được thầy sai tiếp nước cho những vị khách đặc biệt, qua Bác dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất nhà tan.
Đồng thời, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tạo điều kiện cho con được “tham gia” vào các cuộc tiếp xúc của mình với các văn thân sĩ phu ở khắp Trung Kỳ. Sau đó, “Tất Thành còn được ông cho theo ra Thái Bình trong dịp ông đi tìm gặp một số sĩ phu ở đất Bắc”. Những chuyến đi đó là những cuộc trải nghiệm để Nguyễn Tất Thành định hình riêng cho mình con đường đi.
Với tư tưởng tiến bộ và chán ghét chốn quan trường, năm 1905, cụ Sắc cho hai người con trai của mình - là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung xuống Vinh học trường Tiểu học Pháp - bản xứ. Đây là một quyết định được cho là khác người của cụ, bởi vào trường này là phải học chữ Pháp, trong khi cụ theo đuổi nền giáo dục truyền thống theo lối nho học (cụ đỗ Phó bảng năm 1901). Trong số các sĩ phu yêu nước thời đó, họ ghét Pháp thì ghét luôn cả thành tựu văn hoá Pháp, không muốn cho con cái theo học chữ Tây, chữ Quốc ngữ. Chính tại ngôi trường này, Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với văn hoá phương Tây và lần đầu tiên biết đến khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Ngoài thời gian học tập, Nguyễn Tất Thành thường được cha đưa đến các vùng trong tỉnh như làng Đồng Thái (quê hương của Phan Đình Phùng), thăm các di tích làng Lục Niên, miếu thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp,… Đây là những bài học thực tế bổ ích, quan trọng, mắt thấy, tai nghe đã góp phần hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành. Tháng 9/1905, ông Sắc đã cho con nhập học lớp dự bị của trường tiểu học Vinh với chương trình đào tạo nặng nề về tiếng Pháp. Rõ ràng chủ ý của ông lúc này là muốn cho con tiếp xúc với văn minh phương Tây mà trực tiếp là văn hoá Pháp với lý lẽ: “Muốn đánh kẻ thù phải học tiếng kẻ thù để hiểu được kẻ thù”. Tiếp đó, từ năm 1906 đến 1908, khi vào nhậm chức ở Huế, Nguyễn Sinh Sắc đã cho hai con cùng đi và cho con tiếp tục học ở trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba và Trường Quốc học Huế.
Sự giáo dục của gia đình đặc biệt là của người cha không chỉ truyền cho Bác trí tuệ, học vấn mà còn hình thành lòng yêu nước, chí khí mạnh mẽ và động lực vượt qua mọi gian nan để vươn tới sự nghiệp lớn cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc.
Như vậy, khác với nhiều thanh niên yêu nước cùng thời, Bác đã nhận được sự định hướng rất sớm từ người cha của mình, chọn lựa môi trường học tập thay vì đi theo nho giáo và khoa bảng, Bác được học tập với môi trường văn hóa phương Tây, được tiếp xúc với các nhân sĩ trí thức yêu nước đương thời, được tham quan những vùng đất địa linh nhân kiệt, được hòa mình trong cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, được tham gia đấu tranh và chứng kiến kết quả của những lần tranh đấu, với trái tim và trí tuệ của mình, Nguyễn Sinh Cung đã có cho mình những dự định riêng về con đường cứu nước của dân tộc.
Th.S Nguyễn Thị Mai
Khoa lý luận cơ sở
Trường chính trị Bình Dương
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII;
2. Nguyễn Văn Đạo (2016) Sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh từ 1890 đến 1930,– Tp.Hồ Chí Minh:  Nxb. Tổng hợp Tp.HCM;
3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2014), Giáo trình TCLLCT - HC, Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận Chính trị.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Gửi bình luận
Nhập thông tin của bạn
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.
Trần Thị Diễm Trinh (Trưởng ban)
Nguyễn Minh Sơn (Phó ban TT)
Nguyễn Thành Lâm (Phó Ban)
Lượt truy cập: 54859887
Hôm nay: 143
Đang online: 57
Về đầu trang